Ông Terry Dobson là một trong số ít những người Tây phương đã được học môn Aikido trực tiếp từ vị tổ sư Morihei Ueshibavào thập niên 60. Tuy là một võ sinh Aikido lão luyện, nhưng có lần ông đã học được một bài học là đôi khi ta không cần vật ngã đối thủ bằng sức mạnh, mà chỉ bằng năng lực của tình thương. Xin chia sẻ với các bạn câu truyện của ông Terry Dobson.
Nghệ thuật hòa giải
“Chiếc xe điện lắc lư, chạy sầm sập xuyên qua khu ngoại ô thành phố Tokyo vào một buổi xế trưa mùa xuân mơ ngủ. Toa xe vắng người – một vài bà mẹ với những đứa con nhỏ, vài người già đi chợ về. Tôi vô tư nhìn ra ngoài cửa sổ, một dãy nhà lụp xụp với những hàng cây bẩn thỉu bao quanh làm thành một hàng rào.
Xe dừng lại ở một trạm, cửa xe bật mở, buổi trưa im lặng thình lình bị phá tan bởi tiếng chửi thề tục tằn, thô bỉ của một người đàn ông vừa mới bước vào toa xe, với một dáng đi loạng choạng. Hắn mặc một bộ đồng phục của những người lao động chân tay, hắn to lớn, say rượu và dơ dáy. Vừa la hét, hắn quơ tayđập vào một người đàn bà đang ngồi ôm một đứa con nhỏ. Cú đánh mạnh làm bà ta ngả té lăn lên trên người của một cặp vợ chồng già ngồi cạnh bên. Nhưng may mắn thay, đứa bé không hề hấn gì.
Sợ hãi, ông bà lão vội vã đứng lên bỏ chạy sang một toa xekhác. Tên say rượu đưa chân vói đá theo bà lão, nhưng hụt. Điều này làm cho hắn như điên thêm, hắn nắm cây cột vịn sắt ở giữa toa xe cố vặn nhổ ra khỏi sàn xe. Tôi thấy một bàn tay của hắn bị cắt và chảy máu. Toa xe điện giật mạnh, bắt đầu chạy, những người trong toa xe ngồi chết cứng vì sợ hãi. Tôi từ từ đứng lên…
Ngày ấy tôi còn trẻ, chuyện cũng đã hơn 20 năm qua, thân thể tôi rất tráng kiện. Trong thời gian ấy, mỗi ngày tôi bỏ ra tám tiếng để tập Aikido, trong suốt ba năm trời. Tôi thích nắm bắt và quật ngả! Tôi tự cho mình là một người rất dũng cảm. Chỉ có mỗi một điều là nghề võ của tôi chưa bao giờ được sử dụng trong một cuộc đấu lộn thật sự nào hết. Là một môn đồ của Aikido, chúng tôi không được phép đánh nhau.
“Aikido”, thầy tôi lặp đi lặp lại rất nhiều lần, “là một nghệ thuật hòa giải. Những ai có ý nghĩ muốn tranh đua hơn thua, là đã tự làm đứt đoạn mối liên hệ của mình với vũ trụ. Vừa khi ta cố gắng chiến thắng người khác là ta đã thất bại rồi. Chúng ta học cách để giải quyết những bất hòa, chứ không phải là tạo thêm chúng.”
Tôi nghe theo lời dạy của Thầy tôi. Tôi cố gắng hết sức mình. Có lúc tôi băng qua bên kia đường để tránh khỏi phải gặp nhữngchimpira, những tên du côn thường tụ tập gần các trạm xe lửa điện. Thái độ tự chủ ấy lại càng mang cho tôi một cảm giác cao thượng. Tôi cảm thấy mình rất dũng cảm và thánh thiện. Nhưng trong thâm tâm, lúc nào tôi cũng chờ đợi có một cơ hội, để tôi có thể ra tay dẹp trừ kẻ hung bạo và cứu người bị lâm nguy.
Và đây chính là cơ hội ấy! Tôi tự nhủ trong khi từ từ đứng lên. Những người chung quanh tôi đang bị nguy hiểm, và nếu như tôi chần chờ thì thế nào cũng sẽ có người bị thương tích.
Thấy tôi đứng lên, tên say rượu thấy có đối tượng để hắn trút sự giận dữ. “À há!” Hắn hét lên, “Một thằng ngoại quốc! Chắc mầy chưa bao giờ học bài học về phép lịch sự của người Nhật phải không?”
Tôi đưa tay nắm nhẹ sợi dây vịn phía trên trần, và từ từ hướng về phía hắn một cái nhìn khinh bỉ. Tôi sẽ cho tên này nằm đo ván mà không còn sức ngóc đầu lên nổi, nhưng có điều là hắn phải tấn công tôi trước. Tôi muốn chọc cho hắn điên lên thêm, nên tôi đưa bàn tay lên miệng và thổi cho hắn một nụ hôn.
“Được rồi!” hắn hét lên. “Để ông dạy cho mầy một bài học.” Hắn sửa soạn lao đến phía tôi.
Ngay lúc ấy, trước khi hắn có thể cử động, thì có một người nào đó trong toa xe hét lên “Hê!” Tiếng hét to đến điếc tai. Nhưng âm thanh ấy cũng có mang một sự mừng vui, nhẹ nhàng – như khi chúng ta đang cùng nhau tìm kiếm một vật gì đó, rồi thình lình mình bắt gặp nó “Hê!”
Tôi lách nhìn sang bên trái, tên say rượu quay sang phía bên phải. Cả hai chúng tôi nhìn xuống một cụ già nhỏ thó. Ông ta ít nhất cũng gần 80 tuổi, dáng người nhỏ bé, ngồi nghiêm trang trong bộ kimono thẳng nếp của ông. Ông lão chẳng chú ý gì đến tôi, chỉ nhìn thẳng vào mắt của tên lao động một cách vui tươi, như là ông ta biết một điều gì bí mật rất quan trọng và muốn chia sẻ với hắn.
“Lại đây,” ông lão nói bằng một thổ ngữ bình dân, thân mật, mời mọc tên say rượu. “Lại đây, ngồi xuống đây nói chuyện một chút đi mà.” Ông vẫy nhẹ tay.
Tên say rượu to lớn bước tới gần. Hắn đứng thẳng trước mặt ông lão với một tư thế sẵn sàng tấn công, và la lớn lên át cả tiếng xeđang chạy, “Tại sao ta phải nói chuyện với ngươi, ngươi là cái thá gì chứ!” Tên say rượu lúc này đang quay lưng lại phía tôi, chỉ cần hắn nhúc nhích một ngón tay thôi, là tôi sẽ cho hắn rơi xuống sàn xe như một miếng giẻ rách.
Ông lão vẫn ngồi yên đấy, mắt nhìn thẳng vào mặt hắn. “Chú mới uống rượu gì thế?” Ông hỏi với ánh mắt chân thành. “Ta uống rượu sa-kê,” hắn hét lên, “mà việc ấy chẳng mắc mớ gì đến ngươi hết!” Nước bọt của hắn văng vào người ông lão.
“Ồ tuyệt quá,” ông lão nói, “thật là tuyệt! Chú em biết không, tôi cũng mê rượu sa-kê lắm. Mỗi xế chiều, tôi và nhà tôi, bà ấy cũng 76 rồi chú nhé, cùng hâm nóng một bầu rượu sa-kê nhỏ và mang ra vườn. Chúng tôi ngồi với nhau trên một chiếc ghế gỗ dài cũ kỹ. Tụi tôi ngồi nhìn mặt trời lặn ở cuối chân trời, và ngắm cây hồng nhà mình. Chú biết không, cây hồng ấy là do ông cố của tôi trồng, tôi cứ lo không biết nó có đủ sức sống nổi qua mấy trận bảo, mưa đá của mùa đông vừa qua không! Nhưng cây hồng của tôi khỏe mạnh hơn tôi nghĩ, nhất là lại trồng trên loại đất nghèo nàn ở vườn nhà mình. Mỗi buổi chiều, hai đứa tôi hâm rượu sa-kê và dắt nhau ra mà ngồi ngắm cây, ngắm hoàng hôn, thật là mãn nguyện vô cùng. Ngay cả trong những ngày trời mưa nữa.” Ông lão ngước lên nhìn tên lao động say rượu, mắt ông lóng lánh.
Trong khi cố gắng theo dõi câu chuyện của ông lão thì gương mặt của hắn cũng từ từ dịu xuống. Bàn tay đang nắm chặt cứng của hắn cũng bắt đầu buông lỏng ra. “Ừ”, hắn nói, “tôi cũng thích trồng cây hồng nữa…” Giọng hắn như lạc hẳn đi.
“Vậy à,” ông lão tiếp lời, “chắc chú em cũng có một người vợ xinh nữa chứ?”
“Không, vợ tôi mất rồi.” Nhẹ nhàng lắc lư theo nhịp xe của chiếc xe lửa, tên lao động to lớn bắt đầu bật lên khóc. “Tôi không còn vợ, tôi cũng không có nhà cửa gì hết, tôi cũng mới vừa bị thất nghiệp. Tôi thấy chán mình lắm, tôi thấy mình thật là vô ích, ông biết vậy không.” Nước mắt chảy dài xuống má, dường như có một làn tuyệt vọng lan tràn qua khắp người hắn.
Bây giờ thì đến phiên tôi. Tôi đứng yên đấy với vẻ bề ngoài hào nhoáng, thanh lịch của mình, mang trên người một sứ mạng đầy chính nghĩa đi trừ-gian-diệt-bạo, nhưng tự nhiên lúc này tôi cảm thấy mình còn thua kém hơn tên say rượu dơ bẩn kia.
Khi ấy, chiếc xe cũng vừa dừng lại trạm của tôi. Khi cánh cửa đang mở, tôi nghe giọng nói cảm thông của ông lão, “Tội quá,” ông nói, “hoàn cảnh của chú em thật là khó xử. Thôi ngồi xuống đây đi, chú em hãy kể cho tôi nghe hết đi.”
Tôi quay đầu lại nhìn một lần cuối. Tên say rượu đang quỳ dưới ghế, đầu hắn gục vào đùi của ông lão. Ông lão lấy tay nhẹ nhàng vuốt mớ tóc rối bù, dơ bẩn của hắn.
Khi xe lửa điện từ từ rời trạm, tôi ngồi xuống trên một chiếc băng dài. Những gì tôi muốn đạt đến bằng sức mạnh của bắp thịt đã được giải quyết bằng những lời nói từ ái. Tôi vừa chứng kiến được sự áp dụng của Aikido trong một cuộc xung đột, mà tinh yếu của nó là tình thương. Sau lần đó tôi đã học nghệ thuật chiến đấu với một tinh thần hoàn toàn khắc hẳn. Nhưng ngày mà tôi có thể thật sự đạt đến được thái độ ấy, chắc cũng còn xa xôi lắm.”
Do tinh thần vô úy
Trong cuộc sống đôi khi chúng ta cũng cần phải biết hành xử mạnh dạn và cứng rắn, nhưng điều ấy không có nghĩa là ta không còn biết thương. Tôi nghĩ câu truyện của ông Terry Dobson cho ta thấy lòng từ ái không phải là một biểu hiện của sự yếu đuối, mà thật ra nó bắt nguồn từ một thái độ không sợ hãi, một tinh thần vô úy rất sâu sắc, dám tiếp xúc với khổ đau chung quanh ta.
Đôi khi trên một mặt hồ tĩnh lặng, ta lại nhìn thấy được rõ nhất một vầng trăng trong sáng và bất động…
Nguyễn Duy Nhiên