Chi tiết tin tức Đốt mã: Người cõi âm có nhận được iPhone? 19:26:00 - 23/01/2014
(PGNĐ) - Hòa Thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Bái Đính (Ninh Bình) cho rằng: Giáo hội Phật giáo Việt Nam không đốt vàng mã và trong tất cả các sách của Phật, không có điều nào Phật dạy người dân đốt vàng mã.
Trong ngày lễ ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp), đốt vàng mã được coi như một phong tục, người người đua nhau sắm mã to để đốt lấy lộc to. Thậm chí, những năm gần đây, trong giỏ vàng mã của nhiều gia đình có cả đồ hi-tech như: điện thoại, iPhone, iPad gửi cho ông Công, ông Táo. Đốt vàng mã không linh thiêng Theo GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, hiện nay, nhiều người dân đốt vàng mã một cách “lãng phí và sai lầm”. Trước hết, nhiều người có quan niệm đốt càng nhiều tiền vàng mã, càng có nhiều lộc là không đúng. Bởi điều quan trọng nhất, phải có tấm lòng thành tâm, chứ không phải ở vàng mã nhiều ít. Thậm chí, cần lên án những người đốt vàng mã “như đốt đống rơm đống rạ”. “Hành động này vừa vô tín ngưỡng, vừa vô văn hóa”, ông Thịnh nhận xét. Giáo sư cũng chỉ ra một sai lầm khác trong tục đốt vàng mã, đó là “sự ganh đua”. Ông nêu ra tư tưởng sai lầm khá phổ biến: “Hôm trước nhà anh đốt bằng này mã, ngày mai tôi đốt nhiều hơn anh”. Trong giỏ vàng mã của nhiều gia đình có cả đồ hi-tech như: điện thoại, iPhone, iPad.. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cũng cho biết, gia đình ông có đốt vàng mã trong các ngày lễ tết. Điều này làm ông có cảm giác như đang làm “việc gì đó” cho người thân của mình. Ông chia sẻ: “Đốt vàng mã giúp mình cảm thấy yên lòng chứ không biết các cụ có nhận được không”. GS Thịnh nói, gia đình ông không bao giờ sắm mã iPhone, iPad… gửi cho các cụ. Vì thời xưa, các cụ không biết iPhone, ô tô, tivi là gì. Do vậy, nếu các cụ có nhận được chăng nữa cũng không biết dùng. Trong cuộc trao đổi thông tin báo chí về lễ hội chùa Hương 2014 vừa diễn ra tại Hà Nội, Thượng tọa Thích Minh Hiền – Trụ trì chùa Hương (Mỹ Đức, HN) cho rằng, người dân đang hiểu lầm, đốt nhiều tiền vàng âm phủ sẽ có nhiều lộc… Thượng tọa cho hay, tại chùa Hương, nhiều năm qua, vẫn còn hiện tượng đốt tiền âm phủ. Nhưng chủ yếu là bà con kinh doanh buôn bán, phật tử không mang tiền vàng mã vào đốt. “Không có sự linh thiêng trong việc đốt vàng mã”, Thượng tọa Thích Minh Hiền khẳng định. Nên dùng cá chép thật hay cá giấy? Theo GS Ngô Đức Thịnh, trong ngày lễ 23 tháng Chạp, người dân có thể cúng cá chép giấy hay cá chép thật đều được. Ông nhấn mạnh, nếu có điều kiện có thể mua cá chép thật để làm lễ, sau đó phóng sinh. Nhưng lưu ý, quan niệm cá chép đắt tiền, nhập ngoại linh thiêng hơn cá chép thông thường là “quan niệm sai lầm”. “Không bao giờ có chuyện cảm hóa thần linh băng sự giàu có, nhiều tiền. Chỉ có tấm lòng mới có thể cảm hóa được thần linh. Dù có cá chép bằng vàng mà tấm lòng không trong sáng, cũng không để làm gì”, GS Thịnh nói. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng, nét đẹp của ngày ông Công, ông Táo là tục phóng sinh, không phải đốt mã. Do vậy, nhiều gia đình mua cá chép về làm lễ rồi phóng sinh. GS Trần Lâm Biền – Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian - lý giải, tục lệ này ít nhiều liên quan đến đạo Phật. Ẩn đằng sau tục phóng sinh là tinh thần từ bi theo quan niệm của nhà Phật. Lòng từ bi của nhà Phật không chỉ với loài người mà nó mở rộng ra muôn loài, muôn vật. Triết lý nhà Phật là coi tất cả muôn loài, kể cả con người cùng chung một bản thể, cội nguồn. Từ đó, tục phóng sinh là trở về với tâm tư cội nguồn của đạo để tìm sự an ủi cho tâm hồn đầy tội lỗi mà con người vấp phải. Tết ông Công, ông táo vào ngày 23 tháng Chạp cũng được người Việt chúng ta chọn làm ngày lễ phóng sinh, đó là nét đẹp văn hóa.
Dương Tùng
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |