Chi tiết tin tức

Chùa quê không có tiền nhưng đồ ăn thức uống thì dư giả (*)

20:48:00 - 01/11/2013
(PGNĐ) -  Người quê tin vào Phật, Trời, Thần, Thánh một cách hồn nhiên, họ đâu cần biết Phật nói điều gì, trời như thế nào, thần thánh ra sao, chỉ nghĩ đơn giản rằng “đội ngũ cõi trên” ấy là điểm tựa cuối cùng của họ.
Ngôi chùa nhỏ nằm khiêm tốn trong khoảng đất rộng đầy cây trái. Buổi tối, mùi nhang tỏa ra từ chánh điện hòa với mùi thơm trái chín đâu đó trong vườn. Buổi sáng, tiếng chuông mõ công phu bình dị hòa cùng tiếng gà gáy sáng. Chùa Hải Huệ chỉ như một ngôi nhà lớn trong xóm, không mấy cách biệt, do vậy bà con trong ấp Mỹ Hưng Hòa hằng ngày lui tới với chùa rất tự nhiên, thân thiện.

 

Ni sư trụ trì rất hiền lành, chất phác, nhu thuận. Không như ở thành thị, cứ thấy chùa to Phật lớn, quang cảnh đẹp là mọi người kéo nhau tới lễ bái, ít ai quan tâm tới chư tăng ở chùa ấy ra sao. Ở quê, mọi sinh hoạt trong chùa cả xóm đều biết. Chùa nào thầy trụ trì đức độ hiền lành là mọi người theo. Chùa ở quê rất nghèo, không có tiền nhưng đồ ăn thức uống thì dư giả.

 

Mùa nào thức đó: Mùa xoài thì chánh điện tràn ngập xoài, mùa nhãn thì vừa đến cổng chùa đã như bước vào vườn nhãn. Nhiều nhất quanh năm là chuối. Những ngày rảnh, Bé thường cùng mẹ lên chùa phụ quí cô ép chuối phơi khô. Chuối khô chất đầy trên mấy cái gióng tre treo trong nhà bếp, lâu lâu có lái buôn, chùa phải gởi đi bán bớt để lấy tiền mua nhang, mua dầu lửa thắp đèn. Người nào lên chùa cũng chỉ dâng cúng cây trái nhà mình. Cô trụ trì cứ nhìn những thứ trên tay họ mà hỏi thăm về vườn tược, thu hoạch, đời sống của họ. Chỉ đơn giản thế thôi nhưng tình nghĩa vô cùng ấm áp.

 

Nhà có việc gì họ cũng kể cô nghe, từ việc mẹ chồng nàng dâu cho đến việc xích mích hàng xóm. Cô sống ở chùa từ nhỏ nên cũng chẳng hiểu biết việc đời nhiều, nhưng cứ phải sắm vai nhà tư vấn tâm lý giáo dục để khuyên nhủ mọi người. Những lời khuyên cứ khuyên đi rồi khuyên lại, quanh quẩn bao nhiêu đó nhưng cũng đủ an lòng đại chúng. 

Lạ vậy, cũng những lời nói ấy, nhưng nếu người này nói thì ta cho là sáo ngữ, hoặc “biết rồi khổ lắm nói mãi…!” nhưng nếu người khác nói thì ta lại thấy chí lý. Cái đức, cái duyên là vậy.

 

Chùa quê những năm chiến tranh này không tổ chức lễ bái rình rang, nhưng người quê đi chùa chăm chỉ. Họ cầu an cầu siêu rất thiết tha. Trước tượng Quan Âm lúc nào cũng khói hương thành khẩn. Người quê tin vào Phật, Trời, Thần, Thánh một cách hồn nhiên, họ cũng đâu biết đủ nghĩa ý Phật nói điều gì, trời như thế nào, thần thánh ra sao, chỉ nghĩ đơn giản rằng “đội ngũ cõi trên” ấy là điểm tựa cuối cùng của họ. Qui y Phật, qui y Tăng là chính, còn đối với giáo pháp cao sâu họ chưa đủ điều kiện tiếp nhận. Tuy vậy, với Phật, với Tăng họ đem hết lòng tin kính, có lẽ nhờ phước báu ấy mà đa số  những bậc cao tăng thường được sinh ra ở các vùng quê. Và chùa quê là cái nôi giản đơn, mộc mạc đã nuôi lớn biết bao ý chí thanh cao thuần khiết.

 

Mẹ của Bé thường lên chùa làm công quả, dù không biết chữ, nhưng giờ tụng kinh, bà rất  thành khẩn lên chánh điện quì, đợi tiếng chuông là cúi đầu lạy Phật. Chùa không có tổ chức thuyết pháp, lên chùa chỉ nghe tiếng tụng kinh, mà kinh thì đa số bằng tiếng Phạn, tiếng Hán khó hiểu, vậy mà theo tiếng mõ tiếng chuông, tâm hồn những người dân quê cũng men ven đường Chánh Pháp.

 

Ngày Rằm, mùng một, cả nhà Bé đều đi chùa, phụ cô Sáu nấu nướng, dọn dẹp. Ni sư trụ trì rất mến Bé vì không như những đứa trẻ khác, bao giờ lên chùa chú cũng rất trang nghiêm, không leo trèo, phá phách, nghịch ngợm hay cười đùa lớn tiếng. Trái lại, chú rất siêng năng,  thành kính lễ Phật, tụng kinh chăm chỉ. 

Nhìn dáng chú đứng chắp tay thành kính trước tượng Phật, cô thầm đoán trong đầu: Thế nào cậu bé này cũng xuất gia. Cái duyên với Phật lộ rõ: Mỗi lần đến chùa là chú cứ loanh quanh dọn dẹp lau chùi, phủi bụi xung quanh bệ Phật. Chú làm rất say sưa tỉ mỉ. Một chút bụi dính trong kẻ móng chân của tượng, chú cũng chồm người nhón chân lên lau thật kỹ. Có lần, cô bắt gặp chú đứng nhìn ngắm rất say sưa tượng đức Di Đà, cô hỏi:

 

- Con nhìn gì kỹ vậy?

 

Chú cười bẽn lẽn:

 

- Sao con thấy thương ông Phật quá. Con muốn nữa mình cũng thành ông Phật giống ổng.

 

Cô bật cười:

 

- Vậy con xin má cho đi tu đi. Tu rồi sẽ thành ông Phật như vậy.

 

Chú phụng phịu:

 

-  Bữa hổm con có hỏi rồi, nhưng má hổng cho. Má nói con còn nhỏ, chùa hổng có chứa.

 

- Chứa chớ – Chợt thấy mình lỡ lời, cô dịu giọng – ờ, con cũng còn nhỏ, thôi đợi lớn lên chút nữa hen.

 

Cô xoa đầu chú, trong ánh mắt không giấu được một nét vui, kỳ vọng và tin tưởng. 


Thu Nguyệt
(*): Câu chuyện được trích từ Truyện kỳ "Bóng áo nâu"

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin