Chi tiết tin tức

Thông điệp hiểu và thương

21:23:00 - 29/10/2021
(PGNĐ) -  Vạn vật hiện tượng, kể cả đạo lộ tu tập của mỗi hành giả cũng đều cần có năng lượng để vận hành và chuyển hóa. Trong cuộc sống, con người mãi khổ đau với tiền tài, sắc đẹp, danh lợi,… cũng chỉ vì tham dục. Bằng tuệ giác giải thoát, Đức Phật đã khuyến tấn hàng đệ tử hãy trải tình thương hóa độ những tâm hồn khổ đau đó, đem lại niềm an vui cho chính mình cũng như cho mọi người. Vì thế, thông điệp “hiểu và thương” là nguồn sức mạnh thiết lập một đời sống an tịnh của Tăng đoàn chốn thiền môn, hóa giải mọi khủng hoảng và tạo dựng một xã hội phát triển tốt đẹp hơn.

HIỂU VÀ THƯƠNG QUA CÁCH NHÌN CỦA PHẬT GIÁO

Nếu con người cứ để cho năm điều bất thiện “Dục tham triền cái, Sân triền cái, Hôn trầm Thuỵ miên triền cái, Trạo hối triền cái, Nghi triền cái” [9, tr.665] chi phối khiến cho “Tâm bị uế nhiễm không được nhu nhuyến, không dễ sử dụng, không sáng chói, bị bể vụn, không chơn chánh, định tĩnh để đoạn diệt các lậu hoặc” [8, tr.618] thì sẽ gây tạo nhiều ác nghiệp, khổ cho mình và cho người. Khi còn là Thái tử Tất-đạt-đa, Ngài đã chứng kiến cảnh giết chóc của các sinh vật trong buổi lễ hạ điền, những thú vui ở chốn hoàng cung và quy luật sanh tử của kiếp người lúc dạo quanh bốn cửa thành. Chính sự khổ đau đó đã khơi nguồn sức mạnh cho thái tử vượt thành tìm cầu chân lý giải thoát, cứu độ nhân sinh.

Trải nghiệm dưới cội Bồ đề, Ngài nhận chân được rằng vòng tương tục mười hai nhân duyên từ vô minh đến lão tử đã dẫn dắt con người đắm chìm trong biển khổ nơi trần thế, phiền não cứ âm ỉ mãi trong tâm thức và không tìm được lối thoát giác ngộ. Hình ảnh chiếc bát trôi ngược trên dòng sông Ni-liên-thiền cùng ý chí kiên định “nếu ta không thành đạo thì dù thịt nát xương tan, ta cũng quyết không đứng dậy khỏi chỗ này” [19, tr.32] đã giúp Ngài phá tan các chi phần mắc xích đó, thấu suốt bản chất của vạn pháp và chứng thành Phật quả.

Bằng tình thương và trí tuệ, Ngài đã hóa độ từng căn cơ một cách bình đẳng: “Đức Như Lai không chỉ thuyết pháp cho các hạng người quyền quý như vua Bạc-đề-ca, mà cũng thuyết pháp cho hạng người bần cùng như ông Ưu-ba-ly; không riêng thọ lãnh sự cúng dường của những người giàu có như ông Tu-đạt-đa, mà cũng thọ lãnh sự cúng dường của hạng người nghèo khổ như ông Thuần-đà; không riêng cho phép xuất gia các hạng không có tánh tham như ngài Ca-diếp, mà cũng cho phép xuất gia những người có nhiều tánh tham như ông Nan-đà; không những thuyết pháp cho hạng người an tịnh không dự việc đời, mà cũng thuyết pháp cho vua Tần-bà-sa-la trong lúc đang bận rộn việc nước; không những thuyết pháp cho hạng thanh niên trẻ tuổi, mà cũng thuyết pháp cho ông già 80 tuổi; không những thuyết pháp cho bà hoàng hậu Mạt-lỵ, mà cũng thuyết pháp cho dâm nữ Liên-hoa” [19, tr.44-45]. Pháp lành lợi lạc cho tất cả chúng sanh đó chính là tâm từ bi.

“Ai với tâm từ bi,
Thương tưởng mọi hữu tình,
Một người làm như vậy,
Gặt phước đức thật nhiều” [12, tr.311].

Tâm từ bi không bao giờ gây tổn hại cho người hay vật “biến khắp một phương, thành tựu và an trụ. Cũng thế, hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả, tâm tương ưng với từ, không kết, không oán, không sân, không nhuế, không não hại, quảng đại, vô biên” [2, tr.218]. Tình thương đó gặp vui không mừng, gặp khổ không buồn, và cũng không phải là tình cảm nhục dục, bởi vì “tình dục và luyến ái là nguyên nhân của bao nhiêu phiền muộn” [20, tr.616]. Đức Phật từng dạy rằng: “Này các Tỳ-kheo, chính là ái này đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái” [18, tr.783]. Đoạn trừ ái dục bằng con đường tám chánh (Chánh kiến, Chánh ngữ, Chánh mạng, Chánh nghiệp, Chánh tư duy, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định) và phát triển tâm từ bi, hành giả sẽ chuyển hóa những tâm hồn khổ đau giữa cuộc đời này.

 

 

ĐIỀU KIỆN CẦN THIẾT ĐỂ THẤU HIỂU VÀ YÊU THƯƠNG 

Thứ nhất là tâm khiêm hạ, đồng tử Phạm Thiên khuyên rằng: 

“Hãy bỏ niệm nhân, ngã
Ở riêng tu từ tâm,
Trừ tham dục, xú uế,
Được sanh làm Phạm Thiên” [1, tr.255].

Nếu hành giả thờ ơ trước những cảnh ngộ khổ đau, lòng còn chất chứa nhiều tập khí hơn thua, đố kỵ thì làm sao phát khởi tình thương với mọi người được? Đừng vì sự kiêu mạn của tuổi trẻ, sự sống và không bệnh làm trỗi dậy hình bóng tự ngã, ba nghiệp gây tạo nhiều điều bất thiện [5, tr.177]. Để nhiếp phục lòng kiêu mạn, hành giả nỗ lực quán chiếu ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành và thức), nhận chân lý duyên sinh vô ngã, phát khởi tâm khiêm hạ, tôn trọng và nhường nhịn lẫn nhau để phát triển đời sống tốt đẹp hơn.

Thứ hai là hạnh lắng nghe, Đức Phật từng dạy rằng:

“Tâm hốt hoảng, dao động,
Khó hộ trì, khó nhiếp;
Người trí làm tâm thẳng,
Như thợ tên làm tên” [11, tr.46].

Chứng kiến cảnh Châu-lợi-bàn-đặc thối tâm Bồ-đề tu tập, Đức Thế Tôn đã ân cần chỉ dẫn Tôn giả dùng khăn lau thân thể và đọc “tẩy sạch dơ bẩn” chứng đắc quả A-la-hán. Thấu rõ nỗi đau của người phụ nữ xứ Ấn Độ và giai cấp Thủ-đà-la, Đức Phật đều hóa độ tu tập một cách bình đẳng “không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn”.

Hạnh lắng nghe của Bồ-tát Quán Thế Âm đã thấu suốt tiếng khổ của chúng sanh mà ứng hiện hóa thân để cứu độ. Nghe với tâm không phán xét hay thành kiến, sự thấu hiểu và yêu thương những mảnh đời bất hạnh đã gắn kết tình người lại với nhau. Được sự thỉnh mời của trưởng giả Cấp-cô-độc khi đang lâm bệnh, Tôn giả đã đến thăm bệnh và thuyết pháp hóa độ trưởng giả chấm dứt thống khổ và sanh tâm hỷ lạc [3, tr.330].

Thứ ba là sức kiên nhẫn, trong bài Kinh Sức mạnh thuộc Kinh Tăng Chi bộ, Đức Phật đã liệt kê tám loại sức mạnh: “Này các Tỳ-kheo, sức mạnh của con nít là khóc; sức mạnh của đàn bà là phẫn nộ; sức mạnh của người ăn trộm là vũ khí; sức mạnh của các vua chúa là uy quyền; sức mạnh của kẻ ngu là áp đảo; sức mạnh của bậc Hiền trí là cảm hóa; sức mạnh của vị nghe nhiều là thẩm sát; sức mạnh của Sa-môn, Bà-la-môn là nhẫn nhục” [10, tr.343]. Tiêu biểu như hình ảnh Tỳ-kheo Phú-lâu-na (Punna) hóa độ người dân hung bạo xứ Du-na (Sunaparanta); dù cho họ có nhục mạ, đánh đập, ném đất, thậm chí lấy dao đoạt mạng thì Tôn giả vẫn kham nhẫn an tịnh và nhiếp phục họ tu tập thiện pháp [4, tr.612-13].

Nhẫn nhịn những điều khó nhịn trước những đổi thay của ngoại cảnh cũng như sự tác động của con người mà tâm vẫn an tịnh là một trong sáu pháp Ba-la-mật của hàng Bồ-tát trên lộ trình tu tập chứng thành Phật quả. Sức mạnh chiến thắng ngoại cảnh và kiểm soát nội tâm được xem là một chiến công oanh liệt nhất mà trong phẩm Ngàn của Kinh Pháp cú nói rằng:

“Tự thắng, tốt đẹp hơn,
Hơn chiến thắng người khác;
Người khéo điều phục mình,
Thường sống tự chế ngự” [11, tr.56].

Bên cạnh đó, hành giả cần phải dấn thân hóa độ chúng sanh, xoa dịu nỗi sợ hãi lo lắng trong lòng họ như Bồ-tát Quán Thế Âm:

“Chúng sanh bị khổn ách
Vô lượng khổ bức thân
Quán Âm sức trí diệu
Hay cứu khổ thế gian
Đầy đủ sức thần thông
Rộng tu trí phương tiện
Các cõi nước mười phương
Không cõi nào chẳng hiện” [22, tr.548].

Thứ tư là là hạnh thi ân không mong cầu báo đáp, ngoài bốn chúng đệ tử (Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di), với hạnh nguyện lợi tha và trái tim bao dung, Đức Phật đã đem lại hạnh phúc, an lạc không chỉ cho các hạng người trong xã hội mà còn chư thiên, phi nhân,… bằng việc quay về chánh pháp tu tập. Ngài đã giúp Ambattha nhận thức rằng giới hạnh và trí tuệ là thù thắng [13, tr.97-99], sách tấn tôn giả A-nan thực hành đầy đủ tâm từ bi và thành tựu công đức [14, tr.331],…

Thứ năm là năng lượng bình an, hành giả trân quý từng phút giây hiện tại, nỗ lực thực hành các thiện pháp tạo sự bình an cho nội tâm. Một ánh mắt, một nụ cười, một lời động viên, một hành động hay một suy nghĩ cũng làm vơi đi bao nỗi buồn và hiến tặng an vui đến cho người. Bằng tình thương và ngôn ngữ từ hòa của bậc đạo sư, Đức Phật đã hóa độ tên cướp Angulimàla thức tỉnh những việc làm sai trái mà quy hướng Đức Phật tu tập các thiện pháp. Vâng lời Đức Phật chỉ dạy, tôn giả Angulimàla đã trải tâm từ cầu nguyện cho người phụ nữ mang thai và đứa trẻ được sinh ra bình an [4, tr.125-29].

XÂY DỰNG THIỀN MÔN HƯNG THẠNH VÀ XÃ HỘI AN VUI

Đối với đời sống tu học chốn thiền môn, để xứng đáng là bậc mô phạm hướng dẫn mọi người tu học, trước hết, Tăng Ni cần phải “thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính, không bị phá hoại, không bị đâm cắt, không bị điểm ố, không bị uế nhiễm, đem lại giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến Thiền định” [17, tr.722]. Hành giả phòng hộ các căn, nhiếp phục và an trú định tĩnh “biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ; cũng vậy phương thứ hai; cũng vậy phương thứ ba; cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới” [15, tr.654-55]. Tình thương này giống như ánh sáng của mặt trời và mặt trăng rạng tỏa muôn phương, như trận mưa thấm nhuần cỏ cây và hoa lá.

Lời bài hát Hiểu và Thương của thiền sư Nhất Hạnh tuy ngắn gọn, mộc mạc nhưng cũng nhắn gửi thông điệp yêu thương, sống lục hòa cộng trụ (thân hòa, khẩu hòa, ý hòa, giới hòa, kiến hòa và lợi hòa) trong chốn thiền môn:

“Anh em ta từ bốn phương trời
Chị em ta từ khắp năm châu
Không phân biệt màu da tôn giáo
Cùng về đây xây đắp yêu thương
Hiểu và thương, hiểu và thương
Có hiểu mới có thương
Hiểu càng sâu, thương càng rộng
Hiểu càng rộng, thương càng sâu
Hiểu sâu, thương lớn
Hiểu và thương, hiểu và thương, hiểu và thương” [23].

Bên cạnh đó, để nhiếp hóa mọi người tu tập, cho nên dù xuất gia hay tại gia, Đức Phật còn khuyên hàng đệ tử thực hành bốn pháp:

“Bố thí và ái ngữ,
Lợi hành và đồng sự,
Hỡi các vị Tỳ-kheo,
Ðây là bốn nhiếp pháp” [6, tr.369-70].

Với hạnh nguyện lợi tha, chư Tăng Ni đã dấn thân trên nhiều lĩnh vực như thuyết giảng tại các đạo tràng, viết bài trên các tạp chí Phật giáo, giáo dục thanh thiếu niên Gia đình Phật tử tu học, từ thiện xã hội,… để hướng dẫn nam nữ cư sĩ nói riêng và mọi người nói chung tin sâu nghiệp báo nhân quả, sống lương thiện, góp phần Phật hóa gia đình và lợi lạc cho xã hội.

Về phương diện đời sống xã hội, con người đang phải đối diện với những khủng hoảng về niềm tin, môi trường, đạo đức, kinh tế,… khiến cho cuộc sống bị xáo trộn, thiên tai bão lụt, dịch bệnh, nghèo đói, cướp bóc tham nhũng và thù hằn chiến tranh [23, tr.84-85]. Theo nhãn quan của Phật giáo, tất cả khủng hoảng trên đều bắt nguồn từ lòng tham quá độ hoặc những bế tắc trong phương kế sinh nhai, thiếu tình thương và vị tha của con người với nhau. Để chuyển hóa những khổ đau đó, Đức Phật khuyến tấn mọi người nỗ lực thực hành con đường “Thánh đạo tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định” [4, tr.592] và trải tâm từ bi san sẻ rộng khắp. Trong đại lễ Vesak 2009, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban-ki-moon cũng khẳng định: “Tất cả chúng ta có thể học từ tinh thần từ bi của Đức Phật. Những lời dạy minh triết vượt thời gian của Đức Phật có thể giúp chúng ta giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu mà chúng ta đang đối diện ngày nay” [21, tr.357].

Con người luôn khát vọng tìm cầu một cuộc sống an vui và hạnh phúc. Đức Phật đã dạy trưởng giả Cấp-cô-độc về bốn loại an lạc mà người tại gia nói riêng và mọi người nói chung trong bài Kinh Không nợ: 

“Được lạc không mắc nợ,
Nhớ đến lạc sở hữu,
Người hưởng lạc tài sản,
Với tuệ, thấy như thị.
Do thấy, vị ấy biết,
Sáng suốt cả hai phần,
Lạc vậy chỉ bằng được,
Bằng một phần mười sáu,
Lạc không có phạm tội” [7, tr.413].

Sự thẩm sát, kham nhẫn và năng lượng cảm hóa tha nhân, buông xả tất cả lỗi lầm hay hận thù để trải tình thương đến với nhau, giúp nhau cùng tiến bộ tu tập là điều rất thiết thực trên lộ trình giác ngộ giải thoát. Không những phát triển sức mạnh tinh thần, con người cũng cần phải có chế độ ăn uống thích nghi để thân thể khỏe mạnh và khinh an. Đức Phật từng khuyên vua Ba-tư-nặc nên tiết độ trong ăn uống:

“Con người thường chánh niệm,
Được ăn, biết phải chăng,
Chừng mực, cảm thọ mạnh,
Già chậm, tuổi thọ dài” [16, tr.151].

Tóm lại, chỉ có tình thương mới tiêu tan hận thù và tham ái, tỉnh thức lòng người đang vật vã trong những khổ đau trần thế. Hành giả cần vun bồi những phẩm hạnh cao quý như tâm khiêm hạ, đức hy sinh, hạnh lắng nghe, lòng kiên nhẫn,… trong đời sống tu tập và giao tiếp hằng ngày. Thông điệp từ bi và hòa bình của Đức Phật thức tỉnh mọi người thực hành thiện pháp, chuyển hóa khổ đau, hoàn thiện đạo đức tự thân, xây dựng gia đình hạnh phúc và xã hội an vui thái bình.

 

ĐĐ. Thích Thiện Mãn/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 376

 

Chú thích:

* ĐĐ. Thích Thiện Mãn*: Học viên lớp Thạc sĩ Phật học khóa III, Học viện PGVN tại TP HCM.

1. ĐTKVN (1991), Kinh Trường A-hàm, tập 1, Kinh Điển-tôn, VNCPHVN.
2. ĐTKVN (1992), Kinh Trung A-hàm, tập 1, phẩm Nghiệp Tương ưng, Kinh Ba-la-lao, VNCPHVN.
3. ĐTKVN (1992), Kinh Trung A-hàm, tập 1, phẩm Xá-lê-tử tương ưng, kinh Giáo hóa bệnh, VNCPHVN.
4. ĐTKVN (2017), Kinh Trung bộ, tập 2, kinh Angulimàla, Nxb. Tôn giáo.
5. ĐTKVN (2018), Kinh Tăng chi bộ, tập 1, chương Ba pháp, phẩm Sứ giả của trời, kinh Kiêu mạn, Nxb. Tôn giáo.
6. ĐTKVN (2018), Kinh Tăng chi bộ, tập 1, chương Bốn pháp, phẩm Bánh xe, kinh Nhiếp pháp, Nxb. Tôn giáo.
7. ĐTKVN (2018), Kinh Tăng chi bộ, tập 1, chương Bốn pháp, phẩm Nghiệp công đức, kinh Không nợ, Nxb. Tôn giá.
8. ĐTKVN (2018), Kinh Tăng chi bộ, tập 1, chương Năm pháp, phẩm Năm phần, kinh Các uế nhiễm, Nxb. Tôn giáo.
9. ĐTKVN (2018), Kinh Tăng chi bộ, tập 1, chương Năm pháp, phẩm Triền cái, kinh Đống, Nxb. Tôn giáo.
10. ĐTKVN (2018), Kinh Tăng Chi bộ, tập 2, chương Tám pháp, phẩm Gia chủ, kinh Sức mạnh (1), Nxb. Tôn giáo.
11. ĐTKVN (2018), Kinh Tiểu bộ, tập 1, kinh Pháp cú, Nxb. Tôn giáo.
12. ĐTKVN (2018), Kinh Tiểu bộ, tập 2, Trưởng lão tăng kệ, chương 2, kinh Vàrana, Nxb. Tôn giáo.
13. ĐTKVN (2018), Kinh Trường bộ, kinh A-ma-trú, Nxb. Tôn giáo.
14. ĐTKVN (2018), Kinh Trường bộ, kinh Đại bát Niết-bàn, Nxb. Tôn giáo.
15. ĐTKVN (2018), Kinh Trường bộ, kinh Phúng tụng, Nxb. Tôn giáo.
16. ĐTKVN (2018), Kinh Tương ưng bộ, tập 1, chương Tương ưng Kosala, phẩm thứ hai, kinh Đại thực, Nxb. Tôn giáo.
17. ĐTKVN (2018), Kinh Tương ưng bộ, tập 5, chương Tương ưng dự lưu, phẩm Veludvàra, kinh Vua, Nxb. Tôn giáo.
18. ĐTKVN (2018), Kinh Tương ưng bộ, tập 5, chương Tương ưng sự thật, phẩm Chuyển Pháp luân, kinh Như Lai thuyết, Nxb. Tôn giáo.
19. Thích Thiện Hoa (2015), Phật học phổ thông, quyển 1, Nxb. Tôn giáo.
20. Nārada Mahā Thera (2020), Đức Phật và Phật pháp, Phạm Kim Khánh (dịch), Nxb. Tôn giáo.
21. Thích Nhật Từ và Thích Đức Thiện (2014), Phật giáo và các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp quốc, Nxb. Tôn giáo.
22. Thích Trí Tịnh (dịch) (2017), Kinh Diệu pháp Liên hoa, phẩm 25, Nxb. Tôn giáo.
23 https://loicakhuc.com/loi-bai-hat-hieu-va-thuong-dang-cap-nhat/Oxn.html

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin