Chi tiết tin tức

Bạn ở nơi đâu thì nơi đó có giác ngộ

16:41:00 - 11/10/2014
(PGNĐ) -  Trong việc tu tập của chúng ta, điều quan trọng nhất là ý thức được rằng chúng ta có Phật tánh. Về mặt tri thức chúng ta có thể biết như vậy nhưng chấp nhận chuyện này thì cũng hơi khó. Cuộc sống hằng ngày của chúng ta ở trong thế giới tốt và xấu, trong thế giới nhị nguyên, trong khi đó Phật tánh lại ở trong thế giới của cái tuyệt đối, nơi đó không có tốt không có xấu có hai thực tính. Chúng ta tu tập để vượt xa hơn cái thế giới tốt xấu và để nhận thức được cái tuyệt đối. Nói như vậy cũng có thể hơi khó hiểu.

Đại sư Hashimoto, một vị thiền sư danh tiếng đã qua đời năm 1965, nói rằng cách chúng ta (người Nhật) nấu ăn là chuẩn bị từng thành phần riêng rẽ. Cơm ở bên này, hoa quả giầm ở bên kia. Nhưng khi bạn ăn vào trong bụng thì bạn không còn phân biệt thứ này với thứ khác nữa. Súp, cơm, hoa quả giầm và mọi thứ khác đều trộn lẫn với nhau. Đó là thế giới của cái tuyệt đối. Khi cơm, hoa quả giầm và súp đang mỗi thứ riêng rẽ thì chúng không có tác dụng gì hết. Chúng không bổ dưỡng bạn. Điều này cũng giống như tri thức hay kiến thức sách vở của bạn – nó vẫn nằm riêng rẽ, không dính dáng gì đến cuộc sống thực sự của bạn.

4f0192fd_15651f81_flower22

Tọa thiền là trộn lẫn những cách hiểu khác nhau của chúng ta và để cho chúng cùng nhau có tác dụng. Một ngọn đèn dầu lửa không phải chỉ cần đổ đầy dầu là nó cháy được. Nó cần phải có không khí để cháy và khi có không khí rồi, nó cần phải có những que diêm nữa. Nhờ có diêm, không khí và dầu lửa ngọn đèn sẽ cháy. Việc tọa thiền của chúng ta là như vậy đó.

Tương tự như vậy, mặc dù bạn nói “Tôi có Phật tánh”, nhưng chỉ vậy thôi thì không đủ để cho việc tu tập mang lại hiệu quả. Nếu bạn không có một người bạn hoặc một cộng đồng Tăng-già cùng tu tập thì việc tu tập sẽ không có kết quả. Khi chúng ta tu tập với sự trợ giúp của một cộng đồng Tăng-già, được Đức Phật giúp đỡ, chúng ta có thể tọa thiền đúng ý nghĩa đích thực của nó. Chúng ta sẽ có ánh sáng rực rỡ ở nơi thiền đường Tassajara này hay là trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Có được điều gọi là trải nghiệm giác ngộ dĩ nhiên là quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn là chúng ta phải biết điều chỉnh ngọn lửa trong việc tọa thiền và trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Khi ngọn lửa cháy trọn vẹn, bạn không ngửi thấy mùi dầu lửa. Khi nó có khói bạn sẽ ngửi thấy mùi gì đó. Các bạn có thể nhận biết đây là một một ngọn đèn dầu lửa. Khi cuộc đời của bạn đang cháy trọn vẹn, bạn không có gì phải phàn nàn cả và cũng không cần ý thức về việc tu tập của mình. Nhưng nếu chúng ta nói quá nhiều về việc tọa thiền, thì đó là một ngọn đèn dầu lửa có nhiều khói rồi.

Có thể tôi là một ngọn đèn dầu lửa nhiều khói. Tôi không nhất thiết muốn thuyết giảng cho các bạn. Tôi chỉ muốn sống với các bạn: di chuyển mấy tảng đá, tắm suối nước nóng và ăn một món gì ngon. Thiền là ở chỗ đó. Khi tôi bắt đầu nói thì tôi đã trở thành ngọn đèn dầu nhiều khói. Bao lâu mà tôi còn thuyết giảng thì tôi phải giải thích:“Tu tập thế này là đúng, thế này là sai, tọa thiền thì phải như thế này…”. Giống như là tôi đang cho các bạn một công thức nấu món ăn. Nó không mang lại kết quả. Một công thức chế biến món ăn thì không thể ăn được.

Một vị thiền sư thường nói, “Bạn hãy tập ngồi thiền, rồi bạn sẽ đạt được giác ngộ. Nếu bạn đạt được giác ngộ, bạn sẽ không còn chấp trước và bạn sẽ nhìn thấy mọi sự như chúng vốn vậy. Dĩ nhiên đúng là như vậy, nhưng cách của chúng ta không phải khi nào cũng vậy. Chúng ta đang học cách điều chỉnh ngọn lửa của cây đèn dầu. Thiền sư Đạo Nguyên (Dogen Zenji) nói rõ điều này trong Chánh pháp Nhãn tạng (Shobogenzo). Lời dạy của ông ấy là hãy sống mỗi phút giây như ngọn đèn dầu hay ngọn nến đang cháy trọn vẹn. Sống từng phút giây và hợp nhất với mọi sự là điều chính yếu trong lời thuyết giảng và cách tu tập của ông ấy.

Tọa thiền là một việc rất tinh tế. Khi bạn tọa thiền, bạn ý thức được những điều bạn không chú ý đến trong khi bạn đang làm việc. Hôm nay tôi di chuyển mấy tảng đá một lát và tôi không ý thức được rằng các bắp thịt của tôi mỏi đừ. Nhưng khi tôi ngồi tọa thiền thì tôi nhận biết được, “ Ôi, các bắp thịt của tôi nhức mỏi quá .” Tôi cảm thấy đau khắp cả người. Bạn có thể nghĩ rằng bạn sẽ có thể tĩnh tọa tốt hơn nhiều nếu bạn không có vấn đề gì hết, nhưng trên thực tế cần phải có một vấn đề gì đó. Không cần phải là một vấn đề gì lớn lao. Nhờ sự khó khăn bạn gặp phải mà bạn có thể tập ngồi thiền. Đây là một vấn đề đặc biệt có ý nghĩa đã khiến cho Thiền sư Đạo Nguyên nói, “Tu tập và giác ngộ là một.” Tu tập là việc bạn làm một cách có ý thức, một việc bạn cố gắng làm. Ở đó! Ngay tại đó là giác ngộ.

Nhiều vị thiền sư đã không thấy được điều này, trong khi họ cố gắng đạt đến trạng thái tọa thiền hoàn hảo: sự vật đang hiện hữu thì không hoàn hảo. Mọi thứ thực sự hiện hữu trong thế giới này đều như vậy cả. Không có điều gì chúng ta nghe thấy hay nhìn thấy là hoàn hảo cả. Nhưng ngay tại đó, trong sự không hoàn  hảo là thực tại hoàn hảo. Điều này đúng về mặt tri thức và cũng đúng trong lĩnh vực tu tập nữa. Nó đúng trong sách vở và cũng đúng với cơ thể của bạn nữa.

Bạn nghĩ rằng bạn chỉ có thể ổn định việc tu tập thực sự sau khi bạn đạt được giác ngộ, nhưng không phải vậy. Việc tu tập thực sự được ổn định trong ảo tưởng và trong tâm trạng thất vọng. Nếu bạn mắc phải một lỗi lầm thì đó là nơi bạn ổn định việc tu tập của bạn. Không có một nơi nào khác để cho bạn ổn cố việc tu tập của bạn.

Chúng ta nói về giác ngộ nhưng theo ý nghĩa đích thật nhất thì giác ngộ nằm ngoài tầm hiểu biết của chúng ta, ngoài tầm trải nghiệm của chúng ta. Giác ngộ ở ngay cả trong việc tu tập chưa viên mãn của chúng ta. Chúng ta chỉ không biết mà thôi. Vì vậy vấn đề là tìm cho được ý nghĩa đích thực của việc tu tập trước khi chúng ta đạt được giác ngộ. Bạn ở nơi đâu, nơi đó có giác ngộ. Nếu bạn đứng dậy ngay tại nơi bạn đang ngồi, đó là giác ngộ.

Đây là cách tọa thiền tôi-không-biết. Chúng ta không còn biết tọa thiền là gì nữa. Tôi không biết tôi là ai. Vẫn giữ được sự điềm tĩnh hoàn toàn khi bạn không biết mình là ai hay mình đang ở đâu, đó là chấp nhận sự vật như chúng vốn vậy. Dù bạn không biết mình là ai nhưng bạn vẫn chấp nhận chính mình. Đó là cái “tôi” với ý nghĩa đích thực. Khi bạn biết mình là ai, cái “tôi” đó không phải là cái tôi thật sự nữa. Bạn có thể dễ dàng tự đánh giá mình quá cao, nhưng khi bạn nói, “Ôi, Tôi không biết,” lúc đó bạn là bạn và bạn biết chính mình một cách hoàn toàn. Đó là giác ngộ.

Tôi nghĩ rằng việc thuyết giảng của chúng tôi rất tốt, nhưng nếu chúng tôi đâm ra kiêu căng, tin tưởng nhiều quá vào bản thân mình, chúng tôi sẽ bị lạc hướng. Sẽ không có thuyết pháp, sẽ không có đạo Phật gì hết. Khi chúng ta tìm được niềm vui của cuộc sống với sự điềm tĩnh, chúng ta không biết đó là gì, chúng ta không hiểu gì hết thì lúc đó tâm thức của chúng ta rất tuyệt vời, rất thoáng đạt. Tâm thức của chúng ta mở ra với mọi sự do đó tâm thức của chúng ta đủ lớn để biết trước khi chúng ta biết một điều gì. Chúng ta biết ơn ngay cả trước khi chúng ta có được một điều gì. Chúng ta vui vẻ tu tập theo cách của chúng ta ngay cả trước khi chúng ta đạt được giác ngộ. Nếu không vậy thì chúng ta không đạt được bất cứ điều gì có ý nghĩa đích thực.

Đại sư Shunryu Suzuki (1904-1971) là người sáng lập Trung tâm Thiền San Francisco và là một khuôn mặt chủ chốt trong việc truyền bá đạo Phật sang phương Tây. Những bài giảng của ông đã được in trong tập sách kinh điển Zen Mind, Beginner’s Mind và trong tập Branching Streams Flow in the Darkness: Zen Talks on the Sankodai.

Bài nói chuyện này trích từ tập Not Always So, một tuyển tập gồm những bài giảng xuất sắc của Đại sư Shunryu Suzuki do Edward Brown biên tập và HarperCollins xuất bản năm 2003.

Shunryu Suzuki
Nguyễn Văn Nghệ biên dịch
Theo Văn Hóa Phật Giáo

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin