Chi tiết tin tức

Hai con đường

21:18:00 - 18/09/2015
(PGNĐ) -  Một người nếu chỉ biết bo bo sống ích kỷ, chỉ lo cho bản thân và gia đình mình, không tin Tam bảo, ngoảnh mặt với những khổ nạn của đồng loại, làm những việc sai trái, ngoài lãnh quả báo cho bản thân còn ảnh hưởng cả đến đời con, cháu do tác động cộng nghiệp. Còn người sống với tấm lòng vị tha, biết tin vào Phật pháp, quan tâm giúp đỡ những cảnh đời bất hạnh, dù có gặp phải khổ nạn cũng dễ dàng vượt qua, hiện đời thì an lạc, do âm đức cao dầy, khiến con cháu cũng nhờ phước đó mà ăn nên làm ra.

Ngày hôm nay, người con gái và đứa cháu ngoại của ông Sáu B. đang định cư ở nước ngoài về thăm quê, đến viếng nhà tôi. Do gần mười năm không gặp, dù là thân tộc, tôi cứ ngờ ngợ nhìn mãi không biết là ai, chừng cô ấy nở nụ cười chào thì tôi nhớ ra ngay vì cô có nụ cười rất giống ông Sáu B, – nụ cười như trải tấm lòng thương yêu với người đối diện. Cô ấy giới thiệu đứa con trai của mình, người thanh niên to lớn đó bắt tay tôi, chào hỏi bằng tiếng Việt rất chuẩn, tôi ngạc nhiên khen về cách phát âm của cậu ấy, y như dân xứ mình, trong khi nhìn vóc dáng, màu da như người da trắng, nghe tôi khen cậu ấy lộ vẻ hãnh diện, bảo đó là nhờ mẹ cậu kiên trì dạy dỗ, ngoại trừ thời gian đi học, từ nhỏ mẹ cậu đã bắt phải nói tiếng Việt trong suốt thời gian ở tại nhà. Sau khi dùng nước, qua tiếp chuyện, tôi được biết cậu ấy là tiến sĩ y khoa, làm việc cho một bệnh viện lớn ở bang Oklahoma, cậu ấy còn bảo kết hợp về thăm quê ngoại và đi du lịch miền Tây Nam Bộ, cậu và một số bạn sẽ cùng nghiên cứu bệnh sa sút trí tuệ của người già ở vùng châu thổ sông Cửu Long. Vì không nằm trong chuyên ngành, tôi chỉ có một số nhận xét về bệnh trên, một căn bệnh vốn phát triển rất nhiều tại các nước phương Tây. Do đặc điểm di truyền, cách ăn uống nhiều rau trái, ít thịt cá, cùng tập quán sống chung với con cháu nên căn bệnh này tuy có ở Việt Nam nhưng không quá nhiều như ở các nước phát triển. Tôi cũng lưu ý cậu ấy về hiện tượng những người ăn chay trường kết hợp với tụng kinh, trì chú, niệm Phật hầu như không bị mắc bệnh. Cậu ta thích thú ghi chép vào sổ những điều tôi nói.

Sau một lúc chuyện vãn, trước khi ra về con gái ông Sáu B. tặng tôi một số bánh, trà và một chai rượu ngoại, cô ấy bảo những hàng hóa đó cô mua ở một siêu thị trong sân bay quốc tế Tân Sơn Nhứt mà không mua ở nước ngoài vì muốn đóng góp một phần nhỏ tiền thuế cho đất nước. Tôi nghe cô ấy nói mà thầm xúc động về tấm lòng hướng về quê hương của những người con đất Việt xa xứ, làm lụng vất vả, tích cóp những đồng ngoại tệ để gởi về Việt Nam, góp phần xây dựng đất nước; rồi tôi lại nghĩ đến những kẻ có chức quyền đem ngoại tệ nhập những cơ sở, thiết bị sản xuất bị thải bỏ ở nước ngoài đem về, làm tốn hao hàng triệu đô-la mà không dùng được gì, một hình thức đục khoét công quỹ đang bị dư luận xã hội cực lực lên án.

Tiễn khách về xong, tôi ngồi nghe lại kinh Nhân Quả Thiện Ác phát từ đầu đĩa VCD. Dứt bộ kinh, tôi trầm ngâm suy nghĩ về lời Phật dạy và những chuyện thực tế trong đời sống hàng ngày từng được chứng kiến; lòng hết sức tâm đắc rằng lời Phật dạy không sai biệt chút nào. Và câu chuyện về cách sống của hai anh em ông Sáu B. là một điển hình về nhân quả, không chỉ tác động trực tiếp đến bản thân họ mà còn ảnh hưởng kéo dài đến con cháu của cả hai ngưòi.

Thuở ấy, khi còn thơ ấu, anh em ông Sáu B. đã chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ; cả hai sống trong sự yêu thương, chăm sóc của bà ngoại. Nhờ có nhiều ruộng vườn của ông bà để lại, họ sống rất thoải mái về vật chất. Tuy là hai anh em nhưng tánh tình rất khác nhau, ông Sáu B. thì nóng nảy nhưng tốt bụng, sẵn sàng ra tay khi thấy việc bất bình; còn người anh ông ấy thì ít nói, làm việc gì cũng tính toán chu đáo. Thời đó, đất nước chiến tranh triền miên, an ninh lỏng lẻo, trộm cướp như rươi; trai tráng lớn lên, đặc biệt những người khá giả, đều được cho đi học võ để phòng thân, bảo vệ gia đình. Anh em ông Sáu B. cũng được bà ngoại rước một võ sư về nhà truyền võ nghệ, người thầy này biết tánh tình của hai người nên chỉ dạy những đòn ngoại công không gây chết người cho ông Sáu B., còn những đòn độc, hiểm ông ta chỉ truyền cho người anh. Ông ta nói sở dĩ phải dạy như vậy để ông Sáu B. khỏi phải ở tù vì đánh chết người. Vài năm sau, hai anh em cưới vợ, lúc độc thân thì sống chung rất hòa thuận, khi có bóng dáng phụ nữ chen vào, lời này tiếng nọ khiến anh em nhiều lần xích mích, xung đột. Một hôm, người anh ông Sáu B. nghe lời xúc xiểm của vợ, đã ra tay, dùng những đòn hiểm độc do vị võ sư truyền riêng để quyết giết chết em mình. Nhờ có bà con lối xóm can ngăn kịp thời nên ông Sáu B. thoát chết nhưng bị tiêu ra máu cả tuần lễ. Bà ngoại của họ thấy vậy, lập tức cất nhà đưa ông Sáu B. và vợ ra riêng, không cho hai anh em họ ở chung nữa. Toàn bộ tài sản, vườn đất của cha để lại, người anh chiếm hết, ông Sáu B. chỉ được chia cho một cái bàn thờ để thờ mẹ và một tá chén kiểu để cúng cơm mà thôi.

Khi bị tách riêng, về ở trong một ngôi nhà nằm trên thửa đất vắng vẻ, vài trăm mét mới có một căn nhà hàng xóm, phần còn quá trẻ, phần cướp bóc đầy dẫy, cứ đêm về vợ chồng Sáu B. lại như sống trong ác mộng, trộm rình đào tường khoét vách; vợ ông ấy lại thường xuyên nằm mơ thấy ma quỷ kéo đến hù dọa đuổi đi, khiến cả hai hết sức bất an. Bà ngoại ông ấy biết chuyện liền đến một ngôi chùa thỉnh ảnh Phật về cho hai vợ chồng thờ. Kỳ lạ là chỉ một thời gian ngắn sau, những chuyện chiêm bao, mộng mị, trộm rình nhà đều đồng loạt biến mất. Từ việc như vậy, hai vợ chồng ông Sáu B. rất tin tưởng vào Phật pháp, thường xuyên đi chùa, cúng dường và làm từ thiện.

Thời gian trôi nhanh, thoắt một cái hai anh em đều có cả bầy con, người anh ông Sáu B. sau khi độc chiếm tài sản của cha để lại đã có kế hoạch làm ăn lớn. Ông ấy bán toàn bộ đất ruộng thừa hưởng của cha, cả phần đất có mộ cha mẹ ông ta cũng bán luôn, chỉ chừa lại chu vi gần chục mét quanh hai ngôi mộ; ông ta lại bán tất cả ruộng thừa hưởng của mẹ. Nhưng vì tất nhiên đất ruộng gần lộ và ruộng tốt thì có giá cao, còn ngược lại thì chỉ được giá thấp; thế nên ông ta tìm đến ông Sáu B. nhờ giúp đỡ, đề nghị người em nhận lại ruộng xấu để canh tác, giao ruộng tốt cho mình để bán được giá. Ai nghe chuyện cũng cười vì sự trơ tráo của ông ta, không ngờ ông Sáu B. không hề oán hận chuyện cũ, đồng ý theo lời đề nghị của anh mình, vợ ông ấy cản ngăn cũng không được. Thế là tất cả tài sản “ngon ăn” anh ông Sáu B. hưởng sạch, cũng từa tựa như trong câu chuyện “Ăn khế trả vàng”, chỉ chừa cho đứa em có mỗi một cây khế, còn thằng anh chiếm gần hết tài sản thừa kế.

Sau khi có được số tiền rất lớn từ việc bán đất, anh ông Sáu B. mua một căn phố thuộc loại tốt nhất tại chợ thị trấn. Công việc đầu tiên ông ta làm là tìm người để cho các pho tượng Phật do chủ cũ để lại rồi thỉnh một cặp tượng thần tài, ông địa về thờ, sau đó lo chạy chọt giấy tờ, mướn dược sĩ để mở một tiệm bán thuốc Tây. Do thời ấy, tiệm thuốc Tây cực kỳ hiếm, cả một quận rộng lớn mà chỉ có một mình ông ta bán nên người ta đổ xô đến mua thuốc, ông ta làm ăn lên như diều gặp gió, chẳng mấy chốc đã giàu nhất nhì vùng chợ. Tuy giàu có nhưng ông ta chi tiêu rất cẩn thận, vợ ông ta hàng ngày phải đứng chờ cả buổi mới được phát tiền đi chợ, ông còn luôn miệng dặn nếu còn bao nhiêu tiền thừa phải trả lại. Vợ ông ta đi chợ nhưng trông mặt mày buồn hiu, do rầu lúc về lại phải nghe hạch sách về các khoản chi. Đối với chi tiêu gia đình còn khe khắt như thế thì việc xã hội khỏi nói ai cũng biết cái tánh “vắt cổ chày ra nước” của ông ta, thường có quyên góp gì, những người có trách nhiệm tránh không tìm đến tiệm thuốc của ông vì đã nhiều lần bị từ chối thẳng thừng. Nhờ làm ăn độc quyền, tiền vô như nước lại chi tiêu dè sẻn, một thời gian sau ông ấy đã mua thêm ba căn phố cho ba đứa con trai, khi những người này lập gia đình thì đã có sẵn cơ ngơi để làm ăn, mua bán.

Trong khi người anh lo làm giàu thì ông Sáu B. lại sống cuộc sống khác hẳn, do có nhiều đất ruộng cho mướn nên ông không phải cực khổ lo chuyện cơm áo gạo tiền, ông thường xuyên tham gia các hoạt động xã hôi, đảm nhận chức vụ trưởng ban cấp cứu xã trong vùng do quân kháng chiến kiểm soát, hễ có ai bệnh hoạn, ông và đồng sự nhanh chóng đến giúp đỡ. Những năm đó quê tôi có rất nhiều rắn, dân làng nhiều người bị rắn cắn, nhờ những bài thuốc Nam mà ông Sáu B. dày công học hỏi đã cứu rất nhiều trường hợp nguy kịch, rồi dịch tả hoành hành, do được học Tây học, ông ấy chỉ dẫn cách xử lý, cách ly bệnh nhờ đó ngăn chặn dịch bùng phát tại địa phương. Ngoài việc lo cho sức khỏe của người dân trong địa phương, ông còn đóng góp tiền của rất nhiều để xây dựng ngôi chùa lớn, duy nhất trong xã, tự tay giúp những người già cơ nhỡ, trong vòng ba năm, ông ấy đã mang về nhà ba người già ăn xin để nuôi nấng, đến khi họ mất ông lại lo chôn cất đàng hoàng. Nghe người khác nói lại cách sống của thằng em mình, anh trai của ông Sáu B. bĩu môi khinh bỉ: “Sống kiểu như nó có ngày nghèo mạt rệp!”. Không ngờ lời nói của ông ta lại thành sự thật. Mấy năm sau ông Sáu B. lâm vào cảnh khốn cùng. Nguyên do là biết được ông Sáu B. có tham gia vào hoạt động xã hội trong vùng kháng chiến, cứ mỗi lần hành quân vào vùng quê tôi, lính tráng lại đến đốt nhà của ông ấy. Cháy nhà một lần cũng đã đủ nghèo rồi, đằng này nhà bị đốt đến ba lần, ông ấy chẳng còn cái chén lành lặn để ăn cơm. Rồi chương trình người cày có ruộng đã lấy hết ruộng đất cho mướn của ông để cấp cho người nông dân trực tiếp canh tác, ông Sáu B. lâm vào cảnh trắng tay. Đất điền chỉ còn ba công dừa chưa cho trái, cả nhà hơn chục người sống trong căn nhà ọp ẹp lợp bằng lá dừa nước, cơm nước đơn sơ với bữa rau bữa cháo, có được bằng số tiền ít ỏi của người vợ gói bánh ít gánh đi bán rong hàng ngày.

Đã nghèo còn mắc cái eo, trong năm đó ông Sáu B. lại mắc bệnh thương hàn, một căn bệnh đã giết chết rất nhiều người do biến chứng thủng ruột, thời bấy giờ đã có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng rất đắt tiền. Do không có tiền, ông ấy bèn viết thư gởi cho anh ruột của mình xin mua chịu thuốc, chừng cuối tháng bán heo sẽ trả nợ rồi ông sai đứa con gái đem thơ và toa thuốc đến đưa cho anh mình, không ngờ người anh trai của ông Sáu B. đã “nhẹ nhàng” từ chối với lý do thuốc đắt, tiệm “vốn ít” không bán chịu, người con gái của ông Sáu B. sau khi nghe ông ta trả lời đã ra về với đôi mắt đầy lệ vì lo cho cha, may mà cô bé gặp tôi, biết chuyện, tôi đã đem tiền cho ông Sáu B. mượn để lấy thuốc về uống. Anh trai ông Sáu B. vui vẻ nhận tiền và đưa thuốc với nụ cười thật tươi trên môi.

Sau khi hết bệnh, ông Sáu B. đem hai đứa con lớn gởi cho hai gia đình bà con giàu có trên tỉnh lỵ, lãnh làm công việc lặt vặt trong nhà để xin chút cơm thừa, canh cặn ăn mà đi học hầu sau này có một cái nghề mưu sinh, còn ông ấy lên Sài Gòn làm thuê kiếm tiền gởi về quê phụ nuôi bầy con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Nhờ giỏi tiếng Pháp, ông được tin tưởng giao phụ trách phòng quảng cáo của một hãng dược phẩm. Sau một thời gian dài làm việc, tích cóp được một số tiền kha khá, ông về quê định giao cho vợ mua heo về nuôi kiếm lời, không ngờ xảy ra chuyện khiến ông chẳng thực hiện được ý định đó. Số là anh trai ông ấy, do ham lời đã lén bán thuốc cấm với số lượng lớn, cảnh sát mật bắt quả tang, tiệm thuốc Tây bị đóng cửa còn ông ta bị bắt giam. Trước giờ, cả gia đình đều sống trong vòng tay bảo bọc của ông ta, đột ngột bị mất sự lo toan đó, cả gia đình anh ông Sáu B. lâm vào cảnh khốn đốn. Sáng tới giờ đi học, không có tiền phát để mua bánh, các đứa trẻ lầu bầu chẳng chịu đi, rồi tiền trường, tiền bệnh hoạn.. Thấy cảnh khổ của cháu mình, ông Sáu B. cầm lòng không đặng đã đem toàn bộ số tiền của mình tích cóp bấy lâu ra lo bầy cháu. Trong khi con mình nhịn đói đi học, hàng ngày ông ấy chu cấp đầy đủ cho các người cháu tiền bánh trái như anh trai mình đã lo; vợ ông thấy vậy tức mình hỏi sao lại làm như vậy, ông ấy trả lời, con mình cực đã quen còn mấy đứa cháu chưa khổ bao giờ nên ông không đành lòng nhìn tụi nó khổ như con mình. Người vợ chỉ biết thở dài với lý luận đó và giấc mơ gầy bầy heo tan thành mây khói.

Sau đó, nhờ ông Sáu B. giúp đỡ người chị dâu chạy chọt, đút lót nhiều nơi nên anh trai ông ấy được thả ra và tiếp tục mua bán thuốc Tây. Ông Sáu B. lại trở lên Sài Gòn đi làm mướn tiếp. Mấy năm sau, hai người con lớn của ông ấy học nghề đã ra trường, có việc làm ổn định nên đem các người em lên thành thị học tiếp, sau một thời gian học chữ, các người con của ông Sáu B. đi học nghề, thành tài, họ đều làm việc cho nhà nước với cuộc sống ổn định.

Phần anh ông Sáu B. sau khi ra tù tiếp tục bán thuốc được vài năm thì phát bệnh tiểu đường. Việc điều trị bệnh tiểu đường thời ấy rất vất vả, ông ấy phải tự tiêm thuốc ngày này qua ngày khác, da do bị tiêm nhiều sần lên như da trâu, rất đau đớn, ăn uống phải kiêng khem, mỗi bữa chỉ ăn được chút ít khoai tây; hơi thở thì hôi hám, ông ấy phải tẩm dầu bạc hà vào gòn ngậm suốt ngày cho bớt hôi. Toàn thân luôn trong trạng thái khó chịu do lở loét bàn chân và những biến chứng khác do căn bệnh tiểu đường đưa đến. Chịu đựng gần chục năm, một hôm ông ta gục xuống tại bàn làm việc khi đang tính sổ sách, tiền bạc. Lúc chết, anh ông Sáu B. mới tròn 60 tuổi, một độ tuổi còn quá sớm để ra đi.

Khi anh ông Sáu B. nằm xuống, con cái của ông ta cũng đổ nhào theo. Hai người con đầu đều rượu chè say sưa, một người chết ngay sau một trận nhậu “quắc cần câu” vì ngộ độc rượu, một người sau một trận rượu giữa trưa, chui vào ngồi trong lu đựng nước uống của bạn nhậu cho mát rồi ngủ quên, khi người ta hay, đập bể lu đựng nước cứu ra được thì cậu ta bị liệt nửa người, nằm một chỗ cả chục năm. Người con trai thứ ba, do bài bạc nợ nần, phải bán cả căn phố cha cho rồi bỏ đi biệt xứ, không rõ sống chết ra sao. Tội nhất là người con gái út của ông ta, ngày xưa xinh đẹp, là hoa khôi nổi tiếng một vùng, có kẻ ăn, người ở cung phụng, tưởng lấy chồng giàu có về sẽ hạnh phúc cả đời, nào ngờ sau một thời gian êm ấm, người chồng cô ấy đổ đốn, sanh chứng nhậu nhẹt, thường xuyên đánh đập vợ con. Do ở giáp ranh với tôi và ông Sáu B., có hôm nghe tiếng khóc la bên nhà cô ấy, tôi và ông Sáu B. bèn chạy qua, thấy gã chồng vũ phu nát rượu cột tóc cô ấy vào chân bộ ván ngựa rồi ra tay đấm đá. Ông Sáu B. nổi nóng vì hắn hành hạ cháu mình như vậy, ông ấy liền vác gậy đuổi đánh tên chồng ác ôn đó, may là hắn nhanh chân chạy thoát, chứ nếu bị ông Sáu B. nắm được không biết hậu quả sẽ ra sao vì có lần tôi thấy ông ấy chỉ đấm có hai cú đấm mà cây chuối hột to đùng phải đổ sụm xuống. Và cứ thế, thỉnh thoảng chúng tôi lại phải chạy đến nhà để cứu cô con gái của anh ông Sáu B. khỏi những trận đòn dã man của gã đàn ông chết dẫm đó, mãi đến khi hắn lăn ra chết do ngộ độc rượu, chúng tôi mới hết phải can thiệp cứu giúp. Về phần ông Sáu B., sau khi về quê phụ chôn cất anh xong, ông ấy không còn đi làm thuê nữa, ở lại nhà săn sóc vườn tược để sống, do con cái đều đã lớn, có gia đình riêng, kinh tế lại khá giả, các người con thường xuyên viếng thăm, cấp dưỡng cho hai vợ chồng ông ấy, đặc biệt là ba người con định cư ở nước ngoài hàng tháng gởi về cho ông ấy một số tiền khá lớn. Không tiêu dùng hết số tiền con cái cho, ông Sáu B. lại dùng tiền đó đi làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo ở địa phương, đóng góp tiền vào các hoạt động Phật sự tại quê nhà. Một hôm, vào ngày rằm tháng Tư, sau khi đi lễ chùa, ông ghé thăm tôi và một số bà con. Đêm đó, công phu đêm xong, ông Sáu B. đi ngủ, sáng hôm sau, không thấy ông dậy tụng kinh lúc bốn giờ, người nhà vào thăm thì thấy ông kê tay làm gối, nằm nghiêng bên phải, tắt hơi tự bao giờ, ông ấy mất vào lúc vừa tròn 86 tuổi. Một cái chết nhẹ nhàng, thanh thản như cuộc sống và tâm hồn trong sáng, thánh thiện của ông ấy

Những người con của ông Sáu B. bây giờ vẫn còn đầy đủ, người nào cũng sống bằng tiền lương hưu, có thu nhập thêm, chỉ trừ cô con gái út của ông ấy, không đi làm việc nên không có lương hưu vì lúc nhỏ đã phải nghỉ học, ở nhà phụ mẹ gói bánh ít đi bán nuôi các anh chị học hành khi gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn, nhưng cô ây bây giờ là ngưòi giàu nhất trong các anh em vì lấy chồng là tỷ phú, có lẽ trời đất đã bù lại cho cô ấy về sự thiệt thòi do hy sinh cho người thân.

Những người cháu của ông Sáu B. đa số đều là kỹ sư, bác sĩ, phụ trách các chức vụ quan trọng trong các công ty hoặc cơ quan nhà nước. Có hai người đạt học vị tiến sĩ ở Việt Nam và một người ở nước ngoài (là anh thanh niên tôi vừa mới gặp). Trong khi đó, cháu của anh ông Sáu B., không có người nào thành đạt cao trong nghề nghiệp, đặc biệt còn có người trở thành” nữ quái”, thủ lĩnh xã hội đen, mới ở tù vì tội làm giả con dấu nhà nước để lường gạt chiếm đoạt tài sản người khác.

Ngồi nhớ lại cách sống của hai anh em ông Sáu B., tôi thấy mình như là một nhân chứng sống của luật nhân quả thiện ác. Một người nếu chỉ biết bo bo sống ích kỷ, chỉ lo cho bản thân và gia đình mình, không tin Tam bảo, ngoảnh mặt với những khổ nạn của đồng loại, làm những việc sai trái, ngoài lãnh quả báo cho bản thân còn ảnh hưởng cả đến đời con, cháu do tác động cộng nghiệp. Còn người sống với tấm lòng vị tha, biết tin vào Phật pháp, quan tâm giúp đỡ những cảnh đời bất hạnh, dù có gặp phải khổ nạn cũng dễ dàng vượt qua, hiện đời thì an lạc, do âm đức cao dầy, khiến con cháu cũng nhờ phước đó mà ăn nên làm ra.

Ngẫm lại sự đời, tất cả đều không thể vượt ra ngoài quy luật nhân quả, mong ai đó, khi làm việc gì nên cân nhắc thiện ác để có quả báo tốt đẹp về sau. Mong lắm thay! ■

 

HƯƠNG ĐỨC

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 184

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin