Chi tiết tin tức

Tài và tật

20:04:00 - 04/01/2016
(PGNĐ) -  Trong giới nghệ sĩ, nói riêng, hay bất kỳ nhóm xã hội nào, nói chung, cũng đều xuất hiện những tài năng xuất chúng. Tài năng có nhiều cách hiểu khác nhau, song rốt cuộc, họ chính là những người không chỉ sống có giá trị, mà còn biết tạo ra giá trị. Có những tài năng khác thường, khác người, nhưng tài năng dù xuất chúng đến đâu vẫn không thể trở thành thánh nhân, một loại “siêu nhân” hoàn mỹ. Vì thế, tài năng ở một người không phải thánh nhân hay “siêu nhân” vẫn có giới hạn trong phạm vi nhất định, cụ thể hóa bằng hành vi sáng tạo không nằm trọn vẹn trên toàn bộ bản thể. Bên cạnh mặt “tài” có thể “năng” ở một người, bao giờ cũng đi kèm với những mặt bất tài, vô năng, không loại trừ ít nhiều có cả thói hư tật xấu.

Đặc biệt trong lãnh vực nghệ thuật, với bản chất bao dung, từ lâu môi trường này đã trở thành vườn ươm lý tưởng cho thói hư tật xấu hình thành. Song, thói xấu hoàn toàn không xuất phát từ điều kiện tốt hay xấu – những nhân tố ngoại tại – mà quyết định bởi nhận thức – yếu tố nội tại. Chúng ta cần khu biệt giữa tài và tật, phải cảnh giới giữa học tài và bắt chước tật. Tật chẳng cần hạ quyết tâm hay mất công gì để nuôi dưỡng, nhưng tài đòi hỏi cả phẩm chất cùng nghị lực. Không thể đánh đồng một người tài với một người tật. Tài năng và tật xấu vốn chẳng phải cặp phạm trù tương hỗ, tồn tại phụ thuộc hay quy định lẫn nhau. Có điều, người ta thường dễ thấy bề nổi tật xấu của một tài năng hơn tài năng tiềm ẩn bên trong những thói xấu.

Người tài thường có tật, nhưng người tật không đồng nhất với người tài. Balzac nói: “Khi chúng ta uống café, các ý tưởng xuất hiện như đi diễu hành trong quân đội…”. Dù ông dùng từ “chúng ta” thì chúng ta cũng nên hiểu rằng, “ý tưởng” đó là của Balzac. Câu nói ấy là của Balzac. Còn rất nhiều người, dù đã chích heroin, sao vẫn chưa thể nảy ra ý tưởng nào? “Căn duyên”, “Phẩm tài” là yếu tố không thể bỏ qua trong tất cả các trường hợp, đặc biệt đối với vĩ nhân, tài năng.

Ma lực của tật xấu có sức mạnh chi phối ghê gớm. Tài năng dù siêu việt cũng giới hạn, mai một. Trường hợp tai tiếng của cầu thủ người Anh Wayne Rooney là một điển hình của thói xấu giết chết tài năng. Tài năng cần phải rèn luyện, nuôi dưỡng, vun đắp, tu dưỡng; còn thói xấu, cái tật chẳng cần học cũng luôn rình rập, sẵn sàng làm bạn với chúng ta. Chính vì thế, sửa mình (sửa chữa những thói hư tật xấu) được coi là đức tính số một trong năm giá trị làm nên tố chất của người quân tử theo quan điểm Nho giáo. Sửa mình là biểu hiện của trí. Người có trí luôn đặt mình vào quá trình sửa chữa thói hư tật xấu. Giá trị tư tưởng của quan niệm Nho giáo đặt nền tảng cốt tử ở vai trò sửa mình; không có nó, những giá trị khác như nhân, nghĩa, dũng, lập danh… đều khó thể thực thi, duy trì.

Mới chập chững bước chân vào ngôi trường nghệ thuật, tôi được nhiều bậc đàn anh nhắc nhở, cảnh báo trước: “Đừng để chưa thành tài đã thành tật”. Quả thật, có quá nhiều người chưa thành tài đã bị tật vận vào thân, triệt tiêu tiền đồ cả một đời. Thói thường, người ta dễ học tật xấu của nghệ sĩ hơn nhìn vào những giá trị làm nên tài năng ở họ. Tật dễ học, khó sửa; tài khó học, dễ mất. Lây nhiễm một thói hư tật xấu đôi khi chỉ vì vô thức, nhiều lúc xuất phát từ nhận thức sai lầm; nhưng, có một điều chắc chắn rằng thói hư tật xấu tiềm ẩn sức mạnh hủy diệt âm thầm hay bột phát, như ma lực cuốn người ta vào đó, rất khó thoát ra. Nhiều tài năng bị giập vùi bởi những tật xấu đáng nguyền rủa, không cưỡng lại được, như ma túy, cờ bạc, rượu bia, nghiện ngập, chơi bời trác táng… Và dường như tập nhiễm thói hư tật xấu không chỉ phổ biến ở loài người, mà còn có cả ở loài vật. Nhớ ngày trước ở Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM có nhạc sĩ nọ nuôi một con nhồng. Con nhồng ấy được sống cách ly với môi trường bên ngoài trên một sân thượng ở tận lầu bốn, không tiếp xúc với người lạ. Ấy thế mà một ngày kia, ông chủ phát giác ra con nhồng của mình biết chửi thề. Hễ gặp ai là con nhồng xổ ra câu “đù má”, sau đó cười khanh khách ra vẻ đắc ý. Chủ nhân chẳng biết con nhồng đã học câu chửi thể đó từ đâu, của ai? Ông cố gắng dạy dỗ nó; uốn nắn câu chửi thề của nhồng đọc chệch đi để thành “chìa khóa”. Trớ trêu thay, con nhồng không từ bỏ được câu chửi thề. Nó vận vào thân con nhồng như “văn vật bất di dời”, một thứ bùa chú diệu dụng. Mỗi khi có khách tới nhà, con nhồng lại tiếp tục chửi thề để khoe thành quả, tài năng của mình. Ai bảo con nhồng không có tài năng chứ? Biết bao nhiêu con nhồng khác đẹp đẽ, xinh xắn mà cứ “câm như hến”, “bặt như thóc”, đâu há nổi miệng? Và những từ dung tục, chửi thề… xét ở khía cạnh nào đó, tiềm ẩn sức mạnh huyền bí, đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận, tìm hiểu từ khía cạnh khoa học hơn là góc nhìn đạo đức, xã hội thuần túy. Con nhồng của nhạc sĩ nọ từng có người trả giá một triệu rưỡi vào thời điểm hơn mười năm về trước; nhưng sau khi nó nhiễm thói xấu chửi thề rồi, không biết còn ai dám rước nó về để gây họa cho gia đình nếu có con nít?

Hệ quả của việc nhầm lẫn giữa tài và tật, cùng với mối quan hệ rối rắm trong vấn đề bóc tách chúng khiến cho nhiều người mới chập chững bước chân vào con đường nghệ thuật miên trường, chông gai đã bộc lộ những bất túc và tạo ra sản phẩm chủ yếu từ khía cạnh hành vi. Loại nghệ sĩ nửa mùa, âm lịch1, bẩn bẩn, tài năng thường thường bậc trung nếu như không muốn nói là bậc thấp, nhưng ngạo mạn, trịch thượng, chảnh, chất nghệ bậc thầy và thiếu hẳn tố chất làm nên giá trị ở nghệ sĩ là năng lực sáng tạo – năng lực tạo ra những sản phẩm độc nhất vô nhị, khía cạnh của phong cách cá nhân, không giống ai, không có người đại diện. Tuổi trẻ mắc phải thói hư tật xấu âu cũng khó tránh, nhưng sau tuổi “tam thập nhi lập” rồi vẫn còn dấu hiệu lầm lẫn giữa tài và tật thì nên phải nghi ngờ năng lực của mình trước khi tiến bước, kẻo hối tiếc về chuyến tàu không có ga đỗ trên bến cuộc đời.

Nghệ thuật, tôn giáo và tình yêu có chung điểm giao ở thuộc tính nội tại trong phạm trù tư tưởng. Kỹ thuật, xét ở một phạm vi hạn chế, có thể chấp nhận sự lầm lạc; nhưng tư tưởng sai lệch sẽ biến Chánh tín thành Mê tín, Nghệ thuật thành Tà thuật, Tình yêu si mê thành chuyện lừa lọc kỹ thuật cao. Tư tưởng thuộc về bản thể mang tính quyết định ở cả ba lĩnh vực trên. Cái tài hay cái tật khác nhau cơ bản ở phương diện này. Trong Thiền pháp, người ta tối kỵ Vọng niệm; vì nếu không hàng phục được Vọng tâm, Vọng niệm sẽ khởi phát dẫn tới Chấp ngã. Nghệ thuật cũng vậy. Nó đòi hỏi người nghệ sĩ phải đạt tới cảnh giới hồn nhiên, không vụ lợi, xóa bỏ tư duy thực dụng, giống như đặt hạnh phúc ở người mình yêu trong tình yêu. Ví thử như tiếng đàn mà nghe bảng lảng, lanh canh lẫn tiếng “tiền” thì khó thể gọi đó là nghệ thuật. Kỹ thuật có thể đi tới tinh xảo, nhưng vẫn luôn giới hạn. Còn tâm hồn là cõi trời mênh mang, vô tận, có khả năng thẩm thấu qua không gian, thời gian. Một nghệ sĩ chân chính vì nghệ thuật quên đi hình hài, khác với người làm cho ra vẻ hình hài bẩn bẩn, tóc tai bù xù, rũ rượi… để giống nghệ sĩ. Hai bản thể này khác nhau như trời với đất. Phong cách nghệ sĩ thể hiện rõ nhất ở năng lực sáng tạo, phương thức sống có trùng lắp với phương thức sáng tạo hay không chẳng còn quan trọng nữa. Hãy nhìn nhận, khẳng định khía cạnh tài năng của nghệ sĩ thay vì ghi nhận thói hư, tật xấu ở họ. Người mới chập chững, tò te bước chân vào lĩnh vực nghệ thuật, thường cố ra vẻ ta đây nghệ sĩ “nhớn”, còn nghệ sĩ lớn có nói gì đâu! Điều nghệ sĩ muốn nói là thông qua ngôn ngữ sáng tạo; còn lời nói ra trên mồm miệng lại chẳng phải thứ họ cần nói!

Người mới học nghệ thuật, nghệ sĩ nhất trên hình hài; người làm nghệ thuật, nghệ sĩ nhất khi đang thực hành; còn nghệ sĩ thực thụ, cuộc đời họ chính là một tác phẩm nghệ thuật. Vua Trần Nhân Tông đạt tới cảnh giới Thiền ngay cả khi ngự trị trên ngai vua, chứ đâu chỉ dừng lại ở khoảnh khắc nhập định trên núi Yên Tử? Tâm thái sáng tạo của người nghệ sĩ cũng không giới hạn bởi giây phút thăng hoa trên sân khấu, mà còn tồn tại trong một cái tôi vô ngã, hồn nhiên… Những trạng thái đó đi từ cảm xúc mong manh, sương khói, nhẹ tênh của tâm hồn đến niềm đam mê tột cùng. Bởi thế, xúc cảm nghệ thuật biến nghệ sĩ trở nên dở dói, hâm hấp, thất thường, đãng trí, quên đi hình hài… Giữa ta và “nó” là một cuộc truy tìm đầy bí ẩn, trò chơi ú tim không phải ai cũng xuôi chèo mát mái. Điều mấu chốt, nghệ thuật là “giả”, nhưng giúp chúng ta nhìn thấy “sự thật”.■ „

 

LÊ HẢI ĐĂNG

 

Chú thích:

1. “Âm lịch” là một tính từ mà giới biểu diễn nghệ thuật thường dùng để ám chỉ các “nghệ sĩ” có những tác phong lệch chuẩn như phát biểu cảm tính, tự nâng mình lên, và đặc biệt là thiếu tôn trọng kỷ luật làm việc, lấy ý từ chỗ âm lịch là lịch pháp nông nghiệp; nghệ sĩ “âm lịch” là nghệ sĩ có tác phong nông dân.

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 189

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin