Chi tiết tin tức Chuyện đâu còn có đó 17:05:00 - 08/02/2014
(PGNĐ) - Cách thức ta phản ứng đã thành một tập khí, một thói quen. Bây giờ ta tập như thế nào để có được những thói quen mới, những phương pháp đối phó khác, thì mới có thể thoát khỏi tình trạng cũ. Ta tự dặn mình, trong quá khứ ta đã từng có phản ứng gây ra đổ vỡ. Từ bây giờ ta quyết tâm không làm như vậy nữa. Mỗi khi có hoàn cảnh bất như ý xảy ra thì ta không phản ứng liền, ta không để cơn giận làm chủ lấy ta để ta có thể nhìn cho kỹ và nhờ đó ta có thể có một lề lối phản ứng khác.
Trong tiếng Việt có câu “Chuyện đâu còn có đó”, tại sao ta phải phản ứng liền? “Chuyện đâu còn có đó, tại sao ta phải hấp tấp?” là tuệ giác của cả một dân tộc.
Nhưng muốn làm được thì ta phải luyện tập. Trước đây ta đã từng sống và phản ứng lại hoàn cảnh một cách máy móc. Từ hôm nay ta không muốn tiếp tục cách sống đó nữa. Ta đặt cho ta những kế hoạch để ta có thể làm hay hơn trong tương lai. Đây là phương pháp thực tập chánh niệm. Chánh niệm là ý thức được những gì đang xảy ra mà không cần phải đi tới một quyết định, không cần phải chối bỏ hay chấp nhận ngay lập tức. Tư là quyết định muốn làm cái gì đó, muốn phản ứng lại. Thường thường là khi có thọ và tưởng rồi là ta muốn hành động, muốn phản ứng ngay. Nhưng bây giờ ta không muốn đi tới tư liền, ta muốn cho ta một không gian, ví dụ như ta để ra vài ba phút để thở hay để đi thiền hành. Chuyện đâu còn có đó, ta không cần phải gấp gáp. Tuệ giác có thể tới trong những phút đó vì niệm thường đưa tới định và tuệ. Nếu quý vị đã từng bị sa vào trạng thái trầm cảm và rất sợ phải sa vào lần nữa thì quý vị có thể thực tập phương pháp này. Ta phải biết, phải nhận diện được những gì xảy ra trong tâm của mình. Nếu đó là một tư tưởng có tính cách tiêu cực, bi quan, mặc cảm thì ta biết đó là một tư tưởng tiêu cực, bi quan, mặc cảm. Trước hết ta phải nhận diện và cho nó một không gian, không hẳn là ta phải hành động liền. Khi nhận ra đó là một tư tưởng bi quan, chán nản thì ta nói: “À, đây là một tư tưởng bi quan, chán nản”. Nếu ta cứ quanh quẩn đi theo nó thì ta có thể sa vào trầm cảm. Nếu ta cứ nhai đi nhai lại cái tư tưởng bi quan, buồn giận hay tuyệt vọng đó thì thế nào ta cũng rơi xuống hố trầm cảm. Nhưng nếu trong khi đang nhai đi nhai lại tư tưởng bi quan, buồn nản đó mà ta biết là ta đang nhai thì đã có một cái gì mới xảy ra rồi. Thường thì ta không biết là ta đang nhai đi nhai lại cái tư tưởng bi quan, buồn thảm, sầu khổ đó. Ta bị nó đưa đi. Ma đưa lối quỷ dẫn đường là vậy. Nhưng khi có niệm là ta biết ta đang nhai lại, mà biết ta đang nhai thì tự nhiên ta hết nhai liền. Ta cho ta một không gian, có thể là ba phút, để ngồi thở hoặc đi thiền hành. Ta cho ta một cơ hội để điều kiện giác ngộ có thể xảy ra. Chìa khóa giúp ta thoát ra khỏi thân phận nô lệ của ta để đạt tới tự do nằm ở chỗ là ta ý thức được cái gì đang xảy ra. Đó là niệm. Đây là một sự luyện tập chứ không phải là một lý thuyết. Phương pháp thực tập: Có niệm là bắt đầu có tự do Ta phải luyện tập từ từ. Trước hết ta phải tập thở. Thở vào ta biết ta đang thở vào; thở ra ta biết ta đang thở ra. Trong đời sống hàng ngày, nếu không tu tập, ta cứ thở vào thở ra như một cái máy. Thở vào biết thở vào, thở ra biết thở ra, ta vẫn thở nhưng hơi thở này rất khác, hơi thở này chứng tỏ là ta đã đưa được niệm vào trong hơi thở. Trước khi lái xe, tại sao ta không cho mình một hay hai phút để ngồi thở? Đó gọi là ý thức về hơi thở, tức là một cách luyện tập để biết được những gì đang xảy ra, để làm chủ được chúng mà không bị nô lệ vào chúng. Khi bước đi, nếu không ý thức thì ta sẽ không làm chủ được bước chân, ta sẽ bước đi như bị ma đuổi. Nó bước chứ không phải ta bước. Nó là cái gì? Nó là cái máy. Nó bước đi, nó thở chứ không phải ta đi, ta thở. Lúc mới bắt đầu, mỗi ngày ta nên thực tập ba phút, đi từng bước và ý thức được từng bước chân của mình. Ta không còn là cái máy nữa, ta là con người tự do. Đó là sự bắt đầu của ý chí tự do, nắm được hơi thở, nắm được bước chân. Mỗi ngày ta có thể uống trà nhiều lần. Nhưng nếu muốn thực tập thì ta tự qui ước là mỗi ngày ta sẽ uống chén trà đầu tiên trong chánh niệm. Trong khi uống trà ta biết là ta đang uống trà, ta đang đưa chén trà lên cao, ta đang uống trà và đang để chén xuống. Ý chí tự do bắt đầu. Trước hết ta phải nắm được hơi thở, rồi bước chân, rồi một vài hành động của mình. Cố nhiên ta không thể nào làm được tất cả trong chánh niệm, nhưng ta có thể chọn vài phương pháp thực tập và mỗi ngày ta phải làm cho được. Ví dụ như chải răng, sáng nào chúng ta cũng chải răng, nhưng thường thường thì ta chải răng như một cái máy. Bây giờ ta quyết định: Mỗi khi chải răng ta thực tập chánh niệm. Để kem đánh răng lên bàn chải, ta biết ta đang để kem đánh răng lên bàn chải, đưa tay lên chải răng ta ý thức được từng cử động của bàn tay mình. Chúng ta có thể để hai phút để chải răng mà hai phút đó là hai phút chải răng trong chánh niệm. Ta không để cho cái máy làm, ta làm với ý thức và tự do của mình. Chúng ta nên tìm thêm vài phương pháp thực tập và quyết định làm mới mình mỗi ngày. Buổi sáng chúng ta mở cửa nhìn ra ngoài và ngồi yên ba phút, để ý tới những tiếng động đang xảy ra. Sáng hôm nay vào thiền đường, tôi đã ngồi xuống rồi trong khi một số còn đang đi vào. Tôi đã áp dụng phương pháp này, ngồi rất yên và để ý tới những âm thanh trong thiền đường. Tôi nhắm mắt lại và nhận diện những âm thanh đang xảy ra. Đó cũng là ngồi thiền, chứ không phải đợi có ba tiếng chuông rồi ta mới bắt đầu tập thở. Ta ngồi yên và những âm thanh đó không quấy động được ta, không hẳn là khung cảnh phải thật yên ta mới ngồi thiền được. Có tiếng kéo ghế, có tiếng xì xào, có tiếng đẩy gối, nhưng tất cả những âm thanh đó không làm rộn được ta vì lúc đó chủ đích của ta là ngồi để nhận diện những tiếng động mà ta có thể nghe được. Quý vị cũng có thể làm như vậy. Trước khi đi ngủ hoặc buổi sáng thức dậy, ta có thể ngồi ba phút để lắng nghe và nhận diện những âm thanh trong nhà mình. Ta có thể ngồi trước cửa sổ nhìn ra, nhận diện cội cây này, bông hoa kia, mái nhà đó. Nói tóm lại là ta phải tìm cách để thoát ra khỏi thân phận nô lệ của mình. Tự do là nhờ ta có niệm. Khi có niệm thì ta bắt đầu sống đời sống mới của ta. Khi ta có khả năng thực tập như vậy trong một thời gian, hoặc ba hoặc năm hoặc bảy tuần, khi ta có thể nhận diện được bước chân của ta, hơi thở của ta, cử chỉ của ta, khi ta uống trà hay rửa bát thì lúc đó ta có thể bắt đầu nhận diện được tư duy cảm thọ của mình. Tuy rằng những tư duy kia đang còn tiêu cực và những cảm thọ kia có thể là còn những khổ thọ, nhưng nhận diện được chúng là đã có sự khác biệt lớn rồi. Nhận diện được chúng là mình không còn bị nô lệ cho chúng nữa. Chúng ta khổ đau là vì chúng ta không có tự do, chúng ta chưa thoát ra được thân phận của một cái máy. Niệm giúp cho chúng ta sống không còn như một cái máy nữa. Chúng ta bắt đầu có chủ quyền. Niệm, định và tuệ có thể đưa tới cho ta những vùng năng lượng rất lớn. Theo Làng Mai
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |