Chi tiết tin tức

Hạnh phúc là điều có thật

20:49:00 - 20/03/2022
(PGNĐ) -  Được sống là hạnh phúc lớn, thế nên phải sống sao thật ý nghĩa giữa cuộc đời mong manh này.

“Quá khứ không truy tìm Tương lai không ước vọng, Quá khứ đã đoạn tận, Tương lai lại chưa đến, Chỉ có pháp hiện tại, Tuệ quán chính ở đây”.

Cuộc sống của chúng ta luôn có sự hiện hữu giữa hạnh phúc và khổ đau. Khổ đau là điều không ai mong muốn, thế nên ta tìm nhiều cách khác nhau để có được hạnh phúc cho mình. Nhưng đôi khi vì mải lo tìm hạnh phúc bên ngoài mà chúng ta gặp phải khổ đau. Hạnh phúc thật ra tồn tại ngay giữa những điều nhỏ bé, bình dị nhất trong cuộc sống. Dẫu vậy, ta vẫn không thể trong phút chốc dễ dàng cảm nhận, nắm bắt được. Một khi thấu hiểu và thực hành những lời dạy của Đức Thế Tôn vào đời sống hằng ngày, ta sẽ không còn khởi lên ý niệm kiếm tìm, không còn cảm thấy cô đơn, đau khổ hay muộn phiền,… trong suốt cuộc hành trình lắm thăng trầm, thử thách của đời người. Thay vào đó là một hạnh phúc chân thật, vĩnh hằng trong ánh đạo mầu của Đức Như Lai.

Suốt cuộc đời hoằng pháp của mình, Đức Phật đã chỉ dạy cho chúng ta rất nhiều phương pháp để có hạnh phúc thật sự. Chúng ta cần bằng lòng với những gì mình đang có và đang làm. Bởi, mỗi người đều có một khả năng nhất định, nếu tầm cầu quá mức không khéo sẽ gặp phải những phiền não, khổ đau, từ đó mất đi hạnh phúc. Trong cuộc sống hằng ngày, bản thân có rất nhiều may mắn và hạnh phúc.Hạnh phúc đơn giản là mỗi sớm mai thức dậy, mở mắt thấy được mọi sự vật xung quanh, biết mình vẫn đang hiện diện trên đời, có được thân thể khỏe mạnh, đôi mắt sáng, tay chân lành lặn,… Chúng ta thường tự đặt nặng mình phải học giỏi nhất, kiếm nhiều tiền nhất, địa vị xã hội cao nhất. Nhưng khi có hạnh phúc, ta sẽ có tất cả, vì cái nhất trong Đạo Phật cũng có nghĩa là bằng lòng.

Một phương pháp nữa để có được hạnh phúc là biết sống tỉnh thức, Đức Phật đã dạy rất rõ trong kinh Trung Bộ, bài kinh Nhứt Dạ Hiền Giả:

“Quá khứ không truy tìm

Tương lai không ước vọng,

Quá khứ đã đoạn tận,

Tương lai lại chưa đến,

Chỉ có pháp hiện tại,

Tuệ quán chính ở đây”.

Bài kệ nói lên sự thật “Quá khứ đã đoạn tận, tương lai thì chưa đến”. Chúng ta chỉ có thể sống ngay trong giây phút hiện tại mới có được an lạc, hạnh phúc. Nếu cứ mơ tưởng đến tương lai, hạnh phúc thật sự sẽ không có mặt. Hạnh phúc đến từ những sinh hoạt hằng ngày, hiện diện trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, tiếng chim hót lảnh lót hay vạt nắng chiều thu hiu hắt,… Lắng lòng cảm nhận, ta sẽ cảm nhận được hạnh phúc tưởng chừng rất đỗi bình thường này. Hạnh phúc giản dị như vậy nhưng đó mới là thứ không mất đi được. Dù ta có vấp ngã trên đường đời hay bị cả thế giới quay lưng thì nó vẫn luôn hiện hữu. Ý nghĩa cuộc đời là đây, nơi hiện tại với những gì chân thật nhất.

Thông thường, chúng ta không biết đến giá trị của những điều giản đơn đang tồn tại xung quanh mình như một mối quan hệ thân thiết, một đồ vật thân thuộc, một hành động hay thói quen lặp đi lặp lại hằng ngày. Nhưng đến khi chúng mất đi, ta mới cảm thấy những thứ ấy là đáng quý. Có những điều rất đỗi bình thường, nhưng sau này ta thấy chúng rất quan trọng và ý nghĩa. Vì vậy, hãy cảm nhận và suy ngẫm điều này để thấy mình đang sống là đang hạnh phúc, phải chăm sóc và nuôi dưỡng hạnh phúc ấy lớn lên từng ngày.

Sống đơn giản, ta sẽ thấy mọi thứ trở nên nhẹ nhàng và có những phút giây thật chậm để cảm nhận cuộc sống. Hiện tại là thời điểm không có mặt của khổ đau, rắc rối trong quá khứ, không có những mong cầu, lo lắng về tương lai. Chúng ta phải cảm nhận những điều may mắn, tốt đẹp, hạnh phúc đang tồn tại xung quanh mình, từ đó cuộc sống sẽ ý nghĩa và đáng sống hơn. Hạnh phúc không ở đâu xa xôi mà đang ở đây, ngay lúc này. Điều quan trọng là đôi mắt ta có nhìn ra, trái tim ta có cảm nhận được hay không.

Biết buông bỏ cũng là một cách để có được hạnh phúc. Buông nghĩa là buông bỏ tính tham, sân, si và không chấp vào những thứ gây phiền não, khổ đau. Khi tâm trạng chứa đầy những phiền não và sân hận, sẽ không còn có chỗ cho hạnh phúc nữa. Mỗi chúng ta đều đang chiến đấu cho hạnh phúc của bản thân. Ta phải biết vung gươm trí tuệ để chặt đứt những phiền não, những sợi dây đang ràng buộc ta với hoài niệm của quá khứ hoặc cột ta vào những khát vọng ảo tưởng ở tương lai. Nhờ học cách buông bỏ mà cuộc sống của ta không quá nặng nề, thật đơn giản, nhẹ nhàng và từ đó hạnh phúc sẽ hiện diện.

Môi trường sống khác nhau sẽ có những thuận lợi và khó khăn khác nhau, nhưng dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải tự nhắc nhở mình cố gắng tìm kiếm sự an lạc, không nên “đứng núi này trông núi nọ”. Người ta thường nghĩ hạnh phúc là ở một nơi nào đó mà mọi thứ đều vừa ý mình, nhưng thực tế nơi đó không tồn tại. Ở đâu cũng có hạnh phúc, điều cốt yếu là mình có nhận ra hay không. Khi đã biết cách tu tập, có niềm an lạc trong chánh pháp thì dù sống nơi đâu, ta vẫn có được hạnh phúc, an lạc trong tự thân.

Được sống là hạnh phúc lớn, thế nên phải sống sao thật ý nghĩa giữa cuộc đời mong manh này. Hạnh phúc có thể nở hoa trong lòng, nếu mỗi ngày chúng ta biết sống yêu thương người khác, làm những việc hữu ích mà không quá bận tâm về lợi ích bản thân. Hạnh phúc còn đến từ sự sẻ chia, biết cảm thông và đối xử với mọi người thật chân thành, rộng lượng để khơi gợi những tình cảm cao thượng trong tâm hồn họ.

Thái tử Siddhartha từ bỏ ngai vàng để xuất gia cũng chính là đi tìm hạnh phúc, một loại hạnh phúc tuyệt đối, không bị chi phối bởi quy luật vô thường. Cũng chính vì sự từ bỏ ấy mà ngày nay chúng ta cảm thấy vô cùng may mắn, hạnh phúc lớn lao khi được biết đến Đức Phật và được sống trong giáo pháp của Ngài. Trong tích truyện Pháp Cú, phẩm Phật, kể lại rằng:

“Một hôm năm trăm vị Tỳ-kheo ngồi ở pháp đường và bàn luận:

– Chư hiền, điều gì là hạnh phúc nhất trên đời?

Người thì nói:

– Không có gì hạnh phúc bằng làm vua.

Người khác nói:

– Chỉ có tình yêu là hạnh phúc nhất.

Còn có người nói:

– Chỉ có ăn ngon là hạnh phúc nhất.

Ðức Phật đi đến chỗ các thầy và nói:

– Các ông ngồi đây bàn tán về vấn đề gì?

Các Tỳ-kheo kể lại, Phật dạy:

– Này các Tỳ-kheo! Các ông nói thế nào? Tất cả các hạnh phúc các ông vừa kể đều nằm trong vòng luân hồi đau khổ.

Ngược lại, gặp Phật ra đời, được nghe chánh pháp, sống thanh tịnh và hòa hợp trong Tăng đoàn, những điều ấy là hạnh phúc nhất.

Ngài nói kệ:

Vui thay, Phật ra đời!

Vui thay, Pháp được giảng!

Vui thay, Tăng hòa hợp!

Vui thay, hòa hợp tu!”.

Hơn 2.500 năm đã trôi qua, nhưng ngày nay, chúng ta vẫn còn được biết đến Phật pháp và thực hành những lời dạy của Ngài, đó là một phúc duyên vô cùng lớn. Trải qua bao năm tháng tu khổ hạnh để tìm hạnh phúc từ sự giải thoát, cuối cùng, Ngài cũng đã chứng ngộ được. Với tấm lòng từ bi bao la, Ngài không quên chỉ dạy chúng sinh cách thoát khỏi khổ đau để tìm hạnh phúc tối thượng là được giải thoát như Ngài. Dòng đời là chuỗi dài những buồn vui, khổ đau, âu lo, phiền muộn, bất an,… Tìm thấy hạnh phúc thật không dễ dàng. Nhờ sống trong ánh đạo mà những người con Phật có được niềm an lạc, hạnh phúc thật sự và lâu dài.

Hạnh phúc trong triết lý Phật giáo là những điều rất bình dị, ai cũng có thể thực hành được. Chính ánh sáng của chánh pháp sẽ làm chúng ta luôn hài lòng với cuộc sống hiện tại, giữ được ngọn lửa tin yêu, hy vọng và tìm thấy hạnh phúc trong chính mình. Một người khi nắm giữ bí quyết hạnh phúc này sẽ mở ra muôn vàn cánh cửa hạnh phúc khác.

 

Liên Diệu/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 385

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin