Chi tiết tin tức

Chuyện xưa... mai trắng Hà thành

20:53:00 - 03/03/2015
(PGNĐ) -  Trong các loài hoa báo xuân thì mai là người gõ cửa, khi chỉ mới vào độ đầu tháng Mười một âm lịch đã thấy lác đác những nụ mầm bật lên, e ấp trong gió đông còn đang xám xịt giữa cô liêu rét buốt, ẩm ướt mưa phùn. Nhưng, phải đợi đến tận những ngày cuối tháng Chạp, mai mới ủ đủ nhựa cho một đợt mãn khai đón Tết đến, xuân về.
 

mai trang.jpg
Mai trắng

Người Hà Nội chẳng mấy ai còn biết mai đã sống qua bao nhiêu đời ở mảnh đất đế kinh này. Từ xa xưa lắm, nơi đây đã có những Hoàng mai, Bạch mai, Tương mai…, tên các làng cổ cũng là những vườn mai bạt ngàn trên một vùng mạn Nam Thăng Long rộng lớn, có cái tên vừa nôm, vừa nhã: “Kẻ Mơ”, tên chữ là “Cổ Mai”, vốn là thái ấp được vua Trần phong cho Trần Khát Chân, hồi thế kỷ XIV. Từ “mai” là phiên âm tiếng Hán của “mơ”, thứ quả dùng để ăn tươi, ngâm rượu hoặc làm ô mai, làm thuốc mà vị tướng này cho dân chúng trồng trọt, thu hái như nghề chính trong vùng (cùng với nghề làm bún, làm đậu phụ còn tồn tại cho đến tận ngày nay). Tên đất, tên làng và cả hoa mai thì đa sắc như thế, nhưng chỉ có duy nhất một loài mai với tinh khôi sắc trắng là được mượn để ví von như cốt cách của tao nhân mặc khách xưa. Ấy là Bạch mai, mỗi mùa nở hai đợt nên còn có tên gọi khác là Nhị độ mai.

Ngày trước, tôi thường được nghe ông kể chuyện, rằng dân Hà Nội chẳng phải nhà nào cũng có cái “gia thế” để mà chơi mai. Ở đây, không hề nói đến chuyện tiền nong, giàu nghèo, mà là nhắc tới nền nếp, gia phong, tới sự tinh tế, chơi hoa phải hiểu được cái ý của hoa. Tôi thấy hình như thời nay cũng vẫn vậy. Chẳng thế mà từ ngày ông tôi khuất bóng, bà tôi bảo cũng biệt dạng luôn ông lão bán mai quen đã mấy chục năm trời, giờ chẳng biết thế nào… Nghĩ cũng phải, người bán mai ấy từ độ còn là cậu con trai mười sáu, mười bảy cho đến cái tuổi “tri thiên mệnh”, tưởng chẳng còn khao khát gì ngoài việc hết lòng với những thân mai gầy, với người biết thưởng mai. Nếu ông còn bán mai, thì nhà tôi nay cũng còn có ai biết thưởng mai, yêu mai đến mê đắm như ông tôi ngày trước nữa đâu, mà ghé vào mỗi độ xuân về. Bởi cái thú chơi mai, trồng mai không “đại trà” được như quất, như đào. Cả vườn có khi chỉ được dăm ba gốc “mai ra mai”, thì cũng muốn tìm được đúng những người khách quen đã hiểu, đã cảm được hồn hoa ẩn trong thế cây, dáng chậu và hiểu cả người bán. Còn không thì cũng chỉ biết nở nụ cười nhân tình thế thái, trước những cây mai thế chưa ra thế, hoa chẳng nên hoa mà có khi lại bán được cả đến mấy chục triệu đồng.

Còn nhớ, ông tôi bảo: Người chơi kỹ tính thì chẳng những khắt khe trong việc chọn mai mà còn cẩn trọng cả khi tìm chậu và chọn chỗ để bày. Người bán có tâm thì chẳng những chăm cho mai đẹp ở vườn mà còn phải đánh gốc, cho vào chậu đúng cách thì mai mới bền lâu sức sống… Hồi ấy còn nhỏ, tôi nghe thì cũng chỉ để nghe thế thôi, sau này, khi biết ngẫm ngợi rồi mới ngộ ra ít nhiều.

Tự bản thân cây mai là một khối tương phản: cây nhỏ bé mà gốc, cành lại cứng cáp; thân khô khắt, xù xì mà lộc lại xanh mướt; hoa có thể đơn (5 cánh) hoặc kép (từ 10 đến 12 cánh, xếp thành nhiều lớp) nhưng đều có màu tím hồng khi còn là nụ, đến lúc nở lại thành hoa trắng muốt, nổi bật trên những cành khô nâu xỉn, guộc gầy. Người chơi sành thì dù già hay trẻ cũng đều biết trọng thế, trọng tuổi mai, không chỉ yêu hoa mà còn yêu cả thân, gốc đến bộ rễ cổ kính của cây mai già.

Mai quý là cây có thân gầy, cành thưa mà hoa to, dáng (thế) phóng khoáng. Thế mai, cũng như các loại cảnh mộc khác, thường tụ lại ở bốn dáng: Dáng Trực mang cốt cách của người anh hùng hiên ngang, cứng cỏi; dáng Siêu là vẻ ẩn nhẫn của mặc khách còn day dứt nợ đời; dáng Huyền lại có nét mềm mại của người con gái đẹp người, đẹp nết; còn dáng Hoành thì toát lên sự uể oải, an nhàn của một người viên mãn, đủ đầy. Nhìn thế mai, khách đến nhà có thể đoán được tính nết của gia chủ mà định cho mình cách đối nhân, xử thế. Được vậy thì chẳng mấy mà chủ, khách lại trở thành tri âm, tri kỷ…

Mà mai tuy là hoa, nhưng cũng là tri âm, tri kỷ của chính gia chủ đấy thôi. Để chờ, một đêm giao thừa khói hương vương vít, trên một cành gầy guộc vươn trễ nãi xuống bàn trà, he hé một vài đóa mai khôi. Những bông hoa nở sớm còn chưa hết ngỡ ngàng mà mùi hương thanh khiết đã đâu đó bảng lảng, dịu dàng như lời chúc tân niên: “Năm mới an khang cát tường, công danh hạnh lộ…”. Hay đơn giản chỉ là một lời chúc bình an, tĩnh tại, như cái phút ngắm mai nở trong thời khắc trời đất giao hòa đông qua, xuân tới, mọi âu lo vứt bỏ cho lòng nhẹ tênh. Để mong, một sáng mùng một sau bữa cơm tân niên, đại gia đình cùng quây quần bên ấm trà ướp sen, ngắm cây mai mãn khai lại chợt nảy ra một tứ thơ hay một điều triết lý. Mà chắc là, cũng chỉ trong thời khắc của một ngày đầu năm như thế, lòng người mới đủ tịnh tâm mà ngắm hoa, thưởng trà. Để người già thì nhìn thế mai mà dự đoán thời cuộc, người trẻ thì trông hoa, thấy lộc mà mừng những niềm vui nhen nhóm đầu xuân.

Cũng một dáng mai ấy thôi nhưng trẻ có cách cảm của trẻ, già lại có cái ngẫm ngợi của già. Nhân có ấm trà sen hãm đúng độ, cùng chiêm ngưỡng những cánh mai không nở xòe viên mãn như hoa trà, hoa cúc mà khum khum như cánh sen giữa hạ thế kia mới là mai quý.

Câu chuyện bên ấm trà xuân của ông tôi cùng các bạn đồng niên ngày ấy, thường hay nhắc đến tên cụ Mai Lâm người Đông Phù Liệt, một làng cổ nay đã có hơn một nghìn năm tuổi (thuộc Kẻ Nhút, gần với Kẻ Mơ, nay là xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Cùng với chùa Hưng Long cũng đã ngót nghìn tuổi, vườn mai của cụ Mai Lâm nổi tiếng khắp vùng cho đến tận những năm 80 của thế kỷ trước bởi trồng toàn giống song mai, hoa trắng muốt trổ ra hai bông trên một chùm. Hoa ấy sau khi rụng cánh, kết thành một chùm hai quả mơ màu vàng tươi, lông tơ mịn óng, rất lớn, có lẽ bằng cả quả trứng gà con so, khi chín có vị chua chua, ngọt ngọt, thanh khiết vô cùng. Tiếc là sau này, khi cụ Mai Lâm qua đời thì con cháu không ai nối được nghiệp, vườn mai quý cũng theo đó mà tàn lụi dần rồi chết hẳn...

Mấy năm trước, tôi cũng có một đôi lần ghé về mạn Thanh Trì, đến thăm Đông Phù Liệt. Vườn mai trong câu chuyện cũ của ông tôi không còn một dấu tích, làng cũng đã đổi thay nhiều, đã rất gần với phố. Có lẽ, nét xưa dáng cổ chỉ còn lại nơi ngôi cổ tự vẫn âm trầm đứng đó trong tiếng chuông chiều muộn, như một chứng tích đã lên rêu qua dâu bể thế thời... Kẻ Nhút, Kẻ Mơ giờ chỉ còn bún, còn đậu phụ Mơ nổi tiếng mà không còn mai nữa. Mai trắng Hà thành đã ngược lên tận phía Tây thành phố, ngụ lại hiếm hoi nơi một vài vườn mai nhỏ ở Nhật Tân, Quảng Bá, lẫn với quất, đào, với nhiều loài hoa tân thời khác; và ngụ trong những câu chuyện hoài cổ của những người yêu mai, yêu ý nghĩa thanh cao thoát tục của một loài hoa tượng trưng cho bậc chính nhân.

Trong những câu chuyện xưa cũ ấy, còn lưu truyền cả cách hứng nước sương trên cánh mai rồi chôn xuống đất, Tết đến mới cất lên hãm trà mời khách quý. Hẳn là bây giờ chẳng ai còn đủ kiên nhẫn học theo cổ nhân nhưng bên bàn trà nhiều ý vị cũng có người đón lấy những cánh mai mỏng manh, khẽ rơi vào chén trà tưởng đọng, tưởng tan. Để rồi, người biết ý sẽ khen: mai đủ đầy sức xuân, nếu không ắt hẳn đã tự héo trên cành, chứ chẳng thể thả từng cánh như là đang du xuân vậy.

Một cây mai mãn khai đặt bên bàn trà cũng phải chơi được đến qua rằm tháng Giêng. Khi những chồi lá đã lên xanh non như mầm giá thì cũng là lúc mai lại được đưa ra vườn đón nắng, tiễn một cái Tết vừa trôi qua. Người chơi mai đúng cách không bao giờ vứt bỏ đi cây mai đã trưng Tết, mà nhiều khi còn cầu kỳ đưa về vườn cũ, nhờ người trồng chăm sóc để Tết sau lại có được một gốc mai tri kỷ. Cũng có người giữ mai lại tự mình chăm chút, để khi hết đông lại được ngóng xuân về ngay tại vườn nhà, dù không thể đẹp được bằng khi có nghệ nhân đích thân chăm sóc nhưng cũng thỏa được cái tâm yêu mai theo cách của riêng mình. Cứ như thế, một cây mai có khi hiện diện cả đến mấy mươi mùa xuân trong một đời người, một gia đình với ít nhiều biến cố. Để rồi, mỗi lần Tết đến lại có một lần được ngẫm ngợi về thế sự, thành bại mà cây mai xuân hữu ý hé mở từ đầu năm.

Không chỉ có màu hoa trắng mong manh thanh khiết, bạch mai còn là loài chịu được những điều kiện sống khắc nghiệt, giống với đức tính nhẫn nại mà kiên cường trước mọi khó khăn, gian khổ của người quân tử.

Tôi nhớ, cách đây đã mấy chục năm, có lần vì một lý do nào đó mà gốc mai của ông tôi bị kiệt. Đưa ra vườn trồng, mai cũng không hồi lại, suốt mấy mùa nằm trơ gốc, trơ cành, xuân về cũng chẳng chịu bật một mầm xanh. Năm ấy nhà tôi ăn Tết kém vui vì thiếu đi cây mai thân thuộc. Vậy mà, vào một ngày khi Tết đã qua đi, bỗng nơi góc vườn chợt nhú lên những nụ mầm xanh non, rồi trở nên tím hồng của cây lão mai hôm qua vẫn còn bần bật run trong sắt se sương giá cuối mùa, tròn xinh như những chiếc nút áo đơm trên cái áo bông trần của bà tôi hay mặc. Thế rồi, trong một sự hồi sinh kỳ diệu, mấy hôm sau chúng bung òa thành trắng muốt, tinh khôi những đóa mai ngạo nghễ cười xuân vẫn đâu đây rón rén bên thềm nhà.

Và đến tận bây giờ, tôi cũng vẫn nhớ như in, ông tôi khi ấy đã cao hứng mà đọc lên câu thơ bất hủ trong bài “Cáo tật thị chúng” của Thiền sư Mãn Giác: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận / Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết / Đêm qua sân trước một nhành mai). Phải rồi, xuân đâu có tàn mà chỉ là đang rong ruổi giữa phiêu bồng chốn ấy nhân gian...

Tản văn Lam Bình

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin