Chi tiết tin tức

Phật Dạy Trách Nhiệm Cha Mẹ Với Con Cái

07:49:00 - 03/09/2015
(PGNĐ) -  Các bậc cha mẹ phải biết cách hướng dẫn con cái tinh thần tự lực, sống không ỷ lại mà cố gắng siêng năng trau giồi nghề nghiệp mình đang làm theo quy luật cuộc sống có đạo đức. Con cái biết phát huy tinh thần tự lực, dưới sự hướng đạo của cha mẹ, mới thật sự lớn khôn trưởng thành trong xã hội.

 

Theo lời Phật dạy, cha mẹ sinh con cái không phải để thỏa mãn dục tính mà là thể hiện tình thương yêu đối với một phần máu mủ và sự sống của chính mình. Cho nên trách nhiệm làm cha mẹ đối với con cái là sợi dây huyết thống, cùng với một phần máu thịt mình đã sinh ra. Cha mẹ phải dạy cho con cái nên người.

Theo quan niệm trọng nam khi nữ từ ngàn xưa, con trai thường được cha mẹ thương yêu nhiều hơn con gái. Đó quan niệm con trai nối dõi tông đường, họ cho rằng nữ nhi ngoại tộc con gái phải theo chồng. Đứng trên quan điểm về nhân quả, trai hay gái cũng là con mình, nên các bậc làm cha mẹ phải thương yêu con cái bình đẳng.

Trong kinh đức Phật luôn nhấn mạnh đến nhân cách đạo đức trong mối quan hệ cha mẹ đối với con cái. Chính do tình thương yêu chân thật mà các bậc cha mẹ lúc nào cũng có trách nhiệm, bổn phận đối với việc nuôi  dạy con cái khôn lớn trưởng thành và sống có lợi ích cho xã hội, qua năm tiêu chí sau:

Thương yêu con cái: Mối quan hệ của các bậc cha mẹ trong đạo Phật được đặt trên cơ sở đạo đức, do đó, sự ra đời của con cái không phải nhu cầu thỏa mãn các khoái lạc giác quan thông thường mà còn có tinh thần trách nhiệm. Các bậc cha mẹ xem việc nuôi nấng con cái là nền tảng đạo đức, là trách nhiệm thiêng liêng cao quý, mà ai làm cha mẹ cũng muốn con cái mình lớn khôn và trưởng thành.

Trong trách nhiệm thứ nhất này, các bậc cha mẹ ngoài việc nuôi nấng con cái về thể chất, còn phải nuôi con cái hiểu biết nhân cách sống bằng đạo đức và lòng yêu thương chân thành. Bởi vì con cái mình mà ta không thể yêu thương được, thì thử hỏi làm sao chúng ta có thể yêu thương những người khác. Ngoài ra, yêu thương con cái phải đúng theo tinh thần Phật dạy, trước tiên chỉ dạy con cái không làm các việc xấu ác, mà hay làm việc thiện lành, phải chấp hành luật pháp xã hội, duy trì truyền thống tốt đẹp của gia đình.

Các bậc cha mẹ giáo dục con cái như vậy, là sự giáo dục của người có nhân cách đạo đức, có hiểu biết, có trí tuệ, biết nhìn xa trông rộng, không để cho con cái ỷ lại vào cha mẹ, hướng dẫn chúng tính tự lập và tin sâu nhân quả. Các bậc cha mẹ thương yêu con cái trong mù quáng, vô tình đưa con mình vào con đường tội lỗi, như vậy sẽ trở thành chướng ngại cho đời sống gia đình và xã hội.

Giáo dục con cái trong gia đình, vai trò người mẹ rất quan trọng, từ khi mới mang thai mẹ phải ăn uống kỹ lưỡng chừng mực, khời nghĩ làm điều thiện để ảnh hưởng đứa con sau này.

Cung cấp cho con cái đầy đủ: Điều thứ hai mà cha mẹ có trách nhiệm với con cái là không để chúng thiếu thốn về vật chất và tinh thần. Trên phương diện vật chất, bậc làm cha mẹ phải tùy vào khả năng có được, để lo cho con cái đầy đủ như ăn uống mặc ở cho đến các phương tiện học hành phát triển tài năng, trí tuệ. Trên phương diện tinh thần, cha mẹ phải thường xuyên quan tâm chăm sóc, chia sẻ hỏi han để động viên con cái  vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Ngày nay, nhiều bậc cha mẹ chỉ biết cung cấp cho con cái về mặt vật chất mà thiếu sự quan tâm về mặt tinh thần, do bộn bề công việc hoặc ham làm giàu quá mức mà lãng quên con cái. Do đó, con cái dễ bị bạn bè xấu quyến rũ, bị sa đọa vào các tệ nạn xã hội. Chính vì vậy, bậc làm cha mẹ phải biết quan tâm về hai phương diện vật chất lẫn tinh thần.

Tạo dựng nghề nghiệp chân chính cho con cái: Tạo dựng nghề nghiệp chân chính cho con cái, nhằm đảm bảo an sinh đời sống về lâu dài. Phật giáo luôn lấy nhân quả làm nền tảng để giáo dục mọi người ý thức rằng “nhân quả tốt xấu là do mình tạo ra”. Đây là phương cách giáo dục vô cùng sáng suốt vì đã loại bỏ yếu tố ỷ lại vào người khác, và phát triển năng lực làm chủ bản thân.

Các bậc cha mẹ phải biết cách hướng dẫn con cái tinh thần tự lực, sống không ỷ lại mà cố gắng siêng năng trau giồi nghề nghiệp mình đang làm theo quy luật cuộc sống có đạo đức. Con cái biết phát huy tinh thần tự lực, dưới sự hướng đạo của cha mẹ, mới thật sự lớn khôn trưởng thành trong xã hội.

Sự sống nhờ vả, dù đó là nhờ vào cha mẹ, cũng chỉ là giải pháp tạm thời không giúp ích cho con cái về sau này, nếu chúng vẫn còn quan niệm ỷ lại. Con người ta chỉ thật sự trưởng thành, bằng sự tự lập với đôi bàn tay và khối óc của mình, mới có thể tồn tại lâu dài. Chính sự giáo dục này giúp cho con cái thoát khỏi các cạm bẫy ăn chơi sa đọa, góp phần ổn định an sinh đời sống của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.

Tìm nơi chốn xứng đáng để dựng vợ gả chồng cho con cái: Trách nhiệm của các bậc cha mẹ ngoài việc giáo dục đạo đức tránh ác làm lành, ổn định nghề nghiệp, mà còn chăm lo đến đời sống lứa đôi cho con cái. Đạo Phật đề cao tinh thần bình đẳng trong mối quan hệ hôn nhân trong tình yêu.

Khi con cái đã đến tuổi trưởng thành, việc quyết định đời sống hôn nhân của chúng được quyền lựa chọn theo nhân duyên của mỗi người. "Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên" là một phương châm bình đẳng, khuyến khích bậc làm cha mẹ không nên cưới vợ hoặc gã chồng theo quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”.

Cha mẹ không chỉ là người sinh ra con cái mà còn là người thầy giáo đầu tiên dạy dỗ, người hướng dẫn đời sống hôn nhân trong tình yêu cho con cái. Ngoài việc, truyền trao kinh nghiệm trong hôn nhân cho con cái, các bậc cha mẹ còn phải hướng dẫn con cái chọn lựa người bạn đời thích hợp để đảm bảo hạnh phúc gia đình.

Ở góc độ đạo đức, người con khôn ngoan nên biết chọn cho mình người bạn đời có đủ phẩm chất đạo đức ít nhất như mình. Hoàn toàn không có chuyện ép buộc và sắp đặt của cha mẹ trên vấn đề hôn nhân của con cái. Đây chính là tinh thần giáo dục rất phù hợp đời sống hôn nhân hiện đại.

Trong việc dựng vợ gả chồng xứng đáng cho con cái sống đời hạnh phúc trong hôn nhân, không chỉ có được từ sự giàu sang mà phải tương thích về phẩm chất đạo đức, ổn định công ăn việc làm và hạnh nguyện dấn thân chia sẻ. Trong bất kỳ cuộc hôn nhân nào nếu có sự tương thích về đời sống đạo đức và có lý tưởng đúng đắn, biết cảm thông tha thứ cho nhau thì đảm bảo hạnh phúc lâu dài.

Cha mẹ có của cải vừa ý đều giao hết cho con cái: Trách nhiệm thứ năm này mang ý nghĩa pháp lý và tính nhân bản cao, việc truyền trao này bao gồm di chúc và tài sản thừa tự cho con cái. Có nhiều bậc cha mẹ đã không nghĩ tới chuyện này khi còn khỏe mạnh. Do đó, khi nhắm mắt ra đi,  anh chị em tranh giành tài sản do cha mẹ để lại, dẫn đến cảnh tan nhà nát cửa.

Chính vì thế, để tránh các tình trạng trên, Đức Phật đã dạy các bậc cha mẹ phải di chúc và truyền lại gia tài khi mình còn sáng suốt và khỏe mạnh, trên tinh thần bình đẳng chia đều cho con cái, không kể là gái hay trai.

Quan trọng hơn hết là cha mẹ không nên chìu chuộng con quá mức, tục ngữ có câu: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Thái độ nuông chìu quá đáng làm cho con cái dễ dàng hư hỏng và thêm bịnh ỷ lại, lười biếng mà sinh ra nhiều cố tật, dễ vướng vào tệ nạn xã hội.

Cha mẹ luôn luôn có bổn phận chăm lo cho dưỡng dục con cái, chẳng những lo chúng ăn no, mặc ấm mà cha mẹ nào cũng muốn cho con mình ăn ngon, mặc đẹp, lo cho con học hành thành tài để có một nghề nghiệp ổn định, có danh phận địa vị với xã hội. Làm cha mẹ phải có bổn phận thiêng liêng hơn, hướng dẫn con cái mình bước vào đường đạo và tin sâu nhân quả, tránh ác làm lành để sống đời thánh thiện đạo đức.

Cha mẹ phải biết giáo dục khi chúng còn nhỏ: Trẻ con từ 3 đến 12 tuổi, mỗi lần đi chùa, chúng ta nên dẫn chúng theo, đến chùa tập cho chúng biết quỳ, biết lạy, biết dâng hương hoa, tỏ lòng cung kính đối với đức Phật và chư Tăng, Ni.

Lúc đã lớn: Chừng 13 tuổi trở đi cho đến tuổi đôi mươi, là tuổi đang tìm hiểu, biết tò mò, học hỏi, tham khảo những điều hay lẽ phải. Bậc cha mẹ hãy nên khuyến khích con cái đi chùa, quy hướng Tam bảo, có niềm tin sâu sắc đối với nhân quả, nhờ vậy con cái sẽ biết tránh ác làm lành mà sống đời đạo đức khi lớn khôn, trưởng thành.

Xưa nay chúng ta thường nghe nói đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ mà còn tự do và bình đẳng với hết thảy chúng sinh, cho nên người Phật tử chân chính, tùy theo hoàn cảnh mà cố gắng ứng dụng Phật pháp vào đời nhằm chuyển hóa phiền muộn khổ đau, thành an vui hạnh phúc.

Người Phật tử chân chính trước tiên phải tin rằng, đức Phật là một bậc hoàn toàn giác ngộ giải thoát, những điều Ngài giảng dạy được ghi lại trong kinh điển đều là chân lý, bởi do Ngài tu chứng mà nói ra. Chúng ta tin rằng người tu theo đạo Phật, nếu hành trì đúng theo lời Phật dạy thì sẽ chấm dứt mọi khổ đau, và bình yên hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.

Tóm lại, cha mẹ dạy con khi còn nhỏ từ cách ăn uống, đi đứng, nói năng đều phải theo nguyên tắc kính trên nhường dưới, tin sâu nhân quả, tránh ác làm lành, tin chính mình là chủ nhân của bao điều họa phúc, nhờ vậy con cái khi khôn lớn trưởng thành sẽ biết cách hoàn thiện chính mình.

 

Thích Đạt Ma Phổ Giác

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin