Chi tiết tin tức Góc khuất nhân quả 23:11:00 - 28/11/2013
(PGNĐ) - Nhân quả, nghiệp báo là điều chẳng thể xem thường. Có khi mình tạo nhân, tạo duyên lúc nào mình không hay không biết, nhưng đến khi đủ điều kiện thì hậu quả đến với mình dưới những hình thức khó ai biết trước để liệu bề đối phó. Bởi thế cổ đức mới dạy rằng: “Phàm làm việc gì phải xét kỹ đến hậu quả của nó”. Tất cả những việc mình làm đều là nhân, là duyên gần hay xa, trực tiếp hay gián tiếp đưa đến những hậu quả tốt hoặc xấu, hạnh phúc hay bất hạnh khổ đau.
Bác Tư của tôi không uống rượu, nhưng mỗi khi có bạn bè đến nhà chơi thì ông mua rượu về thết đãi bạn bè. Ông là người rất hiếu khách, coi trọng tình bằng hữu và cũng ham vui. Bạn bè đến ăn nhậu, ca hát, ngủ nghỉ tự nhiên như ở nhà mình, bác tôi không câu nệ, chấp nhất, vì thế ai cũng quý mến ông. Còn ngoại tôi cũng thế, ông ít khi uống rượu. Khi không thể từ chối bạn bè trong dịp lễ tết, xã giao, ông chỉ nhấp môi chút đỉnh. Nhưng ngoại tôi thường bảo: “Rượu lễ, rượu nghĩa. Không có rượu thì không thành lễ”. Vì quan niệm như thế nên mỗi khi nhà có đám tiệc hoặc bạn bè đến chơi, ông đều thết đãi rượu. Mấy cậu tôi cũng quan niệm thế, lại thêm ham vui nên nhậu li bì, ai khuyên can thì bảo: “Mình không uống làm sao bạn bè uống”, “Không mời rượu, mai mốt ai đến dự đám tiệc chứ!”. Tuy không nhậu nhẹt nhưng về sau bác Tư mất sớm vì bệnh xơ gan cổ trướng, ai cũng thấy lạ vì không hiểu nguyên nhân. Một vài người bạn của bác tôi bảo: “Thấy chưa, anh Tư có nhậu đâu mà cũng bị bệnh gan. Trời kêu ai nấy dạ chứ nào phải do ăn uống nhậu nhẹt gì!”. Cho đến sau này khi học Phật rồi, hiểu nhiều về lý duyên sinh, nhân quả tôi mới nhận ra có những điều ẩn khuất. Tôi thấy đường đi của nhân quả không đơn giản chút nào, nó vi tế, khuất tạp chứ không dễ hiểu, dễ thấy như những gì người ta nghĩ tưởng. Bác tôi tuy không uống rượu, không tạo nhân trực tiếp gây nên bệnh xơ gan, nhưng trong bác tôi có “mầm mống” gây nên căn bệnh đó. Ảnh minh họa Bệnh ung thư gan, xơ gan không nhất thiết do rượu, nó có thể do các chứng viêm gan siêu vi B, siêu vi C, viêm gan do độc tố thức ăn, độc tố thuốc Tây tích tụ trong suốt quá trình sử dụng thuốc Tây lâu dài hay lạm dụng. Về phương diện vi tế, phức tạp của nhân quả thì bệnh xơ gan của bác là hậu quả của những nghiệp duyên mà bác tôi đã tạo trước đây, tôi nghĩ thế. Tuy không uống rượu nhưng bác tôi lại trợ duyên cho người khác uống (đi mua rượu, làm mồi nhậu, mời bạn bè uống rượu), tạo điều kiện cho người khác đưa độc tố của rượu vào người, hay nói cách khác là gieo mầm bệnh vào người khác. Có nhiều người vì uống rượu mà bị bệnh gan, bệnh tim, thần kinh, phổi, hoặc rượu gây ảnh hưởng đến những mầm bệnh đã có trong người uống nhưng họ không hay biết, khiến cho những mầm bệnh phát triển thành bệnh. Có người vì nhậu nhẹt mà đánh mất an ổn, hạnh phúc gia đình, sinh con đần độn (do ảnh hưởng độc rượu từ người cha), hoặc đánh mất tư cách, đạo đức mà không thể dạy dỗ, giáo dục con cái. Rõ ràng bác tôi đã vô tình phạm phải sai lầm là trợ duyên bệnh tật, bất hạnh cho người khác. Ở đây tôi không có ý phê bình bác tôi, nhưng tôi muốn lấy đó làm tấm gương về nhân quả nhãn tiền. Tôi muốn phân tích những chỗ vi tế, những chỗ ẩn khuất của con đường nhân quả. Nếu nói về nghiệp thì trường hợp của bác tôi là ảnh hưởng cộng nghiệp. Không chỉ bệnh xơ gan đã cướp đi mạng sống của bác, mà những người con của bác cũng bị rượu cướp đi hạnh phúc. Sau khi bác mất, người con thứ tư của bác vì say rượu mà bị tai nạn giao thông gãy chân và chấn thương sọ não, hậu quả là bây giờ thần kinh anh rất yếu, không còn như ngày xưa. Người con út vì mê nhậu với bạn bè mà để đứa con nhỏ té sông chết, vợ bỏ nhà ra đi, anh say rượu đánh nhau với hàng xóm bị vỡ đầu. Có lẽ những chuyện không may của gia đình bác tôi còn do những nhân duyên khác, do biệt nghiệp, cộng nghiệp của mỗi người trong gia đình, nhưng chắc chắn là có sự ảnh hưởng của những nhân duyên liên quan đến rượu. Ngày trước mỗi lần cúng giỗ bác tôi, bác gái và các anh tổ chức như đám cưới, ăn uống nhậu nhẹt, đàn ca hát xướng linh đình. Mấy ông anh con bác Tư tôi đều mê ca vọng cổ, hễ nhà có đám tiệc là họp lại, mời bạn bè làng trên xóm dưới đến nhậu nhẹt, hát ca thâu đêm suốt sáng. Bây giờ cửa nhà sa sút, đến ngày giỗ chỉ nấu mâm cơm cúng đơn sơ trong gia đình. Còn ngoại tôi là người rất hiền. Nếu dùng hình ảnh so sánh thì có thể nói ngoại tôi hiền như đất. Mẹ tôi kể, một lần ngoại bắt gặp kẻ trộm chuối trong vườn. Thấy kẻ trộm vác buồng chuối đi, ngoại bèn ngồi thụp xuống núp sau bụi cây để kẻ trộm không thấy. Về nhà ngoại thuật lại chuyện gặp kẻ trộm trong vườn, mẹ tôi hỏi vì sao ngoại không bắt trộm. Ngoại cười hiền từ đáp: “Ba tránh mặt để nó không hoảng sợ bỏ chạy. Nó chạy rủi vấp té đau thì tội nghiệp”. Ngoại tôi không phải người theo đạo Phật nhưng cũng ăn chay, lạy Phật, tánh hiền như Bụt, tin luật nhân quả, luân hồi và sống có tình có nghĩa với bà con ruột thịt, hàng xóm láng giềng nên ai cũng yêu mến, kính trọng. Ngày cuối đời ngoại ra đi rất thanh thản. Chỉ có một điều đáng tiếc là ngoại tôi có phần câu nệ, chấp nê theo truyền thống của ông bà, dù những phong tục đó không còn phù hợp nữa. Theo ngoại thì con gái phải phục tùng chồng (do ảnh hưởng Nho giáo thời xưa), không cần học hành nhiều (vì sau này xuất giá sẽ có chồng lo), phải biết may vá, bếp núc; cúng kiếng và thết đãi bạn bè phải có rượu. Chính vì quan niệm như thế mà xảy ra những chuyện đáng buồn cho ngoại. Năm lần tổ chức đám tiệc thì có đến hai ba lần gây gổ lẫn nhau giữa các con trong nhà, và cậu Út tôi là người khiến cho ngoại đau lòng, xấu hổ với bà con dòng họ và hàng xóm. Mỗi khi nhậu vào là cậu Út tôi quậy quạ, đánh đập vợ con, chửi mắng cả ông bà ngoại, không một ai khuyên can, ngăn cản được. Có những lời cậu chửi rủa ngoại trong cơn say khiến trời người phẫn nộ, khó dung thứ được. Rượu khiến cho người ta không tỉnh táo, mất lý trí, hành xử lỗ mãng, không phân biệt phải trái, tốt xấu, không biết kẻ trên người dưới, quên cả tình thân. Rượu có thể làm cho người ta mất đi nhân tính chứ đừng nói chi là mất văn hóa, đạo đức. Cậu Út tôi chính là một trong những nạn nhân của rượu. Tôi thường nghĩ có lẽ do ngoại mắc nợ cậu, có oán kết với cậu từ kiếp nào, nhưng cũng không loại trừ hậu quả ngoại dạy cho con cái quan niệm rượu là lễ nghĩa, ngoại “làm gương” cho con cái về việc dùng rượu thết đãi bạn bè. Ngoại tôi mất vì bệnh phổi, nhưng ngoại ra đi rất thanh thản. Tiếng đồn ngoại hiền từ nhân đức xóm dưới làng trên ai ai cũng biết, và tiếng xấu về đứa con út của ngoại cũng lan xa. Nhân quả, nghiệp báo là điều chẳng thể xem thường. Có khi mình tạo nhân, tạo duyên lúc nào mình không hay không biết, nhưng đến khi đủ điều kiện thì hậu quả đến với mình dưới những hình thức khó ai biết trước để liệu bề đối phó. Bởi thế cổ đức mới dạy rằng: “Phàm làm việc gì phải xét kỹ đến hậu quả của nó”. Tất cả những việc mình làm đều là nhân, là duyên gần hay xa, trực tiếp hay gián tiếp đưa đến những hậu quả tốt hoặc xấu, hạnh phúc hay bất hạnh khổ đau. Minh Hạnh Đức
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |