Chi tiết tin tức

Không cần trách móc

21:27:00 - 14/09/2015
(PGNĐ) -  Phản ứng tức khắc mang tính bản năng của chúng ta khi có một sự sợ hãi là gán trách nhiệm cho cái nguồn cơn được coi là gây nên sự sợ hãi đó. Sự trách móc có lẽ là một phản ứng thích nghi đối với những tình thế thực sự hiểm nghèo ngay trước mắt khi người ta không có thời gian để suy nghĩ. Ngay cả trong những tình thế không gây nên những nguy hiểm trực tiếp, thì đối với bản ngã của con người, việc hướng sự giận dữ của chúng ta vào người nào hay sự việc nào đe dọa chúng ta cũng dễ được chấp nhận hơn là sự hoang mang hay nỗi tuyệt vọng. Có những sự kiện khủng khiếp xảy ra trong thế giới này, và có những con người gây nên những điều ấy: Vậy phải chăng không có thủ phạm, không có những kẻ hung ác, đáng bị trách phạt?

Xin kể một câu chuyện: Tôi đã tham dự một khóa học bắt buộc dành cho các bác sĩ chuyên khoa ở California được gọi là “Việc nhận diện những dấu hiệu của sự đối xử tệ hại với trẻ em”. Vị thuyết trình viên đầu tiên bắt đầu bằng những mô tả, kèm theo những hình ảnh của một bộ phim đèn chiếu, về những hành động bạo lực khủng khiếp đối với trẻ em mà hầu như tôi rất ít khi được nghe nói tới. Tôi nghĩ là tôi có thể cảm nhận được những người ngồi quanh tôi cũng đều chau mày bộc lộ sự đau xót của họ, và cũng như tôi, mong mỏi vị thuyết trình viên sẽ chuyển sang phần những việc gì có thể làm. Cuối cùng, vị thuyết trình viên cũng nói về phần đó.

Cô ấy nói, “Khi đã rõ ràng là cơ quan xã hội cần phải giành quyền canh giữ đứa trẻ để bảo vệ nó, tôi nói với vị phụ huynh, ‘Tôi hiểu rằng tận trong thâm tâm của chị, chị luôn muốn là người mẹ tốt của đứa con của mình. Và tôi hiểu rằng quả là quá khó khăn cho chị để chăm sóc đứa bé trong giai đoạn này của cuộc đời chị. Chúng tôi sẽ giúp chị. Chị cần phải giao đứa trẻ cho chúng tôi cho đến khi chị đủ mạnh mẽ để tự mình chăm sóc cháu. Hãy cùng tôi đi tới cơ quan xã hội và tôi sẽ giới thiệu với chị người sẽ mang lại những sự sắp xếp tốt đẹp cho đứa trẻ. Chị hãy bế cháu bé và chúng ta cùng đi với nhau”. Trong hầu hết các trường hợp, vị phụ huynh cảm thấy được an ủi. Tôi cầm lấy tay chị ta, hoặc choàng tay qua vai chị ta, trong lúc chúng tôi cùng đi”.

Thính giả trao đổi với nhau những cái nhìn như ngầm nói, “Người phụ nữ này thật là một vị thánh!”. Thế rồi một người đặt câu hỏi, “Làm thế nào mà cô có thể chịu đựng nổi việc chứng kiến điều mà những ông bố bà mẹ ấy đã làm? Làm thế nào mà cô không ghét bỏ những bậc phụ huynh ấy?”.

Vị thuyết trình viên trả lời, “Điều đó không phải là lỗi của họ. Hầu như tất cả những người ấy cũng đã từng bị đối xử tệ bạc. Phần lớn những người trong bọn họ đều có một thói nghiện ngập nào đó. Cuộc sống của họ không trôi chảy. Họ chẳng thấy gì ngoài những tương lai trống rỗng lê thê cứ kéo dài ra trước mặt, thế rồi, thêm vào đó, đứa trẻ quấy khóc. Họ chẳng thể nào làm điều gì khác được. Chẳng có điều gì để trách móc ở đây cả”.

Phải chăng chẳng một ai có thể xử sự theo một cách nào khác? Phải chăng chẳng có một ai đáng bị khiển trách?

Đối xử với trẻ con một cách tệ hại là điều quá đáng. Thế nhưng những biện pháp không thể tránh khỏi mặc dù là thông thường mà những bậc phụ huynh, do bị ràng buộc bởi những hạn chế của chính họ, đã gây đau khổ cho những đứa con mà cả chục năm sau khi đã trưởng thành chúng vẫn nhớ lại và vẫn than khóc thì thế nào? Còn cha mẹ của chúng ta thì thế nào? Có thể nào chúng ta nhận biết những nhầm lẫn của các vị và không trách móc cha mẹ mình? Thế rồi chính chúng ta, những người đang là cha là mẹ thì sao? Tôi nhớ lại, khi còn là một người mẹ trẻ, đã được nghe nhà tâm lý học John Enright nói, “Bà luôn luôn chọn giải pháp đúng, xét theo những tài nguyên mà bà có”. Tôi đã nghĩ, “Thật như vậy à? Kể cả khi tôi đã hành xử một cách tồi tệ à?”. Thì ra nhà tâm lý học có ý nói, chẳng ai đáng trách cả.

Và vậy thì ở mức độ lịch sử thế giới, với những bạn và thù, những đồng minh và đối nghịch, thì thế nào? Mới đây, những người rời khỏi Spirit Rock Center sau một khóa ẩn tu kéo dài một tháng đã hỏi, “Tình hình bên ngoài thế nào? Vui lòng cho chúng tôi biết để chúng tôi khỏi choáng váng khi nghe tin tức”. Tôi trả lời,“Xã hội cũng vẫn hệt như khi quý vị từ bỏ nó: tham lam, thù hận và ảo tưởng vẫn chưa được trừ diệt, và con người vẫn hoàn toàn lo sợ”. Tôi không muốn quan tâm đến chính trị. Tuy vậy, tôi vẫn muốn chuẩn bị cho họ biết rằng mặc dù chiến tranh chưa xảy ra, nó vẫn đang lấp ló ở đâu đó. Tôi cũng muốn gợi ý rằng những điều mà Đức Phật gọi là những cấu uế của tâm thức – tham lam, thù hận và ảo tưởng, những kết quả của vô minh – mới chính là những nguyên nhân của mọi xung đột, chứ không phải là do những dân tộc hay quốc gia riêng biệt nào. Tôi hy vọng rằng nhận thức về điều này sẽ có thể bảo vệ họ khỏi sự đau khổ vì sự thù hận và vì tính cách vô ích của việc trách móc.

Tôn giả Tịch Thiên (Shantideva), nhà luận giải Phật học thế kỷ thứ sáu, đã nêu thí dụ sau đây trong Nhập Bồ-tát hạnh: Giả sử có người đánh ta bằng một cây gậy. Thật là vô nghĩa nếu ta giận cái gậy vì nó đã làm ta đau, bởi lẽ những cú đập đã được thực hiện bởi một con người. Cũng vậy, hướng cơn giận vào kẻ đánh ta cũng vô nghĩa nốt, vì kẻ đó đã bị thúc đẩy bởi tham lam, giận dữ hay ảo tưởng. Sự vô minh luôn trở thành kẻ xấu ác, làm mất lý trí và gây ra đau khổ.

Phải chăng quan điểm của Shantideva vẫn còn có ý nghĩa trong cái thế giới thuộc thế kỷ 21 này? Tất nhiên, những quyết định về chiến tranh và hòa bình đã được đưa ra bởi những con người, những con người mà chúng ta có thể gọi tên và quy trách nhiệm như những kẻ chủ mưu. Mặc dù vậy, tôi vẫn lấy làm ngạc nhiên vì chúng ta không thể hành xử tốt hơn bằng cách nêu tên kẻ thù cần phải đánh bại chính là sự vô minh, ngay cả khi chúng ta vẫn hành động một cách kiên quyết để chống lại những điều chúng ta cho là sai trái trong cuộc đời này, những điều chúng ta đã nhận biết chính xác là nguyên nhân gây ra mọi khổ đau. Điều đó sẽ giúp cho chúng ta quên đi những kẻ thù là con người mà chỉ biết đến những con người đang bối rối cần được giúp đỡ.

Tôi cũng đang tự hỏi rằng chẳng biết tin tức thế giới vài tháng qua ra sao. Nhưng bất kỳ điều gì xảy ra, tôi cũng hy vọng rằng chúng ta sẽ có khả năng từ bỏ việc trách móc. Đó là điều rất khó tưởng tượng, vì vẫn có sẵn những gợi ý về việc gán lỗi. “Phải chi xứ ấy, hoặc dân tộc ấy đã làm những điều khác đi hồi tháng ấy, năm ấy…”. Mỗi khi có thể, tôi luôn tự cắt đứt dòng suy nghĩ như vậy, nó có khả năng làm dâng trào sự giận dữ trong tâm tôi. Và dù sao chăng nữa, cái “phải chi” ấy không bao giờ xảy ra. Điều gì đó đã xảy ra, và bất kỳ điều đó là gì thì chúng ta cũng đang ở đây.

Tôi thường nghĩ đến một hình ảnh quen thuộc về một đứa trẻ bị bỏ trong một chiếc giỏ trước một bậu cửa với một mảnh giấy được ghim trên tấm chăn bọc đứa bé, “Xin quan tâm đến cháu”. Đối với tất cả chúng ta, sự thôi thúc tự nhiên sẽ khiến chúng ta bồng đứa trẻ lên và săn sóc nó. Tôi vẫn cố nghĩ về cái thế giới này như một đứa trẻ bị bỏ rơi, mặc cho những hoàn cảnh tệ hại nhất, bởi những bậc phụ huynh chẳng thể nào săn sóc nó tốt hơn. Có thể nào chúng ta là những tác nhân từ ái, bồng đứa trẻ đó lên, và không một lời trách móc, săn sóc nó? „■

 

SYLVIA BOORSTEIN | ĐOÀN TUẤN dịch

Nguồn: No Blame, Sylvia Boorstein, đăng trên Shambhala Sun số tháng Bảy năm 2003.

Sylvia Boorstein là bác sĩ chuyên khoa tâm lý, tham gia sáng lập Trung tâm Thiền định Spirit Rock tại Woodacre, California; tác giả của nhiều bài viết thường xuyên đăng trên Shambhala Sun, đã xuất bản nhiều tác phẩm về Phật giáo thực hành.

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 184

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin