Chi tiết tin tức

Một mảnh đời

10:38:00 - 21/10/2015
(PGNĐ) -  Cái chết đã đến rất gần với cô hàng xóm của tôi, không tính bằng tháng, bằng tuần mà đã phải tính bằng ngày, bằng giờ. Làm sao giúp cô ấy trong giờ phút sanh tử này, tôi trầm tư suy nghĩ. Chợt nhớ đến lời Đức Phật Thích-ca Mâu-ni dạy trong kinh Vô Lượng Thọ về mười câu niệm danh hiệu Đức Phật A-di-đà trong phút lâm chung.

Hôm nay, tôi đến thăm cô Ba H., người hàng xóm, mới từ bệnh viện Ung bướu. trở về. Dù là thầy thuốc, đã chứng kiến biết bao nhiêu là bệnh tật, chết chóc của đồng loại nhưng tôi vẫn thật sự giật mình vì sự tàn phá của căn bệnh ung thư phổi đối với cô ấy. Nếu không đến tận nhà, tôi chẳng cách nào nhận ra người hàng xóm vốn quen biết bấy lâu. Toàn thân cô ấy sưng phù, da tái mét, khuôn mặt bị biến dạng, cằm, môi, gò má chảy xệ xuống do phải ngồi quá nhiều. Lúc tôi đến, thấy cô chúi người về phía trước, hai tay chống xuống thanh giường, gục đầu khó nhọc hít từng hơi thở, hàng đống gối chất phía sau lưng cho cô tựa vào khi quá mỏi; người nhà bảo đã nhiều ngày cô không nằm vì nằm xuống là rất mệt, khó thở. Do bệnh đã đến giai đoạn cuối và tiền bạc cạn kiệt nên gia đình xin cho cô xuất viện về nhà chờ chết. Tôi không biết phải nói gì, lặng lẽ trao hai hộp sữa, an ủi vài câu rồi từ giã ra về. Ở nhà, thắp nén hương thơm trên bàn thờ Phật, khấn nguyện xong, tôi ngồi suy tư, nhớ lại những chuyện đã xảy ra với người hàng xóm, thấm thía cách sống của một đời người và những hệ quả mang lại…

 *

… Hôm đó, lúc chờ nhận ca trực trưa ở bệnh viện, tôi ngồi bên hiên nhà tập thể nhìn người y tá cùng ca trực chế biến thức ăn trên sàn nước ngoài sân. Đang nói chuyện bâng quơ bỗng “ bịch” một tiếng, một con chim cu gáy từ trên trời sa xuống, rớt trước mặt anh ta. Con chim há miệng hớp hớp mấy cái, rung rung đôi cánh một chút rồi chết. Người y tá thích thú, cầm con chim lên, thốt “Đã quá, tự nhiên có thịt chim ăn”. Anh ta nhanh chóng nhổ lông con chim, làm thịt rồi bỏ chung vào nồi cá kho đang sôi trên bếp. Tôi chợt nhớ đến câu “chim sa, cá lụy” mà ông bà thường nói, bèn hỏi “ Bộ ông không sợ xui sao mà dám ăn thịt cái thứ chim sa, cá lụy như vậy?”. Người y tá nhún vai: “Thời chiến tranh, đạn vãi bom rơi trước mặt, tui còn không ngán, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ này, tui chẳng tin vào cái chuyện vớ vẩn đó”. Tôi thầm phục anh ta; đối với tôi, nói thật lòng, tôi nghĩ cũng ơn ớn; khi không ở trên trời một con vật rớt xuống trước mặt cái “bịch”, chết tươi… chỉ có kẻ cứng lòng, cứng dạ mới không xao động tâm.

 *

Lát sau, lúc anh ta đang ăn cơm thì có một chiếc xe jeep thắng gấp, ngừng trước nhà tập thể bệnh viện, ba người mặc sắc phục công an bước vào, bảo với tôi họ muốn tìm người y tá, mời về công an huyện phục vụ công tác điều tra. Khi gặp mặt, họ đọc quyết định xong, liền kè anh ta ra xe, nổ máy chạy đi mất dạng. Trước tình hình đó, tôi phải điều một y tá khác trực thế. Sau này mới biết, do anh ta lúc chưa chuyển về bệnh viện này đã lãnh nhiệm vụ làm thủ kho vật tư, thiết bị y tế huyện, thời gian sau, khi kiểm kê, mất rất nhiều tài sản trong kho nên cơ quan công an vào cuộc điều tra. Kể từ đó, mãi bốn năm sau tôi mới gặp lại anh ta…

 *

Cô Ba H., người hàng xóm của tôi, nghe kể tới đó, hồi hộp hỏi: “Rồi người y tá đó có ở tù không?”. Tôi cười xòa, đáp lại: “Không, anh ta đâu có tội gì đâu mà ở tù, sau khi điều tra xong, thấy sổ sách, tài sản phân minh và việc bảo vệ của Trung tâm Y tế huyện đã phục kích bắt được kẻ trộm đột nhập bằng cách cạy nóc nhà kho vào nên công an không giữ anh ta nữa. Nhưng do không thích tiếp tục phục vụ trong ngành y nên anh ta đã xin chuyển ngành. Tình cờ gặp nhau trên đường cách đây bốn năm, tôi mới biết anh ta đã chuyển về Sài Gòn, làm việc trong ngành công an, chuyên trách về săn bắt cướp.” Tôi nói thêm, anh ta bây giờ oai phong lắm. Cô Ba H. nghe xong, thở dài nhẹ nhõm: “Tưởng xui dữ, ai dè cũng không đến nỗi!”.

*

… Đó là câu chuyện tôi đã kể cho cô Ba H. người hàng xóm nghe cách đây gần năm năm khi cô chặn đường tôi hỏi ý kiến về việc có một con chim sẻ mùng một Tết bay vào nhà cô rồi té chết trên bàn tròn trong phòng khách, nhằm để trấn an cô. Nhờ nghe câu chuyện trên, cô Ba H. mới bớt lo lắng. Khi đã bình tĩnh, cô quay lại “cà khịa” với tôi, hỏi sao trong xóm, ai cũng được tôi tặng ảnh Phật mà tôi lại không tặng cho cô. Tôi chống chế: “Tại tôi thấy chị giàu, có nhà tường và chẳng bao giờ thấy đi chùa nên không nghĩ chị cũng cần ảnh Phật”. Cô chì chiết: “Ai bảo tôi giàu, cậu không thấy tôi ngồi cạo vỏ hột điều suốt ngày sao”. Rồi cô xuống giọng: “Thú thật, từ ngày con chim đó chết trong phòng khách đến nay, tôi thấy lo quá, nên muốn thờ Phật để Phật phù hộ cho tai qua nạn khỏi”. Tôi thấy mừng thầm trong lòng, đây là cơ hội để đưa Phật pháp đến với cô, dù là lý do nào, miễn chịu thờ Phật là tốt rồi; khi đã đến với đạo pháp thì những quan điểm sai lầm lúc đầu sẽ lần lần bị loại trừ. Tôi liền nhanh nhẩu hứa: “Tôi sẽ tặng ảnh Phật và lo luôn lư hương cho chị”. Cô vui vẻ chào giã từ.

Sau khi tặng khuôn ảnh Phật đã được thầy tôi chú nguyện, lư hương và giúp an vị ảnh Phật cho cô hàng xóm kết hợp với tặng đĩa, kinh sách xong, tôi khuyên cô nên đến chùa thường xuyên để được quý ni, quý sư hướng dẫn Phật pháp. Qua chú ý theo dõi, tôi thấy cuộc sống của cô ấy năm đó và về sau rất bình an cho đến cách nay gần ba năm. Không hiểu ma xui, quỷ khiến như thế nào mà cô bỗng thay đổi tánh nết, trở lại khó khăn như những ngày đầu mới dọn về ở xóm này và đặc biệt, cô quay lại công kích người tu hành trong chùa và những Phât tử ngoài đời, ngay cả tranh tượng Phật cô hỏi xin về thờ cũng dẹp đâu mất. Hễ đang ngồi chung, nghe ai bàn về Phật pháp, cô ấy liền đứng dậy, phủi quần cái rột, nói “Ăn cơm dưới đất, nói chuyện trên trời”, rồi ngoe nguẩy bỏ đi. Cô có cho một người chị ruột cất nhà sát bên nhà của mình, người chị cô rất tin tưởng Phật pháp, hay mở máy niệm Phật nghe; về sau, khi đã trở tánh, cô cấm người chị mở máy niệm Phật. Người chị than với tôi, tôi chỉ biết khuyên chị ấy nên niệm Phật thầm cho yên nhà, yên cửa. Chuyện trái tánh, trái nết của cô tôi có thể hiểu được vì hoàn cảnh gia đình cô rất đỗi thương tâm. Lấy chồng từ thuở hai mươi, lúc đó do chiến tranh, chồng cô đi lính không may tử trận, cô phải một mình ở nơi phố thị nuôi hai đứa con; con lớn, cô bước thêm bước nữa, ba năm sau người chồng đó lại lăn ra chết do bệnh ung thư gan; bốn năm sau, cô bước thêm một lần nữa, trong năm đó người chồng thứ ba lại bị mất mạng vì xe đụng. Kể từ đó, cô có một cách sống biệt lập, khó chịu với những người chung quanh, luôn soi mói, công kích người khác. Tuy không thích cô nhưng hàng xóm cũng thông cảm nỗi bực bội, khó chịu của cô là do hoàn cảnh không may đưa đến. Do tánh tình khó chịu của cô, tôi cũng ít tiếp xúc để tránh rắc rối mãi đến khi cô tự tìm tôi hỏi về việc chim chết trong nhà, tôi mới thường xuyên nói chuyện, hướng dẫn về đạo pháp. Nào ngờ cô đến với đạo pháp một thời gian, thấy yên ổn lại quay lại phỉ báng cả đạo và đời.

 *

Rồi đến cuối năm 2012, khi tin đồn ngày tận thế rộ lên, những tờ giấy phô-tô có nội dung tuyên truyền, một pháp sư Đài Loan nói về ba ngày trời đất tối đen, thay đổi không gian ba chiều thành bốn chiều gì đó được những người nhẹ dạ chuyền tay nhau đọc rồi cùng sợ hãi, cô ấy cũng sợ nên bớt chửi đạo, chửi đời. Có hôm, khi gặp tôi, cô hỏi tôi có sợ về lời tiên tri đó không. Tôi trả lời: “Tôi chẳng tin vào ba cái chuyện nhảm đó, thứ nhất, những lời tuyên bố đó không xuất phát từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam – là tiếng nói chánh thức, đại diện cho Phật giáo nước ta, thứ hai cái ông Pháp sư Đài Loan nào đó, nêu ông ta thật sự đắc đạo thì chẳng bao giờ nói những điều não loạn lòng người như thế, thứ ba nếu nhân loại bị tận diệt có chi mà sợ, ai cũng không thoát được thì lo chi cho mất công, phải tranh thủ mà tu để được về với Phật”. Cô nghe tôi nói, gật đầu: “Cậu nói nghe có lý”.

Rồi ba ngày dự đoán “tận thế” qua đi, thấy không việc gì xảy ra, cô càng công kích đạo pháp nhiều hơn đến nỗi những Phật tử xóm tôi thấy cô từ xa đã né mặt để cô khỏi tạo khẩu nghiệp. Tôi chỉ biết xót xa vì thấy một người đã từ bóng tối tìm ra nẻo sáng, nay lại bỏ đường sáng tìm vào chốn tối tăm, lòng tôi chỉ biết cầu mong một ngày nào đó cô hồi đầu, phản tỉnh, quay lại với chánh giác.

Sau một thời gian nhìn đời bằng đôi mắt hằn học, phỉ báng Chánh pháp, trước Tết năm rồi khoảng năm tháng, cô Ba H. bỗng cảm thấy không khỏe, ăn uống kém, người gầy sút, hay ho, khó thở nên đi khám bệnh ở TP.HCM, kết quả cho biết cô bị ung thư phổi giai đoạn muộn, kèm theo tràn dịch màng phổi, phải nhập viện. Sau một thời gian điều trị, bệnh đỡ, cô xin về quê ăn Tết, chừng trở lên thành phố điều trị tiếp, lúc đứng đón xe, bỗng cổ xương đùi của cô tự gãy, từ đó phải nằm một chỗ, việc sinh hoạt, điều trị càng thêm vất vả, đau đớn…

Không phải ngẫu nhiên mà ông bà ta thường nói “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Đó là câu nói được đúc kết từ kinh nghiệm đã trải qua biết bao  thế hệ, nói lên tầm quan trọng của nhân sinh quan; sống lạc quan, yêu đời thì con người sẽ được khỏe mạnh, còn ngược lại sẽ tự chuốc lấy bệnh hoạn. Các nhà khoa học ngày nay cũng có nhận xét tương tự, nếu luôn ở trạng thái trầm uất, con người dễ mắc bệnh tim mạch và ung thư, bởi nó gây rối loạn hoạt động và phát triển của tế bào trong cơ thể, sản sinh ra nhiều độc chất. Muốn có sức khỏe tốt, theo lời khuyên của các nhà khoa học, chúng ta nên vui vẻ, yêu đời. Những câu lạc bộ hướng dẫn “cười” đã xuất hiện ở nhiều nước với các kết quả khả quan đã minh chứng cho quan điểm đứng đắn đó.

Có nhiều người trong xóm khi thấy cô Ba H. mắc bệnh nan y, họ bảo do cô ấy công kích Phật pháp, chê bai kẻ tu hành nên bị trừng phạt. Riêng đối với tôi, tôi không nghĩ vậy. Chư Phật và chư Bồ-tát từ bi vô lượng, chỉ chuyên cứu vớt chúng sanh, có hại ai bao giờ. Tôi nghĩ, chính cách sống thiếu lòng yêu thương, hay công kích đồng loại của cô mới đưa đến khổ nạn như thế. Một người bạn tôi hay nói, nếu ta trao cho đời một đóa hoa, đời sẽ cho lại ta cả vườn hoa thơm ngát, nếu ta bắn vào đời một phát súng lục, đời sẽ nã lại ta bằng những loạt đại pháo. Tôi nghĩ, cô hàng xóm tôi cũng vậy, nhìn đời bằng đôi mắt đầy sân hận, nên phải nhận lại nhiều điều bất hạnh.

Chợt nhớ đến một đoạn trong bộ kinh Pháp Hoa, một hôm, Đức Phật ngồi lặng thinh, không giảng pháp, dù ba lần các Đại đệ tử xin Ngài rộng lòng chuyển pháp luân; mãi đến khi những người Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni tu hành không kiên định bỏ đi, Ngài mới bắt đầu giảng đạo, Ngài bảo những hạt lép đã hết, chỉ còn những hạt chắc mà thôi nên mới truyền pháp.

Nghĩ đến đoạn kinh trên, lòng tôi băn khoăn tự hỏi, phải chăng tôi đã sai khi dẫn dắt một người do sợ hãi vì mê tín (chim chết trong nhà) đến với Phật pháp để rồi người đó lòng tin không kiên định, từ bỏ Chánh pháp, tự tạo khẩu nghiệp nên rước khổ vào thân, hay tôi không lỗi chi bởi tôi chỉ là người chỉ đường, khách bộ hành phải tự thắp đuốc mà đi. Dẫu có hay không có lỗi, tôi vẫn thấy xót xa, nhìn một kiếp người sắp phải trôi lăn tiếp vào luân hồi sanh tử, khổ nạn trùng trùng đang chờ đợi một số phận đã mang quá nhiều nghiệt ngã. Ai sẽ cứu cô ấy bây giờ, khi chính tay cô tự buông rơi chiếc phao cứu sinh huyền diệu là Phật pháp…

Cái chết đã đến rất gần với cô hàng xóm của tôi, không tính bằng tháng, bằng tuần mà đã phải tính bằng ngày, bằng giờ. Làm sao giúp cô ấy trong giờ phút sanh tử này, tôi trầm tư suy nghĩ. Chợt nhớ đến lời Đức Phật Thích-ca Mâu-ni dạy trong kinh Vô Lượng Thọ về mười câu niệm danh hiệu Đức Phật A-di-đà trong phút lâm chung. Tôi như bừng tỉnh, vội mở tủ kinh sách, lấy máy niệm Phật mới thỉnh về, nhanh chóng mang đến nhà cô hàng xóm. Cố giúp một lần nữa xem sao, tôi vừa đi, vừa nhủ thầm, biết đâu. ■

 

HƯƠNG ĐỨC

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 186

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin