Chi tiết tin tức

Người trí dưỡng tâm, người ngu nuôi thân

17:26:00 - 30/07/2015
(PGNĐ) -  Kính chào quý thầy, quý cô, cùng quý vị Phật tử! Hôm nay tôi muốn chia sẻ cùng đại chúng một câu chuyện trong kinh Phật. Câu chuyện này được trích từ Kinh Pháp Cú Thí Dụ quyển 3, phẩm Quảng Diễn thứ 29, trong Đại Chánh Tạng, quyển 4, trang 598a24-b29.

pb

Ngày xưa, lúc Đức Phật đang ở tại nước Xá Vệ, hoằng dương Chánh pháp, giáo hóa chúng sanh gồm: trời, rồng, quỷ thần, đế vương cho đến người dân trong vùng. Đại chúng thường đến bên Ngài để được nghe thuyết pháp.

Lúc bấy giờ, đứng đầu đất nước là vua Ba Tư Nặc, cá tính của vua rất kiêu mạn, phóng túng tình dục, không thâu nhiếp sáu căn; mắt luôn bị sắc làm mê hoặc; tai đắm nhiễm những tiếng dua nịnh, mũi chỉ thích ngửi những hương thơm, miệng thích nếm những vị hương như: ngọt, chua, cay, đắng, mặn v.v… Thân thể lại thích mặc những thứ vừa mượt mà vừa êm dịu. Đặc biệt là đồ ăn thức uống, đòi hỏi phải là những thứ cao lương mỹ vị, chưa từng biết đủ. Vua ăn ngày càng nhiều, nhưng lúc nào cũng cảm thấy bụng đói. Chính vì thế mà người làm bếp suốt ngày phải tất bật nấu nướng để kịp dâng thức ăn, vì miệng nhà vua suốt ngày không ngừng nghỉ, cứ ăn liên tục, lâu ngày trở thành thói quen.

Cũng không biết từ lúc nào, thân thể của vua Ba Tư Nặc trở nên béo phì, béo đến nỗi mỗi lần lên hoặc xuống xe ngựa, đều cảm thấy vô cùng khó khăn. Không những thế, mà đến cả lúc ngủ hay thức dậy, đều có cảm giác hơi thở không được nhẹ nhàng, có lúc bị đứt quãng cho đến khi tỉnh giấc. Cứ như thế, ngồi hay nằm đều không được yên, rên rỉ thống khổ, nặng nề đến nỗi trong lúc ngủ muốn trở mình cũng khó khăn. Vua cảm nhận mập như vậy vô cùng mệt nhọc, bèn sai người chuẩn bị xe ngựa, cố gắng hết sức đi về phía đức Phật đang cư trú.

Vua Ba Tư Nặc sau khi được gặp đức Phật, người hầu cận liền đỡ nhà vua đứng lên để xá chào, sau đó đứng qua một bên chắp tay búp sen và bạch cùng Đức Phật rằng: “Thưa Thế Tôn! tôi đã lâu không đến thăm, vấn an sức khỏe Ngài, cũng đã lâu lắm không đến thỉnh giáo Ngài. Tôi không biết tự mình đã tạo ra những lỗi lầm gì, khiến cho thân thể của tôi nặng nề đến như thế này? Chính tôi cũng không biết lí do tại sao như vậy? Mỗi khi nghĩ đến vấn đề này, trong lòng tôi cảm thấy vô cùng hổ thẹn, chính vì thế trong thời gian qua, tôi không thể đến thăm hỏi và được nghe Ngài chỉ dạy, cúi mong Đức Thế Tôn liễu tri”.

Đức Phật liền nói với nhà vua rằng, có năm điều khiến cho thân thể dễ bị béo phì:

Thứ nhất là thường xuyên ăn và ăn quá nhiều.

Thứ hai là chỉ thích ngủ.

Thứ ba là tâm phóng túng.

Thứ tư là không có lo lắng.

Thứ năm là không có bận bịu.

Năm nguyên nhân kể trên sẽ khiến cho con người dễ mập. Nếu nhà vua không muốn thân thể trở nên nặng nề như thế, thức ăn, thức uống cần có liều lượng, đồng thời không nên đòi hỏi quá cầu kỳ, chỉ nên dùng các món đơn giản có nguồn gốc thực vật, có như thế tự nhiên sẽ ốm trở lại. Và Đức Phật liền vì nhà vua mà nói bài kệ, đại ý như sau:

“Trong lúc dùng cơm, chúng ta nên khởi niệm như vầy: tự mình phải biết điều tiết phần ăn, vì ăn uống quá độ là nguyên nhân sanh ra bệnh tật. Ăn uống có liều lượng, thì bao tử sẽ dễ dàng tiêu hóa thức ăn, nhờ thế mà cơ thể được khỏe mạnh, tuổi thọ được kéo dài”.

Nhà vua nghe xong rất là vui mừng, liền gọi người đầu bếp đến và bảo rằng: “Nhà ngươi nên học thuộc bài kệ này ngay, và mỗi lần trước khi dâng thức ăn lên cho Trẫm, hãy đọc bài kệ của Đức Thế Tôn, rồi mới soạn thức ăn ra”. Sau đó, nhà vua hướng về phía Đức Phật cáo từ, rồi trở lại hoàng cung. Người đầu bếp cũng y theo lệnh của vua mà thực hành, mỗi lần dâng thức ăn lên đều đọc bài kệ cho vua nghe.

Nhà vua mỗi lần được nghe kệ, cảm thấy rất vui, mỗi ngày ăn ít lại một muỗng, yêu cầu thức ăn cũng được giảm dần, thân thể từ từ trở nên nhẹ nhàng, và đã bắt đầu ốm dần đi, trở lại cái phong thái của ngày xưa.

Nhà vua nhận ra mình đã thay đổi rất nhiều, lấy làm vui thích tột cùng, cảm thấy rất nhớ Đức Thế Tôn và muốn đến gặp Ngài. Bây giờ mỗi khi cần di chuyển, chỉ muốn được tự mình bước đi, nên lần này chỉ một mình vua đi đến chỗ đức Phật đang cư trú và đảnh lễ Ngài.

Đức Phật mời nhà vua ngồi xuống bên cạnh và hỏi rằng: “Xe ngựa của vua ở đâu, và những người hầu cận của vua đâu hết, tại sao vua lại đi một mình đến đây?”. Nhà vua trong niềm hân hoan trả lời: “Tôi nhờ thực tập lời dạy của Thế Tôn, bây giờ cảm thấy thân thể nhẹ nhàng đi rất nhiều, đây chính là nhờ công ơn của Ngài. Nhờ đó hôm nay tôi có thể đi bộ đến đây, và cũng rất muốn biết tại sao lại kỳ diệu đến thế”.

Đức Phật nói với nhà vua rằng: “Người ở thế gian tại sao lại khổ? Bởi vì họ không biết vô thường nên chấp trước, chỉ biết để hết lòng vào chăm sóc cái sắc thân giả tạm này, chăm lo cho dục vọng, chưa một lần để ý đến việc vun bồi phước đức. Con người sau khi nhắm mắt xuôi tay, thần thức ly tán, lưu lại nhiều nhất cũng chỉ là xác thân vùi trong nấm mộ, muốn mang theo gì có được đâu.

Chính vì thế mà người trí, luôn đặc biệt quan tâm đến tâm ý, còn người kém trí chỉ biết nuôi dưỡng xác thân. Người trí luôn vui thích vun bồi phước đức, trí tuệ,  không biết mỏi mệt, còn người kém trí chỉ biết trau chuốt khối thịt của bản thân. Nếu chúng ta hiểu được điểm này, cần phải tinh tấn tu tập, thực hành những lời mà đức Phật đã dạy”.

Đức Phật lại nói thêm một bài kệ khác:

“Một người không được nghe Chánh pháp, về sau cũng như một con bò già, chỉ biết nuôi dưỡng cái thân xác cho nặng ký, mà cái đầu lại thiếu trí tuệ.

Sống, chết vô thường, không có cái gì có thể bám víu lâu dài được. Một người không được nghe Chánh pháp, cuộc sống của họ trôi qua thật bạc bẽo, phải chịu thống khổ trong luân hồi. Chúng ta chỉ biết bám víu vào thân thể, tham đắm nơi cái thân này, nên đau khổ không có lối thoát.

Người có trí tuệ, thấu hiểu được sự thống khổ như vậy, nên không bận tâm, chấp trước nơi sắc thân, có thể đoạn trừ vọng tưởng, tham dục, mong cầu, liền chứng đắc vô sanh nên được giải thoát”.

Nhà vua nghe xong bài kệ, vô cùng hoan hỷ, tâm ý mở ra và thấu hiểu được nên đã phát khởi tâm vô thượng bồ đề. Những người cùng nghe pháp, cũng được lợi ích lớn, thấy rõ pháp nhãn thanh tịnh nên được ngộ đạo.

Câu chuyên này muốn khuyên chúng ta, người có trí tuệ là người biết chăm sóc và nuôi dưỡng tâm thức, người kém trí tuệ thì chỉ biết nuôi dưỡng xác thân. Còn chúng ta đây, đang nuôi dưỡng xác thân phải không? Hay là đang vun bồi trí tuệ? Câu chuyện này xứng đáng cho mọi người học tập và thức tỉnh, tôi chọn ra chia sẻ, để chúng ta cùng cố gắng.

Câu chuyện này cũng được nhắc đến trong kinh Tạp A Hàm, quyển 42, kinh số 1150 nhưng ngắn hơn, còn câu chuyện trong kinh Pháp Cú thì có thêm bài kệ, nội dung phong phú hơn.

Chúng ta hãy cùng nhau tinh tấn!

(Lớp giáo dục Phật pháp Phước Nghiêm, ngày 09 tháng 06 năm 2012)

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin