Chi tiết tin tức

Ăn và Đạo Pháp

07:44:00 - 03/10/2013
(PGNĐ) -  Ăn cũng là một giải pháp của tiến hoá trong mục đích duy trì sự tuôn chảy của dòng sông sự sống vô hình, bằng cách các sinh vật phải chiếm đoạt sinh-khối của nhau để duy trì cuộc sống. Hiện tượng này tạo thành khái niệm sinh học về "chuỗi thức ăn" hoặc "tháp thức ăn" trong sinh quyển . Ăn là hiện tượng tự nhiên như nó là, ăn là một điều-kiện-tính của tồn sinh và ăn đã điều-kiện-hoá sự tồn sinh của mọi cá thể, mọi loài sinh vật. 

 
Anh lại hỏi tiếp, sao tôi lại ăn chay, mà anh lại thấy có chùa ăn mặn ? Vậy, đạo Phật chính thức ăn gì ?

Ái chà, lại một câu hỏi "gai góc" nữa, câu hỏi mà ngày nay, không ai khẳng định được . Câu hỏi đụng chạm đấy ! Nhưng tôi và anh, là nhà khoa học, kẻ kỹ trị, tôi sẽ không ngại đụng chạm.

Thực ra, riêng đối với tôi, và có lẽ cả anh nữa, ăn chỉ là một hành vi hướng-mục-đích của bản năng sinh tồn mọi sinh vật. Mọi sinh vật đều phải ăn và chọn đối tượng để ăn, tuỳ theo điều-kiện-tính sinh học của chủng loài, không bao giờ khác được.

Ăn cũng là một giải pháp của tiến hoá trong mục đích duy trì sự tuôn chảy của dòng sông sự sống vô hình, bằng cách các sinh vật phải chiếm đoạt sinh-khối của nhau để duy trì cuộc sống. Hiện tượng này tạo thành khái niệm sinh học về "chuỗi thức ăn" hoặc "tháp thức ăn" trong sinh quyển . Ăn là hiện tượng tự nhiên như nó là, ăn là một điều-kiện-tính của tồn sinh và ăn đã điều-kiện-hoá sự tồn sinh của mọi cá thể, mọi loài sinh vật.

Đối với con người, ăn còn là hệ quả của sự "in vết tâm trí" trong văn hoá, phong tục tập quán và tín ngưỡng , mà sự in vết này khởi sinh từ sự sinh tồn của cư dân trong tương tác giữa hoàn cảnh tự nhiên và xã hội, nơi con người cộng sinh trong đó .

Làm sao người Tây tạng có được rau quả đậu nành trên núi tuyết với độ cao hơn 5-6000 mét ?

Làm sao các sa môn đi ăn xin vào 2600 năm trước tại Đông Bắc Ấn, lại yêu cầu người cho phải cho đồ ăn chay ?

Khi bước chân những thầy tu Phật giáo đi qua các dân tộc khác nhau, với các nền văn hoá ẩm thực khác nhau, thì các thầy tu đó ăn gì ?

Mãi về sau, khi Tăng chúng có được Tịnh Xá, có được sự chu cấp đầy đủ từ dân chúng, không cần phải ăn xin lang thang nữa, thì cái "ăn" được đặt ra, và nó trở thành "vấn đề" trong tâm trí Tăng đoàn ! Và khi đã bị đặt nặng thành "vấn đề", thì nó chính là hệ luỵ của hệ thống "kịch bản tâm trí trong ăn uống" đã "in vết" trong tâm trí mà thôi . Sự rạn nứt đầu tiên trong Tăng đoàn cũng có một nguyên nhân từ cái ăn !!! Thực sự buồn cười !

Ngày xưa, khi Phật còn, thì mỗi ngày, sau khi khất thực xong, Tăng đoàn tụ họp, các phẩm vật được bá tánh bố thí được kiểm tra lại, những gì còn tươi, thì trộn lẫn vào nhau và chia đều nhau.

Nếu được giai cấp thượng tầng mời, thì Đức Phật ra nguyên tắc Tam tịnh nhục, nói chung là hạn chế tối đa sự giết thịt để chiêu đãi . Mặt khác, Phật còn dạy cho Tăng đoàn diệt tận các loại "tưởng ăn" nữa . Anh thấy đó, ăn đối với Tăng đoàn ngày xưa như thế đấy.

Nước Trung Hoa vốn là một đại lục, sinh quyển trải dài từ hàn đới đến cận nhiệt đới, xã hội đa dạng và đa sắc tộc, nên nguồn thực phẩm và văn hoá ẩm thực cực kỳ đa dạng, phong phú, đã cung cấp nhiều hệ thống "kịch bản tâm trí trong ẩm thực" cho sự lựa chọn của Phật giáo Trung Hoa . Các vị Tăng Trung Hoa đã chọn ăn chay, để thể hiện chuẩn mực "từ bi" của Phật giáo, và nuôi dưỡng tinh thần yêu thương và sự hiểu biết trên muôn loài theo đúng giáo pháp .

Phật giáo Việt bị ảnh hưởng sâu sắc và nặng nề của hệ thống "kịch bản tâm trí Phật giáo"

Bắc tông từ Trung Hoa và Phật giáo Nam tông từ Ấn và Sri-Lanca, hơn là tự thân đưa ra giải pháp một cách trí tuệ .

Do đó, "ăn chay và ăn mặn" trong Phật giáo Việt đã trở thành một xác tín, một "in vết" trong não trạng, và khi đã in vết, thì tất yếu có tranh chấp .

Bắc tông thì đả kích việc ăn mặn, còn Nam tông, thì làm sao có thể biện minh được, khi trong bếp ăn nhà chùa, lại có xào nấu thịt chúng sinh, trong lúc, bối cảnh văn hoá tín ngưỡng Tàu vẫn còn in đậm vết trong tâm thức dân Việt , và hệ sinh thái Việt cũng dâng hiến cho dân Việt một nền văn hoá ẩm thực đa dạng với rất nhiều sự lựa chọn ?. Hệ "kịch bản tâm trí","niềm tin, sự mong đợi" nào vào lúc ấy ? (Phật giáo gọi là Tâm sở Tư và Tâm sở Tác ý), lúc đi chợ mua thực phẩm và lúc làm bếp ?

Đối với tôi, ăn chỉ là thực tại đơn thuần, còn "hành vi ăn" và "tư tưởng về ăn" lại là việc khác . Tôi không ăn thịt là vì tôi tội nghiệp súc vật bị giết thịt mà thôi, mà lỡ bửa có ăn thịt, thì tôi cũng thầm mang ơn con vật mà tôi đã trộm vay sinh khối của chúng ; cũng như tôi không tán dương đồ gỗ mà các đại gia lấy đó làm tiêu chuẩn thang bậc xã hội, cũng như những chùa mới xây dựng tòan là gỗ quí – là vì tôi "nghe" tiếng đổ ầm ầm của các loại cây trong rừng, mà lẽ ra, khu rừng phải được bảo vệ để các loài tồn sinh an lành và để cảnh lụt lội của miền trung ruột thịt không nên xảy ra . Người ta bảo ăn chay để bảo vệ sinh quyển, nhưng người ta lại cất chùa to , Phật lớn bằng gỗ , xây dựng cả resort bằng gỗ !!! Giết một con bò 3 tuối, tội lỗi vẫn chưa bằng "giết"một cổ thụ ngàn năm tuổi !

Nếu nạn đói chẳng may xảy ra, có lẽ tôi cũng ăn cả châu chấu, cào cào, để chỉ giữ cho cái xác thân này được sinh tồn mà thôi . May mà nước ta dồi dào thực phẩm !!!

Cũng quả thật, tôi ăn chay nên khi nghe mùi xào nấu "thịt" thì tôi lại cảm giác "gai gai", chứ tôi không chống hay tán dương gì cả . No comment ! Nhưng tôi không phải chủ nghĩa "chiết trung", tôi ăn chay, thế thôi .

Anh lại hỏi tiếp, tôi ăn có biết ngon và dở không ? Tại sao không ? Nhưng cái khác biệt giữa anh và tôi, là tôi không mang thành kiến hay định kiến về ngon và dở trong khi ăn. Mỗi món ăn – như gạo – thì tôi trãi nghiệm ngon như hạt gạo là ; nếu mì gói, thì cũng ngon như mì gói là ; canh cũng ngon như canh là, ..... tất cả đều ngon như chúng là !

Ngon và Dở chỉ là sự so sánh giác quan, mà giác quan lại điều-kiện-hoá cảm thọ của ta, bỏ đi điều-kiện-tính, thì ngon dở không tồn tại và ta sẽ không bị ám ảnh bởi định kiến về mọi thức ăn chay, mặn, hợp hay không hợp khẩu vị . Lúc ấy, anh sẽ tận hưởng được những hương vị ngọt ngào của thức ăn mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho con người. Vì sao lại không thụ hưởng điều này ?

Nhân loại phải mang ơn sâu sắc tất cả các sinh vật, vì nếu không có chúng làm thực phẩm hàng từ hàng mấy triệu năm về trước cho tận đến mãi mãi về sau, nhân loại sẽ không có cái ngày mà họ đứng ngồi tranh cãi nhau về cái "ăn" đâu ! Do đó, khi anh đặt cái "ăn" thành vấn đề, thì nó "đã trở thành vấn đề trong tâm trí" của anh, thuật ngữ Phật giáo gọi là "tướng" hay "tưởng" về cái "ăn".

Khi nào trong Tăng đoàn Phật giáo Việt còn ra sức tranh chấp, biện minh cho quan điểm chay-mặn của họ, thì lại càng đóng sâu chiếc đinh "tướng ăn" này vào trong kho tàng tâm thức của họ và cả người nghe, Phật tử ! Rốt cuộc, sự tranh chấp trong Tăng đoàn ngày xưa đã trở thành mối tranh chấp giữa các Phật tử ngày nay ! Cũng buồn cười thật ! Người ta đến với Phật giáo vì cái "ăn", hay vì điều gì khác cao xa hơn ?

Riêng tôi, tôi đến với Phật giáo, ban đầu để tìm lời giải đáp cho vấn nạn của tôi, nhưng về sau, tôi lại thấy ..... quả thật, có sự nhiệm mầu không thể nói được, chứ chẳng phải ....ăn .
Saturday, January 27, 2012 – Mùng 5


Thân ái,

Tâm Nhẫn
Nguồn: vuonhoaphatgiao.com

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin