Chi tiết tin tức

ỨNG DỤNG PHẬT PHÁP TRONG ĐỜI SỐNG

12:43:00 - 27/05/2015
(PGNĐ) -  Tôi rất ngưỡng mộ gia đình người bạn vốn là một gia đình Phật tử thuần thành. Mỗi sáng trước khi hai vợ chồng anh đi làm, đứa con gái đi học, cả nhà cùng nhau thọ trì một thời kinh ban mai. Sau khi dâng hương và đảnh lễ Tam bảo trước bàn thờ Phật của gia đình, mọi ngươi ngồi xếp bằng và đọc vừa đủ nghe một bài kinh ngắn, không chuông, không mõ, đọc chậm rãi, khoan thai, vừa thành kính, vừa chú tâm nghiền ngẫm

 Buổi tối trước khi gia đình đi ngủ hoặc ai nấy làm việc riêng của mình, cả nhà lại thọ trì một bài kinh ngắn dành cho buổi tối, còn phần nghi thức cũng giống như thời kinh ban ngày. Anh nói: “Phải thường đọc đi đọc lại lời Phật dạy để nhớ thực hành, thì Phật pháp mới đi vào tâm hồn, đi vào cuộc sống của mình, lúc đó mới có an lạc”. Ngày Rằm và 30 âm lịch mỗi tháng, người bạn đều đưa con đi chùa lễ Phật, đến phòng phát hành kinh sách Phật giáo để mua sách cho cả nhà đọc. Người bạn dạy con cúng dường Tam bảo khi đến chùa, đóng góp tiền vào thùng lạc quyên từ thiện, bố thí cho người ăn xin tật nguyền, khốn khổ… Mỗi việc làm người bạn đều giải thích ý nghĩa cho con hiểu và động viên, khuyến khích để sau này con làm nhiều hơn.

 

 

 

 

Cứ đến khóa tu định kỳ chùa tổ chức cho lứa tuổi thanh thiếu niên thì người bạn cho con gái tham gia. Anh nói: Cho con tham gia để được quý thầy, quý cô dạy bảo thêm, đồng thời cũng kết duyên với nhiều bạn bè tốt. Qua các khóa tu, con của mình học được rất nhiều điều bổ ích giúp hình thành những đức tính tốt như: lòng biết ơn, tình yêu thương không vị kỷ (từ bi), biết cư xử tử tế với mọi người, biết bao dung tha thứ, lòng kiên nhẫn, có trách nhiệm đối với bản thân và gia đình, xã hội, quê hương, đất nước, cao quý hơn nữa là đối với tất cả chúng sinh. Trẻ cũng được dạy cho biết cách phân biệt đâu là điều tốt nên làm và đâu là điều xấu không nên làm, những gì được gọi là thiện có ích cho xã hội và những gì được gọi là ác có hại cho xã hội, trẻ sớm có nhận thức về luật nhân quả và có niềm tin nơi điều thiện. Trẻ học được bằng trực quan những tấm gương nhân cách từ quý thầy, quý sư cô và từ cha mẹ, bạn bè của chúng. Nền nếp đạo đức, cách ứng xử của những người xung quanh ảnh hưởng rất nhiều đến chúng”.

Việc giáo dục, định hướng từ nhỏ rất có ích cho trẻ. Tạo cho chúng môi trường sống và học tập, lao động lành mạnh có ý nghĩa rất lớn đối với sự trưởng thành và hoàn thiện nhân cách của trẻ. Khi lớn lên chắc chắn chúng trở thành người hữu dụng, người mang lại lợi ích thiết thực và an lạc hạnh phúc cho muôn người. Tôi nghĩ, ngày nay người theo đạo Phật rất nhiều, nếu như ai cũng sống theo lời Phật dạy, ứng dụng Phật pháp vào đời thì xã hội sẽ không còn những nỗi khổ niềm đau. Nếu mọi nhà đều hướng con em mình theo đời sống đạo đức, trí tuệ của Phật, theo tinh thần từ bi của Phật thì thế hệ tương lai sẽ xây dựng một thế giới không như bây giờ. Tuy nhiên, đa phần chỉ quan tâm nhiều đến sinh hoạt tín ngưỡng mà không ứng dụng Phật pháp vào đời sống để tìm thấy những giá trị hạnh phúc đích thực và lợi ích cho nhiều người. Đức Phật từ bi lân mẫn đối với tất cả chúng sinh, Ngài đã ban cho chúng sinh rất nhiều “vị thuốc hay” có giá trị trị liệu những nỗi khổ niềm đau trong cuộc đời, đó là một kho tàng kinh điển đồ sộ mà chưa có một tôn giáo hay hệ thống tư tưởng nào trên thế giới sánh được. Nhưng phần lớn người mộ đạo lại quên đi những “vị thuốc hay” này, vì vậy mà không hình thành được “Phật chất” nơi mình, nơi mọi người, không xây dựng được một thế giới tốt đẹp, an lành, hạnh phúc. Tự bản thân mỗi người cũng không tháo gỡ được những khúc mắc trong đời sống, không giải quyết được những vấn đề mang lại nỗi khổ niềm đau.   

 

 

 

 

Là một người mộ đạo Phật, dù Phật tử hay không phải Phật tử, nếu không nghiên cứu giáo điển, không ứng dụng Phật pháp vào đời sống của mình thì vẫn không thấy được giá trị to lớn của đạo Phật. Niềm tin chỉ an ủi, vỗ về, xoa dịu nỗi khổ đau trong nhất thời chứ không xóa bỏ nỗi đau một cách triệt để. Chỉ có trí tuệ và công phu tu tập, hành trì mới tận trừ nguồn gốc của khổ đau. Hành trì lời Phật dạy là cách duy nhất để đạt được mục đích an lạc hạnh phúc trong hiện tại và mai sau. Vì thế, mọi người cần thực hành, khuyến khích người khác thực hành, dẫn dắt người thân, con em mình thực hành lời Phật dạy để cùng nhau xây dựng một thế giới an vui. Đức Phật đã dạy trong kinh Tứ Thập Nhị Chương“Người học rộng mến đạo mà không hành đạo thì đạo ắt khó gặp. Người thủ chí hành đạo thì đạo kia rất lớn”. Cho nên kính Phật, trọng Tăng, ngưỡng mộ giáo pháp của Phật mà không ứng dụng thực hành, không sống theo lời Phật dạy thì chỉ được một ít phước báo (nhờ tôn kính Tam bảo) chứ không hưởng được pháp vị, không có được giá trị an lạc hạnh phúc trong chánh pháp. Cũng như ta khen thức ăn ngon mà không ăn thì không no được, cũng không thưởng thức được hương vị của thức ăn. Còn người cầu an vui hạnh phúc, cầu đạo giác ngộ, giải thoát mà không hành trì Phật pháp thì khó có được an lạc, khó mong đạt đạo.

  Phạm Minh Quyên (Theo  nigioingaynay.com)

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin