Chi tiết tin tức Từ vụ việc “thỉnh vong giải nghiệp” suy ngẫm về thế giới tâm linh 22:58:00 - 28/03/2019
(PGNĐ) - Giá như, lợi dưỡng không đi kèm với pháp phương tiện thì tôi nghĩ, thỉnh vong linh trình bày oan khuất để người đời thấy được mối liên hệ nhân quả là có thật, để họ biết sợ cái xấu, cái ác mà nỗ lực hành thiện thì không có gì đáng bàn với tâm lý của người Việt Nam xưa nay…
Trong tuần qua, dư luận đang xôn xao rất nhiều về vụ việc “Thỉnh vong giải nghiệp” tại chùa Ba Vàng. Đây có thể nói là cuộc khủng hoảng trong truyền thông Phật giáo lớn nhất từ trước đến nay liên quan đến những hoạt động tín ngưỡng của Phật giáo. Tôi chấp bút cho bài viết này nhằm nêu lên ý kiến cá nhân với tư cách là một tu sĩ Phật giáo Việt Nam, và là người làm việc trong môi trường giáo dục cả đời lẫn đạo. Tôi khẳng định rằng, tôi chưa đến chùa Ba Vàng lần nào và cũng chưa hề gặp mặt Đại dức Thích Trúc Thái Minh. Vụ việc tại chùa Ba Vàng nhìn chung có ba vấn đề mà báo chí và dư luận lên tiếng: 1. Thỉnh oan gia trái chủ có trong Phật giáo hay không? 2. Cô Phạm Thị Yến là người thế nào mà dám thăng tòa thuyết giảng mê tín dị đoan cho Phật giáo đồ? Chùa Ba Vàng lợi dụng tín ngưỡng để thu trăm tỉ mỗi năm. Trong bài viết này, tôi chỉ nói đến mối quan hệ giữa Phật giáo với văn hóa truyền thống Việt Nam, Phật giáo đã thực hiện những pháp phương tiện nào để đáp ứng nhu cầu của đời sống người dân, còn việc có hay không thế giới vong linh thì nhiều vị Pháp sư thuyết giảng đã khẳng định là có, và giáo lý đức Phật cũng từng nói về Lục đạo luân hồi. Các vị giảng sư trực thuộc ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, như HT. Thích Giác Hạnh, TT. Thích Trí Chơn đều khẳng định có thế giới bên kia sau khi con người chết đi (chỉ cần quý vị gõ trên Youtube sẽ xuất hiện những bài giảng của các Pháp sư nổi tiếng này). HT. Thích Quảng Tùng- Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Từ thiện xã hội TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiều năm thực hiện nghi thức “trục vong” để giúp những người chẳng may bị vong nhập (rất nhiều clip trên youtube hiện tại vẫn thấy) để trở lại cuộc sống bình thường. Chùa Hàm Long ở Bắc Ninh nổi tiếng là nơi “áp vong”, “nhốt trùng”, là nơi để mọi người “Hầu hết đều có chung một mục đích là đến chùa gửi vong, cúng vong hoặc chuộc vong về”. (báo Anninhthudo.vn đăng tin ngày 19/1/2014)… Nhà Thiền thường có câu: “Như nhân ẩm thủy, lãnh noãn tự tri (Như người uống nước, nóng lạnh tự biết). Bằng kinh nghiệm tu tập và đã từng tiếp xúc với thế giới tâm linh, tôi khẳng định thế giới tâm thức (linh hồn, vong hồn) là có thật. Nó là một loại năng lượng tồn tại bất định, được biểu hiện bằng các hình thái và tướng trạng khác nhau. Tôi không có ý khoe mẽ hay truyền bá mê tín cho mọi người khi đặt bút khẳng định điều này, nhưng do nhiều người sổ toẹt và phủ nhận thế giới vong linh cho nên tôi chia sẻ một vài hiểu biết của mình mà thôi. Trong truyền thống giáo lý Phật giáo cả Nam lẫn Bắc truyền không khuyến khích vận dụng thần thông để giáo hóa chúng sinh, đệ tử Phật không nên nương tựa vào các năng lực huyền bí để phát huy nội lực, mà phải sống đúng tinh thần Bát chính đạo. Thế nhưng tại sao Phật giáo Việt Nam lại xen tạp những sinh hoạt “ngoại giáo” như thế từ trước đến nay? Ngoại giáo ở đây đại khái được hiểu là những giáo thuyết, tín ngưỡng, tập quán bên ngoài Phật giáo được cóp nhặt và duy trì trong sinh hoạt Thiền môn. Quý vị biết rằng, sở dĩ chúng ta gọi “Phật giáo Việt Nam” vì nét đẹp Phật giáo này đã và đang lưu hành trên đất nước Việt Nam và dành cho con người Việt Nam. Nó khác với Phật giáo Ấn Độ, Phật giáo Thái Lan, hay Phật giáo Nhật Bản. Vì Phật giáo Việt Nam mang đặc điểm và màu sắc riêng biệt của nó mà Phật giáo các nước khác không có, nó đáp ứng được tâm lý, nguyện vọng và tố chất của người dân Việt Nam. Theo truyền thống Nam tông, người xuất gia sống bằng hình thức trì bình khất thực, ăn ngày một bữa không phân biệt chay mặn, ba y một bình bát theo sinh hoạt thời đức Phật (mặc dù có nhiều thay đổi); theo Phật giáo Mông Cổ, người xuất gia được lập gia đình và sinh con cái, được chính phủ khuyến khích và tài trợ kinh tế để nuôi dạy con cái; Phật giáo Nhật Bản, người xuất gia ngoài cương vị là một thiền sư thực hành theo nghi lễ Phật giáo, họ còn giữ chức vụ là vị giám đốc điều hành một công ty kinh doanh… Ngay từ khi mới du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã tùy thuận thói quen và tâm lý của người Việt để dung hòa giữa giáo thuyết của đức Phật với phong tục tập quán của người Việt Nam. Trước khi Phật giáo có mặt, người Việt Nam tin rằng, thiên nhiên có năng lực chi phối toàn bộ đời sống của họ ở trần gian, nên mỗi khi có sấm sét, mưa bão hoành hành thì người Việt cho rằng có những vị thần Mây, thần Mưa, thần Sấm, thần Chớp chi phối họ. Họ lập đền thờ để vái vọng nhằm mang lại những điều tốt lành trong đời sống, trong sản xuất nông nghiệp để tồn tại thuận theo tự nhiên. Vì vậy, khi Phật giáo truyền vào đất Việt, năng lực của Tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) cũng được Phật giáo tiếp nhập và thờ cúng trang trọng tại các chùa qua truyền thuyết Phật Mẫu Man Nương. Câu chuyện về Từ Đạo Hạnh cũng có nói đến nhiều tình tiết vong hồn nhập thai. Vào triều nhà Lý, quan Chánh đô sát viện Từ Huệ bị Đại Điên giết chết, con trai của Từ Huệ là Từ Đạo Hạnh tìm cách báo thù cho cha, thả cây tích trượng xuống dòng Tô Lịch, Đại Điên bị tích trượng nảy lên đánh vào trán, Đại Điên chết ngay và rơi xuống nước. Xác Đại Điên trôi theo dòng nước đến phủ Thanh Oai Tràng An (Ninh Bình) thì vong hồn của xác ấy nhập vào đứa trẻ 3 tự tuổi xưng là Giác Hoàng, là con của vua. Lúc ấy Lý Nhân tông không có con nối ngôi, làm lễ cầu đảo nhưng không hiệu quả. Tin đứa trẻ tự xưng là con vua truyền đến tai Lý Nhân tông, vua cho vời đứa trẻ về chùa Báo Thiên, bèn mở đại hội 7 ngày đêm để làm phép thác thai tại chùa. Từ Đạo Hạnh biết đứa bé này là Đại Điên hóa thân nên tìm cách đưa cho chị gái của mình là Từ nương mấy viên ấn phù và tấm bùa chú sai đặt ở trên rèm, nên đứa trẻ không thể đầu thai được. Nhà vua bèn luận tội Đạo Hạnh nhưng được Sùng Hiền hầu cứu thoát chết. Sau đó, vì để báo ơn Sùng Hiền hầu mà Từ Đạo Hạnh hứa sẽ đầu thai vào phu nhân của Sùng Hiền hầu để trả ơn ân nhân đã cứu mình. Lúc phu nhân gần sinh nở, Sùng Hiền hầu sai người đi báo tin cho Từ Đạo Hạnh, Đạo Hạnh bèn đập đầu vào tảng đá, rồi tự nhiên mà hóa, vong hồn nhập vào thai của phu nhân làm con của Sùng Hiền hầu, có tên là Dương Hoán. Do Lý Nhân tông tuổi lớn mà không có con nối ngôi, bèn cho phép các con trai của em mình lập làm Hoàng thái tử, và Dương Hoán có cơ hội nối ngôi vua. Qua câu chuyện Đại Điên và Đạo Hạnh nhập thai, người xưa đã mượn câu chuyện này để giáo dục con người về lý nhân quả. Nếu tâm thức còn mang nặng tâm tham lam và thù hận thì sau khi chết vẫn bị oan oan tương báo. Dù là người tu hành pháp thuật cao cường như Từ Đạo Hạnh nhưng ông vẫn bị mang quả báo khắp thân mọc lông và nanh vuốt hóa thành hổ năm 13 tuổi. Dù là người xuất gia nhưng ông vẫn mang tâm báo thù cho cha, ông dán linh phù không muốn cho Đại Điên nhập thai làm Hoàng thái tử, và tự mình nhập thai để kế tục ngôi vua để thực hiện được mục đích của mình. Thời đại nhà Trần đã dung hội được các giáo thuyết Lão Trang và Nho giáo, xây dựng nên hệ thống “Tam giáo đồng nguyên”, hay “Tam giáo đồng quy”. Ba giáo này đã có sự phân chia nhiệm vụ rõ ràng trong đời sống người Việt: Nho giáo chăm lo phần hoạch định chiến lược trị lý quốc gia; Phật giáo chăm lo đời sống đạo đức cho nhân dân làm lành lánh dữ, tin nhân quả, hứa hẹn cảnh giới thanh tịnh để nương tựa sau khi từ giã cõi đời; Đạo giáo dạy người rũ bỏ ràng buộc, sống đời tự tại, vui thú với thiên nhiên cây cỏ, không vướng bận những hệ lụy trần gian khi cuộc đời không thực hiện được những chí nguyện cao cả. Ngay cả triều đình cũng tổ chức khoa thi Tam giáo Nho – Phật – Đạo cho các sĩ tử muốn lấy con đường thi cử để tiến thân (Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 5, Trần Thái tông kỷ, lược ghi: “Kiến Trung năm thứ 3 (1227), thi Tam giáo tử (nghĩa là những người nối nghiệp Nho giáo, Đạo giáo, Thích giáo)”. Không gian thờ cúng của Phật giáo Việt Nam (đa phần ở miền Bắc) cũng tổng hợp nhiều tín ngưỡng dân gian (thờ tứ pháp, Man Nương, đức Thánh Trần, các vị thần Đạo giáo, các vị anh hùng dân tộc…). Ngay nội tình Phật giáo hiện nay, các sinh hoạt của chùa chiền vẫn mang tính tổng hợp về pháp môn tu tập, trong chùa chư Tăng ni và Phật tử vẫn dung hợp giữa tụng kinh, tọa thiền, trì chú trong các thời khóa tu tập của mình chứ không tách biệt từng pháp môn rõ ràng theo tông phái. Người tu Tịnh độ tông, ngoài tụng kinh, hành giả vẫn phải trì chú và ngồi thiền; người tu Thiền tông, ngoài thiền hành và thiền tọa, hành giả vẫn phải tụng kinh, sám hối và trì chú… Đạo Phật là đạo ban vui cứu khổ. Người Việt Nam khi tìm đến Phật giáo với nhiều nhân duyên khác nhau: có người đến với chùa chiền vì cảm nhận không gian nơi đây thoáng đãng thanh tịnh để trút bỏ căng thẳng qua những ngày giờ lao động và đối phó với công việc vất vả; có người đến với Phật giáo để tìm sự cứu vớt vì thất bại trong việc làm ăn và gặp cảnh lận đận, phủ phàng trong đường tình cảm; có người đến với đạo Phật vì kính mến đức hạnh của những vị sư, vì họ đã nhiệt thành tổ chức tang lễ ấm cúng chu đáo cho người thân trong gia đình mới mất; có người đến với đạo Phật nhờ tình cờ đọc được đâu đó một vài cuốn sách có năng lực chuyển hóa của các vị cao Tăng mà giác ngộ; có người đến với đạo Phật vì thấy giáo lý đức Phật phù hợp với khoa học hiện đại… Rất nhiều người đến với đạo Phật nhờ các nhân duyên khác nhau. Có nhiều người quả quyết khẳng định rằng, ngoài thế giới vật chất cân đo đong đếm được bằng các cảm quan con người ra, họ không tin vào bất cứ thế giới thần thánh ma quỷ nào, nhưng một khi bản thân và gia đình gặp những điều bất trắc, con đường cuối cùng là tìm đến với sự linh nghiệm của tôn giáo mà thôi. Lúc đó họ mới có niềm tin vào năng lực thiêng liêng của Phật giáo. Chính vì nhận thức chủ quan bằng các quan năng và trí hiểu biết hạn định của con người mà nhiều người cố tình sổ toẹt tất cả các giá trị tâm linh Phật giáo đã gắn liền với vận mệnh của dân tộc mấy ngàn năm qua. Nét đẹp của Phật giáo Việt Nam thể hiện ở những việc tuy đơn sơ nhưng có giá trị nuôi dưỡng tinh thần rất lớn: đầu năm đi chùa lễ Phật, hái vài cái lộc ở sân chùa để cầu mong những điều tốt đẹp; nhà có đám tang, người dân đến chùa nhờ quý thầy coi ngày, nhập liệm, cầu siêu nhờ tiếp dẫn vong hồn hướng đến cảnh giới an lạc; nhà có người bệnh tật mà y học vô phương cứu chữa, người ta cũng đến chùa nhờ quý thầy tụng kinh cầu an, nhằm nhờ uy lực đức Phật chuyển hóa cho nghiệp lực của bệnh nhân được sinh thuận tử an; nhà nào có trẻ con hay khóc đêm cũng mang đến chùa nhờ quý thầy xoa đầu chú nguyện để trẻ con về “mau ăn chóng lớn”; thậm chí có những người mất tiền của, hiếm muộn, vợ hoặc chồng “mèo mỡ” bên ngoài…, họ cũng tìm đến chùa chiền, đứng trước thánh tượng chư Phật, Bồ-tát cầu nguyện để vớt vát lại chút niềm tin. Ngoài hệ thống giáo lý mang tính minh triết của đức Phật, nét đẹp và cái riêng của Phật giáo Việt Nam nằm ở chỗ gắn liền với đời sống thường nhật của người dân qua những việc làm tuy nhỏ nhưng mang lại hiệu quả rất thiết thực. Phật giáo không những chỉ đáp ứng cho tầng lớp trí thức, thông tuệ bằng chân lý có mặt trong kinh luận, mà nó còn là chiếc phao để cứu vớt những tâm hồn yếu đuối, bất hạnh khi gặp những sóng gió trên cuộc đời. Ngoài việc náo động thiên cung, dẹp trừ ma quái, tung hoành ngang dọc với cây gậy sắt trên tay của mình, Tôn Ngộ Không muốn hóa giải những kẻ cứng đầu nhất cũng cần phải lừa tìm cơ hội hóa thành côn trùng mà chui vào bụng của La-sát nữ là vợ của Ngưu Ma vương (Tây du ký, Hồi 59, Thương thầy Tam Tạng, gặp Hỏa Diệm sơn/ Lầm quạt Ba tiêu, cười Tôn Hành Giả). Muốn chuyển hóa được kẻ ngang ngạnh, đức Phật cũng nhiều lần thị hiện thần thông để hóa độ, mặc dù ngài khuyến khích các đệ tử của mình không nên vận dụng thần thông. Cái hay của Phật giáo là “đến để mà thấy”, chứ không phải ngồi trong tháp ngà rồi mang định kiến của mình để phán xét đúng sai đối với thế giới thênh thang này. Để giáo hóa đám cô hồn ương ngạnh, Bồ-tát Quán Thế Âm cũng hóa thân thành hình tướng Diệm khẩu Quỷ vương để thống nhiếp chúng. Có những điều tai mắt chúng ta chứng kiến trực tiếp nhưng cái thấy biết của mình có khoảng cách rất xa với bản chất của sự việc. Có ai lý giải được tại sao khi không dùng lực tác động mà con lắc trên tay một vị pháp sư quay tròn khi vị ấy thực hiện phương pháp trục vong hay không? Có ai lý giải được hiện tượng “nhập đồng” của các nhà ngoại cảm, hay của những thanh đồng tu theo tín ngưỡng thờ Mẫu? Theo thuyết Nhân quả, Phật giáo không hạn định ở kiếp sống này mà thường chủ trương sợi dây nhân quả liên hệ với chúng ta từ vô lượng kiếp trước. Sự biểu hiện của Nhân quả bằng nhiều tướng trạng khác nhau thông qua những điều kiện thuận hay nghich của hoàn cảnh tác động, chứ không suy nghĩ theo kiểu máy móc “nhân nào quả nấy” theo đường thẳng của nó. Thế giới quan Phật giáo nói rõ, chúng sinh luân hồi trong lục đạo (trời, người, a-tu-la, súc sinh, quỷ đói, địa ngục), một đạo có khi bao hàm cả năm đạo còn lại, chứ không tách biệt rõ ràng theo các quy luật Bài trung “Hoặc là A hoặc không phải là A” trong Logic hình thức. Con người ở trong nhân đạo, khi đói khát cơm không đủ ăn nước không đủ uống thì ta là ngạ quỷ, khi tâm sân hận ngùn ngụt thì ta là a-tu-la, khi đầy đủ nhu yếu tinh thần và vật chất thì ta là cõi trời, khi sướng khổ đan xen thì ta là cõi người… Kiếp này này chồng vợ nhưng kiếp trước có khi là oan gia, kiếp này là cha con nhưng có khi kiếp trước là chủ tớ,… Quả báo biểu hiện trong đời này xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong quá khứ, nên vong linh báo oán cũng không có gì khó hiểu. Tuy nhiên, do giới hạn bởi những phạm trù đạo đức xã hội, những tập quán hay lối kiêng cử của dân tộc, hoặc chủ trương của tổ chức đời sống mà có những sự thật con người ta tránh né hoặc tránh nói công khai. Chẳng hạn, cái chết là một quy luật nhưng khi nói đến chết chóc mọi người thường e dè, kiêng cử; quan hệ giữa giống cái và giống đực là hiện thực đời sống của chúng sinh nhưng người ta thường tránh bàn luận… Có những pháp phương tiện hiện nay rất nhiều chùa ở Việt Nam thực hiện nhưng người ta vẫn phủ nhận đó là của Phật giáo. Theo tôi nghĩ, “thỉnh oan gia trái chủ” là một danh xưng khác với danh xưng “gọi hồn”, “ngoại cảm” của Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam sử dụng, nhưng chúng vẫn mang một tính chất chung nhất, đó là nhằm “tiếp cận được với vong linh, hỏi được họ tên của các vong linh, quê quán và cả tên họ của thân nhân gia đình hiện đang còn sống”, để tìm cách điều chỉnh những khiếm khuyết mà trí tuệ của con người không thể với tới thế giới phi vật chất được. Vấn đề đáng nói ở đây là hiện tượng “thỉnh oan gia trái chủ” không có trong giáo lý Phật giáo, không được cổ xúy và khuyến khích trong một tôn giáo lấy Từ bi và Trí tuệ làm đầu, nhưng trong niềm tin của dân tộc Việt Nam vẫn chấp nhận con người sau khi chết, tâm thức (linh hồn, vong linh) họ vẫn còn tồn tại ở một thế giới nào đó, mà khi người sống thắp hương thành tâm hướng về họ thì vẫn được cảm ứng và hộ trì. Nếu quan niệm thế giới tâm thức không tồn tại để rồi phủ nhận tất cả thì chúng ta sẽ đánh đổ cả một giá trị thờ cúng ông bà tổ tiên nhiều đời của dân tộc Việt Nam. Nếu phủ nhận thế giới thần thánh, ma quỷ thì một bộ phận không nhỏ trong hệ thống tôn giáo thế giới sẽ bị khai trừ. Và đừng nói đâu xa, nếu phủ nhận thế giới tâm thức thì chúng ta cũng phủ nhận luôn cả các pháp phương tiện của Phật giáo Việt Nam từ trước đến nay đã và đang thực hiện, như thờ linh, cúng vong, tiếp linh, triệu linh, giải oan cát kết, chẩn tế âm linh cô hồn… nhằm thực hiện mục đích “hộ quốc an dân”. Có những thứ mà kinh điển Phật giáo không nói đến, không cổ xúy nhưng sinh hoạt Thiền môn vẫn thực hiện, điều này có mâu thuẫn hay không? Nếu vừa công nhận vừa phủ nhận thì chẳng lẽ Phật giáo trở thành ba phải? Nếu căn cứ vào kinh điển để phán xét nhằm phủ nhận pháp phương tiện trong sinh hoạt Thiền môn xưa nay thì đâu là đặc sắc của Phật giáo Việt Nam? Việc đúng sai của chư Tăng, và sai đến đâu thì đã có chư vị lãnh đạo tổ chức Giáo hội Phật giáo cân nhắc giải quyết. Là tu sĩ Phật giáo, quý vị cũng đừng dùng những lời lẽ cay nghiệt khi tiếp cận giới truyền thông để đổ tội cho người trong cuộc khi họ có những sai sót nhỏ trong cuộc đời hành đạo của mình. Bởi lẽ, chúng ta giữ một ngôi chùa, tiếp đãi hàng ngàn vạn Phật tử thân sơ, liệu chúng ta hoàn toàn không bao giờ thực hiện một công việc phi pháp nhằm đáp ứng nhu cầu của bách tính? Là người thế gian, chúng ta chỉ là một sinh linh nhỏ bé trong kiếp sống hữu hạn trăm năm này và cách nhìn chúng ta cũng có giới hạn, nên đừng vội phán xét đúng sai khi mình chỉ “nghe nói” mà không chứng kiến sự thật. Chúng ta có những may mắn hơn những người khác khi chưa rơi vào hố thẳm khổ đau của cuộc đời, nên cứ nghĩ ma quỷ là hoang đường và bĩu môi khi thấy ai đó tin vào thế giới tâm thức vô hình, vô tướng thì cho là mê tín, dị đoan. Tiếc rằng, sự việc “thỉnh oan gia trái chủ” ở chùa Ba Vàng vừa qua bị đẩy lên hướng cực đoan hóa làm mất niềm tin của những người Phật tử và không Phật tử vào giá trị Tam bảo. Giá như, lợi dưỡng không đi kèm với pháp phương tiện thì tôi nghĩ, thỉnh vong linh trình bày oan khuất để người đời thấy được mối liên hệ nhân quả là có thật, để họ biết sợ cái xấu, cái ác mà nỗ lực hành thiện thì không có gì đáng bàn với tâm lý của người Việt Nam xưa nay. Thích Hoằng Trí (giảng viên trường Đại học Hutech)
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |