Chi tiết tin tức

Chấp ngã

16:23:00 - 14/03/2016
(PGNĐ) -  Chấp ngã không chỉ coi cái tôi của mình là quan trọng. Không chỉ là tức giận khi bị người khác chê bai, chỉ trích mình mà khi làm một việc gì đó được người ta khen sướng cồn cào cả ruột gan, cái ngã cũng nổi lên.

Có câu chuyện về một người đàn ông quen biết thường làm tôi suy nghĩ. Hồi đó, anh ta khoảng bốn mươi. Bốn mươi là cái tuổi tương đối chững chạc. Anh ta là một người bình thường, làm việc cần mẫn, trưởng   phòng của một công ty xuất nhập khẩu, một người chồng đàng hoàng và là một người cha tốt của hai đứa con ngoan đang tuổi trung học. Trừ những lúc hội họp, đi đâu anh cũng thường có vợ bên cạnh; nhưng có một hôm anh lại phải đi dự đám cưới của một người thân một mình vì vợ bị ốm. Hôm đó anh ngồi cùng bàn với một người phụ nữ còn trẻ, khá xinh đẹp duyên dáng. Câu chuyện qua lại cũng chỉ trong vòng xã giao, chẳng có gì thân mật,vì cả hai chỉ mới biết nhau. Có điều là sau một lúc trò chuyện, người phụ nữ này khen anh đủ điều: anh không những đẹp trai, mà còn là một con người lịch lãm, hiểu biết nhiều và ăn nói quá duyên dáng.Trước khi chia tay, người phụ nữ này cho anh một tấm danh thiếp. Cô ta là nhân viên của một công ty kinh doanh địa ốc. Anh nhét tấm danh thiếp vào túi áo và ra về, chẳng có chút gì gọi là lưu luyến với người phụ nữ kia cả. Tuy nhiên tối hôm đó, anh bỗng nhiên có nhiều suy nghĩ. Không phải nhớ nhung đến người phụ nữ kia, mà anh lại suy nghĩ về bản thân mình. Mười mấy năm trước, anh lấy vợ vì hai gia đình quen biết nhau và vợ anh là một người phụ nữ xinh đẹp, giỏi giang, là một người đàn bà không có chỗ nào để anh có thể từ chối cuộc hôn nhân đó. Mười mấy năm sống với nhau hạnh phúc và càng ngày càng khá giả, có nhà có xe hơi. Anh chưa bao giờ nhìn thấy một người phụ nữ nào ngoài vợ mình. Nhưng bỗng nhiên hôm nay anh tự đặt cho anh một câu hỏi:“Anh đẹp trai? Anh là con người lịch lãm? Anh ăn nói có duyên thu hút phụ nữ?”. Những điều đó anh chưa bao giờ nghe thấy vợ anh, từ khi nhận lời lấy anh, có những nhận xét như thế. Ngay cả bạn bè thân thiết cũng chẳng bao giờ nghe ai ca tụng anh những điều như thế. Vậy mà hôm nay anh lại được nghe những điều đó từ miệng một người đàn bà xinh đẹp lần đầu tiên gặp gỡ. Cái tôi từ lâu yên ngủ trong anh nay bỗng nhiên trỗi dậy làm cho anh thấy mình còn là một con người khác. Anh không hề nghĩ ra cô gái xinh đẹp đã quá lời khen anh là nhân viên bán hàng của một công ty địa ốc.

Từ đó, trong những lần giao tế, anh luôn luôn chứng tỏ mình có nhiều điểm hơn người trong mọi phương diện, kể cả vật chất, và anh thấy gần gũi với những người khen anh thế này khen anh thế kia. Cho đến một hôm anh được đề bạt lên chức vụ phó giám đốc của công ty thì anh thấy quả thực là anh đã ngủ quên gần nửa cuộc đời mình rồi. Cuối cùng chuyện gì phải đến cũng đã đến, anh gặp một người phụ nữ và anh quên mất người vợ hiền lành của mình để quan hệ với người phụ nữ mới.

Câu chuyện kể trên xảy ra một cách rất thường trong cuộc sống bây giờ. Chỉ một lúc nào đó cái tôi của mình được khơi dậy làm mình thay đổi hoặc muốn thay đổi con người an phận của mình trước kia và quên mất mình đã có một cuộc sống an lành hạnh phúc. Người tu hành, muốn xa lánh tục lụy, vẫn có thể bị cái tôi làm cản trở con đường tu tập. Nhiều người thắc mắc tại sao phải có chùa mới tu hành được. Đến chùa tu là muốn cách ly với cuộc sống đầy những cám dỗ. Đến chùa đi tu chỉ khó lúc phát nguyện với bản thân mình muốn dứt bỏ mọi thứ để quy y Tam bảo. Một khi đã vào chùa rồi thì chuyện tu hành có thể dễ dàng hơn cả những người tu tại gia, bởi vì họ không còn tiếp xúc với đời thường nữa. Dưới bộ nâu sồng, ai cũng giống nhau. Nhưng thực sự không phải mọi chuyện đều đơn giản như thế. Đi tu, nếu phải hoàn toàn xa lánh trần tục ở chốn thiền môn, thì chỉ lợi cho bản thân mình; nhưng nếu xuất gia với mục đích để hoằng dương Tam bảo, cứu độ chúng sinh thì phải tiếp xúc với cuộc đời, và không thể không bị hoàn cảnh chi phối. Không thiếu gì những người đã đi tu một thời gian rồi lại phải mắc vào vòng tục lụy, lại phải cởi bỏ cà-sa. Lại cũng có nhiều vị cao tăng được đông đảo Phật tử kính phục, cúng dường mọi thứ thì lại thấy mình hơn những người khác và cũng có những tự mãn, bị cái tôi làm hỏng việc tu hành lúc nào không hay.

Kinh Thủy sám có nói chuyện về Thiền sư Ngộ Đạt. Ngài nguyên là một vị tu hành đắc đạo và thường hay có những buổi thuyết pháp để khai thị cho Phật tử. Dần dần, ngài được đức vua kính phục và phong làm quốc sư, giảng pháp cho cả triều đình. Trong một buổi đăng đàn thuyết pháp, ngài thấy mình được ngồi ở vị trí cao nhất, trên cả đức vua và tất cả quan chức của triều đình. Trong một lúc, ngài bỗng cảm thấy kiêu hãnh vì thấy mình còn hơn cả vua; và chỉ trong một sát-na đó, ngài đã bị đọa   vì một kẻ thù từ bao nhiêu kiếp không ngừng theo dõi ngài để báo thù, nhưng vì ngài là một vị chân tu đắc đạo, không thể có một khe hở nào để xâm nhập xô ngã ngài được mãi cho đến lúc cái Ngã nổi lên chỉ trong chốc lát hủy diệt cả sự nghiệp tu hành của ngài.

Chuyện về cái tôi là chuyện đã có từ khi có loài người, và không chỉ là Phật tử, mà tất cả mọi người muốn được thân tâm an lạc cũng đều cố gắng tu tập để loại bỏ cái tôi ra khỏi mình cho nhẹ người. Đó là một chuyện nghe có vẻ quá đơn giản, nhưng hầu như khó có ai có thể làm được. Cái tôi là nguyên nhân của mọi tội lỗi, của tham sân si mà trừ Đức Phật ra, chưa ai có thể chế ngự được. Không phải cái tôi chỉ làm con người cố chấp hay ngã mạn, thấy mình hơn người, mà trong nhiều trường hợp, có thể làm thay đổi con người mình lúc nào không hay.

Trong cuộc sống bình thường của con người, khó ai tránh được chuyện vì không dẹp bỏ được cái tôi mà khiến cho tình thế trở nên phức tạp. Sự giận dữ vì bị xúc phạm, lòng háo thắng luôn luôn muốn hơn kẻ khác, đều là tình trạng bị cái tôi nổi lên che mất mọi sự sáng suốt hoặc lòng bao dung.

Hai người cùng bàn luận một vấn đề; và trong cuộc nói chuyện, đôi khi chỉ vì một lý do bâng quơ nào đó bỗng tranh luận gay gắt và không ai chịu thua đối phương để cuối cùng đi đến cãi vã. Giận thì dữ, tức thì tối và trong một lúc không kềm chế được, đã phát ra một lời xúc phạm nhau không thể nào rút lại được. Sau khi tàn cuộc cãi vã, cả hai đều không khỏi mang những ân hận trong lòng. Không phải là hai người tranh cãi nhau, mà là hai cái tôi đang muốn hơn thua nhau. Vì vậy mà chuyện nhận thức được mình sai trong tinh thần muốn hòa giải là một chuyện khó khăn; và sau cùng, ngay cả khi đã chấp nhận mình sai, việc đứng ra ngỏ lời với người kia cũng là một điều thiên nan vạn nan. Cái tôi luôn luôn hiện ra, chặn đứng cái thiện chí đó bằng những lý do này khác.

Thực ra, những cuộc cãi vã như thế trong cuộc sống bình thường không bao giờ kết thúc. Cho dù sau đó mọi chuyện bình thường thì trong thâm tâm mỗi người đều tự thấy có một cái gì đó không ổn khi gặp lại nhau. Thường thường, người thắng cuộc chính là người biết ngừng lại khi thấy mình đã đi quá xa. Cách hay nhất là nói lảng sang một chuyện khác không ăn nhập với đề tài đang tranh cãi và sau đó, chính người đó có thể quên mất chuyện hơn thua với người kia. Chỉ một chút chừng đó, trấn áp được cái tôi muốn   hơn thua kẻ khác xem ra có thể mang đến cho mình sự an lạc, nhưng không phải là dễ dàng.

Chấp ngã không chỉ coi cái tôi của mình là quan trọng. Không chỉ là tức giận khi bị người khác chê bai, chỉ trích mình mà khi làm một việc gì đó được người ta khen sướng cồn cào cả ruột gan, cái ngã cũng nổi lên. Trong cuộc đời này, chắc chắn ai ai cũng đã từng cho và nhận một điều gì ở người khác, nhưng thường không bao giờ công bằng với chính bản thân mình. Làm được một điều gì cho người khác thì nhớ mãi trong lòng và luôn luôn quên mất những điều người khác đã làm cho mình. Thảm kịch cũng là ở cái tôi. Con người không biết bao dung thì không thể nào thấy được cái tốt của người khác và đó chính là nỗi đau khổ của họ mà chẳng hề hay biết. Cái tôi không chỉ làm cho con người kiêu mạn mà còn có thể làm cho người trở thành ti tiện. Cái tôi làm cho con người không kiểm soát được mình. Người khác vô ý chạm vào mình, chẳng có một chút nào thiệt hại, nhưng mình cũng chờ đợi một lời xin lỗi. Chẳng biết để làm gì, nhưng ít ra là có thể xoa dịu cái tôi lúc nào cũng muốn hơn kẻ khác. Bất cứ điều gì có thể làm cho cái tôi của mình nhúc nhích để trỗi dậy, đè cái Tâm mình xuống, đều là nguyên nhân của tội lỗi. Sống giữa cuộc sống đầy tranh giành nhau không ngừng thì cái tôi của mình càng lớn cho đến khi không còn thuốc chữa và rồi thế nào   cũng   phải   trả giá bằng một hình phạt nào đó đối với chính bản thân mình.■

 

HOÀNG TÁ THÍCH

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 192

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin