Chi tiết tin tức

Thực hành Thập thiện – một trong nhiều ý tưởng của Phật hoàng Trần Nhân Tông về “An dân” thời Trần

22:21:00 - 04/04/2024
(PGNĐ) -  Nhà Trần (1226-1400) tiếp nối nhà Lý với sự kế thừa nền tảng chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội vốn đã ổn định, đồng thời tiếp tục kiện toàn và đưa Đại Việt phát triển lên tầm cao mới, rực rỡ nhất trong các triều đại phong kiến từng hiện diện ở Việt Nam. Trong đó, thời kỳ Phật hoàng Trần Nhân Tông nắm quyền đã đưa đất nước phát triển đến đỉnh cao trên nhiều phương diện.Nghiên cứu về nhà Trần, từ lâu đã nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, nhất là các nhà nghiên cứu về lịch sử, tư tưởng, chính trị, văn hoá, tôn giáo,… và như thế, với nhiều cách tiếp cận khác nhau, kết quả nghiên cứu ngày càng làm rõ hơn vị trí, vai trò của nhà Trần đối với quốc gia, dân tộc,…; công lao của tập thể, cá nhân trong việc đánh đuổi quân xâm lược, xây dựng nền chính trị, phát triển văn hoá, an sinh xã hội,… Trong đó, tiêu biểu hơn cả là tinh thần “hộ quốc, an dân” của nhà Trần suốt gần hai thế kỷ và nhiều bài học kinh nghiệm cho hôm nay.

ĐẶT VẤN ĐỀ
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vua Trần Nhân Tông: “Tên húy là Khâm, con trưởng của Thánh Tông, mẹ là Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng thái hậu, sinh năm Mậu Ngọ Nguyên Phong năm thứ 8, tháng 11, ngày 11, được tinh anh thánh nhân, thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng. Hai cung đều cho là lạ, gọi là Kim Tiên đồng tử. Trên vai bên trái có nốt ruồi đen, cho nên có thể cáng đáng được việc lớn, ở ngôi 14 năm, nhường ngôi 5 năm, xuất gia 8 năm, thọ 51 tuổi, băng ở am Ngọa Vân núi Yên Tử, đưa về táng ở Đức Lăng. Vua nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần” [1].

Trong thực tế, từ thuở nhỏ, vua Trần Nhân Tông đã có ý định xuất gia, Tam tổ thực lục còn chép: “Vào giờ Tý một đêm kia, vua vượt thành ra đi, định vào núi Yên Tử, nhưng khi đến chùa Tháp, núi Đông Cứu thì trời vừa sáng, lại vì quá mệt nên phải vào nghỉ trong Tháp. Vị Tăng chùa ấy thấy vua tướng mạo khác thường, liền đem thức ăn lên mời. Ngày hôm đó, Thái hậu đem chuyện ấy thuật lại đầy đủ với Thánh Tông. Thánh Tông sai quần thần đi tìm khắp bốn phương, bất đắc dĩ vua phải trở về…”; “Vua Trần Thánh Tông biết chuyện khóc nói: “Ta nay già rồi, trông cậy một mình con, nếu con như vậy thì thịnh nghiệp của Tổ tông biết làm thế nào?”. Điều Ngự cũng rơi nước mắt” [2].

Tuy sống trong hoàng cung, có quyền lực tối cao trong tay, nhưng vua Trần Nhân Tông lại sống thanh tịnh, thường ăn chay và ham học Phật pháp. – (Ảnh: sưu tầm)

Tuy sống trong hoàng cung, có quyền lực tối cao trong tay, nhưng vua Trần Nhân Tông lại sống thanh tịnh, thường ăn chay và ham học Phật pháp. Ngài được Tuệ Trung Thượng sĩ (là anh của Hoàng thái hậu Nguyên Thánh Thiện Cảm – mẹ của Trần Nhân Tông), một người nổi tiếng đương thời về Thiền học truyền dạy. Nên, Trần Nhân Tông không chỉ là một vị vua anh hùng mà còn trở thành “bó đuốc” của dòng Thiền Việt Nam [3].

Sau khi đánh tan quân giặc Mông-Nguyên lần thứ 3, đất nước thanh bình, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con lui về làm Thái thượng hoàng, tiếp tục chí nguyện của mình từ thở nhỏ. Tháng 10 năm 1299, Thượng hoàng Trần Nhân Tông xuất gia tại Yên Tử, hiệu Hương Vân Đại Đầu Đà và sau đó thành lập Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Từ năm 1301 cho đến khi viên tịch, với vai trò là Thượng hoàng và Hương Vân Đại Đầu Đà [4] ngài đã vân du khắp nơi, thậm chí sang cả Chiêm Thành phổ rộng tư tưởng, giáo lý Phật giáo trong xã hội.

Trong suốt cuộc đời của mình có những đóng góp to lớn cho nền chính trị, quân sự và văn hoá, tôn giáo,… Đại Việt, Ngài là người kiện toàn chính trị, lãnh đạo quân dân Đại Việt hai lần đánh tan quân giặc Mông-Nguyên xâm lược, thân chinh đánh Ai Lao, định yên vùng biên viễn Đại Việt, phát triển văn hoá nước nhà,… Rồi khi đất nước thanh bình, Ngài xuất gia đi tu, mở ra một dòng thiền Phật giáo Trúc Lâm nổi tiếng.

Trong việc phát triển bền vững đất nước, Ngài hiểu rằng, không chỉ là xây dựng nền kinh tế vật chất no đủ cho nhân dân mà còn phải bổ sung, hoàn bị và phát triển văn hóa dân tộc, đem lại đời sống tinh thần hài hòa cho xã hội, đây là nền tảng nhằm đoàn kết toàn dân, đưa đất nước phát triển bền vững. Song, để xã hội phát triển hài hòa, việc “an dân” đối với Phật hoàng Trần Nhân Tông là quan trọng. Trong đó, Ngài đã vận dụng linh hoạt nhiều tư tưởng, giáo lý Phật giáo đã minh chứng cho ý tưởng về một xã hội giàu lòng từ bi, vị tha, con người sống đạo đức,… từ việc Ngài phong thần cho những nhân vật có công với dân với nước như: Phù Đổng Thiên Vương, Phùng Hưng, Lý Thường Kiệt,… nêu cao tấm gương vì quốc gia, dân tộc nhằm giáo dục nhân dân truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, đến việc loại bỏ nhiều “dâm từ” nhằm thanh lọc những mê tín dị đoan có hại trong xã hội. Và với Phật giáo, Ngài biết rõ cần phải có tổ chức thống nhất, chủ động định hướng cho nguồn lực Phật giáo phát triển lành mạnh, phong phú, không lệ thuộc bên ngoài,… Sâu xa hơn, tư tưởng nào để hướng Ngài “ngày hằng sống, ngày hằng vui”, hài hòa giữa vị trí của một quân vương với vị trí của một tu sĩ Phật giáo, giữa điều hành chính sự với sự tu tập giải thoát, cao hơn nữa là đem lại hạnh phúc cho muôn dân,…!

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Ở bài tham luận này, chúng tôi tiếp cận Sử học tôn giáo và Tôn giáo học nhằm đề cập đến một số hoạt động của Đệ nhất tổ – Phật hoàng Trần Nhân Tông; đồng thời nêu khái quát về thập thiện và thực hành thập thiện trong xã hội giai đoạn vua Trần Nhân Tông truyền ngôi lưu về làm Thái thượng hoàng và tu hành, khai sáng Phật giáo Trúc Lâm, qua đó thử nêu một số vấn đề về “an dân” trong bối cảnh xã hội Việt Nam đương đại.

Trần Nhân Tông không chỉ là một vị vua anh hùng mà còn trở thành “bó đuốc” của dòng Thiền Việt Nam. – (Ảnh: sưu tầm)

NỘI DUNG NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
Thực hành “Thập thiện” – một nền tảng truyền thống “an dân” của Phật giáo
Trên phương diện tổ chức và đào tạo Tăng tài, có thể thấy sự ra đời của Phật giáo Trúc Lâm  Yên Tử đã hình thành tổ chức Giáo hội thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Tín đồ Phật giáo xuất gia được cấp Tăng tịch nhằm đảm bảo tính pháp lý cũng như quản lý của Giáo hội. Trung tâm Yên Tử và nhiều tự viện như: Báo Ân, Vĩnh Nghiêm, Quỳnh Lâm, Phổ Minh,… là nơi đào tạo Tăng tài danh tiếng: “Điều Ngự lập ra Chi đề Tinh xá, giảng pháp độ tăng. Người học về đây quy tụ khá đông. Sau đó, Điều Ngự mời các danh Tăng về chùa Phổ Minh, phủ Thiên Trường lập ra trường giảng…” [5]. Bên cạnh đó, Điều Ngự Giác Hoàng còn chú trọng phổ rộng nhiều sách mang tính “giáo khoa” Phật giáo hướng dẫn tín đồ tu học một cách thống nhất trên toàn quốc, có thể kể đến các bộ: Phật giáo pháp sự, Đạo tràng tân văn, Công văn cách thức,…

Đối với xã hội, như đã đề cập, việc “an dân” được xem là nhiệm vụ hàng đầu. Trong vai trò là người đứng đầu đất nước, đứng đầu giáo hội, Phật hoàng Trần Nhân Tông rất thành công trong việc đưa đạo vào đời, loại bỏ nhiều “dâm từ”, hướng người dân theo tín ngưỡng đúng đắn. Đồng thời Đức Điều Ngự còn dành nhiều thời gian, công sức đi khắp nơi hướng dẫn người dân thực hành Thập thiện. Như vậy, có thể thấy đặc trưng tiêu biểu của Đức Điều Ngự trong vấn đề này là lựa chọn và ứng dụng giới luật Phật giáo nhưng ở mức cao hơn Ngũ giới, đó là thực hành Thập thiện.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, giới luật tôn giáo nói chung và giới luật Phật giáo nói riêng là yếu tố rất quan trọng bổ sung vào đạo đức xã hội, phong tục, tín ngưỡng,… thậm chí cả pháp luật. Và ở thời Trần, Phật giáo có ảnh hưởng sâu đậm trong nền văn hoá truyền thống Đại Việt. Vua Trần Nhân Tông từng nói rõ: “Sạch giới lòng, chùi giới tướng, nội ngoại nên Bồ tát trang nghiêm” [6] là vậy. Và người đứng đầu đất nước, đứng đầu Giáo hội đề cao giới luật Phật giáo như vậy khiến trong Ngài luôn đầy áp tinh thần khoan dung, nhân từ, đau đáu về việc hướng dẫn người dân thực hành Ngũ giới, Thập thiện nhằm “an dân” bằng tư tưởng, giáo lý Phật giáo, muốn tinh thần khoan dung, tinh thần từ bi phát triển trong xã hội, bởi trong mỗi con người đều có “Phật tính”, có sẵn tình yêu thương, “lòng trong sạch”:
Tịnh độ là lòng trong sạch
Chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương.
Di đà là tính sáng soi

Mựa phải nhọc tìm về Cực lạc [7].

Trong suốt quá trình đưa đạo vào đời, việc hướng dẫn người dân thực hành Ngũ giới, Thập thiện gặp nhiều thuận lợi. Bởi với vị trí và vai trò của mình, Đức Điều Ngự đi đến đâu cũng được người dân nhiệt thành đón tiếp, ai cũng mong muốn được Ngài tiếp độ hay mong trở thành đệ tử. Song, sâu xa hơn, chính là việc Đức Điều Ngự khéo léo lựa chọn giáo lý Phật giáo để hướng dẫn tín đồ, người dân. Chẳng hạn, với tín đồ Phật giáo xuất gia phải tuân thủ quy định của giới luật, quá trình tu học hay sinh hoạt thiền môn nghiêm ngặt thì với người dân nơi thôn dã, Ngài chọn lựa và hướng dẫn một cách dễ hiểu và từ đây, tư tưởng Phật giáo, thực hành Thập thiện thấm sâu vào đời sống xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển của lịch sử, văn hoá dân tộc.

Một câu hỏi đặt ra, tại sao Đức Điều Ngự lựa chọn Thập thiện. Thập thiện còn gọi là Thập thiện giới, là con đường tu học thực dụng trong các phần giới, đó cũng là ý nghĩa của chính đạo. Trong Kinh Tạp A Hàm, quyển 29, Đức Phật có dạy: “Thế nào là chánh đạo? Đó là không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không vọng ngữ, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời hung ác, không ỷ ngữ, không tham lam, không sân hận, không tà kiến”. Đó là ý nghĩa Thập thiện giới cũng là chánh đạo, là con đường thành tựu Giới-Định-Tuệ. Vì muốn vĩnh viễn thoát khỏi khổ đau trong luân hồi sanh tử, thoát khỏi cảnh địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh thì nên tu tập Thập thiện giới. Nội dung thực hành có 2 bước: Chỉ và Hành. Chỉ là dừng mọi hành động xấu ác có hại đến mình và chúng sanh. Hành là làm việc lành, giữ đúng giới luật, đem lại lợi ích cho mình và chúng sanh” [8].

Khái quát nhất, Thập thiện bao gồm: 1. Không sát sinh; 2. Không trộm cắp; 3. Không tà dâm; 4. Không dối gạt người;5. Không nói hai chiều; 6. Không nói lời hung dữ; 7. Không dùng lời phù phiếm; 8. Không tham lam; 9. Không sân hận và 10. Không si mê. 10 việc thiện này được thực hành qua thân, khẩu và ý và có khả năng hàng phục 10 nghiệp dữ để có được những lợi ích như làm cho thân và tâm trở lên tốt đẹp, chẳng hạn như không sát sinh thì tâm từ phát triển; làm cho hoàn cảnh tươi đẹp, con người sống đạo đức, nhân ái,…; ở phương diện tôn giáo, theo quan niệm của Phật giáo, những lợi ích khi thực hành thập thiện còn là việc gieo nhân lành cho mai sau gặt quả lành, người thực hành thập thiện sẽ được sinh lên cõi trời; và thực hành Thập thiện cũng là thực hành giáo lý căn bản trong Phật giáo vì ngăn ngừa được các hành vi ác mà được thanh tịnh.

Đức Điều Ngự Giác Hoàng đã lựa chọn Thập thiện phổ rộng trong xã hội với mục đích hướng con người tiến xa hơn Ngũ giới, để người dân an lạc trong hiện tại và sau đó được sinh cõi trời. Việc lựa chọn này vừa mang tính thực tế lại vừa mang tính tôn giáo, bởi bất cứ tín đồ Phật giáo nào cũng có mục đích cuối cùng là giác ngộ, giải thoát. Đức Điều Ngự là người tu chứng nên Ngài mong muốn mọi người cũng đều được giải thoát khỏi khổ đau. Ở phương diện văn hoá, thực hành Thập thiện nhằm phát triển xã hội bền vững, đạo đức phát triển, gieo trồng hạt giống an lạc trong đời sống tinh thần của người dân, tạo nền tảng cho truyền thống văn hóa dân tộc. Nói cách khác, việc thực hành Thập thiện nhằm làm cho người dân có lối sống đạo đức, xã hội lành mạnh và tạo bản sắc văn hóa riêng của Đại Việt. Và bản thân Ngài là tấm gương sáng cho người dân noi theo: “Tự mình sống đạo đức, lại hô hào tuyên truyền dân chúng khắp nơi sống theo nếp sống “Thập thiện” của Phật giáo. Trần Nhân Tông thật sự muốn xây dựng một xã hội Việt Nam lấy đạo đức Phật giáo làm nền tảng” [9].

Như vậy, thực hành Thập thiện là một trong những chủ trương của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Bởi chính Ngài cũng chủ trương sống giữa đời mà vui với đạo: “Con người trần tục muốn đạt đến cái nằm trong thế giới trần tục… tốt nhất nên bằng con đường trần tục” [10]. Đạo và đời, không có gì phải phân biệt thành thị với sơn lâm nếu gánh vác giang sơn nhưng tấm lòng thanh thịnh, với Đức Điều Ngự: “Không chủ trương xuất thế để cầu giác ngộ. Trái lại muốn giác ngộ Ngài đòi phải lấy cuộc đời nhân quần xã hội làm kinh nghiệm thử thách, từng trải mà giải thoát, chứ không trầm mặc tư tưởng” [11]. Điều này cũng cho thấy Phật hoàng Trần Nhân Tông chịu ảnh hưởng lớn từ vua Trần Thái Tông: “Hẳn là vua Nhân Tông muốn tiếp chí ông nội là vua Thái Tông xưa đã tìm cách dẫn dắt dân chúng từng bước tin vào Phật, tự mình tìm biết rõ mình qua tụng niệm. Như vậy, việc hướng vào tâm để thấy tính, và nay trong hành động cụ thể, bằng mười điều thiện, để xây dựng trong nhân dân một đạo đức xã hội lành mạnh trên nền tảng đạo đức Phật giáo là ước nguyện của ông” [12]. Nói cách khác: “Nếu vua Trần Thái Tông không học Phật và theo Phật giáo thì có lẽ Phật giáo đời Trần đã không có được giai đoạn rực rỡ hồi Trần Nhân Tông” [13].

Theo Phật giáo sử, có thể nói, các vị vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông đều là Phật tử và các Ngài đều am hiểu sâu sắc tư tưởng, giáo lý Phật giáo, biết lấy lòng dân làm lòng mình, ý muốn của dân làm ý muốn của mình và chính Phật giáo đặt nền tảng tư tưởng cho xã hội thời Trần. Khi Trần Cảnh lên ngôi vua, lấy hiệu Trần Thái Tông đã thấm nhuần lời dạy của Quốc sư Viên Chứng: “Sơn bản vô Phật, duy tồn hồ tâm, tâm tịch nhi tri, thị danh chân Phật”. Nghĩa là: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng. Lòng lặng mà hiểu, đó chính là chân Phật” [14]. Quốc sư còn dạy Trần Thái Tông: “Phàm làm vua phải lấy ý muốn của nhân dân làm ý muốn của mình” [15]. Nghe lời dạy của Quốc sư Viên Chứng, Trần Thái Tông đã đem đạo vào đời một cách tích cực, phục vụ nhân dân theo tinh thần vô úy, cùng lúc với việc tham thiền học đạo. Ngài hiểu, đạo không thể xa đời, đạo là phải sống và thể nghiệm ngay cuộc đời. Sau Ngài, các vị vua tiếp nối quên mình để lo cho dân, cho nước. Trần Thái Tông xứng đáng là “Gương mặt văn hóa đẹp và lạ đến khác thường trong lịch sử Việt Nam” [16]. Nhà Trần còn nỗ lực xây dựng và đào tạo con người kiểu mẫu của thời đại: “Làm cán cân cho hậu thế, làm khuôn phép cho tương lai”[17]. Các vua thời Trần “Chủ trương Phật tại tâm, cư trần lạc đạo, hòa quang đồng trần và tùy tục tùy duyên” [18] đã giúp cho một quốc gia nhỏ như Đại Việt trở nên hùng cường.

Sau khi sáng lập Phật giáo Trúc Lâm, Điều Ngự Giác Hoàng đối với tín đồ thì giảng kinh luận, ngữ lục,… đối với người dân thường thì hướng dẫn thực hành Ngũ giới và tiêu biểu hơn là thực hành Thập thiện đã cho thấy tính uyên thâm Phật học và tính phổ thông của Phật giáo Trúc Lâm; đồng thời còn cho thấy tính thống nhất về tư tưởng, về tổ chức,… của Phật giáo thời Trần. Nhìn chung, sự phát triển sâu rộng của Phật giáo Trúc Lâm, ngoài ý nghĩa tôn giáo còn phải nhấn mạnh đến tính phổ cập trong xã hội qua sự lựa chọn sáng suốt của người đứng đầu Giáo hội – Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Việc hướng dẫn người dân thực hành Ngũ giới, Thập thiện không chỉ đơn thuần đưa Phật giáo vào nhân gian của một tu sĩ Phật giáo, mà còn thể hiện tinh thần “ưu quốc” của người đứng đầu quốc gia dân tộc. “An dân” bằng việc đưa đạo vào đời, hướng con người đến những giá trị tốt đẹp và việc lựa chọn Ngũ giới, cao hơn là lựa chọn Thập thiện, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã hướng đến mục đích tạo nên mẫu người sống đạo đức, tạo dựng xã hội tốt đẹp trên nền tảng văn hóa Phật giáo: “Việc Thượng hoàng Trần Nhân Tông đem 10 điều thiện để dạy dân chúng rõ ràng phản ảnh quan điểm chính trị của Phật giáo Việt Nam mà trước đó hơn ngàn năm đã được ghi vào trong Kinh Lục Độ Tập. Bản kinh này có thể nói là một trong những bản kinh xưa nhất của Phật giáo nước ta hiện biết, đã tổng hợp nhuần nhuyễn và thành công tư tưởng Phật giáo và truyền thống dân tộc. Nó liên tục kêu gọi những người lãnh đạo chính trị phải dùng 10 điều thiện làm “pháp luật quốc gia” (quốc pháp), làm “chính sách quốc gia” (quốc chính). Và đây là lần đầu tiên ta thấy Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã thực hiện lời kêu gọi này” [19].

Tịnh độ là lòng trong sạch Chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương. Di Đà là tính sáng soi Mựa phải nhọc tìm về Cực lạc. – (Ảnh: sưu tầm).

Thảo luận về một số vấn đề đặt ra về “an dân” trong bối cảnh hiện nay
Thứ nhất, trên phương diện xã hội, trong bối cảnh xã hội đương đại, việc phát triển tư tưởng, văn hóa Phật giáo là cần thiết, bởi tính ưu việt của nó. Trong đó, công tác nghiên cứu khả năng hướng dẫn thực hành Thập thiện cho tín đồ Phật giáo tại gia cần được chú trọng. Nhất là trong các khoá tu, các câu lạc bộ Phật giáo và qua đó phổ rộng hơn trong cộng đồng tín đồ Phật giáo hiện nay. Theo chúng tôi, việc hướng dẫn tín đồ Phật tử thực hành Thập thiện nhằm đạt được hai mục đích căn bản là: 1. Hướng đến xây dựng nền đạo đức cho cộng đồng xã hội và 2. Đáp ứng nhu cầu giác ngộ, giải thoát cho tín đồ Phật giáo. Trong lịch sử, việc hướng dẫn thực hành Thập thiện đã được Phật hoàng Trần Nhân Tông phổ cập và đạt kết quả tốt là đáp ứng được nhu cầu của xã hội, tạo nền tảng đoàn kết toàn dân trong việc chống ngoại xâm cũng trong việc xây dựng xã hội hài hòa, bền vững. Trên phương diện tôn giáo, Ngũ giới thường được xem là hướng tới sự hoàn thiện đạo đức, nhân cách của tín đồ Phật giáo tại gia. Song, để tiến xa hơn thì Phật giáo có giáo lý, thực hành Thập thiện – 10 điều thiện. Nghĩa là, nếu như Ngũ giới là nền tảng căn bản cho tín đồ tu học, hay nền tảng căn bản của đạo đức con người theo quan điểm của Phật giáo, thì Thập thiện tăng tiến sâu hơn khả năng phát triển tâm linh của người cư sĩ. Đức Điều Ngự vân du khắp nơi hướng dẫn người người dân thường thực hành 10 điều lành là mục tiêu của người đứng đầu Giáo hội; đồng thời việc phổ rộng thực hành Thập thiện cũng nhằm bổ sung hoàn bị hơn cho nền văn hoá Đại Việt là mục tiêu của người đứng đầu Nhà nước, quy hướng nhân tâm theo tinh thần Phật giáo.

Hơn nữa, trong xã hội đương đại, thực hành Ngũ giới hay thực hành Thập thiện không chỉ nên hiểu một chiều là giới cấm mà còn hiểu là giới răn – tức khuyên răn con người nên thực hành, hoạt động theo hướng thiện. Như thế, Ngũ giới hay Thập thiện mới trở nên gần gũi con người, giúp cho cá nhân, gia đình và cộng đồng xã hội dễ dàng tiếp nhận nhằm hoàn thiện đạo đức bản thân cũng như đạo đức xã hội. Phật hoàng Trần Nhân Tông từng nói: “Câu hữu, câu vô/Quay bên phải, ngoái bên trái/ Thuyết lý ầm ĩ. Ồn ào tranh cãi” [20].

Thứ hai, trong công tác hướng dẫn Phật tử hiện nay, theo chúng tôi nên chú trọng đến việc trang bị nhiều hơn kiến thức Phật học. Bởi khi tín đồ Phật giáo tại gia có kiến thức Phật học thì nhận thức của họ rõ ràng, cụ thể và qua đó, bản thân mỗi tín đồ Phật giáo tại gia có thể tự mình ứng xử tốt nhất trong các hoàn cảnh cụ thể của mỗi cá nhân, tự do chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc trong hoàn cảnh thực tế và từ đó cùng hướng đến xây dựng xã hội tốt đẹp, bền vững.

KẾT LUẬN
Tóm lại, nhà Trần là vương triều phát triển rực rỡ trong các triều đại phong kiến Việt Nam. Đây là thời kỳ Phật giáo phát triển, trở thành hệ tư tưởng chính, tạo nên sức mạnh to lớn trong việc giữ gìn an ninh quốc gia dân tộc, xây dựng, bồi đắp nền văn hoá dân tộc,… Các vị vua nhà Trần, tiêu biểu là Phật hoàng Trần Nhân Tông đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách có ảnh hưởng sâu đậm Phật giáo nhằm hộ quốc an dân và để lại nhiều bài học ý nghĩa.

 

Nguyễn Văn Quý/TCVHPG418 

 

Chú thích:
* Tiến sĩ Nguyễn Văn Quý, Phó trưởng phòng Nghiên cứu Phật giáo, Viện Nghiên cứu Tôn giáo.
[1] Bản in Nội các quan bản (2000), Đại Việt sử ký toàn thư, t.2, , Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, tr.64.
[2] Thích Phước Sơn dịch, chú thích (1995), Tam Tổ thực lục, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, tr.18-19.
[3] Xin xem: Thích Thanh Đạt (2000), Thiền phái Trúc Lâm thời Trần, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Hà Nội, tr.37.
[4] Trúc Lâm Đại Đầu Đà, Trúc Lâm Đại Sĩ, Giác Hoàng Điều Ngự,…
[5] Thích Phước Sơn dịch, chú thích (1995), Tam Tổ thực lục, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, tr.19-20.
[6] Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý Trần, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, tr.535.
[7] Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý Trần, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.506.
[8] Dẫn theo: https://giacngo.vn/y-nghia-tho-thap-thien-va-bo-tat-gioi-tai-gia
[9] Ban Phật giáo Việt Nam (1992), Thiền học đời Trần, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, tr.109.
[10] Nguyễn Hùng Hậu chủ biên(2002), Đại cương lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam, tập 1, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, tr.165.
[11] Trương Hữu Quýnh chủ biên (2005), Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.254.
[12] Nguyễn Hùng Hậu chủ biên(2002), Đại cương lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam, tập 1, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, tr.133.
[13] Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật giáo sử luận, 3 tập, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.376.
[14] Thư viện Đại học Vạn Hạnh (1970), “Thiền tông đời Lý”, Tư tưởng, số 4, tr.51.
[15] HT. Thích Phước Sơn (2009), Phật học khái yếu, đặc trưng của Phật giáo giai đoạn đầu nhà Trần, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, tr.273.
[16] Quỳnh Cư & Đỗ Đức Hùng (1995), Các triều đại Việt Nam, Nxb. Thanh niên, TP HCM, tr.100.
[17] Thích Phước Đạt (2013), Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.50.
[18] Ban giáo dục Tăng Ni Trung ương (2012), Hội thảo khoa học: Giáo dục Phật giáo – Định hướng & phát triển, dạy & học môn Văn học Phật giáo Việt Nam tại các Học viện Phật giáo Việt Nam, Lưu hành nội bộ, tr.78.
[19] Lê Mạnh Thát (2000), Toàn tập Trần Nhân Tông, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.208.
[20] Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý Trần, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội,tr.489.

Tài liệu tham khảo
1. Ban Phật giáo Việt Nam (1992), Thiền học đời Trần, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành.
2. Ban giáo dục Tăng Ni Trung ương (2012), Hội thảo khoa học: Giáo dục Phật giáo – Định hướng & phát triển, dạy & học môn Văn học Phật giáo Việt Nam tại các Học viện Phật giáo Việt Nam, Lưu hành nội bộ.
3. Bản in Nội các quan bản (2000), Đại Việt sử ký toàn thư, t.2, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội.
4. Thích Thanh Đạt (2000), Thiền phái Trúc Lâm thời Trần, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Hà Nội.
5. Thích Phước Đạt (2013), Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
6. Nguyễn Hùng Hậu chủ biên(2002), Đại cương lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam, tập 1, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội.
7. Quỳnh Cư & Đỗ Đức Hùng (1995), Các triều đại Việt Nam, Nxb. Thanh niên, TP. HCM.
8. Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật giáo sử luận, 3 tập, Nxb. Văn học, Hà Nội
9. TT.TS. Thích Thanh Quyết – TS. Nguyễn Quốc Tuấn đồng chủ biên (2013), Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308) con người và sự nghiệp, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội
10. Trương Hữu Quýnh chủ biên(2005), Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
11. Thích Phước Sơn dịch, chú thích (1995), Tam Tổ thực lục, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.
12. HT. Thích Phước Sơn (2009), Phật học khái yếu, đặc trưng của Phật giáo giai đoạn đầu nhà Trần, Nxb. Văn hóa Sài Gòn.
13. Lê Mạnh Thát (2000), Toàn tập Trần Nhân Tông, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
14. Thư viện Đại học Vạn Hạnh (1970), “Thiền tông đời Lý”, Tư tưởng, số 4.
15. Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý Trần, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
16. https://giacngo.vn/y-nghia-tho-thap-thien-va-bo-tat-gioi-tai-gia.

 
 

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin