Chi tiết tin tức Đừng để những nỗ lực trở thành... bất lực! 10:28:00 - 04/09/2021
(PGNĐ) - Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp. Những con số thống kê hàng ngày khiến chúng ta không thể thờ ơ, chủ quan.
“Bản tin Covid-19 tính từ …”, “Cập nhật tình hình dịch tính từ…”, “Theo dõi số ca mắc mới trong ngày…”, “Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra phòng, chống dịch tại…”,... là những gì tôi, bạn và chúng ta hằng ngày đều thấy và nghe trên các phương tiện thông tin truyền thông. TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đang đối diện với cuộc chiến chống dịch Covid-19 khốc liệt lần thứ 4. Cho đến lúc này, chúng ta vẫn được bình yên mỗi ngày, cùng gia đình ăn những bữa cơm sum họp, ấm áp, tất cả đều nhờ những hy sinh của họ - những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Họ là những chiến sĩ áo trắng, áo xanh, và nhiều màu áo của những tinh thần tình nguyện luôn nỗ lực, xông pha, không quản ngại khó khăn… Áp lực nặng nề, đã có không ít người đổ gục vì kiệt sức, đã có sự mất mát ở đội ngũ tuyến đầu... Nhưng không ai bỏ cuộc vì tình thương và cả trách nhiệm đối với cộng đồng.
Vì vậy, hãy nghĩ đến sự hy sinh, vất vả của những người đang ở tuyến đầu, để chúng ta tự nghiêm khắc hơn với chính mình trong công tác phòng chống dịch. Chúng ta chỉ đeo có cái khẩu trang mà đã thấy bí bách, khó chịu lẫn khó thở. Còn các y bác sĩ, tình nguyện viên ở các bệnh viện, họ không chỉ đeo khẩu trang 24/24, mà còn phải mặc trên người cả bộ đồ bảo hộ kín mít trong thời tiết khắc nghiệt như hiện nay. Họ chỉ có thể nhận biết nhau bằng dòng chữ viết tên hay số hiệu của mỗi người sau lưng áo bảo hộ. Nhưng họ vẫn phải gồng mình chiến đấu vì sinh mạng của bao bệnh nhân. Họ đâu có kêu than. Vậy không cớ gì, chúng ta lại không chịu đựng được cái khẩu trang để bảo vệ chính mình (?!). Tôi, bạn, chúng ta đều không phải là y bác sĩ cũng không phải quân nhân, không thể trực tiếp vào tâm dịch cứu người. Nhưng, bằng những việc đơn giản nhất: thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế, chấp hành nghiêm Chỉ thị 16 tăng cường của Chính phủ cũng là một cách để cứu mình và cứu người. Chúng ta, mỗi người một công việc, mỗi người ở vị trí của mình, hãy cùng thực hiện từ những việc nhỏ nhất, để cùng đẩy lùi dịch bệnh. Chỉ cần mỗi người nâng cao ý thức trách nhiệm là đã giảm thiểu áp lực và vất vả cho những người ở tuyến đầu chống dịch. Điều này khó không? Chúng ta than thở giãn cách xã hội, không thể về quê thăm gia đình. Vậy sao chúng ta không một lần tự hỏi, bao lâu rồi, những người ở tuyến đầu không được gặp mặt vợ, chồng, con cái và người thân. Thậm chí, cha hay mẹ mất cũng đành nén nỗi đau mà bái vọng. Vậy thì tại sao chúng ta, chỉ là tạm thời ngưng những buổi sáng thong thả tản bộ tập thể dục, ngừng tụ tập ăn uống, ngưng gặp gỡ, vui chơi... mà có người vẫn không thể làm được, không thể chấp hành. Nếu ví lực lượng y, bác sĩ, tình nguyện viên nơi các bệnh viện điều trị Covid-19; lực lượng chức năng trực tại các chốt kiểm soát... là tiền tuyến, thì chúng ta là những hậu phương. Hậu phương có vững thì tiền tuyến mới an lòng. Và từ xưa đến nay, trong mọi cuộc chiến, chúng ta giành được chiến thắng một phần cũng nhờ vào sự đoàn kết giữa tiền tuyến và hậu phương. Vì vậy, trong cuộc chiến chống dịch bệnh này, chúng ta đừng để những nỗ lực của tiền tuyến trở thành bất lực vì sự vô trách nhiệm của hậu phương. Mà trái lại, nơi hậu phương, chúng ta cũng hãy tích cực tham gia vào cuộc chiến này bằng cách tự phòng chống con virus Corona một cách quyết liệt để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và sinh mạng của mỗi con người. Có được như vậy là chúng ta đã chung tay cùng tuyến đầu góp phần đẩy lùi dịch bệnh, để cuộc chiến sớm kết thúc, để chúng ta được sớm trở lại với nhịp sống bình thường mới. Mong lắm thay!
Quỳnh Trang
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |