Tâm biết đủ là người giàu nhất thiên hạ
06:18:00 - 15/06/2016
(PGNĐ) - Người thế gian vì mê muội không thấy được sự thật nhân quả nghiệp báo nên mới tham muốn, say mê, đắm nhiễm cho dục lạc là số một. Người ý thức biết tham muốn nhiều là tai hại, là đau khổ nên sống đời đơn giản, đạm bạc để vững chải, thảnh thơi...
Ngày xưa, có vị vua do nhờ biết tích lũy phước báo nhiều đời nên được làm vua của các vì vua, là bậc thông minh trí tuệ hơn người nên thống trị khắp cả thế gian này. Vua tự xư mình là người giàu có nhất thiên hạ và cai trị hết cõi đất này.
May mắn thay, bên cạnh nhà vua còn có vị quan cận thần rất thông minh, tài giỏi, ông luôn thương yêu tất cả mọi người bằng trái tim hiểu biết. Chính sự từ bi và trí tuệ ấy đã giúp nhà vua tránh được nhiều lầm lỗi.
Tuy nhiên, tham vọng muốn mình là người giàu nhất thế gian vẫn luôn âm ĩ nên một hôm nhà vua họp mặt tất cả bá quan cận thần và hỏi: “Này các khanh! Các khanh hãy nói cho trẫm biết, trong vương quốc này ai là người giàu nhất thiên hạ?” Tất cả đều cùng nhau đáp: “Thưa hoàng thượng! Trong vương quốc này dưới sự trị vì của hoàng thượng, hoàng thượng là người giàu nhất không ai bằng.” Nhà vua cảm thấy rất thỏa mãn, hài lòng khi nghe mọi người cùng tâu lên như vậy.
Bỗng nhiên, một vị cận thần tên là Giải Thoát bước ra và nói: “Muôn tâu bệ hạ! Có một vị tỳ kheo tên là Tỉnh Giác, đời sống của vị ấy thật đơn giản. Vị ấy luôn sống hài hòa với muôn loài vật, đặc biệt là không bao giờ ăn thịt cá và luôn khuyên bảo mọi người không nên sát sinh hại vật. Thức ăn chính của vị ấy chỉ là rau quả và các loại ngũ cốc.
Thần đã được tiếp xúc với vị thầy đó, nơi thầy ở muôn thú vây quanh hòa cùng cảnh vật, thiên nhiên dường như không có khoảng cách giữa con người và muôn loài vật. Nơi đó còn có khoảng trên 300 vị khất sĩ đang tu tập theo sự chỉ dạy của thầy. Chính thần đã chứng kiến khi đến giờ thọ trai toàn thể các vị đều ăn cơm trong im lặng, không nghe tiếng khua chén bát, chậm rãi, khoan thai ăn trong tỉnh giác.
Trước khi ăn họ cúng Phật và quán niệm công đức chúc phúc cho quý Phật tử. Sau khi ăn họ tụng bát nhã và hồi hướng công đức cho tất cả mọi người. Họ ăn vừa đủ, ăn trong sự biết ơn của thầy tổ, đàn na tín thí, đất nước và tất cả chúng sinh. Khác với triều đình chúng ta, mỗi khi ăn uống nói cười rộn rã, vui chơi trong no say để rồi đánh mất mình trong thiên hạ, có khi tranh chấp cãi vã ngay khi đang ăn uống.
Vua nghe vị cận thần tâu như thế nên trong lòng muốn tìm đến để hỏi một vài điều. Vài hôm sau, vua và đoàn tùy tùng đã đến chỗ ở của các vị khất sĩ ấy. Cây Bồ đề trước cổng sừng sững hiên ngang với khoảng 4 người ôm không hết, có thể đã trên vài trăm tuổi. Gốc Bồ đề có nhiều tua như cuộn tròn cả thân cây tạo nên sự mát mẻ, trong lành.
Vua yêu cầu được diện kiến trực tiếp vị thầy trụ trì đó. Trong lúc chờ đợi ở nhà khách, vua bỗng dưng nhìn thấy một con người nhỏ nhắn đang tiến dần về phía mình mà không hề chớp mắt. Từng bước chân nhẹ nhàng, an lạc, thảnh thơi của người ấy đã toát ra một năng lực tự tại, bình yên và hạnh phúc. Vua chưa từng thấy một người nào có dáng vẻ uy nghi, trang nghiêm và thanh thản đến như vậy. Người ấy tiến dần đến trước mặt nhà vua nở một nụ cười hồn hậu và vái chào tất cả mọi người rồi ngồi xuống trong tư thế an nhiên .
Sau những lời chào hỏi và chúc tụng, nhà vua đặt liền câu hỏi: “Thưa thầy! Có phải thầy là vị khất sĩ mà mọi người vẫn thường đồn đại là người giàu có nhất thế gian này? Thú thật với thầy, tôi chính là nhà vua của đất nước này. Đã từ lâu tôi nghe tiếng lành đồn xa mà cho đến tận hôm nay tôi mới có cơ hội được diện kiến thầy. Sau khi gặp được thầy, tôi đã cảm nhận được một niềm an vui đang trào dâng trong lòng.”
Tuy biết được người đứng trước mặt mình là một vị vua Chuyển Luân Thánh Vương và những người xung quanh là các quan cận thần nhưng nét mặt của vị thầy đó vẫn bình thản, an nhiên. Thầy luôn giữ được phong thái của người đã an nhiên, tự tại, giải thoát.
Vị thầy ấy đã hỏi nhà vua và các quan cận thần cất công đến đây chắc có điều gì chỉ dạy. Nhà vua đáp: “Ta chỉ muốn biết một sự thật về việc xưa nay mọi người đồn đoán thầy là người giàu nhất thế gian này.” Vị thầy đó mới hỏi lại: “Vậy theo nhà vua, thế nào là một người giàu nhất thế gian?” Nhà vua trả lời: “Người giàu nhất thế gian là người không thiếu bất cứ một món báu vật quý giá từ thức ăn uống, ruộng vườn, nhà cửa, người hầu, thê thiếp. Người đó có đủ tất cả mọi thứ, chẳng hạn như trẫm đây đang trị vì khắp thiên hạ.”
“Dạ thưa bệ hạ, khi nào chúng ta cần tìm cầu một thứ gì đó thì chúng ta mới thiếu phải không?” “Đúng là thế!” “Một người không còn tìm cầu và mong muốn bất cứ một điều gì nữa thì người đó có còn cái gì để mà thiếu nữa phải không?” “Thưa thầy, đúng như vậy!” “Vậy thưa bệ hạ! Người giàu nhất thế gian là người không còn thấy thiếu bất cứ một thứ gì cho bản thân mình nữa.”
Ngay khi đó, nhà vua chợt khám phá ra rằng người biết đủ dù nghèo mà vẫn giàu, người không biết đủ dù giàu có đến mức nào cũng luôn thấy mình nghèo. Và ngài cũng hiểu ra rằng vì sao mọi người đồn đại vị thầy này là người giàu nhất thế gian tuy trên người không có một thứ gì quý giá. Sau khi về lại hoàng cung, hình ảnh an lạc, thảnh thơi của vị thầy đó đã làm nhà vua thức tỉnh mà biết buông xả mọi thứ.
Kể từ lúc đó, nhà vua ra lệnh cho phân phát tài sản đến những người nghèo trong cả nước. Bên cạnh đó, vua thường xuyên đến gặp vị thầy để học đạo giải thoát và phát tâm quy y làm đệ tử Phật-đà. Vua khuyên mọi người giữ gìn 5 điều đạo đức: không sát sinh hại vật, không trộm cướp lường gạt, sống thủy chung một vợ một chồng, không nói dối hại người, không uống rượu say sưa và tu 10 điều thiện. Vua cũng đã và đang thực tập sống đời đơn giản bằng cách giữ nghiêm giới cấm. Chính ngay tại đây và bây giờ, vua đã cảm thấy mình là người giàu nhất vì dám từ bỏ hết tất cả mà sống đời đơn giản, đạm bạc.
Cuộc sống của dân chúng khắp mọi nơi đều được cơm no, áo ấm, sống trong vui vẻ, hạnh phúc nhờ thấm nhuần lời Phật dạy. Trước khi băng hà, nhà vua đã truyền cho con trai mình là vị thái tử kế nhiệm khắc lên tấm mộ bia hàng chữ: Tâm biết đủ là người giàu nhất thế gian.
Người Phật tử chân chính biết quay về bỏ ác làm lành lo tu học, nhờ đó mà bớt khổ được vui. Người biết tu đối với vật chất có bao nhiêu cũng thấy là đủ, không đòi hỏi hơn. Càng ham muốn nhiều là càng gây đau khổ cho mình và người. Ai cho rằng hưởng được đầy đủ dục lạc thế gian là sung sướng, hạnh phúc là đang sai lầm, không thấy đúng như thật. Chúng ta vì thèm ăn món ngon vật lạ nên phải giết hại các sinh vật. Suốt đời chúng ta cứ tìm cầu ăn uống nên từ đó đánh mất chính mình mà sống trong vô cảm.
Như chúng ta là người Phật tử chân chính đang trường trai giữ giới mà vì thèm ăn ngon nên nghĩ: “Hôm nay mình ăn thịt một bữa cho đã thèm.” Nghĩ như thế chúng ta liền phá trai phạm giới ăn một bữa thịt thật no nê để không còn thèm nữa. Nhưng ít lâu sau ta lại thèm rồi lại phá trai phạm giới lần nữa, cứ như thế mà không giữ giới trọn vẹn.
Chúng ta phải biết, tham muốn nhiều là gốc của đau khổ trong luân hồi sanh tử. Khi vừa khởi niệm tham muốn, chúng ta quyết chí không chiều theo nó để giữ cho thân tâm được trong sạch. Bệnh của con người là muốn được cái này lại tiếp muốn cái khác, cứ như thế mà muốn hoài đến khi gần chết nằm trên giường vẫn tiếc nuối những thứ mình chưa thực hiện được. Chúng ta có ít thì sống theo ít, khi có dư thì chia sớt cho người cần, ta thấy rõ vật chất là tạm bợ nên không khởi tâm mong cầu, tham đắm.
Người hàng ngày chạy theo dục lạc thế gian khi gần chết thân xác hư hoại mà tình ái cứ buộc ràng với gia đình, người thân không muốn xa lìa nên tiếc nuối trong đau khổ; lại không biết mình sẽ đi về đâu nên hoang mang lo sợ trong khủng hoảng.
Người biết tu hạnh buông xả không chất chứa nên ba nghiệp lúc nào cũng thanh tịnh, tinh thần bình tĩnh, sáng suốt nên khi trút hơi thở cuối cùng rất nhẹ nhàng, an ổn vì đã biết chỗ đến. Đành rằng con người ai cũng chết, nhưng người chạy theo ngũ dục tạo nghiệp ác khi chết ắt chịu quả báo khổ đau, người tu không tạo nghiệp ác mà tu nghiệp lành thì đến khi chết sanh vào cõi lành, hưởng phước an vui hoặc được tự tại, giải thoát.
Người thế gian vì mê muội không thấy được sự thật nhân quả nghiệp báo nên mới tham muốn, say mê, đắm nhiễm cho dục lạc là số một. Người ý thức biết tham muốn nhiều là tai hại, là đau khổ nên sống đời đơn giản, đạm bạc để vững chải, thảnh thơi.
Chúng ta tham muốn về ngũ dục có nghĩa là tham muốn về tiền bạc, của cải, vật chất, nhà cao cửa rộng, ruộng vườn cò bay thẳng cánh, đắm mê sắc đẹp, ham danh vọng quyền cao chức trọng, thích ăn ngon mặc đẹp và ngủ nhiều.
Người thích ăn ngon thân phải chạy ngược chạy xuôi toan tính lo làm cho có nhiều tiền mới mua được bữa ăn ngon theo sở thích. Như vậy thì tâm lao nhọc, thân vất vả mới có được bữa ăn vừa miệng. Người đắm mê sắc đẹp cả đời cứ đuổi theo hình bóng bên ngoài thì sức khỏe hao mòn, tiền bạc hao hụt, có khi dẫn đến thân tàn ma dại. Người tham danh, kẻ tham tài cũng vậy, họ phải chạy ngược chạy xuôi tranh danh đoạt lợi mà làm tổn hại kẻ khác.
Người nào còn tham muốn là còn khổ, tham muốn nhiều thì khổ nhiều, tham muốn ít thì khổ ít. Chúng ta tham muốn cái gì cũng đều khổ cả, chỉ người biết đủ thì sống đời an nhàn, thảnh thơi.
Người tu trong 4 món ăn, mặc, ở, bệnh được tín thí cho bao nhiêu thì dùng bấy nhiêu, không tham cầu đòi hỏi cho nhiều để tiêu dùng cho thỏa thích hay chất chứa. Như vậy, muốn hết khổ chúng ta phải thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ nơi tâm để thấy rõ nguyên nhân đau khổ là do tham muốn nhiều mà dừng gây tạo nghiệp ác. Như vậy, tâm biết đủ là người giàu nhất thiên hạ.
Thích Đạt Ma Phổ Giác
|
- Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
Thiền học Luy Lâu không còn, và nên không còn được hiểu là khởi nguyên của Thiền học Việt Nam, mà là suối nguồn của Thiền học Việt Nam. Có lẽ Phật giáo Việt Nam cần trở về cội nguồn của Luy Lâu và Yên Tử để tìm thấy mình và bắt gặp lại niềm tin và tự hào lịch sử trước khi có thể mở ra hướng phát triển cho hiện tại.
- Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
"Nói đến cuộc sống là vô biên không thể kể xiết nào là vui buồn, khổ đau, hạnh phúc, mệt nhọc, sung sướng… nhưng điều tất yếu là ta phải biết nhận diện nó, để rồi chuyển hoá nó thì tự nhiên cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn, thong dong hơn, đừng nói gì đến “Mỗi lần nêu ra một lần mới”. Ví như ban nãy tôi đang đứng giữa trời đất đưa tay chỉ bầy chim én bay lượn trên cao, tay vừa đưa lên thì chúng đã bay xa. Cho nên mỗi chúng ta đừng vội vàng đi tìm cầu mà hãy trân quý cuộc sống trong hiện tại cho thật thi vị nhiệm mầu". (Trích Tâm quán tình người, Thích Pháp Bảo)
- Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
Trong các loài hoa báo xuân thì mai là người gõ cửa, khi chỉ mới vào độ đầu tháng Mười một âm lịch đã thấy lác đác những nụ mầm bật lên, e ấp trong gió đông còn đang xám xịt giữa cô liêu rét buốt, ẩm ướt mưa phùn. Nhưng, phải đợi đến tận những ngày cuối tháng Chạp, mai mới ủ đủ nhựa cho một đợt mãn khai đón Tết đến, xuân về.
- Đôi dòng xúc cảm
Từng lời, từng câu, từng chữ trong bài: Đôi dòng xúc cảm của tác giả Minh Hà đều chất chứa biết bao tình cảm thiêng liêng của người viết. Nó dường như mang nặng trong lòng của những người con Phật về bốn ân to lớn trong đời sống của mình, đó là ân Quốc gia, xã hội; ân Sư trưởng; ân phụ mẫu và ân vạn loại chúng sinh. Từ đây, tác giả đã bước chân vào con đường đạo, từ bỏ mọi danh lợi thế gian, sống một đời sống phạm hạnh, tri túc thường lạc, với mong muốn giản dị là đem lại sự an vui và hạnh phúc mọi người.
- 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
- Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
Có một ngôi chùa, nhân vì thờ một xâu chuỗi Phật Tổ từng đeo mà nổi tiếng.
- Em nên đi tu hay lấy chồng?
Dù em là ai đi chăng nữa, nhưng trong em luôn có tâm thiện, sống có đạo đức thì đó chính là mình có hiếu với bố mẹ rồi. Nói chung, việc báo hiếu nó biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau em ạ. Chứ không phải đi tu là bất hiếu, và lập gia đình là có hiếu đâu em nhé.
- Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
Trong diễn văn của Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết tại buổi khai mạc Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc 2008 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình Hà Nội, sáng ngày 14.5.2008 đã khẳng định:
- Bình an giữa cuộc đời
Bình yên không có nghĩa là đi đến một nơi không có tiếng ồn, không có khó khăn, không cực nhọc. Bình yên là giữa một không gian yên ả, thanh bình, chỉ có tiếng chuông chùa buông trong thinh không làm tâm ta tĩnh lặng, dễ chịu. Bình yên là khi ta biết tìm về với Phật, tìm về nương náu dưới ngôi Tam Bảo để tu thân hành thiện, để cho cuộc đời mình sống có ý nghĩa hơn.
- Ăn và Đạo Pháp
Ăn cũng là một giải pháp của tiến hoá trong mục đích duy trì sự tuôn chảy của dòng sông sự sống vô hình, bằng cách các sinh vật phải chiếm đoạt sinh-khối của nhau để duy trì cuộc sống. Hiện tượng này tạo thành khái niệm sinh học về "chuỗi thức ăn" hoặc "tháp thức ăn" trong sinh quyển . Ăn là hiện tượng tự nhiên như nó là, ăn là một điều-kiện-tính của tồn sinh và ăn đã điều-kiện-hoá sự tồn sinh của mọi cá thể, mọi loài sinh vật.
|