Chi tiết tin tức

Đệ tử hỏi thầy, "Tại sao con người khổ sở?", câu trả của thiền sư khiến học trò ngộ ra bao điều

21:13:00 - 12/04/2021
(PGNĐ) -  Bí mật mà vị thiền sư tiết lộ đã giải đáp cho thắc mắc bấy lâu của đệ tử.

Ngang qua cái ao, thấy có người bẫy cá, chú tiểu tức giận can thiệp

Ngày xưa, ở một ngôi chùa nọ, có một vị thiền sư sống cùng một đệ tử của mình. Thiền sư là người trầm tĩnh, phần lớn thời gian đều dùng để đọc sách, suy tư, còn cậu học trò nhỏ tuổi thì là người rất hiếu động, lúc nào cũng muốn tìm hiểu mọi sự việc, hiện tượng trên đời. 

Có lần, người đệ tử đã hỏi thầy của mình: "Tại sao con người lại khổ sở?". 

Thiền sư nói rằng, không cần phải nóng vội, sẽ có lúc ngài nói cho cậu ta hiểu tại sao con người lại khổ sở.    

Một hôm, 2 thầy trò có việc đi ra bên ngoài. Khi ngang qua một cái ao, họ nhìn thấy một người đàn ông đang đặt một cái hom để bẫy cá. 

Chứng kiến cảnh tượng này, cậu bé đệ tử chạy đến bên người đàn ông và bắt đầu thuyết giảng về nhân sinh, về thiện - ác trên đời và cầu xin ông ta hãy cất cái hom đi, đừng bắt những con cá tội nghiệp ở dưới ao nữa. 

Trong khi đó, người đàn ông nghèo khó đang đợi bắt được mẻ cá này để đem về nuôi sống gia đình, nên thấy mấy lời rao giảng của chú tiểu quả thật sáo rỗng, cũng chẳng thèm để ý đến nữa. 

Đệ tử hỏi thầy, Tại sao con người khổ sở?, câu trả của thiền sư khiến học trò ngộ ra bao điều - Ảnh 1.

Người đàn ông mặc kệ chú tiểu, vẫn tiếp tục công việc của mình. (Ảnh minh họa)

Nói một thôi một hồi không có tác dụng, chú tiểu bắt đầu bực tức và lớn tiếng mắng mỏ người đàn ông. Đôi bên lời qua tiếng lại có vẻ rất căng thẳng. Khi đó, thiền sư đã nhanh chóng bước tới, kéo đệ tử của mình ra rồi nói nhẹ nhàng: "Công việc của những người tu hành như chúng ta là để giảng giải, không phải để mắng nhiếc và trừng phạt người khác". 

"Nhưng nếu không có ai đứng ra trừng phạt ông ta thì sao? Ông ta sẽ tiếp tục gây ra tội ác ư, thưa sư phụ?", đệ tử hỏi lại thiền sư. 

Thiền sư từ tốn trả lời: "Đừng lo, Phật ở trên cao sẽ nhìn thấu tất cả, ai làm sai rồi cũng sẽ phải nhận hậu quả của mình. Do đó, việc ngươi xen vào việc của người khác, còn mắng nhiếc người ta là không phải rồi". 

Nghe thiền sư nói vậy, đệ tử dù lòng vẫn còn thắc mắc, nhưng cũng không dám hỏi gì thêm, đành cúi đầu bước đi. 

Tại sao con người lại phải chịu khổ sở? Câu trả lời của thiền sư khiến đệ tử ngộ ra bao điều

Thấm thoắt, vài năm đã trôi qua. 

Một hôm, vị thiền sư và cậu đệ tử của mình lại có việc đi ngang qua cái ao ngày nào. Lần này, họ không nhìn thấy người đàn ông nào, mà chỉ thấy một con rắn bị thương nằm bên mép ao. Trên thân mình nó là những giọt máu rỉ ra, và từ chỗ đó, những con kiến bắt đầu bò lên, tranh nhau ngấu nghiến cái cơ thể còn đang thoi thóp trong đau đớn, quằn quại. 

Nhìn thấy cảnh này, trong lòng người đệ tử bỗng dưng trào lên một cảm giác xót xa và thương cảm. Cậu toan định chạy tới, giải cứu cho con rắn bất hạnh khỏi kiếp nạn, nhưng lại bị vị thiền sư giữ tay lại. 

Đệ tử hỏi thầy, Tại sao con người khổ sở?, câu trả của thiền sư khiến học trò ngộ ra bao điều - Ảnh 2.

Con rắn phải chịu một cái chết đau đớn vì những việc làm mà nó gây ra ở kiếp trước. (Ảnh minh họa)

Cảm thấy vô cùng khó hiểu, chú tiểu đã mạnh dạn hỏi thầy: "Thưa sư phụ, lần này con đâu có mắng nhiếc hay trừng phạt người khác ạ? Con đang làm một việc tốt mà, tại sao người lại ngăn cản con?". 

"Ngươi hãy để con rắn phải chịu những gì nó đã gây ra đi. Nếu bây giờ ngươi cứu nó, nó sẽ tiếp tục phải chịu khổ sở trong những kiếp sau, sau nữa. Vì nó đang phải trả nghiệp cho những gì mà nó gây ra". 

Thấy tò mò, người đệ tử hỏi lại thầy của mình: "Thưa sư phụ, con rắn đã làm gì mà phải chịu cái kiếp nạn này thế ạ?"

"Kiếp trước, nó chính là người đã đặt cái bẫy cá tại đây. Sau khi ngươi nói không nên đặt bẫy cá, anh ta đã tranh cãi với ngươi về chuyện đó đấy. Những con kiến bây giờ chính là những con cá bị anh ta bắt được", thiền sư trả lời. 

"Chao ôi, công lý thật là kỳ lạ", cậu bé đệ tử thốt lên.  

"Mỗi một khoảnh khắc ngươi chứng kiến trong cuộc sống này đều hoặc là nhân, hoặc là quả. Ngươi làm việc tốt hay việc xấu thì sẽ đều nhận được kết quả mà hành động đó gây ra. 

Trong cuốn Kinh Vệ Đà, chúng ta đã được dạy rằng phải luôn luôn nhớ những việc mình làm và nghĩ về những điều đó, vì ta sẽ phải chịu những kết quả mà nó mang lại. Mỗi một khoảnh khắc của cuộc đời đều vô cùng quý giá, đừng lãng phí nó vào những việc xấu", thiền sư nghiêm khắc nói với đệ tử. 

Sau khi nghe sư phụ giảng giải, người đệ tử vẫn chưa hết thắc mắc: "Thưa sư phụ, vậy mỗi khi có người gặp nạn là do họ đang phải trả giá cho hành động của mình, vậy là chúng ta không nên giúp đỡ họ ư?". 

Vị thiền sư mỉm cười, từ tốn giải thích: "Không, mỗi khi ngươi thấy ai đó gặp khó khăn, hãy giúp họ. Lần này ta bảo ngươi không giúp vì ta đã nhìn thấy tiền kiếp của con rắn, và không muốn nó lại phải chịu sự đày đọa trong kiếp sau. 

Còn nếu ta không biết gì, nhìn thấy người khác gặp khó khăn mà không cứu giúp, thì đó lại là tội lỗi của ta". 

Cuối cùng, bao thắc mắc trong lòng của người đệ tử cũng đã được giải đáp.  

 

BBT

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin