Chi tiết tin tức

Nếp sống lục hòa của Tăng đoàn xưa và nay

21:18:00 - 03/05/2023
(PGNĐ) -  Tăng Ni là những vị sứ giả của Như Lai, mang trong mình nhiệt huyết hoằng truyền đạo pháp, mang lại lợi ích cho khắp tha nhân. Ngoài việc thuyết giảng bằng khẩu giáo, Tăng đoàn còn phải nhiếp hoá bằng cả thân giáo lẫn khẩu giáo. Một trong những pháp hành giáo hoá hoàn thiện đạo đức cho tự thân, Tăng đoàn (hay tập thể) và xã hội; đó chính là pháp Lục hoà.

“Chư pháp tùng duyên sanh,
Diệc phục tùng duyên diệt,
Ngã Phật đại sa môn,
Thường tác như thị thuyết”.
Nghĩa là:
Các pháp từ duyên sanh,
Cũng do duyên mà diệt,
Thầy tôi Đại sa môn,
Thường dạy điều như thế.

SỰ THÀNH LẬP TĂNG ĐOÀN THỜI ĐỨC PHẬT

Sau khi thành đạo dưới cội cây Bồ-đề (tức cây Tất-bát-la) [1], Đức Phật tiếp tục trải qua thiền định từ cội cây Mucalinda đến cây Rājāyatana. Bấy giờ, có hai vị thương buôn là Tapassu và Bhallika từ Ukkalā đến được vị thiên thần mách bảo rằng: “Này các bác, Đức Thế Tôn này đang ngự ở cội cây Rājāyatana là vị đầu tiên được hoàn toàn giác ngộ. Hãy đi và bày tỏ lòng thành kính đến Đức Thế Tôn ấy với bánh bột gạo và mật viên. Điều ấy sẽ đem lại cho các bác sự lợi ích và sự an vui lâu dài” [2]. Ngay sau đó, hai vị thương buôn đến cúng dường vào bình bát [3] và được thâu nhận làm đệ tử tại gia. Bấy giờ, chỉ có Đức Phật và chánh pháp, vì chưa có Tăng đoàn nên chưa thể hình thành Tam bảo.

Đức Phật thị hiện giữa cuộc đời là một con người bằng xương, bằng thịt; nhưng mang trong mình một hoài bão cao thượng. Ngài đã vượt thắng những thử thách trên con đường tìm cầu chân lý và chứng đắc giác ngộ, giải thoát.

Được sự thỉnh cầu của Phạm Thiên Sahampati thuyết pháp độ sanh, Đức Phật muốn hoá độ hai vị đạo sư ngày xưa đã dạy đạo cho mình là Alāra Kālāma và Uddaka Rāmaputta nhưng đều đã mệnh chung nên Ngài quyết định đến vườn Nai (vườn Lộc Uyển, Pāli: Isipatana) ở thành Bārānasi để hoá độ cho năm anh em Kiều Trần Như [4]. Bằng năng lượng từ bi và ánh sáng tuệ giác, Đức Phật đã cảm hoá năm anh em quên lãng những điều bất mãn trước đây đối với Ngài; đồng thời lễ kính, rửa chân, sắp đặt chỗ ngồi cho Ngài. Ngài đã thuyết bài Kinh Chuyển pháp luân (Dhammacakkappavattana sutta) nói về việc tránh xa hai cực đoan là “khổ hạnh ép xác” và “hưởng thụ dục lạc”; nỗ lực thực hành con đường Trung đạo bằng việc tu tập Tứ diệu đế. Bấy giờ, Tam bảo (Phật bảo: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Pháp bảo: Tứ diệu đế, Tăng bảo: năm anh em Kiều Trần Như) được thành lập từ đây. Đức Phật đã khuyến tấn năm vị đệ tử cùng Ngài đi hoá độ khắp nơi, đem chánh pháp lợi lạc cho khắp chúng sanh. Tiêu biểu như tôn giả Mã Thắng đã hoá độ Xá Lợi Phất bằng bài kệ:

         “Chư pháp tùng duyên sanh,

         Diệc phục tùng duyên diệt,

Ngã Phật đại sa môn,

        Thường tác như thị thuyết”.

 

Nghĩa là:

       Các pháp từ duyên sanh,

     Cũng do duyên mà diệt,

Thầy tôi Đại sa môn,

             Thường dạy điều như thế [5].

Trong Kinh Pháp Cú dạy rằng:
“Vui thay, Phật ra đời,
Vui thay, pháp được giảng,
Vui thay, Tăng hoà hợp,
Hoà hợp tu, vui thay”.

PHÁP HÀNH LỤC HOÀ TRONG ĐỜI SỐNG CỦA TĂNG ĐOÀN 

Nhân duyên Đức Thế Tôn dạy pháp Lục hòa cho Tăng đoàn được ghi lại trong Tam tạng Kinh điển.

Thứ nhất, bài Kinh Châu Na (bài kinh số 196) trong chương 16 (Đại phẩm) thuộc Kinh Trung A-hàm [6]: trong mùa an cư kiết hạ tại Ba Hoà, sa di Châu Na chứng kiến cảnh tượng những đệ tử của Ni Kiền Thân Tử hơn thua, tranh cãi lẫn nhau sau khi ông ta (tức Ni kiền Thân Tử) qua đời. Lễ tự tứ xong, sa di Châu Na nhanh chóng đến đảnh lễ và trình bày câu chuyện đó với tôn giả A Nan. Ngay sau đó, ngài A Nan và sa di Châu Na đến bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật đã chỉ ra nguyên do của sự đấu tranh: 1/ Ni Kiền Thân Tử chưa chứng Nhất thiết trí mà tự xưng là Nhất thiết trí; 2/ Vì chưa chứng Nhất thiết trí nên Ni Kiền Thân Tử không thể giảng cho hàng đệ tử về Bốn niệm xứ (quán thân trên thân hay quán thân bất tịnh, quán thọ trên thọ hay quán thọ thị khổ, quán tâm trên tâm hay quán tâm vô thường, quán pháp trên pháp hay quán pháp vô ngã); Bốn như ý túc (dục như ý túc, tinh tấn như ý túc, tâm như ý túc, và quán như ý túc); Năm căn (tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, và tuệ căn), Năm lực (tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, và tuệ lực), Bảy giác chi (niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, và xả) và Tám chi Thánh đạo (chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định) [7]. 

Bấy giờ, Đức Phật đã dạy bảy pháp dứt sự tranh cãi (thất diệt tránh) gồm 1/ Hiện tiền tỳ ni (phép yết ma dứt sự tranh cãi cần có mặt đương sự), 2/ Ức niệm tỳ ni (phép yết ma xong rồi phải cho đương sự yên ổn, không được cật vấn hay quấy nhiễu), 3/ Bất si tỳ ni (phép yết ma xác nhận đương sự hết điên cuồng và không được nhắc lại những chuyện mà đương sự đã làm trong lúc điên cuồng trước đây), 4/ Tự ngôn trị tỳ ni (phép yết ma để cho đương sự tự phát lộ tội lỗi của mình rồi mới xử trị), 5/ Đa nhân ngữ tỳ ni (phép yết ma dùng trong cuộc tranh chấp giữa hai chúng), 6/ Mích tội tướng tỳ ni (phép yết ma dùng cho vị xuất gia phạm tội ba la di nhưng che dấu mà nói dối), 7/ Như thảo phú địa tỳ ni (phép yết ma giảng hoà hai bên có lỗi, tiêu biểu như việc tranh cãi giữa hai nhóm tỳ kheo tại Kosambiya).

Sau đó, Đức Phật dạy về sáu pháp uỷ lạo (hoà hợp) cho Tăng đoàn gồm thân nghiệp từ hoà, khẩu nghiệp từ hoà, ý nghiệp từ hoà, giới hoà không sứt mẻ, kiến hoà và lợi hoà “là pháp khả ái, pháp khả lạc, khiến cho ái niệm, khiến cho tôn trọng, khiến cho phụng sự, khiến cho cung kính, khiến cho tu tập, khiến cho hoà thuận, được là sa môn, được sự nhất tâm, được sự tinh cần, chứng đắc Niết bàn” [8]. Lời dạy đó cho thấy sức mạnh tu tập sáu pháp hoà hợp sẽ đạt được niềm an vui tự thân và Tăng đoàn hưng thịnh, có sự tôn kính lẫn nhau và được hàng tại gia quý kính hộ trì Tam bảo. 

Thứ hai, câu chuyện ở Kosambi trong bài Kinh Kosambiya (số 48) thuộc Kinh Trung Bộ [9]: tại tinh xá Ghosita, các Tỳ kheo “sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh nhau, đả thương nhau bằng những binh khí miệng lưỡi. Họ không tự thông cảm nhau, không chấp nhận thông cảm, họ không tự hoà giải, không chấp nhận hoà giải” [10] dẫn đến sự bất hoà trong Tăng đoàn. Đức Phật đã dạy các vị Tỳ kheo tại Kosambi về sáu pháp cần ghi nhớ thực hành. Đó chính là an trú thân hành, an trú khẩu hành, an trú ý hành, giới luật không có tỳ vết và uế tạp, tri kiến thuộc về bậc thánh có khả năng hướng thượng, tài vật thọ nhận và san sẻ như pháp “với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng; pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hoà đồng, đưa đến không tranh luận, hoà hợp, nhất trí” [11]. Việc trú tâm tỉnh giác đối với thân hành, khẩu hành và ý hành sẽ giúp hành giả luôn cảnh tỉnh mình trong từng phút giây, không vọng tưởng lăng xăng mà gây tạo nhiều điều bất thiện, sống chan hoà yêu thương mà không còn ý niệm hơn thua chấp ngã hay tranh đấu lẫn nhau trong một tập thể Tăng đoàn thời bấy giờ cũng như mai sau.

Thứ ba, câu chuyện về mùa an cư thứ chín tại Kosambi được ghi trong Luật tạng, Đức Phật đã không hoà giải được vấn đề tranh cãi giữa hai nhóm Tỳ kheo về việc chậu nước trong nhà vệ sinh. Đồng thời, họ khuyên Ngài đừng can thiệp vào chuyện này, để tự họ giải quyết. Đức Phật đã lặng lẽ vào rừng hành thiền định, sống an vui với một chú khỉ và một chú voi. Hay tin về việc chư Tăng đối xử với Đức Phật, hàng Phật tử tại gia buồn giận và quyết không hỗ trợ cúng dường Tăng đoàn khiến họ đói khát. Nhận thức được sai lầm, hai chúng tỳ kheo đã vào rừng đảnh lễ và sám hối với Đức Phật. Nhân đó, Ngài dạy pháp hành lục hoà trong Tăng đoàn [12] nhằm hoá giải những bất hoà trong đời sống Tăng đoàn, xây dựng tinh thần tu tập vững mạnh cho bốn chúng đệ tử của Đức Phật. 

Từ lúc đản sanh cho đến thành đạo, đất trời, con người và muôn vật đều trong niềm hân hoan khi đón bậc vĩ nhân xuất hiện chốn Ta bà này. Bằng tình thương và trí tuệ, Ngài cùng với Tăng đoàn truyền bá chánh pháp, thức tỉnh mọi người rõ biết về khổ và thực hành con đường tu tập chuyển hoá khổ đau.

Thứ tư, trong phẩm 7 (Sáu pháp) thuộc bộ luận A-tỳ-đạt-ma tập dị môn túc, tôn giả đại trí Xá Lợi Phất đã thuyết giảng về sáu pháp khả hỷ cho đại chúng tu tập: thân nghiệp từ bi, ngữ nghiệp từ bi, ý nghiệp từ bi, lợi dưỡng hợp pháp, giới hạnh không thiếu sót và lẫn lộn, sở kiến trong tu tập và lợi dưỡng như pháp “phát sinh các sự đáng yêu mến, đáng tôn trọng, đáng thích ý… Rộng nói cho đến một mực không hề tranh cãi” [13]. Đặc biệt với ba nghiệp (thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp), Tôn giả đã dùng thuật ngữ “từ bi” nhằm khuyến tấn chúng xuất gia cũng như hàng đệ tử tại gia nỗ lực thực hành trải tâm từ và tâm bi vô lượng trong đời sống sinh hoạt thiền môn của Tăng đoàn cũng như sinh hoạt thường nhật của giới cư sĩ. Chỉ có ngọn lửa của tình thương được thắp lên sẽ xua tan bóng tối của hơn thua, ganh tỵ, giận hờn, tham lam,… để từ đó kết nối những con người cùng chí nguyện lại với nhau vững bước trên lộ trình giác ngộ và giải thoát. Sinh hoạt trong một tập thể đòi hỏi hành giả tuân thủ theo những thanh quy đã được đặt ra, biết san sẻ, quan tâm giúp đỡ cùng tiến bước và ăn năn sửa đổi khi mắc phải sai lầm. Thực hành tốt sáu pháp này, đại chúng hay tập thể sẽ gặt hái nhiều an vui (khả hỷ), tiến tu vượt qua những thử thách trong đạo lộ mà mình đã chọn.  

GIÁ TRỊ THIẾT THỰC CỦA PHÁP HÀNH LỤC HOÀ

Trong bài Kinh Tại Sarandada thuộc phẩm Bạt kỳ (Vajji), chương Bảy pháp, Kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật đã dạy cho dân tộc Licchavi nói riêng và dân chúng xứ Vajji nói chung về bảy pháp không thể làm cho suy giảm. Trong đó có hai pháp đề cập đến tinh thần lục hoà: “Này các Licchavi, khi nào dân Vajji thường hay tụ họp, và tụ họp đông đảo với nhau, thời này các Licchavi, dân Vajji sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm. Này các Licchavi, khi nào dân Vajji tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết và làm việc trong niệm đoàn kết, này các Licchavi, dân Vajji sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm” [14]. Đức Phật giải thích rõ ràng và tán thán cho đại thần Vassakara (nước Magadha) rõ biết sức mạnh của bảy pháp bất thối mà người dân Vajji hiện đang thực hiện, dẫn đến việc xâm chiếm vùng đất của người dân Bạt kỳ sẽ khó khăn cho vua A Xà Thế (Ajatasattu).

Đồng thời, trong các bản Kinh Vị Tỳ kheo, Kinh Công việc, Kinh Tin tưởng, Kinh Tưởng thuộc Kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật dạy Tăng đoàn cần thực hành tốt bảy pháp không thối chuyển để tác pháp yết ma (xuất gia, thọ giới, an cư,…), góp phần xây dựng tập thể Tăng đoàn đoàn kết và phát triển mạnh. 

Trong Kinh Pháp Cú dạy rằng: 

“Vui thay, Phật ra đời,

         Vui thay, pháp được giảng,

    Vui thay, Tăng hoà hợp,

       Hoà hợp tu, vui thay” [15].

Đức Phật thị hiện giữa cuộc đời là một con người bằng xương, bằng thịt; nhưng mang trong mình một hoài bão cao thượng. Ngài đã vượt thắng những thử thách trên con đường tìm cầu chân lý và chứng đắc giác ngộ, giải thoát. Từ lúc đản sanh cho đến thành đạo, đất trời, con người và muôn vật đều trong niềm hân hoan khi đón bậc vĩ nhân xuất hiện chốn Ta bà này. Bằng tình thương và trí tuệ, Ngài cùng với Tăng đoàn truyền bá chánh pháp, thức tỉnh mọi người rõ biết về khổ và thực hành con đường tu tập chuyển hoá khổ đau. Biết bao tầng lớp trong xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ đều gia nhập vào Tăng đoàn tu tập hoà hợp “như nước hoà với sữa” và thanh tịnh với nhau, giúp cho ánh sáng Phật pháp được lan toả sang nhiều quốc gia khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam. 

Hình bóng của một vị xuất gia an lạc và oai nghi, toát ra năng lượng tình thường đến người thân, mọi người và mọi loài khiến cho giới cư sĩ tại gia nói riêng và mọi người, mọi loài nói chung cảm thấy an lạc khi tiếp cận. Tiêu biểu như hình ảnh chú chim đậu trên bờ vai của Đức Phật thấy an lạc hơn khi đậu trên vai của Tôn giả Xá Lợi Phất. Trong sinh hoạt thiền môn, ngoài việc hoà hợp trong nội bộ Tăng đoàn, chư Tăng Ni còn phải gắn kết với tín đồ Phật tử tại gia trong việc phát triển ngôi nhà đạo pháp rạng ngời trong lòng dân tộc Việt Nam. Chính từ đó, dù là hàng xuất gia hay giới Phật tử tại gia, dù là Tăng hay Ni, Ưu bà tắc (cư sĩ nam) hay Ưu bà di (cư sĩ nữ) cũng đều phải cố gắng hoàn thiện nhân cách đạo đức tự thân, xây dựng tình đoàn kết không hận thù. Bởi vì: 

“Với hận diệt hận thù,

    Đời này không có được.

    Không hận diệt hận thù,

         Là định luật ngàn thu” [16].

Ngoài ra, những thành viên trong gia đình như ông bà, cha mẹ, con cháu,… cùng sống hoà hợp với nhau thì gia đình mãi ấm êm, hạnh phúc. Mỗi gia đình đều có những cảnh ngộ khác nhau, nếu không đủ tỉnh thức sẽ khiến không khí gia đình luôn trĩu nặng bất hoà, không nở hé nụ cười tình thương và hạnh phúc gia đình. Ngoài đời sống gia đình, một số người nhân duyên sống với nhau trong tập thể hay tổ chức nên đoàn kết gắn bó keo sơn tạo thành một khối kiên cố và hùng mạnh. Nhờ đó, tổ chức sẽ tồn tại vững bền và hưng thịnh mãi. Mở rộng ra trong phạm vi quốc gia, nếu các công dân trong nước đó cùng chung sống hòa thuận, tuân thủ pháp luật, san sẻ yêu thương trợ giúp những mảnh đời khó khăn “lá lành đùm lá rách”,… thì quốc gia sẽ giàu mạnh, văn minh tiến bộ và đoàn kết chống giặc ngoại xâm kiên cường. Nếu các quốc gia trên thế giới thực hiện tinh thần lục hoà, ký kết hoà bình và tôn trọng bờ cõi, độc lập chủ quyền của nhau thì chiến tranh sẽ không bùng nổ, đẩy mạnh hoạt động thương mại mậu dịch giữa các nước, những hoạt động giao lưu hợp tác cùng phát triển, qua đó thiết lập cõi an lành của Chuyển luân Thánh vương.

Tóm lại, pháp lục hòa là pháp tạo sự gắn kết mọi người, biết yêu thương san sẻ giúp đỡ nhau từ trong gia đình, tập thể, tổ chức cho đến quốc gia. Pháp lục hòa được Đức Phật dạy cho hàng đệ tử tu tập để xây dựng Tăng đoàn vững mạnh trên bước đường tu tập, hoằng pháp lợi sanh với tâm nguyện “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”. Trước xu thế phát triển và hội nhập hiện nay, công nghệ thông tin ngày càng tân tiến, điều kiện vật chất nâng cao với nhiều cám dỗ của ngũ dục lục trần thì pháp lục hòa thật sự cần thiết trong việc xây dựng nếp sống đạo đức tự thân, hoàn thiện đạo đức gia đình, kiến thiết tinh thần đoàn kết, gắn bó yêu thương trong một tập thể, phát triển đạo đức văn hoá xã hội ở hiện tại và mai sau. 

 

 

ĐĐ. Thích Thiện Mãn/TCVHPG408

Chú thích:

* Đại đức – Thạc sĩ Thích Thiện Mãn.

[1] Thích Thiện Hoa (2015), Phật học phổ thông, quyển 1, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.15. 

[2] Indacanda (2009), Đại phẩm (Tạng luật), tập 1, Sri Lanka: Buddhist Cultural Centre, tr.09.

[3] Theo ngài Buddhaghosa (Phật Âm) cho rằng Đức Phật đã chú nguyện bốn bình bát bằng đá của bốn vị thiên vương ở Đông Thắng Thần Châu (Purva-videha), Tây Ngưu Hoá Châu (Godana), Nam Thiệm Bộ Châu (Jambudvipa), Bắc Câu Lô Châu (Uttara-kura) dâng cúng thành một bình bát bằng đá.

[4] Năm anh em Kiều Trần Như gồm A Nhã Kiều Trần Như (Añña Koṇḍañña, Ajnata-kaundinya), Bạc Đề (Bhadra-jit, Bhaddhiya), Thập Lực (Vappa), Ma Ha Nam (Mahānama), A Thuyết Thị hay Mã Thắng (Asaji). 

[5] Ngọc Sinh (2013), “Tiến trình hình thành tánh không”, Đạo Phật Khất sĩ, đăng ngày 03/8/2013, truy cập ngày 14/04/2023. Nguồn: https://daophatkhatsi.vn/tien-trinh-hinh-thanh-tanh-khong.html.

[6] Tương đương với bài kinh Làng Sama (bài kinh số 104) trong kinh Trung Bộ. 

[7] Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức Nha Trang (1993), Kinh Trung A-hàm, tập 4, phẩm Đại, kinh Châu Na, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. HCM, tr.345-346.

[8] Sđd, tr.359-360.

[9] Tương đương với bài kinh số 24 trong kinh Tăng Nhất A-hàm.

[10] Đại tạng kinh Việt Nam Nam truyền, Thích Minh Châu (dịch, 2018), Kinh Trung Bộ, tập 1, kinh Kosambiya, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.393.

[11] Sđd, tr.394-395.

[12] Nguyễn Đăng (2013), “Kosambi (Kaushambi)”, Giác Ngộ Online, đăng ngày 10/08/2013, truy cập ngày 14/04/2023. Nguồn: https://giacngo.vn/kosambi-kaushambi-post22590.html

[13] Linh sơn Pháp bảo Đại tạng kinh, Luận A Tỳ Đạt ma Tập dị môn túc, Tạng thư Phật học, truy cập ngày 16/04/2023. Nguồn: https://tangthuphathoc.net/pham-07-sau-phap.

[14] Đại tạng kinh Việt Nam, Thích Minh Châu (dịch, 2007), Kinh Tăng Chi Bộ, tập 2, chương Bảy pháp, phẩm Bạt kỳ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.186-187.

[15] Đại tạng kinh Việt Nam Nam truyền, Thích Minh Châu (dịch, 2018), Kinh Tiểu Bộ, tập 1, kinh Pháp cú, phẩm Phật đà, kệ số 194, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.69.

[16] Đại tạng kinh Việt Nam Nam truyền, Thích Minh Châu (dịch, 2018), Kinh Tiểu Bộ, tập 1, kinh Pháp cú, phẩm Song yếu, kệ số 05, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.41-42.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin