Chi tiết tin tức 5 biểu hiện ít được biết đến của stress 21:16:00 - 08/07/2020
(PGNĐ) - Để xử lý stress, chúng ta cần biết rõ nguyên nhân gây stress và xác định các biểu hiện của stress.
Hầu hết mọi người thường cho rằng bản thân kiểm soát được stress khi không có các biểu hiện thông thường như mất ngủ, nhịp tim nhanh, đau đầu,… Tuy nhiên, stress có nhiều biểu hiện ít được biết đến, theo Viện Quốc gia Hoa Kỳ về Stress. Dưới đây là một số biểu hiện của stress dễ bị bỏ qua.
1. Buồn ngủ liên tục
Ngủ nhiều, đơn giản có thể do cơ thể bị kiệt sức nhưng tình trạng mệt mỏi cũng có thể do stress gây ra. Khi stress quá mức, cơ thể “thúc giục” bạn đi ngủ để nghỉ ngơi.
Theo một khảo sát năm 2015 của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, có đến 32% người bị stress cho biết thường hay mệt mỏi, kiệt sức.
Mệt mỏi quá mức có thể biểu hiện qua 3 dạng thức như sau: cảm giác mệt mỏi về mặt cảm xúc tương tự như vừa tranh cãi với một người bạn; cảm giác thể chất mệt mỏi như vừa chạy bộ một quãng đường dài; và khả năng tư duy, năng lượng làm việc của não bộ đi xuống như sau một cuộc họp kéo dài trong căng thẳng.
Giấc ngủ ngắn tốt cho sức khỏe trong nhiều trường hợp nhưng nếu ngủ liên tục mà vẫn cảm thấy buồn ngủ, có khả năng bạn đang trong trạng thái stress. Nếu có biểu hiện này, bạn cần sớm đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia trị liệu.
2. Bạn như một “quả bóng cảm xúc”
Khi bạn trải qua nhiều trạng thái cảm xúc trong cùng một thời điểm như khó chịu, bực dọc, cô đơn, sợ hãi,…; hoặc cảm giác nặng nề ở vùng ngực, các ý nghĩ chạy đua trong đầu và không thể tập trung vào công việc hay đối tượng nào đó; lo lắng về điều gì đó đã từng xảy ra hay sắp xảy ra trong tương lai… Đây là biểu hiện của stress với cảm giác “bị nhấn chìm, ngạt thở”.
“Bị nhấn chìm” bởi nhiều phản ứng cảm xúc kinh qua trong một thời điểm và cảm thấy quá sức để có thể phản hồi một cách hiệu quả.
3. Bạn “bị đông cứng”
Trong các tình huống căng thẳng, bạn có thể trở nên bất động, được xem là “phản ứng đóng băng”; biểu hiện qua sự tê cứng, khó thở, phần cơ thể nào đó như bị tắc nghẽn.
4. Cảm thấy muốn ngất, xỉu
Stress có thể đi cùng với sự choáng váng, mắt mờ dẫn đến ngất xỉu. Đây là biểu hiện của rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), là kết quả của nhiều yếu tố stress có mặt trong thời gian dài. Nhiều người rơi vào trạng thái ngất, xỉu “để cơ thể được tắt, tạm ngừng hoạt động” nhằm bảo vệ cơ thể.
Một số người cảm thấy mất kết nối với các cảm xúc và nhu cầu, sau khi “sống chung” với nhiều tác nhân stress.
5. Cơ thể đau nhức
Sau khi ngủ dậy, cảm thấy cơ thể đau nhức ê ẩm như vừa chạy bộ đường dài hôm trước đó. Theo các chuyên gia, đau cơ thể là biểu hiện của stress: đau đầu, đau lưng dưới, đau cơ, đau trong hệ tiêu hóa. Đây là các biểu hiện đau thường thấy khi cơ thể bị stress về mặt tinh thần.
Huệ Trần
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |