Chi tiết tin tức Sự tức giận 14:52:00 - 31/07/2015
(PGNĐ) - Khi nóng giận, con người hay có biểu hiện muốn giải tỏa những bức bối, khó chịu bằng hành động. Đa số những hành động đó sẽ không ai muốn khi đã hết giận rồi, thậm chí sẽ tiếc nuối, hối hận và đôi khi không còn cứu vãn được nữa. Đó hầu hết là những việc làm thiếu suy nghĩ và để lại những hậu quả khó lường.
Có lần tôi giận anh bạn ở phòng bên, hai người đã thỏa thuận “góp gạo thổi cơm chung” nhưng mấy hôm liền anh ấy không chịu đi chợ. Trong lúc cơn giận lên đến cực độ, tôi đã đập vỡ một cái bát trước mặt nhiều người. Bạn tôi hoảng sợ và xấu hổ vô cùng. Còn tôi thì hả hê trong lòng. Nhưng từ hôm đó, anh bạn ấy ít nói hơn và hay tránh tôi. Một tháng sau, anh bạn lặng lẽ chuyển phòng. Mãi đến bây giờ, cũng qua mấy năm rồi, chúng tôi chưa một lần gặp lại. Có mấy lần tôi muốn gọi điện hỏi thăm nhưng không dám mở lời. Bây giờ tĩnh lòng lại mới thấy, vỡ một cái bát chẳng đáng là bao, nhưng làm đổ vỡ một tình bạn thì rất khó để hàn gắn lại. Một lần khác, trong giờ làm bài thi cuối học kỳ, tôi đang rất căng thẳng vì phải tập trung cao độ cho câu hỏi quan trọng chiếm những bảy điểm thì cô bạn ngồi bên cứ hỏi mãi. Đó là cô bạn cùng lớp hay đau ốm trong người và học không được nhanh lắm (tôi thì học nhỉnh hơn một tí và hay chỉ bài giúp cô). Lúc đó tôi bực quá, mới quay sang mà quát lên “Đừng có mà làm phiền người khác nữa” rồi cặm cụi làm tiếp. Cô bạn ấy chỉ gục mặt xuống bàn một lát cho đủ thời gian quy định phải ngồi trong phòng thi rồi nộp bài ra về. Tôi mải lo cho bài thi quá dài nên chẳng mấy để ý. Năm sau, lớp tôi ra trường, ai cũng hân hoan vì kết quả khá cao. Riêng vài bạn, trong đó cô bạn hỏi bài tôi, phải ở lại thêm năm nữa vì còn nợ môn, lại nợ đúng cái môn hỏi bài tôi dạo ấy. Vậy mà đến giờ, cô bạn ấy vẫn hay nhắn tin hỏi thăm tôi. Mỗi lần nghĩ về cô bạn ngày xưa, tôi thấy buồn và giận bản thân mình. Giá mà lúc ấy, thay vì câu nói tàn nhẫn kia, bằng những lời động viên hoặc gợi ý cách làm, có lẽ chuyện đã khác, và tôi không phải day dứt mãi. Ông bà dạy rằng “cả giận mất khôn” quả đúng vậy. Trong cuộc sống, ta thường xuyên phải đối mặt với áp lực, căng thẳng và nhiều chuyện không vui. Những lúc ấy, cảm xúc sẽ khó làm chủ và dễ dẫn người ta đến chỗ tức giận, nổi nóng. Thường thì giận quá sẽ khiến người ta không làm chủ được lý trí và hành động của mình. “Giận cá chém thớt”, khi tức giận, thường ta sẽ có những việc làm mà hậu quả của nó lúc đang nóng giận ta không biết được nhưng khi nguôi giận rồi mới thấy hối hận vô cùng. Một câu nói đay nghiến, một lời nguyền rủa chửi thề chỉ là do nhất thời nóng giận mà ra nhưng nhiều khi làm tổn thương đến sâu thẳm lòng tự trọng, tự ái của người khác. Tôi đã nói cùng cô bạn hỏi bài ngày xưa một câu tệ hại. Và tôi biết, nó đã khiến cô bạn của tôi buồn và tổn thương rất nhiều; dẫu rằng, cô bạn ấy đã tha thứ cho tôi, đến bây giờ vẫn quý tôi như ngày trước. Người ta có thể để bụng, có thể quên dần, có thể bỏ qua nhưng “bát nước đã đổ đi làm sao lấy lại được”, một lời nói gây ra lúc cả giận một khi đã gây ra những vết thương thì rất khó để chữa lành. Khi nóng giận, con người hay có biểu hiện muốn giải tỏa những bức bối, khó chịu bằng hành động. Đa số những hành động đó sẽ không ai muốn khi đã hết giận rồi, thậm chí sẽ tiếc nuối, hối hận và đôi khi không còn cứu vãn được nữa. Đó hầu hết là những việc làm thiếu suy nghĩ và để lại những hậu quả khó lường. Báo đài ngày nay liên tiếp đưa tin những vụ giết người, những án mạng thương tâm mà nguyên nhân chính là những việc làm mất lý trí lúc nóng giận của người gây ra. Có những ông chồng nghe phong thanh về việc vợ trăng hoa, để lòng ghen tuông mù quáng dồn nén lâu ngày thành “cục giận”, rồi lúc mất tỉnh táo đã dại dột lấy đi sinh mạng của người bạn đời gắn bó, làm tan vỡ hạnh phúc gia đình. Có những người giận bạn mình vì một câu nói vô tình để rồi lời qua tiếng lại, dẫn đến xô xát, thậm chí án mạng. Cuộc sống càng hiện đại lại càng ẩn chứa nhiều sự đổ vỡ, bất trắc mà một trong những nguyên nhân chính của nó là con người ngày nay cái tôi cá nhân quá lớn, từ đó lòng nóng giận cũng dễ bộc phát hơn. Tôi từng có một việc làm rất tệ hại là đập vỡ cái bát trước mặt nhiều người, khiến bạn tôi không biết giấu mặt vào đâu. Hậu quả của nó có thể thấy rõ. Mất cái bát có thể mua lại, nhưng mất một người bạn đâu dễ tìm lại được. Cái giận vẫn có lợi ích của nó, như trong việc thể hiện thái độ quyết đoán, không bằng lòng, dĩ nhiên phải có mức độ. Phần nhiều, sự nóng giận đem lại hậu quả mà cả người giận và người khác đều không mong muốn. Sự tức giận khiến ta trở nên dễ mất làm chủ bản thân và có những hành động, lời nói thiếu suy nghĩ. Cuộc sống vốn muôn màu và con người mãi là những gì bí ẩn nhất, bí ẩn với chính bản thân mỗi người. Cho nên, việc bực bội, nóng giận ở mỗi người là điều khó tránh khỏi. Những lúc ấy, hãy hết sức bình tĩnh, đơn giản hóa vấn đề và nhìn nhận sự việc bằng cái nhìn tích cực, ta sẽ làm chủ được cơn nóng giận của mình, có vậy mới tránh được những hậu quả không mong muốn xảy ra. Chẳng phải người xưa đã nói “Nhịn một tiếng, gió yên sóng lặng; lùi một bước biển rộng trời cao” đó sao? ■
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |