Chi tiết tin tức

Nhật ký đi chùa: Tập thắng

10:25:00 - 30/04/2016
(PGNĐ) -  Là người Phật tử, chúng ta đều biết nóng giận là điều không tốt và luôn muốn giảm thiểu hay trừ bỏ sự nóng giận để lòng được thoải mái và mọi người chung quanh cũng hưởng được những phút giây an bình hạnh phúc.

Như thông lệ, hôm nay là ngày Chủ nhật, tôi đi chùa Phật Quang để thiền tập, tụng kinh và nghe thuyết pháp. Trong thời pháp thoại, thầy Đăng Nhật hỏi Phật tử tại sao chúng ta có sự nóng giận, sự nóng giận từ đâu đến. Một Phật tử trả lời sự nóng giận là do tâm của mình mà có. Thầy lại hỏi thế thì cái tâm của mình đang ở đâu? Chúng ta thường nghĩ tâm đang nằm trong đầu, vậy khi người chết cái đầu không còn biết gì hết thì cái tâm nó đi đâu? Các nhà khoa học đã tốn biết bao công sức để tìm hiểu tâm hay đời sống tinh thần của con người nằm ở đâu trong bộ não nhưng tất cả đều thất bại. Tìm tâm không thấy, vậy thì sân hận hay sự nóng giận từ đâu mà ùa đến với ta vậy kìa. Câu hỏi thoạt nghe như đùa nhưng tìm được câu trả lời không phải là dễ. Ta biết rằng khi mắt thấy điều gì không vừa ý thì ta không vui lòng, hoặc tai nghe âm thanh khó chịu thì ta bực bội và từ sự không vừa lòng ấy dễ làm cho ta nóng giận. Như vậy sự nóng giận của chúng ta không có sẵn trong đầu mà nó được khởi lên khi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân tiếp xúc với mọi sự mọi vật bên ngoài khiến ta cảm thấy không vừa lòng.

Là người Phật tử, chúng ta đều biết nóng giận là điều không tốt và luôn muốn giảm thiểu hay trừ bỏ sự nóng giận để lòng được thoải mái và mọi người chung quanh cũng hưởng được những phút giây an bình hạnh phúc. Nếu chúng ta biết dừng lại ở giây phút đầu tiên khi tiếp xúc với những sự không vừa ý ấy thì sự nóng giận không còn cơ hội phát sinh. Hành động dừng lại ấy không khác gì một người lái xe trên đường khi thấy đèn đỏ bật lên thì đạp thắng cho xe dừng lại để tránh tai nạn và khỏi bị cảnh sát huýt còi.

Với ý nghĩa này, tôi ghi lại nhật ký thời pháp thoại hôm nay như là một bài học về sự tập thắng cho chính mình. Bạn đã quen đạp thắng khi tham gia giao thông trên những tuyến đường đầy xe cộ, nhờ đó mà bạn tránh được bao nhiêu rủi ro trên đường phố đông người, thì bạn cũng có thể tránh những sự buồn phiền hay sầu khổ trong cuộc sống chung đụng với biết bao nhiêu người khi bạn biết cách ứng xử trước những nghịch cảnh xảy ra khi thấy, khi nghe những sự vật   sự việc không vừa ý. Khả năng tập thắng thì ai cũng có nhưng cần phải tập cho thật quen để những lúc bất ngờ sẽ không còn bối rối, giống như phản ứng tự nhiên trong khi lái xe.

Có những ví dụ cụ thể xảy ra hàng ngày chung quanh ta. Chẳng hạn hôm nay bạn đi chùa hay đi chơi về thấy cảnh bề bộn khi vừa mở cửa bước vào nhà. Giày dép để lung tung, quần áo sách vở quăng bừa bãi. Bạn cảm thấy khó chịu và những vật trước mắt sẽ làm bạn bực dọc mà muốn bung ra những lời lẽ đầy bực tức. Rồi bạn đi lần vào phòng khách, vào bếp, vào phòng ngủ, vào buồng tắm. Nơi nào cũng luộm thuộm khó coi. Thế thì tâm của bạn duyên với những đồ vật mất trật tự ấy mà khởi lên sự bực dọc rồi sự bực dọc ấy bảo cái miệng của bạn phải lớn tiếng cho mọi người biết là bạn đang bực tức; hoặc nếu không, nó biểu hiện trên khuôn mặt nhăn nhó khó coi của bạn. Cơn nóng giận ấy có thể bùng lên thành ngọn lửa sân hận sẵn sàng thiêu đốt không khí êm ấm của gia đình. Nhưng nghĩ cho cùng thì sự nóng giận ấy không nằm ở trong đám giày dép, áo quần lộn xộn kia. Nó không nằm ở trong con cái hay người trong nhà. Cũng không phải do mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của bạn. Không do sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp bên ngoài. Càng không phải vì sự biết của nhãn thức cho đến ý thức… mà sinh ra nóng giận.

Chúng ta vẫn biết sự nóng giận là không tốt và có thể đưa đến những hậu quả khôn lường. Cũng vì nó mà con cái của bạn có thể chạy trốn hết vào phòng đóng cửa lại để khỏi nghe tiếng la rầy quát tháo, hoặc có thể chúng tìm cách đi ra khỏi nhà để tránh cơn nóng giận của bạn đang ùa đến chực phủ chụp lên đầu. Tệ hại hơn nữa, nó có thể đưa đến cãi vã to tiếng giữa vợ chồng con cái. Thế thì sao ta không tập dừng ý thức lại trước khi những sự không hay ấy xảy ra; tức là ta sẽ không tác ý vào những gì tai nghe mắt thấy. Vấn đề   là làm thế nào để dừng ý thức? Phật pháp dạy rằng   ta phải lấy lòng từ bi để đối trị với sân hận. Thay vì xét nét sự việc đang diễn ra, ta có thể bắt đầu nghĩ đến hình ảnh từ hòa của Đức Bổn sư, nhắc lại trong tâm bài kinh Từ bi, nghĩ đến hình ảnh những đứa con lúc chúng còn thơ dại. Thế rồi, bạn có thể hít một hơi thở thật dài và tự nghĩ là để lát nữa mình khỏe rồi dọn dẹp cũng không muộn. Hoặc có thể bạn vui vẻ bảo con cái dọn dẹp lại cho sạch sẽ dễ coi. Lời nói ôn hòa và nhã nhặn chắc chắn sẽ có một tác động tích cực hoặc ít ra cũng không tạo một không khí căng thẳng trong gia đình.

Như vậy, tập thắng là bài học căn bản để chúng ta thực hành hạnh không sân hận. Tôi nghĩ đến một thành ngữ tiếng Việt rất hay để áp dụng trong trường hợp này. Chúng ta thường nói cuộc sống chung quanh ta có biết bao nhiêu điều “trái tai gai mắt”. Như vậy, phần lớn những điều không vừa ý đều đến từ tai và mắt. Tai nghe âm thanh khó chịu, mắt thấy sự vật khó coi… thì những cái khó chịu khó coi ấy đến với ta khi tiếp xúc với mọi sự vật mà thuật ngữ Phật giáo gọi là sáu trần.

Khi mắt tai tiếp xúc với trần cảnh bên ngoài mà ta không tác ý đem ra mổ xẻ, phân chia, thương ghét thì đường vào ác đạo chấm dứt từ đây. Nói nghe đơn giản nhưng bạn và tôi chưa chắc đã làm được trong mọi tình huống. Tôi được biết, muốn tạo thành thói quen, mọi việc đều phải rèn luyện. Khi thiền định, tôi có thể đem vấn đề này làm đề mục quán chiếu của mình và tôi tin là mình sẽ quen dần với việc lập tức khởi lòng từ mỗi khi tiếp xúc với việc bất như ý. Và tôi tự nhủ lòng, hãy cố gắng tập thắng thường xuyên, cho đến khi có được phản ứng tự nhiên như khi chúng ta lái xe trên đường phố một cách thong dong an toàn tự tại.

Ta nghe thấp thoáng lời Phật dạy:

Ai chế ngự được tâm sân đang phát sanh, Như hãm một chiếc xe đang ngon trớn, Như Lai gọi là người đánh xe thật sự, Những kẻ khác chỉ là người cầm cương. •■

 

DIỆU NGỘ

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 196

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin