Chi tiết tin tức

Chân dung "Đường Tăng Việt Nam" xây chùa trên đất Phật

22:16:00 - 12/11/2014
(PGNĐ) -  Lần đầu tiên đặt chân đến Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ) – nơi đức Phật giác ngộ, thầy Huyền Diệu mang trong lòng sự sung sướng với đầy đủ cung bậc cảm xúc. Thầy ước mơ được như nhân vật Đường Tăng trong truyện cổ Tây Du Ký đi qua các ngôi chùa nơi đất Phật để thỉnh kinh.
Sau đó, thầy thoáng buồn khi nhận ra mảnh đất linh thiêng mang tên “tứ thánh địa” với hàng chục ngôi chùa của các quốc gia trên thế giới chưa có ngôi chùa của Việt Nam. Thầy bỏ ra 18 năm trời dành dụm tiền dạy học để mua đất và dành thêm 16 năm cùng các tăng ni, phật tử để xây dựng ngôi chùa mang tên Việt Nam trên đất Phật.
 
Sự mầu nhiệm trên mảnh đất “tứ thánh địa”
 
Trong chuyến về cố hương lần này, thầy Huyền Diệu đã đến trường cao đẳng nghề Long Biên (Hà Nội) để chia sẻ với các phật tử về kinh nghiệm tu thiền tịnh độ. Trước ngày ông sang Ấn Độ, chúng tôi đã đến thăm ông, nghe ông kể về câu chuyện xây chùa Việt Nam nơi đất Phật. Đó là một kỳ tích đầy mầu nhiệm như gắn liền với cái tên của ông.
Thầy Diệu Huyền – "Đường Tăng Việt Nam" xây dựng chùa Việt Nam đầu tiên trên đất Phật
Thầy Huyền Diệu có nụ cười dễ mến, giọng nói chân tình và trông trẻ hơn so với tuổi 70. Hiện ông là trụ trì chùa An Việt Nam Phật Quốc Tự, ngôi chùa đầu tiên của Việt Nam tại Ấn Độ (nơi đức Phật giác ngộ dưới cây bồ đề) và trụ trì của chùa Việt Nam Phật Quốc Tự tại vườn Lumbini – Nepal (nơi Đức Phật giáng trần). Cả hai ngôi chùa mang bản sắc Việt đều do ông từ hai bàn tay trắng xây dựng nên.
 
Thầy Huyền Diệu sinh ra tại Bến Tre với tuổi thơ khắc nghiệt và trải qua nhiều truân chuyên. Cha mẹ ly dị từ khi ông còn nhỏ khiến ông phải tìm đến cửa chùa để nương náu. May mắn trong cuộc đời khi ông được vị ân sư là thầy Hoàng Nhơn, trụ trì chùa Mai Sơn Tự cưu mang và dạy dỗ.
 
Lớn lên, ông nghe lời thầy sang Pháp vừa làm việc để kiếm sống vừa theo học tại trường đại học Sorbonne ở Paris. Năm 1969, lần đầu tiên ông được đặt chân đến Bodh Gaya tức Bồ Đề Đạo Tràng, một thành phố ở quận Gaya, Bihar, Ấn Độ. Trong lòng ông chứa nhiều cảm xúc trước vùng đất linh thiêng sau mấy thế kỷ bị những biến cố cực đoan hủy diệt gần hết những di sản quý báu. Hiện nay nhiều nước, đặc biệt là các nước châu Á, đang tích cực góp sức hồi phục nhằm gìn giữ những di sản vô giá của nhân loại, nhưng thầy Huyền Diệu thấy hơi xao lòng khi Việt Nam, một đất nước có truyền thống Phật giáo lâu đời lại không có một ngôi chùa trên quê hương của Phật.
 
Kể từ đó trong lòng ông chỉ có một nguyện vọng tha thiết là xây dựng một ngôi chùa tại Bồ Đề Đạo Tràng để những người Việt mỗi khi đến chiêm bái thánh địa này có nơi trang nghiêm thanh tịnh dừng chân trú ngụ. Mặt khác, ông cũng muốn giới thiệu giá trị văn hóa Việt Nam cho cộng đồng Phật giáo các nước tại Ấn Độ. Khát vọng luôn thường trực trong những năm tháng cực kỳ khó khăn nơi đất khách. Ông chắt chiu từng đồng tiền dạy để mong biến ước mơ thành sự thực.
 
Cơ duyên đã đến, tháng 5/1987, ông dành toàn bộ số tiền tích góp được cùng với sự giúp đỡ của bạn bè để mua một miếng đất tại Bồ Đề Đạo Tràng. Ông làm lễ đặt viên đá đầu tiên cho ngôi chùa An Việt Nam Phật Quốc Tự. Thời điểm đó khó khăn chồng chất khi đã mua được đất nhưng ông không còn kinh phí để xây chùa. Ông vay mượn tiền bạn bè mỗi người một chút rồi lập một túp lều nhỏ tại đây để hàng ngày khai hoang đất. Thế rồi từng ngày, từng tháng, ông đã đón nhận sự trợ giúp tích cực từ những tấm lòng hướng về Phật pháp để làm nên công trình mà những ai có duyên đến thăm không thể không tự hào.
 
Theo lời thầy Huyền Diệu, ngôi chùa Việt Nam nằm cách xa trung tâm và ẩn mình trong một không gian yên tĩnh. Tại đây, có rất nhiều ngôi chùa của các nước bạn to và rộng, còn chùa Việt Nam mang một nét riêng: Nhỏ nhắn nhưng cao nhất Bồ Đề Đạo Tràng. Đứng trên tầng ba của chánh điện có thể nhìn bao quát được cả một quần thể không gian mà dưới tầm mắt là những ngôi chùa các nước khác. Đây cũng chính là ý tưởng chủ đạo của “người làm vườn” Huyền Diệu khi xây dựng ngôi chùa, diễn tả khát vọng vươn lên tầm cao để đạt được hạnh phúc trong cuộc sống.
 
Đưa thợ Việt Nam sang Ấn Độ xây chùa
 
Thầy Huyền Diệu kể, ngôi chùa An Việt Nam Phật Quốc Tự mang đậm bản sắc của quê hương Việt Nam với nhiều cây cao bóng mát, không gian yên tĩnh cùng với tiếng chim hót líu lo rất thích hợp cho việc tu tập và thiền định. Bên trong chùa, dọc theo những con đường nhỏ quanh co uốn lượn là các loại cây ăn trái của vùng nhiệt đới rất quen thuộc với người Việt như vải, mít, táo, cam, chanh, bưởi, xoài, ổi xá lị… Phía trước chánh điện và hai dãy phòng Pháp xá của chùa có trồng nhiều loại hoa kiểng được mang giống từ quê nhà sang như đào, mai vàng, mai chiếu thuỷ, lan, sứ, thiên lý.
Chính điện chùa An Việt Nam Phật Quốc Tự
Điểm độc đáo của An Việt Nam Phật Quốc Tự là hậu tổ phía sau chánh điện có bàn thờ tưởng niệm anh linh các vị anh hùng Tổ quốc Việt Nam. Thầy Huyền Diệu quan niệm rằng, một đất nước muốn được hưng thịnh và tiến bộ thì tất cả mọi công dân đều phải đặt Tổ quốc và quyền lợi của Tổ quốc lên hàng đầu. Có Tổ quốc rồi mới có Phật giáo và sau hết mới đến ngôi chùa. Đó chính là ý nghĩa của tên gọi được đặt cho ngôi chùa Việt Nam đầu tiên trên đất Phật.
 
Vào thời điểm chùa đang xây dựng, một số thân hữu trong các tổ chức ở Nhật Bản và Hàn Quốc muốn tặng chùa Việt Nam quả Đại Hồng Chung, thế nhưng thầy Huyền Diệu đã từ chối. Trong suy nghĩ của ông, chiếc chuông của ngôi chùa Việt Nam phải được đúc từ Việt Nam, bằng đồng của Việt Nam và do chính những người thợ Việt Nam thực hiện mới linh thiêng và có ý nghĩa.
 
Thế là trong lần đầu tiên về nước sau hàng chục năm xa cách, ông tìm gặp một người thợ gốc Phường Đúc ở Huế để đặt làm chiếc chuông. Hiện nay nhà chùa đã có Đại Hồng Chung nặng hai tấn rưỡi, đường kính 1,5m và chiều cao 3m. Ngoài ra, chùa còn có chiếc trống sấm đường kính 2m và dài 1,5m. Cả hai đều mang đậm nét văn hóa đặc thù của Việt Nam. Ngay cả các tượng Phật trong chùa cũng do ông đặt từ Tp.HCM mang sang.
 
Từ thiết kế đến thực hiện ngôi chùa đều do bàn tay khéo léo của những nghệ nhân từ Việt Nam sang. Sau 16 năm trời đằng đẵng xây dựng, trải qua mọi gian lao khổ cực, bao nhiêu lượt người đến rồi đi, đầu năm 2003, lễ khánh thành An Việt Nam Phật Quốc Tự được tiến hành trong niềm vui lớn lao của tăng, ni, phật tử nói chung và người Việt Nam nói riêng. Ngôi chùa mang tên Việt Nam chính thức góp mặt ở vùng linh địa Bodh Gaya. Ngôi chùa này đã 4 lần đổi tên và nay mang tên An Việt Nam Phật Quốc Tự với những ý nghĩa trọn vẹn.
 
Thầy Huyền Diệu cũng là người ngoại quốc đầu tiên được Chính phủ Vương quốc Nepal cấp đất xây dựng ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc Tự, ngôi chùa Quốc tế đầu tiên tại vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni), nơi Đức Phật Thích ca giáng trần. Trong thời gian xây dựng ngôi chùa Việt Nam tại quốc gia này, thầy Huyền Diệu đã vận động các mạnh thường quân xây cho dân làng ở Lâm Tỳ Ni một cây cầu bắc qua sông.
 
Ông kể, cầu xây chỉ tốn chừng 35.000 USD, thế mà phật tử khắp thế giới gửi về ủng hộ đến hơn 90.000 USD. Tiền dư ông phải gửi trả lại cho từng người. Ông còn vận động người dân quanh vùng bảo vệ chim hạc là giống chim quý hiếm đã được ghi vào Sách Đỏ. Nhờ vậy mà hồng hạc Himalaya về khu vực Lâm Tỳ Ni ngày càng nhiều, đến nay đã được gần 70 con.
 
Sau 40 năm lưu lạc, ngày về quê mẹ, ông không mang theo tiền hay bất cứ vật quý nào mà chỉ mang theo những kinh nghiệm sống, mang theo một tấm lòng qua ba tập sách mỏng để làm tư lương cho mọi người. Chính sự đơn sơ và tấm lòng từ ái mà với đôi bàn tay trắng, thầy Huyền Diệu đã làm nên những kỳ tích với bao huyền nhiệm diệu kỳ.
 
Giá trị cuộc sống ở cách nhìn và cảm nhận
 
Trước đây, thầy Huyền Diệu mang tâm nguyện mong sớm tìm được vị trụ trì có tài đức cho hai ngôi chùa An Việt Nam Phật Quốc Tự (Ấn Độ) và Việt Nam Phật Quốc Tự (Nepal) để mình còn lên núi tuyết ẩn tu. Nhưng tiếp xúc với chúng tôi lần này, thầy Huyền Diệu lại tâm huyết muốn mở một tờ báo để đăng tải những bài viết có thật ở đời thường nhưng rất đỗi nhân văn. Đơn giản như xóm bệnh nhân chạy thận ở gần bệnh viện Bạch Mai, nơi những người bạo bệnh đang đoàn kết, che chở lẫn nhau hay về một cụ ông 90 tuổi vẫn cần mẫn chăm sóc người mẹ già đã 110 tuổi. “Đó mới là giá trị đích thực của cuộc sống giúp người ta hướng thiện, biết yêu thương và quý trọng nhau hơn”, thầy Huyền Diệu tâm sự. 
 
Cao Tuân
Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin