Chi tiết tin tức

Tiểu Ni trị nhật

07:43:00 - 27/03/2015
(PGNĐ) -  Bữa cơm quá đường1 của chư Ni mà tôi được tham gia trong những ngày đầu tiên sống cuộc sống của người xuất gia mãi là một ấn tượng đẹp và tác động mạnh đến đời sống tu hành của tôi...

Bữa cơm quá đường1 của chư Ni mà tôi được tham gia trong những ngày đầu tiên sống cuộc sống của người xuất gia mãi là một ấn tượng đẹp và tác động mạnh đến đời sống tu hành của tôi. Ăn uống là nhu yếu của nhân loại, nhưng tùy vào phong cách và thái độ của từng người mà nó có ý nghĩa khác nhau. Để sống, ai cũng cần ăn, nhưng ăn như thế nào, thực phẩm ra sao thì quả là một ý nghĩa sâu sắc về giá trị thể chất lẫn tinh thần. Nắng vàng dịu xuyên qua những kẽ lá xào xạc của một ngày vào hạ trong làn gió mát nhẹ trải dài trước sân trai đường. Đàn chim sẻ rủ nhau về cất cao giọng ríu rít trên cành cây như hát mừng cúng dường chư Phật, chư Tăng trong mùa kiết hạ an cư. Tiếng chuông, bảng, mõ hòa âm trong tiếng tụng kinh trầm bổng của quý sư cô đưa lòng người vọng động trở về chốn bình an sâu thẳm.

Bóng dáng thầy chăm chút, sửa sang lại từ bát trầm trên bàn Phật, chỉnh lại bồng quả cho ngay ngắn, sửa nụ hoa hơi nghiêng nghiêng sáng nay vừa nở trên bình; những tô canh, đĩa gỏi, cái chén, đôi đũa… trên bàn ăn đều được thầy sửa sang cho đẹp mắt, thể hiện sự trang trọng của nghi thức cúng dường Tam bảo. Với thầy, bữa cơm thường nhật đóng một vai trò hết sức quan trọng, mang ý nghĩa sâu sắc; huống là hôm nay, một ngày mở đầu cho ba tháng chư Ni “thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức”. Trên bàn, các món chay từ rau củ quả giản dị nhưng trang trí khá đẹp và mùi thực phẩm bốc lên thoang thoảng từ quế, ngò, chanh… thanh khiết. Thì ra, thức ăn tuy đạm bạc mà thanh cao. Trong cái vô vi không xa lìa hữu vi, Sắc Không, Không Sắc, Sự Lý viên dung của một triết lý thậm thâm đưa con người ra khỏi ngã chấp vọng tình nhân thế.

Mùa an cư năm ấy gồm có các tiểu ni Nguyên Trí, Nguyên Tuệ và tôi là tập sự. Chúng tôi phải phụ làm tất cả các việc với quý sư cô, sư chị ngoài giờ học Kinh, Luật của mình. Mọi thứ chúng tôi đều được các sư cô phụ trách công việc như hương đăng, tri viên, trị nhật, hành đường… hướng dẫn, nhưng đối với tôi, công việc nấu cơm là công tác khó nhất, việc mà trong nhà chùa gọi là “trị nhật”. Chẳng phải vì tôi muốn làm trưởng bếp tương lai nhưng vì công tác “nấu ăn” xưa nay tôi chỉ làm được một phần sau trong hai phần, đó là biết ăn mà không biết nấu. Ấy thế mà thầy tôi lại để ý đến công việc này mới ghê chứ! Tôi sợ nhất mỗi lần thầy xuống bếp “giám sát” người trị nhật nấu như thế nào để đại chúng có được bữa cơm ngon trong ngày. Và thường là thầy đều góp ý, thậm chí phải rầy la khi chị em chúng tôi làm sai nguyên tắc.

Sư cô Tâm Hạnh có biệt danh là Giám Trai sứ giả2, bởi sư cô là người nấu ăn ngon nhất chùa. Dưới bàn tay khéo léo của mình, sư cô đã chế biến rau củ thành nhiều món vừa ngon vừa hợp nhãn. Hôm nay, chùa có đám giỗ không lớn lắm nên các món sư cô chuẩn bị tuy ít mà thật đặc biệt, lại nhờ hoa tay của sư chị Tâm Giác, thức ăn được trang trí sống động: trái bưởi vẫn còn chiếc lá xanh tươi trên cuống không phải đựng ruột bưởi mà chứa gỏi bưởi trong ấy, đĩa chua ngọt được cắt tỉa thành hoa, lá từ cà rốt, củ cải, dưa leo… làm viền cho các miếng chả, nem nổi bật trên chiếc đĩa trắng tinh như là một hoa văn đặt trên bàn; bên góc kia có đĩa lá lốt cuốn đậu xanh ít người định vị được làm bằng chất liệu gì; đĩa rau sống lớn được sắp nhiều loại rau khá bắt mắt với hoa lý ngát hương và hoa bí nở tươi sắc đứng cạnh nồi lẩu bốc hương quyến rũ; và hấp dẫn hơn hẳn là đĩa “cơm nhân duyên” nổi lên các hạt sen trắng muốt, cà rốt và bắp đỏ tươi điểm xuyết với màu đen của nấm… nằm gọn trong viền hoa dưa leo điệp màu cơm dứa. Nhìn vào bàn ăn, thực khách có thể bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp tự nhiên như đứng trước một vườn hoa duyên dáng với cái bụng cồn cào. Thật không phủ nhận rằng khi ăn chúng ta không chỉ đơn thuần thưởng thức qua cái vị của thực phẩm mà gồm đủ cả màu sắc, âm thanh, hương thơm, mùi vị, thực phẩm cứng mềm… Nếu người thế gian thích thưởng thức thực phẩm trước âm thanh ồn náo của ca nhạc cùng với sự la hò càng nhiều người càng vui thì chư Tăng trong cửa thiền thọ thực trong sự thanh tịnh sau khi dâng cúng dường chư Phật. Khi ăn, chư Tăng quán niệm thực phẩm có được để nhớ ơn công lao người nông phu làm ra hạt gạo, cọng rau… và hồi hướng cho các thí chủ được nhiều phước báu đời này và đời sau. Có lẽ nhờ ăn trong chánh niệm theo Ni chúng mà Phật tử hôm ấy hết lời tấm tắc ngợi khen.

*     *     *

Cầm tờ “sớ” ra món ăn cho ngày mai của sư cô Tri nguyệt để sẵn, tiểu Nguyên Trí không hài lòng vì cho rằng nhiều món, lại cầu kỳ mất thời gian. Mặc dù đã được Nguyên Tuệ và tôi góp ý là cùng nhau làm thì nhanh hơn, nhưng Nguyên Trí vẫn khăng khăng với lý lẽ của mình rằng như vậy sẽ vướng vào việc trọng hình thức. Tôi nhớ đến lời dạy của thầy “xem thức ăn là dược thực để nuôi thân tu đạo” và đem ý kiến mình chia sẻ cùng Nguyên Trí, nhưng càng nói thì Nguyên Trí lại càng chấp vào quan điểm của mình.

Cả ba chúng tôi tranh luận một hồi, song Nguyên Trí vẫn không vui trong công việc khiến tôi dự định sẽ trình bày cuộc thảo luận về bữa ăn lên thầy hoặc sư cô Tri nguyệt để giải nghi cho mình.

Để chúng tôi thành thạo trong trị nhật, thầy tôi ra điều kiện ba đứa tiểu phải học cách nấu từ quý sư cô, sư chị và thực hành trong ngày của mình mà không được người lớn trực tiếp hướng dẫn, do đó, mà cả ba đứa cùng “hợp tác” với nhau trong các ngày trị nhật. Nguyên Trí có tiếng là người thông minh nhất trong ba đứa tiểu chúng tôi, song việc gì chị cũng muốn làm cho nhanh, nên thường ít khi đạt yêu cầu đề ra. Để làm cho nhanh, Nguyên Trí thường gộp hai ba giai đoạn làm một. Số đậu hủ phải nhồi thật lâu cho có độ dai sau khi vắt khô nước, thì Nguyên Trí làm trong nháy mắt. Thấy thế, Nguyên Tuệ phải làm lại. Các trái cà chua cắt làm hai sau khi lấy sạch hạt rồi nhét vào hỗn hợp đậu hủ và nấm mèo, gia vị, sau đó phải đưa vào hấp trước khi chiên thì Nguyên Trí cho thẳng vào chảo dầu nên chúng vỡ nát. Ôi! Nhìn món kho trưa hôm ấy như món tương cà chua lại mặn chát, canh thì nhạt nhẽo với miếng khổ qua chưa chín tới, chỉ được món rau luộc của Nguyên Tuệ là xanh tươi. Tuy nhiên, không có phản hồi nào sau bữa thọ trai của chúng Tăng ngoài lời giáo huấn thường ngày của sư cô Tri nguyệt nhưng không làm cho Nguyên Trí để tâm sửa đổi. Tiếng chuông đại hồng ngân vang như nhắc người buông bỏ mọi vọng trần về với cõi lòng thanh tịnh. Sư cô Tri nguyệt lặng lẽ ra hiệu Nguyên Trí lên phòng kèm theo lời nhắc nhở ân cần phải hoan hỷ trong công việc mới có nhiều phước báu.

*     *     *

Ngày chủ nhật hôm ấy là ngày trị nhật của tôi, ngày mà tôi khó có thể quên được và cũng nhờ ngày đó mà tôi có thêm hành trang tu tập cho mình. Âu cũng là “Tái ông thất mã” vậy, vận may có từ sự rủi ro. Tiếng gà đâu đó cất lên giữa giấc say nồng báo hiệu một ngày mới. Tôi choàng người tỉnh dậy vì nỗi canh cánh trong lòng hôm nay tôi là “ông Táo” của tự viện. Nỗi lo toan công việc khiến hôm ấy tôi tỉnh hẳn người chứ không như những buổi sáng khác, mặc cho tiếng chuông khuya vang vọng hòa với âm thanh cao vút của sư chị Tâm Giác vang lên: “Nguyện thử chung thinh siêu pháp giới, thiết vi u ám tất giai văn…” mà cái ngủ mãi làm tôi gật gù.

Như thường lệ, sau bữa điểm tâm đơn giản là bữa ngọ trai được coi là bữa cơm chính trong ngày, thế nên thức ăn mà sư cô Tri nguyệt chuẩn bị khá công phu, nhiều món. Hôm ấy, Nguyên Trí đi vắng, chỉ còn tôi và Nguyên Tuệ mà thôi. Cả hai chúng tôi đều dậy sớm hơn mọi khi, cùng nhau vừa nấu cơm vừa dọn dẹp bếp núc. Món kho sư cô đưa ra làm tôi vất vả không phải vì nhiều công đoạn mà vì sự thiếu tự tin. Đã lâu rồi, tôi không có cơ hội thực hành nên có thể sẽ quên, song tôi tỉ mỉ làm từng công đoạn một. Đang miên man suy nghĩ bỗng tôi giật mình với tiếng hỏi của thầy ở đằng sau.

 

– Hôm nay, nấu món gì đó con?
– Dạ, dạ… kho lá lốt… , canh chua, gỏi, rau luộc, xào. Tôi ấp úng trả lời.
– Nấu được không con?
– Dạ… được. Tôi trả lời khe khẽ đủ để thầy nghe.
– Phải đặt hết tâm trí vào công việc thì sẽ thành công thôi. Thầy bảo và đi lên phòng.
– Mô Phật.

Tuy nhiên, kết quả cho “quá trình” chế biến của tôi là một “sản phẩm” được ra lò thật độc quyền mà không ai làm được, “hàng lạ” từ trước đến nay. Hình thức không khác với sư cô làm, nhưng đưa vào miệng thì cắn muốn… gãy răng. Buồn quá! Tôi dự định phải làm lại khi được biết là đã làm sai công thức. Úi chà! Thay vì đậu xanh phải hấp rồi giã nhuyễn có thêm một ít đậu hủ trước khi gói với lá lốt tôi lại để sống, gia vị thì không chuẩn… nhưng không kịp nữa rồi, tiếng kinh hồi hướng cao vút của sư chị Tâm Hương văng vẳng báo hiệu giờ cúng ngọ sắp xong cũng chính là lúc mà các món ăn phải được dọn lên bàn trang nghiêm tươm tất, làm sao đây? Tôi đi tới đi lui như gà mắc đẻ, cuống cuồng vì phần sợ thầy, phần lo chắc chắn sẽ bị ế. Nhưng không còn cách nào khác, tôi đành để Nguyên Tuệ dọn lên mà lòng nặng trĩu.

Như một tên trộm núp sau cánh cửa bếp, tôi thập thò quan sát thái độ của thầy, của quý sư cô, sư chị khi ăn có ngon miệng không, đặc biệt là món này. Tiếng trống ngực đập mạnh hơn trong cái âm thanh im ắng như không có ai của hơn ba mươi người đang dùng ngọ trai trong trai đường. Thỉnh thoảng tiếng lách cách từ chén đĩa vô tình phát ra phá vỡ không gian trang nghiêm làm giảm bớt sự hồi hộp trong tôi. Như mọi ngày, thầy và Ni chúng vẫn điềm tĩnh trong khi thọ thực, không có thái độ phản ứng hoặc một lời bình phẩm nào khiến cái lo cứ âm ỉ chờ đợi “phiên tòa” Phát lộ tối nay, ngày mà ba chúng tôi trình lỗi lầm ba nghiệp của mình trong nửa tháng vừa qua trước đại chúng để sám hối. Đó là những lỗi lầm tự thấy, còn những lỗi không thấy được cần cầu đại chúng chỉ dạy. Ôi! Nghĩ đến đó thôi là tim muốn nhảy khỏi lồng ngực. Lời kinh hồi hướng cho thí chủ cúng dường vang lên từ trai đường sau khi chư Tăng thọ thực, đưa tôi trở về thực tại với công việc dọn dẹp trong nỗi bất an…

*     *     *

Cái gì đến sẽ đến, cái “tội” của tôi cũng đến lúc phải nói ra. Sau Nguyên Trí và Nguyên Tuệ bộc bạch là đến lượt tôi. Chân tôi muốn khuỵu xuống vì run lẩy bẩy. Như hiểu được tâm trạng tôi, thầy cất lời cởi mở:Ai cũng có lỗi và đáng quý nhất là người biết nhận lỗi để sửa đổi, có như vậy mới thăng tiến trên đường tu. Trong nửa tháng vừa qua, con có điều gì làm phật lòng người khác không, hay phạm vào những điều bất thiện thì mạnh dạn nói ra trước đại chúng để được chỉ dạy, nhờ thế tội có thể tiêu trừ. Chỉ xấu nhất là người có tội mà tự che giấu.

 

– Dạ… dạ bạch thầy, bạch đại chúng! Con… con đã nấu ăn dở trong ngày trị nhật của mình.
– Nấu dở là sao?
– Dạ… dạ làm không đúng… và thế là tôi kể lại các công đoạn của một món ăn tôi làm sai hồi sáng.

Tiếng cười nhẹ của một vài sư cô vô tình cất lên như chiếc phao cứu một tâm hồn“sắp chết đuối”như tôi. Thầy, hình như lúc ấy cũng mỉm cười trước thái độ rụt rè chân thật của một đứa đệ tử ngây ngô. Không một lời la trách, thầy dạy cả ba chúng tôi cùng đại chúng biết trân trọng phẩm vật khi tín thí cúng dường. Liên hệ đến việc nấu ăn cho ngày trị nhật, thầy giảng rộng lợi ích thiết thực và quan trọng của người nấu cơm là người chịu trách nhiệm về sức khỏe thể chất và tinh thần của người ăn. Nấu ăn là một nghệ thuật và là một phương thức dụng công tu tập của hành giả. Để một bữa cơm có ý nghĩa, thầy dạy chúng tôi phải dọn mình cho sạch sẽ thanh tịnh. Không thể có một bữa ăn ngon nếu không có sự kết hợp chặt chẽ từng khâu, hay nói cách khác phần trước làm nhân duyên cho phần sau để cho ra một món ăn ngon đẹp. Đặc biệt bao trùm hơn cả là sự ban rải tâm từ, bi, hỷ, xả đến với người ăn, mong muốn người ăn thưởng thức bữa ăn ngon bổ làm nguồn dưỡng chất tưới mát thân tâm. Ví dù thực phẩm có giá trị mấy chăng nữa mà người nấu cơm “nấu” luôn cả tâm trạng tham lam, sân hận thì chính người ấy truyền một lượng “độc tố” vào thực phẩm thì không những không có chất bổ mà bệnh tật từ đó phát sanh. Như đọc được câu chuyện của ba tiểu ni chúng tôi hôm ấy, nên thầy cũng giải thích việc chế biến thực phẩm công phu và trang trí đẹp mắt là để đáp ứng nhu cầu của người ăn. Thầy nói thêm về đặc tính của rau củ vốn chất liệu nhạt lại hiền hòa đơn điệu, nếu không biết cách chế biến sẽ khiến người ăn chay dễ chán, khó tiếp cận với thực phẩm chay. Như thế, hình thức đẹp, vị ngon sẽ chuyển tải thông điệp bảo vệ sức khỏe, nuôi lớn lòng từ, có trách nhiệm với môi trường sống hiện tại. Đây cũng là cách dựa vào căn cơ giải thoát của chúng sinh mà hóa độ.

Ý niệm hân hoan vui sướng trong tôi bừng dậy thay dần nỗi lo sợ ban đầu khi tôi ý thức được rằng ngày trị nhật của tôi, thức ăn được nấu chưa ngon, nhưng chắc chắn rằng với tâm niệm thiết tha, cần mẫn đối với người thọ thực thì nhất định sẽ đem lại nguồn dinh dưỡng hữu ích. Niềm hạnh phúc lâng lâng khó tả của một “tội nhân” vừa được trắng án. Tôi vâng mệnh thầy đứng dậy đảnh lễ lui ra.

Tiếng gió nhẹ lay lắt cành hoa đào bên ngoài cửa phòng như ru tôi về với giấc nồng sâu lắng, khép lại một ngày đã qua. Tôi miên man tận hưởng dư âm của niềm tịnh lạc, xem công tác trị nhật là phương pháp tu học chuyển hóa thân tâm, phần nào đáp đền tứ ân trong muôn một. Và đêm dần trôi trong tĩnh lặng, an bình… ■

  1. Cúng ngọ trai trong mùa hạ an cư của chư Tăng
  2. Vị Bồ-tát hộ trì thức ăn cho đại chúng

Tieu-Ni-tri-nhat-
Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 169

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin