Chi tiết tin tức

Sau cơn giận

17:03:00 - 12/01/2016
(PGNĐ) -  Đã từ lâu thầy cô giáo thường tự ví mình như những kẻ đưa đò. Phải chăng dạy học là một nghề bội bạc?

Trong đời người, chúng ta ai mà chẳng ấp ủ hình ảnh một người thầy kính yêu. Với tôi, người đó là thầy Hồng Giũ Lưu. Vào niên khóa 1963-1964 tôi đang học lớp Đệ nhất, tương đương với lớp 12 bây giờ. Thầy Hồng Giũ Lưu dạy môn Toán và cũng là giáo sư hướng dẫn lớp tôi, lớp Đệ nhất B5.

Thầy tôi còn trẻ lắm, tuổi đời chưa đến ba mươi. Thầy có làn da trắng mịn, dáng người nho nhã thư sinh, nhưng thầy có đôi mắt sắc ẩn dưới cặp chân mày rậm càng làm tăng thêm nét nghiêm nghị của thầy. Với thầy, tôi có nhiều kỷ niệm khó quên. Một lần đang “say sưa giấc nồng” trên… bàn học, bỗng nhiên tôi giật mình khi nghe tiếng thầy gọi: “ Anh Ngà dậy mà về cho, ngủ luôn ở đây sao?”. Câu nói của thầy cũng khiến cả lớp cười rần lên. Tôi chưa kịp hoàn hồn thì thầy đã vừa mỉm cười vừa ôn tồn bảo với cả lớp: “Tôi đã thấy anh Ngà ngủ gật nhiều lần nhưng tôi không nói. Các anh có thấy đó không? Thức đêm nhiều là không có lợi”. Ngượng chín cả người, nhưng tôi hết sức cảm động về thái độ bao dung của thầy. Mấy hôm sau, bạn Nguyễn Ngọc Ngoạn là liên đội trưởng của lớp báo cho tôi hay rằng thầy hướng dẫn dặn tôi lên văn phòng gặp thầy vào giờ ra chơi. Thật bất ngờ, thầy thân mật hỏi chuyện về gia cảnh của tôi. Tôi trình bày với thầy về thực trạng nghèo khó của mình; mỗi tối phải đi dạy kèm để kiếm tiền ăn học. Thầy chân tình an ủi, động viên tôi. Thầy bảo không nên phí sức quá, như thế sẽ có hại cho việc học; gần đến kỳ thi rồi. Thầy trao vội cho tôi một cái gói bọc trong giấy nhật trình. Thầy bảo đây là quà Tết của thầy tặng cho tôi. Đó là một xấp vải quần tây. Tôi đưa hai tay ra đỡ gói quà, và nói lời cám ơn trong niềm xúc động.

Một buổi sáng gần kết thúc năm học. Ba tiếng chuông báo hiệu hết giờ chơi. Vừa bước chân vào, những cặp mắt tinh nghịch đã đổ dồn về cuối lớp: Một tấm ván treo toòng teng đang đong đưa; đó là phần trên của mặt bàn học được máng vào cái móc sắt quạt trần qua cái lỗ “godet”2. Đang hò hét đùa giỡn thì thầy Lưu cũng vừa xuất hiện. Mọi người nín thở. Không dằn được cơn thịnh nộ, thầy quát lớn: “Ai đã bày cái trò phá hoại này đây? Nếu các anh không thích tôi dạy nữa thì cứ nói thẳng ra. Tôi sẵn sàng chiều ý”. Mặt đỏ gay, thầy vẫn đứng bất động khiến chúng tôi càng lo sợ. Thầy ném mạnh viên phấn xuống sàn rồi nghiêm giọng: “Hôm nay các anh khỏi phải học, cứ đứng vậy cho đến hết giờ”. Rồi thầy ngồi vào bàn, vẫn yên lặng, đôi mắt vẫn không rời chúng tôi. Lát sau, bỗng nhiên nét mặt thầy dường như giãn ra; rồi thầy dịu giọng: “Thôi! Cho các anh ngồi xuống! Hôm nay tôi rất tiếc là phải bỏ mất một giờ để nói chuyện với các anh. Và từ rày về sau tôi sẽ không bao giờ nói động đến các anh nữa”. Lớp học im phăng phắc. Thầy buông tiếng thở dài và bắt đầu vào chuyện: “Đêm nằm, tôi tính đi tính lại thì cả lớp mình số người đỗ kỳ này không quá mười đầu ngón tay. Mà các anh lại học hành kiểu này thì chắc chắn sau kỳ thi sẽ có nhiều người “lên đường”, điều mà gia đình các anh và chính các anh cũng không bao giờ muốn”. Thật vậy, bấy giờ chúng tôi đang sống vào thời buổi dầu sôi lửa bỏng. Chính trường miền Nam đang hồi sôi động, và chiến trường cũng bắt đầu ác liệt. Thế nên màu áo thư sinh cũng sẵn sàng được thay bằng màu áo trận: “Ta hỏng tú tài, ta đợi ngày đi!”. Rồi thầy bồi hồi nhắc lại cái tuổi thư sinh khốn khó của thầy cho chúng tôi nghe. Nào việc phải làm bài tập toán trên tàu lá chuối vì không có đủ giấy mực, nào việc không có áo đi mưa phải mang chiếc tơi đi bộ năm ba cây số đến trường bị đuôi lá cọ vào đến rướm máu gót chân. Thầy bảo chúng tôi bây giờ sung sướng hơn nhiều, mà không lo học hành cho đàng hoàng; để tương lai mù mịt rồi lại oán trách cho số phận. Nói đến đây, hầu như thầy đã nguôi ngoai cơn giận. Giọng thầy có lúc thân thiện, bao dung như người anh nói với đàn em ăn chưa no lo chưa tới. Và hình như cũng thấp thoáng mối đồng cảm của người “trai thời loạn” khi thầy nhắc đến thân phận của tuổi trẻ trong cuộc chiến hôm nay. Chúng tôi ngồi im thin thít như cố nuốt từng câu, từng lời của thầy vào tận đáy lòng thay cho niềm ân hận.

Bỗng dưng thầy đưa tay lên nhìn đồng hồ, rồi nở một nụ cười đôn hậu. Thầy nói trong niềm xúc động: “Hôm nay tôi hát tặng các anh một bài để làm quà đưa tiễn. Từ nay đến kết thúc năm học không còn bao lâu nữa, chúng ta cũng chẳng có thì giờ để tâm sự. Nhớ phải cố gắng hết sức mình. Chúc các anh gặp may mắn trong kỳ thi và vào đời suôn sẻ”. Giọng ca của thầy nồng ấm như những tia nắng ban mai đang ghé vào song cửa: “Lìa xa thành đô yêu dấu, một sớm khi heo may về. Lòng khách tha hương vương sầu thương…”. Lời ca thiết tha như lời đưa tiễn. Năm mươi trái tim non như bị cuốn hút bởi giọng ca truyền cảm đến bất ngờ từ một người thầy xưa nay vốn nghiêm khắc. Hình như tất cả chúng tôi không mấy ai chú tâm đến nội dung ca từ mà chỉ lắng nghe tiếng lòng của một bậc trưởng thượng đáng kính. Hình như chính những ánh mắt đồng cảm của chúng tôi đã đưa giọng hát của thầy vang vọng cả một khung trời tuổi nhỏ. Hát xong, thầy chỉ thoáng nhìn chúng tôi, rồi lặng lẽ bước ra khỏi lớp mà chẳng nói thêm một lời nào. Chúng tôi đứng dậy chào thầy. Khi ra đến hành lang, tôi thấy thầy đưa chiếc khăn tay lên chậm đôi mắt đỏ hoe. Đã tròn nửa thế kỷ qua đi, đến tận bây giờ mỗi khi nghe lại bài ca Giấc mơ hồi hương của nhạc sĩ Vũ Thành, bài hát mà thầy Hồng Giũ Lưu đã hát hôm ấy, lòng tôi bỗng dưng nhớ đến người thầy kính yêu ngày nào đã hát cho chúng tôi nghe bài ca trữ tình ấy thay cho một hình phạt. Một giọng ca thể hiện cho cả một tấm lòng.

Ra trường, tôi nối gót thầy làm nghề gõ đầu trẻ. Ròng rã gần bốn mươi năm trời đứng trên bục giảng, nhưng chưa bao giờ tôi có được những giây phút giao cảm giữa thầy trò đẹp như hôm ấy. Phải chăng vì chưa gặp duyên nghiệp hay tại lòng mình chưa rộng mở đó thôi. ■„

 

HẢI TRÌNH

Chú thích:

(1) Tương đương lớp 12.

(2) Chỗ để lọ mực trên bàn học sinh.

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 189

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin