Chi tiết tin tức

Về việc thờ cúng tinh linh Dorje Shugden trong Mật giáo Tây Tạng

20:10:00 - 28/01/2016
(PGNĐ) -  Shugden xuất hiện vào thế kỷ thứ 17, được coi là hóa thân phẫn nộ của Văn Thù Bồ-tát, và là một hộ pháp quan trọng của phái Cách-lỗ (Gelug).

Ngày 4 tháng Hai năm 1997, vào ban đêm, Lạt-ma Lobsang Gyatso và hai người học trò của ông đã bị đâm đến chết ở gần Dharamsala, Ấn Độ, trú xứ của Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14. Lobsang Gyatso là người ủng hộ quan điểm của Đức Đạt-lai Lạt-ma trong việc loại bỏ tinh linh phẫn nộ Dorje Shugden khỏi danh sách các vị Phật và Bồ-tát được thờ cúng theo truyền thống Mật giáo Tây Tạng. Mặc dù nhóm người ủng hộ việc thờ cúng Dorje Shugden phủ nhận các cáo buộc dính líu, song người ta cho rằng đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự sát hại ba người.

Shugden xuất hiện vào thế kỷ thứ 17, được coi là hóa thân phẫn nộ của Văn Thù Bồ-tát, và là một hộ pháp quan trọng của phái Cách-lỗ (Gelug). Theo truyền thuyết, tinh linh Shugden là hóa thân của nhà sư uyên thâm và có đạo đức tên là Tulku Drakpa Gyaltsen (1619-1655). Tulku Drakpa Gyaltsen là một trong những ứng cử viên cho hóa thân của Đức Đạt-lai Lạt-ma đời thứ năm. Tuy nhiên, một Lạt-ma khác đã được lựa chọn thay thế. Tất cả diễn ra trước khi Đức Đạt-lai Lạt-ma đời thứ năm trở thành người trị vì Tây Tạng vào năm Do vậy, trong suốt thời gian trai trẻ, Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ năm là một hóa thân quan trọng, nhưng không phải là quan trọng nhất của dòng Cách-lỗ. Ngài sinh sống ở tu viện Drepung, tại khu Nhà Dưới, trong khi Tulku Drakpa Gyaltsen sống tại khu Nhà Trên, vì lúc ấy cung điện Potala cũng chưa được xây dựng. Dường như giữa hai người này, hay ít nhất là giữa các đệ tử của họ, có sự cạnh tranh quyết liệt. Cho tới một ngày, Tulku Drakpa Gyalten đánh bại Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ năm trong một cuộc tranh luận. Chẳng lâu sau đó, người ta phát hiện ông đã chết, với một chiếc khăn trắng thít quanh cổ. Hoặc là ông bị ám sát, hoặc là tự tử.

Tiếp theo, một loạt những tai họa liên tiếp xảy ra ở trung tâm Tây Tạng nói chung và  đối với Chính phủ Tây Tạng nói riêng. Thậm chí khi Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ năm đang dùng bữa trưa, có một nguồn lực bí ẩn lật tung cả đĩa chén của ngài lên. Cuối cùng thì mọi người cũng xác định được nguyên nhân của những tai họa này là do hồn của Tulku Drakpa Gyaltsen gây ra. Nhiều Lạt-ma và thầy phù thủy được gọi đến để tiêu diệt linh hồn phẫn nộ này. Sau khi tất cả các nỗ lực này thất bại, chính quyền của Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ năm và lãnh đạo cao cấp của dòng Cách-lỗ quyết định xoa dịu linh hồn này, yêu cầu linh hồn không được gây hại và thay vào đó trở thành hộ pháp cho dòng Cách-lỗ. Linh hồn này đã đồng ý, và từ đó Shugden đã trở thành một trong các hộ pháp chính của dòng Cách-lỗ, cho các nhà sư và tu viện của dòng.

Một trong các hoạt động chính của Shugden là bảo vệ dòng Cách-lỗ khỏi các ảnh hưởng của dòng Ninh- mã (Nyingma). Theo vài nguồn thì Shugden sẽ trừng phạt những ai muốn thực hành kết hợp hai dòng này. Việc thờ tự Shugden được khôi phục vào những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này, do nhà sư nổi tiếng dòng Cách-lỗ là Pabongka (1878-1943) dẫn đầu. Lạt-ma Pabongka là đạo sư của rất nhiều những Lạt-ma quan trọng nhất của dòng Cách-lỗ, bao gồm nổi bật nhất là Trijang Rinpoche (1901-1981) của tu viện Ganden – một thầy phụ của Đức Đạt-lai Lạt-ma hiện tại. Trijang Rinpoche  là  người  ủng  hộ  việc  thờ  tự  Shugden  và bản thân Đức Đạt-lai Lạt-ma hiện tại cũng lồng ghép những lời cầu nguyện Shugden vào phép tu hàng đêm của ngài trong nhiều năm.

Sau khi trốn chạy khỏi Tây Tạng sang Ấn Độ, Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 đã tổ chức và lãnh đạo một chính quyền lưu vong để đại diện cho lợi ích của người Tây Tạng. Bắt đầu từ năm 1976, dựa vào lời khuyên của Nechung Oracle, ngài không tiếp tục xoa dịu Shugden nữa, nói rằng bản thân ngài không tán thành phép thực hành này và không muốn bất kỳ ai có liên hệ với ngài, cho dù là đệ tử hay thành viên của chính phủ, thờ tự công khai Shugden. Ngược lại với quan điểm của rất nhiều nhà sư dòng Cách-lỗ, Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 nói rằng Shugden không phải là một vị Phật hay hóa thân của Tulku Drakpa Gyaltsen, mà chỉ là một vị thần thông thường, thậm chí còn là một tinh linh hắc ám, nếu thờ tự sẽ gây ra sự chia rẽ trong cộng đồng người Tây Tạng lưu vong và do vậy đi ngược lại với những mục tiêu hoạt động của Chính phủ Tây Tạng. Việc Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 không chấp nhận Shugden nữa đã gây ra một sự bất đồng lớn trong cộng đồng Cách- lỗ, nơi mà việc thờ tự Shugden còn rất mạnh.

Năm 1996, Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 lại tiếp tục chứng tỏ sự bất tán thành của ngài về việc thờ tự Shugden. Ngài không làm quán đỉnh cho những ai chưa từ bỏ Shugden, vì lo rằng nếu làm vậy sẽ tạo ra sợi dây liên hệ tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của ngài. Những người ủng hộ Shugden cáo buộc rằng tượng của Shugden đã bị những người ủng hộ Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 phá hủy và các nhà sư bị gây áp lực phải ký cam kết không được thờ tự Shugden. Ngày 15/7/1996, chính quyền lưu vong Tây Tạng đã có một tuyên bố có nội dung như sau:

“Các bộ ngành chính phủ, cũng như các tu viện dưới sự quản lý hành chính của Chính quyền Trung ương Tây Tạng bị cấm hoàn toàn việc xoa dịu tinh linh này. Cá nhân từng người Tây Tạng phải được thông tin về việc không khuyến khích sự xoa dịu này, nhưng được tự do quyết định việc thờ tự”.

Tuy nhiên nghị quyết này cũng yêu cầu những người xoa dịu tinh linh này không được tham dự các khóa giảng Mật tông của Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14.

Chính phủ lưu vong Tây Tạng yêu cầu tu viện trưởng tu viện Sera, một trung tâm thờ tự Shugden truyền thống, cung cấp danh sách tên của tất cả các nhà sư hiện còn thờ tự Shugden. Người Giữ Ngai vàng của Ganden, lãnh đạo của dòng Cách-lỗ (do Đức Đạt-lai Lạt-ma bổ nhiệm), đã có một tuyên bố qua đó lên án việc thờ tự Shugden. Về những nhà sư phê phán việc Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 chối bỏ Shugden, ngài nói họ “dành thời gian cho việc xây dựng những âm mưu nguy hiểm và thực hiện những hành vi xấu xa, gần như hành động tấn công các tu viện bằng gươm và giáo và làm tấm áo cà-sa của Phật vấy máu”.

Một trong những nhà sư lên án nghị định của Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 là Geshe Kelsang Gyatso, một nhà sư của tu viện Sera sáng lập ra truyền thống Kadampa Mới (NKT ) ở Anh. Sinh năm 1932 ở Tây Tạng, Kelsang Gyatso đã viết rất nhiều các bài về thực hành Đại thừa và Kim Cương thừa dưới quan điểm của phái Cách- lỗ.  Cũng giống  như  nhiều  Lạt-ma  dòng  Cách-lỗ  tới các nước phương Tây (bao gồm Geshe Rabten, Gelek Rinpoche, và Geshe Gyaltsen), Geshe Kelsang Gyatso là một học trò của Trijang Rinpoche, người đề cao tầm quan trọng của việc thờ tự Shugden. Geshe Kelsang Gyatso tiếp tục xoa dịu Dorje Shugden thành một hộ pháp cho truyền thống Kadampa. Mùa hè năm 1996, các học trò của Kelsang Gyatso lên án Đức Đạt-lai Lạt- ma thứ 14 vì vi phạm quyền tự do tôn giáo, và biểu tình phản đối ngài khi ngài sang thăm Anh Quốc.

Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 đã liên tục bày tỏ quan điểm rằng Shugden chỉ là một tinh linh thông thường, không phải là một vị Phật hay hộ pháp. Mặc dù ngài đã từng thực hành Shugden, song đã chấm dứt từ năm  1975, sau khi phát hiện ra những vấn đề lịch sử, xã hội, và tôn giáo quan trọng liên quan tới Shugden. Theo ngài, có ba nguyên nhân chính như sau:

– Sự nguy hại của việc biến Mật giáo Tây Tạng thành một hình thức thờ cúng tinh linh. Mật giáo Tây Tạng phát triển từ một truyền thống cổ xưa chân chính của đạo Phật mà trường tu Nalanda của Ấn Độ gìn giữ. Truyền thống này bao hàm những bài giảng chính thống từ Phật tổ được xây dựng dựa trên những kiến thức uyên thâm về triết học, tâm lý học và tôn giáo của những bậc Thượng sư Phật giáo như Long Thọ, Asanga, Vasubandhu, Dignaga và Dharamakirti. Vấn đề với việc thực hành Shugden là nó sẽ gây ấn tượng là thực hành một tinh linh chứ không phải là một hộ pháp. Nếu xu hướng này tiếp diễn mà không được kiểm soát, và những người ngây thơ bị những phép thực hành mang tính tập tục này cám dỗ thì sẽ gây ra rủi ro là truyền thống giàu có của Mật giáo Tây Tạng có thể bị thoái hóa thành một dạng xoa dịu các tinh linh.

– Chướng ngại đối với việc phát triển xu hướng bất bộ phái: Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 thường nói rằng một trong những cam kết quan trọng của ngài là đẩy mạnh sự hiểu biết và hòa hợp giữa các tôn giáo khác nhau. Một phần trong các nỗ lực này là ngài cam kết khuyến khích xu hướng bất bộ phái trong tất cả các trường phái của Mật giáo Tây Tạng. Theo cam kết này, Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 noi gương những người tiền nhiệm của ngài, đặc biệt là Đức Đạt-lai Lạt-ma đời thứ năm và đời thứ 13. Xu hướng bất bộ phái không chỉ giúp làm giàu thêm cho tất cả các trường phái của Tây Tạng mà còn giúp ngăn chặn sự phát triển của xu hướng bộ phái, gây ảnh hưởng tới truyền thống Tây Tạng nói chung. Đã xảy ra rất nhiều cái chết của những nhà sư Cách-lỗ khi muốn tu tập theo trường phái Ninh-mã. Với những bằng chứng liên hệ thờ tự Shugden với xu hướng bộ phái, việc thực hành Shugden sẽ là một cản trở lớn trong việc nuôi dưỡng tinh thần bất bộ phái trong truyền thống Mật giáo Tây Tạng.

– Đặc biệt không phù hợp với hoàn cảnh xã hội của Tây Tạng: Xoa dịu Shugden gây ra rất nhiều vấn đề, đặc biệt trong bối cảnh vốn đã khó khăn của người Tây Tạng. Những nghiên cứu viết và truyền miệng cho thấy tinh linh Shugden xuất hiện từ sự bất hòa với Đức Đạt- lai Lạt-ma đời thứ năm và chính quyền của Ngài.

Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 đã mạnh mẽ kêu gọi các môn đồ của ngài xem xét cẩn thận vấn đề thực hành Shugden trên căn bản của ba lý do này và hành xử một cách phù hợp. Ngài đã tuyên bố rằng, là một nhà lãnh đạo Phật giáo với mối quan tâm đặc biệt về dân chúng Tây Tạng, ngài có trách nhiệm phải phản đối những hậu quả tai hại của loại sùng bái tinh linh này. Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14  nói rõ rằng lời khuyên của ngài có được lưu ý hay không lại là việc của mỗi người. Tuy nhiên, bởi bản thân ngài cảm nhận mạnh mẽ về sự tiêu cực của thực hành này, ngài đã yêu cầu những ai tiếp tục xoa dịu Shugden đừng tham dự những khóa giảng Mật giáo chính thức của ngài. „

 

HỒNG  ĐIỆP

Tham khảo:

http://www.dalailama.com/messages/dolgyal-shugden/his-holiness-advice

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 190

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin