Chi tiết tin tức

Dân văn phòng rủ nhau ăn chay đầu tháng Bảy

22:48:00 - 29/08/2013
(PGNĐ) -  Thay vì ra quán ăn cơm trưa như mọi ngày, hôm nay khởi đầu tháng "cô hồn", chị Trang và các bạn đồng nghiệp rủ nhau mỗi người mang một món chay tự làm ở nhà lên công ty ăn chung.

Chị Trang giải thích: "Nhà mình theo đạo Phật. Nghe ba mẹ dạy ăn chay để dưỡng lòng từ bi đối với các loài động vật, giảm bớt nghiệp sát sinh và tích đức thì sẽ gặp điều thiện. Mình cũng không hiểu nhiều nhưng vì thấy tốt nên cố gắng giữ thôi".

Dân văn phòng. Ảnh: Thi Trân.

Một số bạn trẻ làm văn phòng không có thời gian nấu nướng thì ghé quán cơm chay ăn trưa. Ảnh:Thi Trân.

Ở công ty của Trang không phải ai cũng theo đạo Phật nhưng hầu như người nào cũng ủng hộ việc ăn chay. Hôm qua nghe chị phát động mỗi người góp một món chay mang lên cơ quan ăn chung trong ngày đầu tháng Bảy, ai cũng vui vẻ hướng ứng. Trưa nay (mùng một tháng Bảy âm lịch) đàn ông thì mang theo cơm, còn phụ nữ làm đồ chay giả mặn hoặc rau xào, canh rồi sắp ra ăn chung. "Vừa vui, sạch sẽ mà đỡ tốn kém. Cả phòng đang rủ nhau tháng nào cũng cố gắng ăn chay ngày mùng một, rằm", Tùng, thành viên trong nhóm hào hứng nói.

Vài năm gần đây nhiều người Việt,kể cả giới trẻ, văn phòng có xu hướng ăn chay những dịp đầu hay giữa mỗi tháng âm. Mỗi người có một lý do: phần lớn bảo rằng ăn chay để giảm sát sinh, giảm tội lỗi và tích đức, song số khác thì có mục đích giữ dáng, có người để chữa bệnh, có người lại vì muốn đạt tâm nguyện nào đó…

Như lời giải thích của Trường, nhân viên một ngân hàng ở quận 3, TP HCM: “Các nhà khoa học trên thế giới đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu về cơ thể loài người và đi đến kết luận con người được tạo hóa sinh ra để ăn rau cải, hoa quả chứ không phải ăn thịt. Bản thân mình thấy ăn chay vừa giúp thanh lọc cơ thể, hạn chế sát sinh và cho lòng thanh thản hơn".

Đồ ăn chay đắt khách ngày đầu tháng 7 Âm lịch. Ảnh: Thi Trân.

Quán cơm chay đắt khách ngày đầu tháng Bảy âm lịch. Ảnh: Thi Trân.

Ăn tại quán cơm chay trên đường 3 tháng 2 (quận 10), chị Lanlàm việc ở một công ty xuất nhập khẩu cho biết, vì không có thời gian tự nấu ở nhà nên chị đành phải ra quán ăn. Chị kể: "Mình ăn chay thường xuyên vào ngày rằm và mùng một, đến nay cũng được 5 năm rồi. Từ nhỏ mình đã được dạy ăn chay là để giảm việc sát sinh, để giảm tội lỗi".

Mặc dù vậy, chị Lan cho biết, tập được thói quen giữ chay cũng không hề đơn giản chút nào vì thường không nhớ lịch âm, trong khi có ít quán bán đồ chay quanh khu vực văn phòng làm việc nên muốn ăn phải đi cách xa cả cây số. "Hàng tháng mình phải cài đặt chuông báo lịch ăn chay để nhắc nhở trước một ngày. Hôm nào có thời gian thì làm đồ ăn ở nhà mang theo, cũng lách cách nhưng đó là sự cố gắng giữ mình", người mẹ của 2 đứa con bộc bạch.

Là một giảng viên trẻ, chị Hồng có thói quen ăn chay hơn 10 năm qua. Cô giáo kể, ban đầu ăn vì thích, theo thói quen sinh hoạt của gia đình nhưng bây giờ chị đã chuyển sang ăn chay cách tuần (xen kẽ một tuần mặn một tuần chay), riêng tháng Bảy chị định ăn chay cả tháng. “Tôi có tâm nguyện mong bố mẹ mạnh khỏe, được sống lâu với con cháu nên muốn ăn chay để mong đạt được tâm nguyện báo hiếu với cha mẹ trong mùa Vu Lan này”.

Còn với Hoàng Lan, thư ký sếp một công ty tại đường Trường Sơn (quận Tân Bình) thì ăn chay chỉ vì mục đích... giữ dáng. Cô gái thật thà chia sẻ: “Em thường xuyên phải đi tiếp khách cùng với sếp, ăn quá nhiều chất đạm nên đến ngày đầu tháng và giữa tháng em ăn chay hy vọng giảm bớt chất đạm để giữ eo”.

Song Lan cũng cho biết, việc ăn chay cũng phải đúng cách, nếu không sẽ dẫn đến suy nhược cơ thể vì thiếu chất. Điển hình như trong công ty của Lan có một chị khá béo. "Chị ấy quyết tâm ăn chay trường để giảm cân, một tháng giảm gần chục kg nhưng sau đó phải nhập viện vì suy nhược cơ thể do thiếu chất", Lan nói.

Món chay. Ảnh: Thi Trân.

Đồ chay được chế biến khá ngon miệng và đẹp mắt nên nhiều người ưa chuộng. Ảnh: Thi Trân.

Những ngày này, các hàng quán bán đồ chay trở nên nhộn nhịp hẳn. Một số cửa hàng bán đồ mặn cũng chuyển hẳn sang phục vụ món chay theo nhu cầu của khách.

Như cửa hàng của chị Thu hàng ngày bán hủ tiếu tại một hẻm nhỏ trên đường Hồ Văn Huê (quận Tân Bình) nhưng đến ngày rằm và mùng một là chuyển hẳn sang bán toàn đồ chay. Bà chủ giải thích: "Bản thân mình cũng ăn chay để tích chút công đức cho con cháu chứ. Với lại đến những ngày này nếu bán đồ ăn mặn cũng ế nên chuyển sang bán đồ chay phục vụ bà con".

Còn anh Nhân, chủ quán cơm chay trên đường 3 tháng 2 cho biết, bình thường mỗi ngày quán tiếp khoảng 300 đến 400 khách nhưng những ngày cao điểm ăn chay như hôm nay số lượng tăng lên gấp 3. "Phải huy động thêm nhân viên mà vẫn không phục vụ kịp, nhất là khoảng thời gian từ 11 đến 12h trưa. Mấy ngày thường quán chỉ bán đến chiều còn hôm nay phải kéo đến tối", anh cho biết.

Nói về ý nghĩa của việc ăn chay, một nhà sư trụ trì chùa ở quận 10, TP HCM, cho biết, về cơ bản giáo lý đạo Phật dạy mục đích của việc ăn chay là để thanh lọc tâm hồn, tránh sát sinh, để tu tập tâm tính từ bi. Riêng đối với các phật tử, ngoài việc giữ chay vào ngày đầu tháng hoặc giữa tháng thì còn đến chùa lễ Phật tụng kinh và làm các việc phúc lợi xã hội.

"Ngày nay người ta ăn chay có thể vì một lý do nào đó nhưng dù sao cũng tốt cho cơ thể và mang lại ích lợi cho xã hội. Đây cũng là phương pháp gieo nhân lành, tránh nghiệp sát cho kiếp sau", ông nói.

Thi Trân - Minh Minh/vnexpress

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin