Chi tiết tin tức

Luộc "tu sĩ" vì áp lực câu view (2)

17:15:00 - 21/11/2013
(PGNĐ) -  Trong bài trước, chúng tôi đã nói qua nguyên tắc bất chấp hậu quả của câu view bất chính. Vì bất chấp mọi hậu quả, mọi thiệt hại có thể có, nên các nhà báo bất chính câu view bằng mọi thứ có thể, kể cả đơm đặt những điều ong tiếng ve đối với người tu hành
Nhà tu hành là đối tượng 
 
Khi truyền thông bất chính đối với nhà tu hành, thì những nhà báo hành nghề kiểu tà đạo đã tính toán rất kỹ, và do đó, họ chọn đối tượng là nhà tu hành. Với đối tượng là nhà tu hành, gửi bài xong, là “nhà báo” có thể ngủ khỏe, ngủ yên, ngủ ngon, sau khi đã hạ độc thủ không ghê tay. Điều này cũng giống như là sau khi đã đánh… những người bán hủ tiếu bằng cách phao lên trên mạng tin chuột cống như vậy.
 
Điều tra một vụ mãi lộ, tham nhũng, chạy chọt… nào đó thì vừa khó khăn, phức tạp, gian nan, vừa chịu nguy cơ bị thưa kiện, khiếu nại rất lớn, thậm chí bị tù tội, bồi thường thiệt hại. 

Công an, cán bộ chính quyền, cơ quan nhà nước, doanh nhân… là những người nắm luật. Đưa tin về họ, chỉ cần một sai sót nhỏ là đủ mọi chuyện rắc rối, kể cả vướng lưới luật pháp. Chi bằng kiếm thầy chùa, người bán hủ tiếu gõ… mà đánh thì chắc ăn hơn. 

Tiếc rằng các thầy cũng đã mở đường cho các nhà báo bất chính vì đã quá từ bi, dễ dãi. Điều đó, giải thích tại sao các trang mạng Việt Nam lâu lâu là có tin giựt gân về sư thầy, mà rất ít thấy tin có liên hệ đến các cha cố. Bởi các nhà báo bất chính đã “test” các sư thầy và họ hoàn toàn yên tân. Trong khi đó, họ vẫn chưa dám giỡn mặt với các cha cố, dù cũng đều là tôn giáo.
 
Nhưng vấn đề còn là ở chỗ bạn đọc. Bạn đọc phương Tây thì hot với chuyện các cha, nhất là bạn đọc châu Âu, với những scandal tình dục tu sĩ, nhất là ấu dâm. Còn bạn đọc châu Á thì hot với tin các sư. Chính thị hiếu bạn đọc thúc các nhà báo phải làm điều bất chính để phục vụ họ. Vì vậy, đối với tin câu view có liên hệ đến Phật giáo, thì dù có thể biết là sai, nhưng nhà báo vẫn đưa tin. Trong trường hợp, này họ dùng cách nói lập lờ, lấp lửng, như kỹ thuật dùng trong bài báo “Sư trụ trì ở… biệt thự!” tạo nhiều cách hiểu, miễn là an toàn cho họ.
 
Trên trang “Soha.news”, có đăng một tin cấu trúc dạng “Nhà sư dùng…” mà chúng tôi đã có dịp phân tích, tựa đề là “Nhà sư dùng ma túy để… giảm cân”, nói về một nhà sư Thái bị điều tra dùng ma túy vì có 7 viên methamphetamin. Nhà sư giải thích là để giảm cân, vì có lúc trọng lượng cơ thể ông tăng tới 90kg. Tra Wikipedia thì thấy chất này được Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận để điều trị rối loạn tăng trọng thiếu chú ý và béo phì ngoại sinh (béo phì có nguồn gốc từ các yếu tố ngoài tầm kiểm soát của bệnh nhân, ở cả người lớn và trẻ em). 

Cạnh đó, cũng cùng một cấu trúc, trang này đăng tin “Nhà sư Trung Quốc hoàn tục để kết hôn”, điều mà một nhà tu có thể lựa chọn nếu thấy mình không thể tiếp tục con đường tu tập. Dòng tu các đạo khác có yêu cầu tu sĩ sống độc thân cũng thế, họ gọi đó là “tu xuất”, nhưng không thấy báo chí đưa tin các đạo khác những khi có trường hợp cụ thể xảy ra, mà truyền thông lại tỏ ra nhạy cảm với trường hợp tu sĩ Phật giáo.
 
Áp lực
 
Tôi có cảm giác giới truyền thông Việt Nam hiện nay coi giới tu sĩ Phật giáo là ngang với những người bán hủ tiếu gõ. Điều này, không thể chấp nhận được. Người tu sĩ Phật giáo thông qua tổ chức của mình là giáo hội, cần có những phản ứng thích đáng. Nếu không, với não trạng như thế, điều không tránh khỏi là người tu sĩ Phật giáo lại sẽ bị làm mồi câu view. Sẽ lại có hàng loạt cụm từ vị ngữ rất tiêu cực sau từ “nhà sư”, mà xuất phát điểm là áp lực câu view của những nhà báo bất chính.
 
Tìm hiểu sâu hơn nguyên nhân của vấn đề, tức là áp lực của việc câu view bất chính, thì chúng ta sẽ thấy khả năng xảy ra việc câu view bất chính, trong đó có việc dùng người tu sĩ Phật giáo làm mồi, là điều rất dễ xảy ra. 

Bài thứ hai trong loạt bài “Thảm họa câu view” đăng trên báo Tuổi Trẻ có nhan đề “Hoặc tin bài hoặc nghỉ việc” của Hà Châu – Thạch Hà. Trong phần box, bài báo viết: 
 
““Không đạt view, cắt quảng cáo
 
Một tờ báo điện tử có số lượng truy cập cao tại Việt Nam đã hợp đồng với một công ty chuyên về quảng cáo lo toàn bộ quảng cáo cho tờ báo này. Hợp đồng này được thực hiện trọn gói với giá tiền được tính một lần cho mỗi năm. Hợp đồng cũng quy định rõ ràng nếu báo điện tử không đạt lượng truy cập (pageview) cần thiết thì bên công ty quảng cáo sẽ cắt toàn bộ hợp đồng. Bởi đây chính là số tiền “nuôi” tờ báo nên lãnh đạo tờ báo đã quyết định mời một “nhà báo” có kinh nghiệm trong lĩnh vực làm báo “thị trường” về chỉ một nhiệm vụ: giật tít gây sốc để câu view. Thế là những cái tít giật gân, gây sốc xuất hiện tràn đầy trên tờ báo vốn có bạn đọc tử tế này.
 
Việc này đã gây nên một sự xáo trộn rất lớn trong nội bộ chính tờ báo đó bởi một nửa nhân viên cho rằng cần giữ tôn chỉ mục đích mà tờ báo đã thực hiện bấy lâu. Tuy nhiên, do nguy cơ bị cắt hợp đồng quảng cáo trọn gói nên “nồi cơm” đã chiến thắng. Nhưng bi kịch xảy ra: “nồi cơm” chỉ no vài bữa, những bạn đọc lâu năm gắn bó với tờ báo đã hoàn toàn thất vọng và bỏ đi tìm tờ báo điện tử khác, lượng đọc sút giảm nên nguy cơ bị cắt hợp đồng vẫn luôn chực chờ.
 
Đây là câu chuyện khá phổ biến ở các báo điện tử, trang mạng hiện nay. Thậm chí một công ty quảng cáo có trong tay nhiều tờ báo điện tử, trang mạng, công ty không chỉ chi phối về quảng cáo mà các hợp đồng này còn chi phối cả nội dung của các tờ báo thông qua các bài PR””
 
Áp lực đối với cơ quan truyền thông như thế sẽ chuyển hóa thành áp lực đối với phóng viên và biên tập viên. Họ trở thành những con chim săn mồi chuyện giật gân, gây sốc, phản cảm, bốc lửa, choáng váng…, hễ thấy có trường hợp nào là lạ, như kiểu “Sư trụ trì ở… biệt thự!” thì nhào ngay tới, chụp lấy rồi tìm cách khuếch đại nó lên. Bài báo đã dẫn cho biết tiếp: “Hẹn với N.Lê, một “phóng viên” có thâm niên viết cho các báo mạng giải trí vào 8g sáng, nhưng đến 10 giờ chúng tôi mới có thể gặp qua... Facebook. N.Lê nói: “Tôi dậy từ 6g sáng, nhưng đến giờ chưa ăn sáng vì bận viết tới bốn bài giải trí cho tờ báo mạng đang làm!
 
Tốc độ làm việc kinh khủng này được N.Lê thừa nhận là không thể có bài sâu mà chỉ dựa vào sự giật gân của sự kiện, nếu sự kiện không giật gân thì tít tựa phải giật gân. Cốt sao để người đọc càng nhiều càng tốt.
 
Bị chế tài nếu không đưa tin “lộ hàng”
 
Hiện nay bên cạnh một số tờ báo chuyên giật tít tựa “gây sốc” và một số báo điện tử “giật gân”, một số trang mạng dù không được phép xuất bản thông tin cũng vào cuộc đưa thông tin “giật gân” để câu view và biến “phóng viên”, “biên tập viên” của các trang mạng này thành những người mà dư luận gọi nôm na đầy tính chỉ trích là “những con kền kền”.
 
Nhưng N.Lê cho rằng ngay cả “phóng viên” khi đã quyết định theo vào làm ở một tờ báo kiểu lá cải thì họ cũng không có lựa chọn nào khác là phải “vồ” lấy những tin giật gân, câu khách và tìm cách khuếch đại nó lên nếu không muốn bị cấp trên của mình chế tài. Nếu không “phóng viên” đó cũng sẽ phải tìm cách để xin lại hình ảnh, thông tin từ đồng nghiệp khác, hoặc xào xáo thông tin rồi thêm mắm thêm muối vào để đạt được yêu cầu mà “tờ báo” đặt ra. 

Chính vì vậy theo N.Lê, sẽ khó có chuyện chấm dứt hay giảm bớt việc đưa tin, giật tít câu view với một người đã trót tham gia vào một tờ báo chạy theo giật gân. Chuyện đó sẽ ngày càng diễn ra với mức độ dày hơn, tính chất “lá cải” đậm đặc hơn, cho đến khi từ bỏ công việc của mình làm.
 
P. mới tốt nghiệp đại học được một năm nhưng đã có kinh nghiệm viết bài cho một trang thông tin tổng hợp gần hai năm. “Mỗi ngày tôi phải sản xuất 15 tin bài, trong đó có khoảng 40% tin bài copy từ báo khác”. 

Thay vì được đào tạo về cách kiểm nghiệm thông tin thì P. cùng các bạn được dạy về cách giật tít câu khách: “Chúng tôi được tập huấn về kỹ thuật để post bài lên mạng, đồng thời cũng được các anh chị phụ trách trong công ty dặn dò phải làm sao cho tin bài của mình hấp dẫn, câu view gây sốc”. 

Cụ thể, P. kể để có được tít hấp dẫn bạn đọc, P. và các bạn không nhất thiết phải rút tít đúng với nội dung: “Quan trọng là tít nào gây được sự tò mò cho bạn đọc thôi, còn lại nội dung không quan trọng. Và nhuận bút được chấm phụ thuộc rất nhiều vào lượng view của bài đó. Thường sẽ được trả từ 50.000-80.000 đồng/bài”. P. nói và lấy ví dụ: một cô ca sĩ nhưng làm DJ, và đương nhiên DJ là công việc cô ấy cũng được học song song với học hát nhưng có thể giật tít là: “Ca sĩ H. bỏ hát làm DJ”. Tít này gây tò mò cho người đọc và có cớ để viết bài, chứ nếu chờ vào sự kiện để viết thì quả thật không thể có đủ tin bài để viết.
 
Tương tự, trang thông tin tổng hợp S ra đời đã được sáu năm và thường xuyên đưa tất cả thông tin kinh tế xã hội, văn hóa giải trí và pháp luật. Cũng giống nhiều trang thông tin mạng khác, S hướng đến tiêu chí là số lượt truy cập nên những người trẻ tham gia viết bài cho trang mạng này khá đông đảo. Những người viết của trang thông tin tổng hợp S phải sản xuất hàng trăm tin bài mỗi tháng. “Nói là không định mức gì nhưng nếu một tháng không đạt chỉ tiêu nhuận bút thì bị cắt lương cứng đấy”, Lan M., một người chuyên viết mảng an ninh pháp luật trên trang mạng, cho biết. Bởi không được coi trọng về nguyên tắc làm tin bài nên việc sai sót xảy ra khá thường xuyên. “Đứa này viết một chiều, người ta kiện thì đứa kia phải đi viết lại, thanh minh cho người ta là bình thường. Nhất là chuyện tranh chấp đất đai, nhà cửa, tài sản... là có sai sót”, M. - một người viết 30 tuổi - cho biết”
 
“Nhà sư trụ trì ở… biệt thự!” thuộc loại loại tin “tiền” và “tu”.
 
Bài báo đã dẫn nói hiện nay truyền thông đang chuyển dần sang lĩnh vực “tình, tiền, tù, tội”: 
 
“Áp lực của “biên tập viên”
 
Một “biên tập viên” của trang thông tin điện tử cho rằng để câu được view, trong khi những người chạy tin phải chạy hết sức, “biên tập viên” ngồi nhà phải vắt óc nghĩ đến tít bài sao cho hấp dẫn. “Phần lớn là các em trẻ không có kinh nghiệm gì, một sự kiện xảy ra các em phải chụp được thật nhiều ảnh để biên tập viên xử lý. Nhận bài viết của các em phải biên tập rất nhiều vì sai lỗi chính tả chi chít, văn nói văn viết lẫn lộn lung tung. Lại bị áp lực tin bài nên tin bài mang về cho biên tập viên thường là một mớ hổ lốn”, “biên tập viên” này nói.
 
Theo “biên tập viên” này: “Giờ thì có rất nhiều cách để đẩy lượng pageview lên thông qua những công ty chuyên về lĩnh vực này. Ví dụ chúng tôi có thể bỏ tiền làm hợp đồng đối với một số đơn vị để người ta thực hiện các thủ thuật đẩy trang thông tin lên thuộc hàng top những trang được truy cập nhiều. Và cũng thông qua những công ty chuyên quảng cáo mạng để “bán” quảng cáo trọn gói cho họ. Họ sẽ tính theo năm, nhưng cũng yêu cầu đảm bảo pageview hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng”.
 
Để đảm bảo được số lượng bài vở “hút” bạn đọc, trong khi rất nhiều bạn đọc không chọn lọc thông tin này từ nguồn nào, có đáng tin hay không thì đội ngũ làm báo mạng “kền kền” cho rằng trang mạng của họ là một lợi thế: “Chúng tôi cung cấp những thứ bạn đọc cần mà báo chí chính thống không có. 

Những thông tin đó có thể đúng, có thể chưa đúng nhưng bạn đọc chỉ cần có thông tin để đọc và giải trí”. Nhưng lâu dần thì ngoài các thông tin giải trí và “cướp hiếp giết”, các trang mạng nhảy vào đề tài luật pháp với “tình, tiền, tù, tội”. “Xảy ra những vụ tranh chấp liên quan đến pháp luật, không tránh khỏi chuyện tiền bạc và bài đăng. Đôi khi biên tập viên cũng không thể kiểm soát được chuyện đó”, lời thừa nhận của “biên tập viên” này”.
 
Tuy nhiên trao đổi với giới làm báo mạng hiện nay, có biên tập viên thêm 2 yếu tố “tu” và “tử” vào 4 chữ “t”: “tình, tiền, tù, tội”. Tu đây, nếu đọc báo giấy, báo mạng Việt Nam, thì chỉ là tu Phật. Vậy, mới nói. Vụ “Sư trụ trì ở… biệt thự!” như vậy có 2 yếu tố của truyền thông câu view bất chính hiện nay, là “tu”, ứng với cụm từ “sư trụ trì” và “tiền”, ứng với cụm từ “biệt thự”. Thế là phóng viên, biên tập viên nhào vô. 

Nhà 1 tỷ có thể đẩy lên cả… chục tỷ đồng. Nhà trệt lợp ngói có tường rào thì đẩy lên… biệt thự. Họ biết rõ hậu quả không những là khó khăn cho thầy trụ trì, ảnh hưởng xấu đến việc quyên góp tiền xây dựng chùa, mà còn có tác động xấu đối với hoạt động hiến cúng tịnh tài cho người tu sĩ Phật giáo, làm xấu đi hình ảnh Phật giáo nói chung. 

Điều đó, chẳng thấm gì với áp lực câu view như đã nói ở trên, và chẳng còn chút giá trị đạo lý nào. Nếu không thổi phòng để câu chuyện thì họ sẽ mất việc mất lương. Chỉ tội cho nhà sư Thích Phước Tấn rơi vào thế chẳng may. Kiểu nhà sư đi ở tạm biệt thự trong khi thi công xây dựng chùa thì ở Tp.HCM cũng có, nhưng vì phóng viên chỉ vồ được chuyện ở Vĩnh Long nên chỉ thầy Phước Tấn lãnh đủ mà thôi.

Minh Thạnh

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin