Chi tiết tin tức

Hiểu quy luật nhân quả để đời người không uổng phí

22:08:00 - 08/06/2022
(PGNĐ) -  Ông cha ta có câu “gieo nhân nào gặt quả ấy” hay “thiện có thiện báo, ác có ác báo”. Kì thực đây là những quan niệm bắt nguồn từ cơ sở lí luận hạt nhân của triết lí phật giáo. Có thể nói, không hiểu quy luật “nhân quả” tức chưa thực sự hiểu về Phật giáo.

Trong giáo lí nhà Phật, “quy luật nhân quả” là quy luật tồn tại một cách khách quan không phải do phật đà quy định hay tự tạo nên. Đức Phật chỉ đem quy luật ấy nói cho mọi người biết, tức ngay đến phật tử hay đức phật cũng không thoát khỏi quy luật này.

Trong thực tế cuộc sống cũng có vô vàn những điều xảy ra xung quanh chịu sự chi phối của luật nhân quả nhưng đôi khi chúng ta không để ý. Vì vậy, trước hết muốn hiểu về Phật giáo thì cần làm rõ vấn đề nhân quả.

Quy luật nhân quả trong giáo lý 

Phật dạy người Phật tử phải biết giữ gìn năm giới cấm, chính là ngừa cái nhân dữ, giúp người sống được an vui đúng pháp.

Theo giáo lí nhà Phật, “Nhân quả” hay còn gọi là “nghiệp, nhân, duyên, quả, báo”. Trong đó từ ý nghĩa của từ “nghiệp” có thể hiểu là hoạt động, tạo tác của cơ thể và tâm ý con người, tức tất cả hành vi, lời nói tư tưởng. Theo cơ quan tạo tác, nghiệp được chia thành “thân nghiệp’, “khẩu nghiệp” và “ý nghiệp”, tức hành vi thân thể, lời nói và ý nghĩ. 

Về tính chất, nghiệp lại được chia thành ba loại đó là “thiện nghiệp”, “ác nghiệp” và “không thiện không ác”. Tuy “nghiệp” là cái không thể nhìn thấy, không sờ mó thấy nhưng nó lại có sức ảnh hưởng rất lớn, nó chi phối cuộc sống của con người. Nói một cách đơn giản, “nghiệp” chính là nguyên nhân hay còn gọi “nhân nghiệp”. “Quả” là kết quả, “báo” có nghĩa là báo ứng, ứng vào. 

“Duyên” là điều kiện, ví dụ, khi gieo hạt tức “nhân” gặp điều kiện không khí, nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm tức là “duyên” thì tạo ra “quả”. Nói cách khác, khi nhân và duyên kết hợp với nhau thì mới tạo ra quả báo, hay nguyên nhân trong một điều kiện chín muồi thì sẽ cho ra kết quả tương ứng. Nếu gặp điều kiện tốt thì nhanh ra quả, nếu gặp điều kiện không tốt thì chậm cho ra quả. 

Trong cuộc sống thường nhật, khi chúng ta làm một việc gì đó, nói một câu hay thậm chí một ý nghĩa trong đầu thì đó là đang gieo cái nhân tức đang tạo ra nghiệp. Căn cứ vào cái “nhân” đó thiện hay ác thì sẽ tạo thành nghiệp thiện hoặc nghiệp ác không giống nhau.

Khi báo ứng tạo ra kết quả vui buồn sướng khổ cũng khác nhau, đúng như câu khái quát của triết lí này là “thiện có thiện báo, ác có ác báo”. Cụ thể, có cái thiện như thế nào thì sẽ tạo ra cái phúc thế ấy. Có cái ác như thế nào thì sẽ nhận được cái khổ tương ứng. 

“Thiện” là làm lợi cho người khác, khi làm điều có lợi cho người khác cũng chính là làm lợi cho mình. “Ác” là làm hại người khác, cũng chính là tự hại mình, khi bắt đầu hại người thì kết thúc sẽ là làm hại mình. Đó là một quy luật khách quan, hay còn gọi là “luật nhân quả” trong cuộc sống con người.

Quy luật này có mối liên hệ mật thiết với sự sống chết luân hồi. Con người có sinh ra thì có chết đi, chết rồi lại được đầu thai để sinh ra, sự sinh tử luân hồi ấy là từ nhân đến quả, từ quả đến nhân, liên tục không ngừng. 

Con người khi sinh ra ở chỗ nào, khi chết đi sẽ đi về đâu đều do cái nghiệp tự tạo ra trước đó chi phối. Nghiệp giống như một hạt giống, một tin tức được cất giữ trong kho, nhà phật gọi là thức thứ tám hoặc tàng thức, kho ấy có tác dụng vận chuyển những điều thiện ác từ kiếp trước (quá khứ) của một con người đến kiếp sống hiện tại của người đó. 

Sau đó, nó lại vận chuyển những việc thiện ác của cuộc sống hiện tại đến kiếp sống tiếp theo, tức tương lai. Muốn biết kiếp trước của người đó như thế nào, nhìn những điều họ đang phải nhận là có thể biết được. Muốn biết kiếp sau của người đó thế nào thì nhìn vào những việc họ đang làm là có thể biết được. 

Vì vậy mới có thể nói, từ nghiệp nhân đến quả báo, từ quả báo đến nghiệp nhân cứ lưu chuyển luân hồi liên tục không không bao giờ ngừng nghỉ. Những điều vui sướng buồn khổ, thế vận hưng thịnh suy thoái trong cuộc sống mỗi con người hiện tại cũng đều do cái nghiệp của người đó tạo ra từ trước. 

Và họ phải tự chịu trách nhiệm với những điều mình đã làm. Vì vậy, phật mới nói “tự làm tự chịu, cùng làm cùng chịu”. Những điều đã làm (nhân) khi chưa nhận được “quả” thì không thể tự mất đi mà nó được ghi lại, được lưu giữ lại, đợi đến khi duyên đến thì mới sinh ra quả.

Ngược lại nếu không tạo tác ra nghiệp nhân thì cũng không nhận được kết quả tương ứng. Nghiệp ấy chính là nghiệp thiện và nghiệp ác.

Thập thiện và thập ác

Hiểu rõ nhân quả càng giúp ích cho cuộc sống, đó là một lẽ thật.

Hiểu rõ nhân quả càng giúp ích cho cuộc sống, đó là một lẽ thật.

Trong kinh Phật có mười kiểu thiện và mười kiểu ác, mỗi loại lại chia thành ba cấp độ khác nhau là thượng phẩm, trung phẩm và hạ phẩm tức cấp cao, trung bình và thấp. Những người làm mười điều thiện ở cấp độ cao thì sau này sẽ được sinh vào cõi trời. Những người làm mười điều thiện ở cấp trung bình thì sau này được sinh vào cõi người.

Những người làm mười điều thiện ở mức độ thấp thì sau này sẽ được sinh vào cõi a-tu-la (cõi này có phúc báo, có thần thông nhưng hung ác và thích tranh đấu). Những người phạm phải mười điều ác mức độ cao thì bị đày xuống địa ngục.

Người phạm mười điều ác mức độ trung bình thì bị làm quỷ đói. Người phạm phải mười điều ác ở mức độ thấp thì sau này phải chịu làm súc sinh. 

Nói rõ hơn những hành vi thuộc ác chủ yếu là “thập ác và ngũ nghịch”. Mỗi hành vi xấu ác đều phải chịu ác báo tương xứng với hành vi đó. Vả lại, căn cứ vào những hành vi xấu ác nặng hay nhẹ mà có quả báo khác nhau.

Làm mười điều ác, sau khi chết chắc chắn phải thọ khổ trong địa ngục, còn tạo ác nhẹ hơn, sau khi chết chuyển sinh thọ khổ trong loài ngạ quỉ, nếu tạo ác nhẹ hơn nữa, thọ khổ trong loài súc sinh. Sau khi thọ hết tất cả thống khổ trong các đường này rồi, sẽ được chuyển sinh trở lại làm người, và tiếp tục bị thọ các quả báo như dưới đây:

Sát sinh sẽ bị quả báo như: nhiều bệnh, tàn tật, chết yểu, nhiều tai họa, cốt nhục chia lìa…Trực tiếp hoặc gián tiếp sát hại, đánh đập, ngược đãi, tổn hại người, động vật, đều thuộc hành vi sát sinh, đều bị những quả báo như trên.

Trộm cắp sẽ bị quả báo nghèo khổ, tài sản bị người khác chiếm đoạt… Hễ tài vật hoặc đồ dùng của người khác,chưa được sự đồng ý của họ mà ta tự lấy dùng hoặc chiếm đoạt, đều thuộc trộm cắp.

Tà dâm bị quả báo gặp những người vợ/chồng hung dữ, không chung thủy, vợ con bị người khác cưỡng hiếp, bà con không vừa lòng. Làm bậy, quan hệ với nam nữ, cho đến làm những việc có liên quan đến sắc tình, đều thuộc tà dâm.

Nói dối sẽ gặp quả báo bị người phỉ báng, khinh khi. Nói không đúng sự thật, làm chứng bậy, không giữ chữ tín, đều phạm vào tội nói dối.

Nói lời trau chuốt bị quả báo nói ra lời nào mọi người đều không tin, không tiếp thu, lời nói không rõ ràng, diễn đạt người ta không hiểu. Nói những lời tà dâm, những lời khiến cho mọi người nghĩ chuyện ái ân, đều gọi là nói lời trau chuốt.

Nói lưỡi đôi chiều bị quả báo quyến thuộc chia lìa, thân tộc xấu ác. Đâm bị thóc, thọc bị gạo, gây chia rẽ, đều phạm tội nói lưỡi đôi chiều.

Nói lời hung ác bị quả báo thường bị người mắng chửi, gặp nhiều chuyện kiện cáo tranh chấp. Dùng lời tàn bạo, độc ác mắng người, đều thuộc nói lời ác.

Tham dục bị quả báo tâm không biết đủ, tham dục không chán. Tham cầu hưởng thụ các loại như tiền tài, sắc đẹp, danh lợi…say mê không có ý niệm xa rời, tất cả những thứ này đều thuộc tham.

Sân nhuế bị quả báo thường bị người dị nghị, nhiễu loạn khiến cho phiền não, hoặc bị hãm hại. Gặp chuyện không vừa lòng liền sinh tức tối oán hận, đây tức là sân.

Nghi bị quả báo sinh vào gia đình tà kiến, sinh ra nơi xa xôi hẻo lánh thiếu Phật pháp và văn minh, tâm nịnh nọt, không ngay thẳng, nhiều mưu mô quỉ kế, thích những người có tâm nịnh hót. (Nghi chỉ cho những người có cái  nhìn tà, không tin nhân quả).

Bùi Cường

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin