Chi tiết tin tức

Tránh đau khổ, tìm hạnh phúc

10:49:00 - 24/12/2013
(PGNĐ) -  Nhiều người vui vẻ mãn nguyện với những hạnh phúc ảo huyền và tạm bợ của đời sống và tự nghĩ rằng thế gian này quả thật tốt đẹp, quả thật là cảnh giới mà họ mong mỏi. Họ tưởng rằng hạnh phúc lúc nào cũng còn phảng phất đâu đây, ở một góc nào, hay có lẽ ở bên cạnh mà ta chưa hay biết. Họ không nhìn xa hơn, không nhìn vượt qua khỏi chân trời hạn hẹp của mình. 

Con người cố gắng thoát khổ. Nhưng đời sống có thật sự đau khổ không?

Nhiều người vui vẻ mãn nguyện với những hạnh phúc ảo huyền và tạm bợ của đời sống và tự nghĩ rằng thế gian này quả thật tốt đẹp, quả thật là cảnh giới mà họ mong mỏi. Họ tưởng rằng hạnh phúc lúc nào cũng còn phảng phất đâu đây, ở một góc nào, hay có lẽ ở bên cạnh mà ta chưa hay biết. Họ không nhìn xa hơn, không nhìn vượt qua khỏi chân trời hạn hẹp của mình. Ðối với hạng người này không có ai là Phật, không ai thánh thiện, không có vị giáo chủ hay vị lãnh đạo tinh thần nào trên thế gian.

Nhưng đa số những người khác thì hiểu biết rõ ràng phần đen tối phũ phàng ẩn núp dưới lớp mặt nạ thân thiện của kiếp nhân sinh, xuyên qua kinh nghiệm của chính bản thân họ và của những người sống quanh. Dưới mắt họ cuộc sống xem hình như một đại dương mênh mông sâu thẳm đầy hiểm họa và đau khổ. Trên mặt nước chúng sanh bơi lội, lặn hụp, hay cỡi thuyền lướt sóng đi quanh quẩn, vài người mãn nguyện, hãnh diện với số phận mình.

Ðúng rằng có những lúc trời êm biển lặng, buông mình thả trôi trên mặt nước im lìm không chao động thì quả thật là thích thú. Nhưng những ai mở mắt nhìn đời và mở rộng tâm trí, suy tư để khỏi bị bề mặt giả dối của thế gian phỉnh gạt, có thể nhận định rằng bão tố có thể nổi lên bất cứ lúc nào, những luồng nước lũ có thể tuôn đến và xoáy tròn nguy hiểm như thế nào, và bao nhiêu hiểm họa khác, tiềm tàng sâu ẩn trong lòng biển cả, đang chờ đợi, có thể trổi dậy bất cứ lúc nào. Ðang bị lôi cuốn, lăn trôi theo những thăng trầm của thế gian biến đổi vô cùng tận mắt không thể tìm ra hạnh phúc vững bền. Mãi mãi triền miên lặp đi lặp lại những kiếp sống khổ đau thật là đáng sợ.

Thử nhìn thực tại ở quanh ta. Có đời sống của người nào từ bé đến già mà phẳng lặng như nước ao hồ, không bị chút lo âu, sợ sệt hay sầu muộn làm chao động? Có gia đình nào chưa từng khóc cái chết của một người thân? Có quả tim nào chưa từng nhói đau vì nghịch cảnh? Bao nhiêu người đang trằn trọc rên xiết hay nằm vùi trên giường bệnh và bao nhiêu người khác đang hồi hộp, lo âu và phiền muộn vì người thân lâm trọng bệnh? Hằng triệu người khác đang cố bám lấy từng hơi thở mà hầu như không còn trở lại. Hằng triệu cha mẹ, con cái, bạn bè, đang than khóc sự ra đi của thân bằng quyến thuộc — ngay trong giờ phút này và trên thế gian rộng lớn dãy đầy đau khổ này.

Tất cả chúng ta đều có vấn đề: Những vấn đề sinh nhai, vấn đề gia đình, sức khỏe, vấn đề xã hội, vấn đề kinh tế, vấn đề chính trị, vấn đề tâm lý v.v… chí đến vấn đề tôn giáo. Có vấn đề tức là có gì không suông sẻ, có gì cần phải giải quyết, tức là trạng thái bất ổn, trạng thái xung đột, xung đột giữa ý muốn của ta và những diễn biến của đời sống, tức có gì không được thỏa mãn hoàn toàn, có tình trạng bất toại nguyện, những hình thức khác nhau của đau khổ. Nếu những gì mà ta gọi là vấn đề ấy không phải là bất toại nguyện hay đau khổ tại sao ta cần phải cố gắng giải quyết?

pb

Tìm hạnh phúc

Ta lại tự hỏi: “Trong đời sống có đau khổ mà cũng có hạnh phúc. Tại sao chỉ đề cập đến đau khổ mà lờ hẳn, không nhắc đến hạnh phúc?”

Khổ là trạng thái không thỏa mãn, bất toại nguyện, làm cho ta khó chịu đựng và như thế không ai muốn. Nhưng bất hạnh thay không ai tránh khỏi.

Còn hạnh phúc thì ai cũng mong tìm, ai cũng khát khao muốn thành đạt. Nhưng chúng ta không nhận thức rằng hạnh thức chỉ là hình thức khác của đau khổ. Hạnh phúc và đau khổ chỉ giống như đầu và đuôi của con rắn. Khi ta đụng vào đầu rắn tức thì nó cắn. Ðó là đau khổ, hậu quả trực tiếp phát sanh trong tức khắc. Nhưng khi nắm đuôi rắn thì ta cảm nghe an toàn. Mặc dầu vậy rắn sẽ quay đầu lại cắn, cùng một thế như khi ta đụng vào đầu nó. Ðó là hạnh phúc. Dầu đụng vào đầu hay vào đuôi ta vẫn bị rắn cắn. Phải nhận định rằng đầu và đuôi rắn chỉ là hai phần khác nhau của con rắn. Cùng thế ấy, hạnh phúc và đau khổ chỉ là hai phần của một vấn đề, vấn đề đau khổ.

Trong đời sống cái được gọi hạnh phúc là gì? Hạnh phúc là khi ta đạt điều mong mỏi. Ta mong có tài sàn. Ðược tài sản là hạnh phúc. Muốn danh vọng. Ðược danh thơm tiếng tốt là hạnh phúc. Muốn quyền thế, được quyền thế uy lực là hạnh phúc. Truy nhiên, trong thế gian vô thường không ngừng biến đổi này tất cả mọi sự đều nằm trong trạng thái luôn luôn trở thành một cái gì khác thì cái hạnh phúc mà ta khao khát bao nhiêu chỉ ở với ta trong giây phút ma ta vừa nắm được nó. Tại sao? Vì hạnh phúc là thành đạt điều mong muốn, nhưng điều mà ta mong muốn chỉ tồn tại nhất thời, đối tượng mà ta khao khát mong mỏi quả thật phù du tạm bợ. Vớt nước lên trong lòng hai bàn tay và mong sẽ giữ mãi mãi trong tay thì làm sao khỏi thất vọng? Ðạo hữu Gunaratne viết: “Bây giờ ta có thể tự hỏi, tại sao ái dục luôn luôn mang đau khổ (Dukkha) theo vết chân của mình? Bởi vì ái dục là khao khát ham muốn một cái gì tự nó không ngừng biến đổi, là chạy theo và cố bám vào cái gì tự nó không thực có. Khi con người cố gắng đuổi bắt một mục tiêu huyền ảo, lờ lững như thực như hư, một cái gì không thể bắt được, một mục tiêu luôn luôn thụt lùi hay tan biến khi ta gần nó thì con người còn có thể mong mỏi điều gì hơn là thất vọng, điều gì hơn là trạng thái bất ổn, không điều hòa, tức dukkha, đau khổ.”

Thử lấy một thí dụ. Ta mong mỏi được có tiền. Tiền đến, Ta cảm nghe sung sướng hạnh phúc. Thế nhưng, khi nắm được tiền trong tay ta lại lo nghĩ phải làm thế nào để gìn giữ. Ta lo sợ kẻ trộm, kẻ cướp, kẻ lường gạt. Ta suy tư, phải làm thế nào để nó sanh lợi, phải dùng thế nào, bao nhiêu vấn đề mới lại phát sanh, ắt phải lo lắng nghĩ ngợi, tức đau khổ.

Hơn nữa, khi có được tiền của ta lại mong muốn điều khác, lại tự tạo cho ta những khát vọng mới: muốn mua sắm, muốn danh lợi, muốn quyền thế, muốn thay đổi khung cảnh sống, muốn sửa đổi cảnh vật cho thích hợp với lòng khao khát của mình. Ðức Phật dạy rằng những ai đắm say trong tham vọng sẽ rơi trở vào dòng lôi cuốn của lòng khát khao ham muốn, như nhện sa vào lưới của chính nó.

Ðời là khổ. Tuy nhiên dạy như thế Ðức Phật không khi nào cố tình khuyên tất cả mọi người nên từ khước những lạc thú trần gian, vào rừng tìm nơi thanh vắng để lo tu hành. Ðức Phật đạt toàn thể giáo lý của Ngài trên nền tàng đau khổ (dukkha) nhưng khônbg bao giờ phủ nhận những lạc thú trong đời. Bộ Tăng Nhứt A Hàm có liệt kê dong dài những hạnh phúc mà chúng sanh có thể thọ hưởng. Chúng ta không tìm cách xa lánh những hạnh phúc vật chất, nhưng hiểu biết rằng nó chỉ là tạm bợ nhất thời. Thọ hưởng những lạc thú vật chất nhưng không làm nô lệ cho thể xác. Phật giáo dạy ta nên tận lực cố gắng, kiên trì nỗ lực, luôn luôn giữ tâm trong sạch và thận trọng thu thúc dục vọng.

Có thân tức có già, có bệnh, có chết, có khổ v.v… Ta không thể sửa đổi thiên nhiên, hay chỉ có thể làm được một cách vá víu tạm bợ. Phải hiểu rõ bản chất thiên nhiên của đời sống là vậy. Phải thấm nhuần chân lý này. Không thể sửa đổi thiên nhiên, mà chỉ có thể kiểm soát và sửa đổi cái tâm của chính mình, làm cho nó thích hợp với thiên nhiên.

Pháp hành thiền trong Phật giáo là rèn luyện tâm. Trước tiên, lắng tâm an trụ vào một điểm, làm cho nó trở nên vắng lặng, sáng tỏ và có nhiều năng lực, rồi dùng tâm lực dũng mãnh ấy quán chiếu thâm sâu vào sự vật, thấu triệt thực tứơng của sự vật, thấy sự vật đúng như sự vật là như vậy, không phải như mình nghĩ rằng nó là như vậy, tức nhìn sự vật dưới ánh sáng của ba đặc tướng: Vô thườngKhổ và Vô ngã.

Khi nhận định đúng rằng trên thế gian huyền ảo, tạm bợ và vô thường này, chí đến cái mà ta gọi là hạnh phúc cũng không thể tồn tại vì những điều kiện tạo duyên cho nó phát sanh luôn luôn biến đổi và do đó không thể có hạnh phúc thật sự vững bền Phật Giáo đi tìm nguồn gốc của đau khổ.

Con đường cũ xa xưa (Bát Chánh Ðạo)
Phạm Kim Khánh, USA, 1993

Nguồn: phapbao.org

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin