Chi tiết tin tức Thuốc bổ não có chứa thành phần không được cấp phép? 20:47:00 - 19/12/2019
(PGNĐ) - Một số chế phẩm bổ sung được tiếp thị là có khả năng cải thiện trí nhớ và thúc đẩy não bộ có chứa mức cao một thành phần thuốc không được cấp phép - theo một nghiên cứu gần đây.
Các chuyên gia phát hiện loại thuốc này - piracetam, có mặt trong các bổ sung tăng cường chức năng não bộ (còn được gọi là thuốc bổ não, bổ thần kinh hay thuốc hưng trí). Dù được cấp phép kê toa ở châu Âu, piracetam không được chấp thuận ở Hoa Kỳ trong bất cứ điều kiện nào vì có thể gây ra nhiều tác dụng phụ về mặt tâm lý như: lo lắng, suy nhược tinh thần và mất ngủ - nghiên cứu mới được phát hành vào cuối tháng 11 qua trên tạp chí JAMA Nội khoa.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, các thuốc bổ não có chứa piracetam cao hơn 20% so với niêm yết trên nhãn sản phẩm.
Trong một số trường hợp, nếu người tiêu dùng theo hướng dẫn liều dùng được ghi thì họ sẽ ở vào nguy cơ hấp thu hơn 11.000 mg thuốc này mỗi ngày, vượt xa mức thuốc được kê toa.
“Khi nói đến liều dùng này, chúng ta cũng hình dung được ảnh hưởng của nó đến não bộ” - theo bác sĩ Pieter Cohen, Đại học Y khoa Harvard.
Không giống như các dược phẩm khác, thuốc bổ não và các bổ sung dinh dưỡng khác không trải qua quá trình cấp phép nghiêm ngặt trước khi được bán ra thị trường - Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho biết.
FDA phân loại các chế phẩm bổ sung này là thực phẩm, không phải thuốc. Dù tổ chức này có danh sách thuốc cấm trong hạng mục thuốc bổ não nhưng vì không có sự giám sát mang tính quy định, các nhà sản xuất tự do thúc đẩy các loại thuốc có thể gây ra nguy hiểm này ra thị trường.
FDA đã tuyên bố rõ ràng rằng “piracetam không nên được bán như một bổ sung dinh dưỡng”. Năm 2004, FDA đã cấm các nhà sản xuất chế phẩm bổ sung sử dụng piracetam trong các sản phẩm của mình. Tổ chức này nói rằng piracetam “không phải là thành phần dinh dưỡng” và không được phép tiếp thị như vậy.
Ngoài ra, bất kỳ chế phẩm bổ sung nào có chứa piracetam sẽ được phân loại là một loại thuốc mới và sẽ “không được công nhận là an toàn và hiệu quả khi sử dụng dưới điều kiện được kê toa, khuyến nghị hay gợi ý trong nhãn mác”, theo FDA.
Trong số các sản phẩm được kiểm tra, có 4 nhãn hiệu chứa lượng piracetam ở mức 85% - 118% lượng được niêm yết trên nhãn sản phẩm. Tùy vào nhãn hàng mà người sử dụng có thể hấp thu từ 830 - 11.300 mg piracetam mỗi ngày nếu theo hướng dẫn sử dụng.
Và liều dùng này cao hơn cả liều dùng cao nhất được kê toa cho các rối loạn nhận thức ở châu Âu - bác sĩ Cohen nói rõ. Hơn nữa, người có chức năng thận kém không thể chuyển hóa piracetam tốt và có thể phản ứng xấu với liều dùng cao.
Vì chức năng thận suy giảm theo tuổi tác, nhiều người cao tuổi tìm đến các sản phẩm này có thể đối diện nhiều nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng.
Piracetam lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường thuốc châu Âu vào năm 1971, được quảng cáo như thuốc bổ não đầu tiên giúp tăng cường chức năng nhận thức mà không cần các giải pháp làm dịu hay kích thích khác - theo Thư viện Y dược Quốc gia Hoa Kỳ. Ngày nay, các bác sĩ ở châu Âu hầu hết kê toa thuốc này để trị chứng co rút bắp thịt không tự chủ và cho trẻ gặp khó khăn trong học tập. Ở người cao tuổi, piracetam được dùng để cải thiện chức năng trí nhớ và giảm các triệu chứng mất trí nhớ.
Dù được cho là có tác dụng thúc đẩy não bộ từ lâu nhưng rất ít nghiên cứu thật sự đưa ra gợi ý về khả năng cải thiện nhận thức của thuốc này - theo báo cáo năm 2001 trên tạp chí Cochrane Systematic Review.
Huệ Trần (theo Live Science)
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |