Chi tiết tin tức

Vì sao chưa có chư tôn giáo phẩm người dân tộc thiểu số?

17:17:33 - 24/07/2013
(PGNĐ) -  (PGVN)Người dân tộc thiểu số giờ đây làm đủ mọi việc, có mặt ở mọi lĩnh vực, từ bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo, sĩ quan, công chức… và cả mục sư. Riêng tăng sĩ Phật giáo thì chưa?
Tháp tùng đoàn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viếng thăm Hoa Kỳ vừa rồi, có một số vị chức sắc các tôn giáo. Ba vị chức sắc Phật giáo đều là giáo phẩm cấp cao, là Hòa thượng, là các Phó Chủ tịch HĐTS. Hai vị nói tiếng Nam bộ, một vị nói tiếng miền Trung, tất nhiên đều là người Kinh.
 
Ba vị Hòa thượng đại diện cho ba hệ phái Phật giáo Việt Nam là Bắc tông, Nam tông và Khất sĩ. Như thế là hợp lý, là thể hiện được với bạn bè Hoa Kỳ và người Việt sinh sống tại Hoa Kỳ diện mạo Phật giáo Việt Nam hôm nay. Như thế là hết sức hoan hỷ!
 
Tuy nhiên, khi được biết đại diện phía Tin Lành có một mục sư, nhưng hết sức đặc biệt, là một mục sư dân tộc thiểu số, thì những dòng suy nghĩ miên man cứ bám lấy tôi.
 
Hai vị Hòa thượng Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự đã ngồi trên cùng một ghế dài với mục sư Yky Ê Ban, được giới thiệu là Ủy viên Ban Trị sự Tổng Liên hội Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) và là quản nhiệm một chi hội thuộc huyện Chưmga, Đắc Lắc, để trả lời phỏng vấn của báo Việt Weekly.
 HÌnh ảnh các vị chức sắc tôn giáo trả lời phỏng vấn báo Việt Weekly

Để qua một bên một gợn băn khoăn về sự chênh lệch chức vụ của của hai vị tôn đức Phó Chủ tịch GHPGVN so với vị mục sư Tin Lành, chúng tôi chú ý đến lời trả lời phỏng vấn của vị mục sư người dân tộc thiểu số.
 
Mục sư Yky Ê Ban, nói tiếng Việt, tuy vẫn còn mang dấu ấn ngữ âm của người dân tộc thiểu số, nhưng ông nói rất lưu loát, với chuẩn tiếng Việt trí thức, có phần sắc sảo, khéo léo, thậm chí có những thông điệp hàm ẩn đáng lưu tâm (như dùng cụm từ “cao nguyên Trung phần” trước đây, thay vì từ “Tây Nguyên” thông dụng và có tính chính thức hiện nay).
 
Những thông tin, số liệu về sự phát triển của đạo Tin Lành ở “cao nguyên Trung phần” qua lời của vị mục sư quả là không thuyết phục bằng sự hiện diện của ông trong đoàn thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước, và bằng sự hiện diện của ông bên cạnh hai vị Hòa thượng Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN.
 
Quả là đạo Tin Lành đã hết sức phát triển ở Tây Nguyên đến mức có được một vị mục sư tại địa phương, người dân tộc thiểu số, có trình độ như vậy.
 
Từ đó, tôi không tránh khỏi việc liên hệ với chủ trương hoằng pháp cho đồng bào dân tộc ít người thường được nói đến gần đây của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 

Có những kết quả đã được ghi nhận, nhưng dường như GHPGVN chưa có một vị tôn đức dân tộc thiểu số là thành viên Hội đồng Trị sự hay Hội đồng Chứng minh. Tôi thật băn khoăn về điều này! Hay có lẽ có những giáo phẩm Phật giáo là người dân tộc thiểu số, nhưng do việc đặt pháp danh thường theo tiếng Hán Việt, nên từ đó tôi không được biết?
 
Nếu thực sự GHPGVN chưa có vị tôn đức nào là người bản địa dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc, thì thật là đã có vấn đề!
 
Trong đạo Phật, người tu sĩ có vị trí hết sức quan trọng. Đó là Tăng Bảo, một trong ba ngôi cao quý của đạo Phật. Hoằng pháp đối với một cộng đồng dân cư, nhưng rốt cuộc không có tăng, ni  đại diện cho cộng đồng đó, thì lấy đâu cơ sở chứng minh tính nhập thế và nhập cuộc?
 
Chiếc băng ghế trên khung hình của Viet Weeky là hình ảnh tôn giáo tại Việt Nam thu nhỏ. Các vị Hòa thượng người Kinh, còn vị mục sư người dân tộc thiểu số. 
 
Trước một hiện thực cụ thể như vậy, bây giờ nói đến chuyện mong mỏi có các vị Thượng tọa, Hòa thượng thành viên Hội đồng Trị sự hay Hội đồng Chứng minh là muộn màng, là ảo tưởng, là vô vọng chăng?
 
Trong vài năm tới, nếu chưa có tăng, ni sinh người dân tộc thiểu số thì sự tụt hậu trong hội nhập bản địa ngay chính trên quê hương Việt Nam của đạo Phật sẽ là một sự tụt hậu nghiêm trọng so với các tôn giáo bạn.

Người dân tộc thiểu số giờ đây làm đủ mọi việc, có mặt ở mọi lĩnh vực, từ bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo, sĩ quan, công chức… và cả mục sư. Riêng tăng sĩ Phật giáo thì chưa?
 
Minh Thạnh

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin