Chi tiết tin tức

Lòng từ và sự cảm thông

20:57:00 - 08/08/2014
(PGNĐ) -  Cầu mong cho mọi người đều biết thông cảm và rải tâm từ đến nhau nhân mùa Vu Lan này. Có một bài thơ tiếng Anh thật hay và đầy ý nghĩa với tựa đề “Sympathy” (Sự cảm thông) của tác giả M.Johnson trong sách giáo khoa Anh ngữ cho học sinh lớp 6 của một trường quốc tế.
Tôi tạm dịch như sau:
 
“Một cô gái bé nhỏ mũm mĩm và một con chim nhỏ gầy yếu.
Ở bên nhau trên đồng cỏ trong một buổi sáng đẹp trời”.
“Con chim nhỏ bé đáng thương kia chắc phải lạnh biết bao! Vì nó đâu có quần áo ấm như mình”
 
Cô bé than thở:
 
“Dù trời nắng ấm đẹp đẽ dường này. Và cô bé kia mới xinh xắn làm sao”
 
Chim nói:
 
“Nhưng, ồ hãy xem kìa, cô ta chắc lạnh lắm đấy!
Vì nó chẳng có đến một cái lông nào để che thân!”
Và, mỗi bên run rẩy nghĩ về điều khốn khó của bên kia.
“Dẫu trong một buổi sáng trời nắng đẹp đến nhường này”.
 
Tác giả thật tài tình khi lột tả được hết sự đồng cảm sâu sắc của cô bé và “cậu chim”, nhân vật đã được nhân cách hóa, dù trời nắng ấm mà nghĩ đến nỗi khổ của kẻ khác ta vẫn phải run lên…, thế mới là cảm thông, thế mới là biết trải lòng từ, lòng bi mẫn, xót thương người khác.

Đạo Phật thường nói đến Tứ vô lượng tâm, tức là Từ, bi, Hỷ, Xả và Kinh Tâm Từ, Thiền Tâm Từ thường được các phật tử đọc tụng, thực hành.

Là phật tử, nhất định phải có Tứ vô lượng Tâm. Thực hành được các Tâm này cho những người thân, cho cha mẹ anh em và cho mọi người chung quanh thì gia đình và xã hội sẽ hòa ấm biết bao.

Mỗi dịp Vu Lan, sẽ không còn phải đốt mã để làm vừa lòng bố mẹ đã quá vãng nữa. Nếu khi bố mẹ còn sống ta biết “run rẩy” nghĩ về những khốn khó của bố mẹ, sinh thành nuôi dưỡng, cho ăn học, nhu cầu con càng lớn tóc bố mẹ càng thêm bạc, lưng thêm còng vì lo lắng chu cấp cho con, thì chắc con cái chẳng nỡ làm bố mẹ đau lòng, để mà một mai khi bố mẹ chẳng còn ở cùng mình nữa, cũng không phải ân hận điều gì.

Bố mẹ, thầy cô giáo cùng mọi người lớn khác cũng vậy, cũng hãy đặt mình vào vị trí của người khác mà biết xót thương con trẻ. Thời buổi này, có quá nhiều áp lực từ học đường, xã hội, làm cho trẻ chịu nhiều căng thẳng. “Khôn đâu đến trẻ”, chúng có dại dột thì bảo ban chúng, đừng sỉ nhục, kỳ thị chúng, cũng đừng quá kỳ vọng bắt chúng thành “ông nọ bà kia” vào trường này trường nọ như mong ước của mình, chúng là con người mạnh khỏe, tử tế “có học có nghề hay” (Kinh Hạnh Phúc) là được lắm rồi. Rải tâm từ cho chúng để chúng biết rải tâm từ cho mình và những người khác là giúp chúng hiểu được luật nhân quả và hưởng cuộc đời hạnh phúc.

Nhà văn Nam Cao nổi tiếng của chúng ta, người mà văn đàn cho rằng nếu ông còn sống, thì chắc là người duy nhất ở Việt Nam trong số các nhà văn được đề cử xét duyệt giải “Nobel Văn học” trên thế giới, có lòng từ bao la và sự cảm thông sâu sắc với những số phận khố khó. Ông nói về vợ với một sự xót thương và bi mẫn thiết tha: 

“Vợ tôi, thị cũng chẳng phải con người nhỏ nhen gì, nhưng thị bị đau chân, thị đau chân, nên thị chỉ nghĩ đến cái chân đau của thị !” (nhớ rằng cách gọi “thị” là theo thời bấy giờ, không phải lối nói khinh miệt).

Tôi tin rằng dù ông không nói ông là phật tử, nhưng ông chính là một phật tử đích thực!

Diệu Thanh Đỗ Thị Bình
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 4 năm 2014
Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin