Chi tiết tin tức

Thiền Tông và Niệm Phật

21:16:00 - 23/01/2015
(PGNĐ) -  (Bài nghiên cứu của giáo sư Phương Lập Thiên, Viện trưởng viện nghiên cứu sở đại học tôn giáo NDTQ)

Ý chính: Bản văn này giới thiệu ý nghĩa căn bản của Thiền và niệm Phật, luận thuật quan niệm các học giả Phật giáo đối với sự phát triển tư tưởng Thiền tông và Niệm Phật. Từ trên khái niệm đến triển khai rõ ý nghĩa và nội dung vô cùng phong phú của Thiền và niệm Phật, đặc biệt chú trọng về phương diện lịch sử từ sau thời đại nhà Tùy để trình bày mối quan hệ về Thiền tông và niệm Phật. Ở đây tóm lược hệ thống ý nghĩa quá trình diễn biến về Thiền và niệm Phật trong mối quan hệ mang tính đặc trưng theo từng giai đoạn. Sau cùng, luận văn từ trong diễn biến lịch sử của Thiền và niệm Phật để đưa đến kết luận xu thế dung hợp giữa Thiền và Tịnh độ theo hướng đi của Phật giáo Trung quốc. Căn cứ hiện thực của lịch sử Phật giáo và đưa đến nhận định rằng: Từ sau thời Tống thì Thiền Tịnh song tu là phương pháp mô phạm căn bản của sự tu trì Phật giáo Trung quốc. Tin chắc rằng, trong tương lai Phật giáo Trung quốc vẫn duy trì năng lực truyền thống Phật pháp vốn có của chính mình.

Thứ mục

I.   Ý nghĩa căn bản của Thiền và Niệm Phật

II.   Thiền tông và niệm Phật

(1)  Đông Sơn Pháp Môn và Niệm Phật

(2)  Huệ Năng đến Ngũ Gia Thiền Tông và Niệm Phật

(3)  Trào Lưu Thiền Tịnh Song Tu từ thời Diên Thọ đến nay

III. Tiểu kết

Tình huống diễn biến lịch sử của mối quan hệ Thiền tông và Niệm Phật như thế nào? Theo Phật giáo sử Trung quốc, đây là một vấn đề tương đối phức tạp, chứa đựng nhiều phương diện lý luận phong phú và ý nghĩa thực tiển. Bản văn chú trọng luận thuật quá trình diễn biến lịch sử quan hệ giữa Thiền tông và Niệm Phật, đồng thời căn cứ quá trình phát triển, tổng kết tóm lược xu hướng dung hợp Thiền Tịnh và ảnh hưởng đến lịch sử Phật giáo Trung Quốc.

Nội dung

  1. Ý nghĩa căn bản của Thiền và Niệm Phật

(Quá trình phát triển tư tưởng Thiền và Niệm Phật)

Mục đích luận giải về ý nghĩa Thiền và niệm Phật, trước hết cần phải lược yếu ý nghĩa căn bản của Thiền  và niệm  Phật  trong quá trình phát triển của  lịch sử của Phật giáo Trung quốc.

Thiền, tiếng Phạn là Dhyana, dịch âm là thiền na, hán dịch là tư duy, tịnh lự, nhiếp niệm, tức là tư duy trong trạng thái vắng lặng. Thiền là phương pháp quân bình tâm lý, thực hành thiền tư, thiền niệm, thiền quán. Thiền tư là tham thiền trầm tư lìa bỏ tư tưởng, lý luận, khái niệm, giúp tinh thần tập trung phát huy tuệ giác. Thiền niệm giúp cho tâm nhàm chán phiền não và mọi ý niệm dục vọng. Thiền quán là phương pháp tọa thiền và quán sát, quán chiếu chân lý, phủ nhận mọi trạng thái tâm phân biệt và tướng đối đải. Như quán tướng hảo của Phật, quán công đức của Phật, quán bản chất của tâm và các hiện tượng giới.

Tu thiền thường phải tập trung tinh thần, tâm ý, phát triển tâm lý tốt, đưa đến sự an tịnh, hóa giải phiền não, buông bỏ tâm lý xấu ác, tâm an trú vào các cảnh cảnh giới. Thiền là phương pháp khai mở trí tuệ, lìa xa ngã chấp, quán chiếu thâu rõ về nhân sanh và vũ trụ. Kinh giáo thường nói rằng, chuyên tâm tu Thiền giúp tâm đạt đến năng lực phi thường, năng lực thần thông và phát huy nhiều khả năng đặc biệt. Tu thiền có thể thấy Phật, đoạn trừ mê hoặc.

Thiền định: tiếng phạn là Samadhi, hán dịch là Tam ma địa, tam muội. Thiền định giúp tâm chuyên nhất, tác dụng không tán loạn. Đó là trạng thái tâm bất động, ngưng tụ. Theo nghĩa thông thường thiền là định, có thiền mới định, định như kết quả của sự tu thiền. Khái niệm rút từ ý nghĩa chữ Phạn và Hán, đưa đến ý nghĩa Thiền định, đó là thuật ngữ thành quen thuộc. Kì thực, nội dung chính của thiền định là thiền, tức thông qua tọa thiền khiến tâm an định chuyên chất, không bị loạn động. Trạng thái tâm tư tịnh lự, vắng lặng sâu sắc.

Thiền trong ý nghĩa Thiền tông Trung hoa thiên lệch về yếu tố huệ học, không chú trọng ngồi thiền, nhấn mạnh tư duy tịnh lự chuyển hướng đến chủ trương minh tâm kiến tánh, phản bản hoàn nguyên, đốn ngộ thành Phật. Trung quốc thiền tông và thiền của Phật giáo Ấn độ có điểm khác biệt hoàn toàn. Từ thời đại Mã Tổ Đạo Nhất trở lại, Thiền tông Trung quốc  áp dụng tọa thiền phát huy thành sinh hoạt trong thường ngày. Từ tâm lý quân bình thể nghiệm trong đời sống, từ căn bản đó thay đổi nội dung Thiền. Thiền tông Trung quốc còn chủ trương thiền đốn ngộ, tức sự giác ngộ thể hiện từ trong đời sống hằng ngày, thể nghiệm chính bản thân mà đạt được. Đây là điều có thể nói là Thiền và Ngộ không thể phân cách. Ngộ phải thông qua thiền mà đạt được, không có Thiền thì không có Ngộ. Từ ý nghĩa này mà nói, thiền chính là thiền ngộ. Điểm này và Thiền phật giáo Ấn độ có sự khác biệt rất xa.

Thiền tông Trung quốc còn khai mở con đường tắt đưa đến đốn ngộ và sáng tạo phương pháp Thiền ngữ. Chủ yếu những điểm như sau:

(1)Thiền tông lấy minh tâm kiến tánh làm tông chỉ, tánh và tướng đối lập, tướng và niệm liên quan, niệm cùng trụ (Chấp trước) liên quan. Vì đó, Huệ Năng chủ trương pháp môn vô tướng, vô niệm, vô trụ, yêu cầu không chấp thủ vào tướng đối đãi, không sanh khởi niệm tương đối, luôn bảo trì trạng thái tâm không chấp trước vào bất cứ đối tượng nào, đây là một phương pháp siêu việt nội tại.

(2) Tánh và lý, đạo tương thông, ngộ lý đắc đạo, cũng là kiến tánh. Lý, Đạo lại cùng Sự đối đãi, nếu thông đạt Lý, Sự viên dung cũng có khả năng kiến tánh thành Phật. Do đây “Khắp nơi là Đạo” và “Tức Sự mà Chân” trở thành con đường tắt trọng yếu của Thiền.

(3) Thiền ngộ trở thành đời sống thể nghiệm, và phạm trù tinh thần khó truyền đạt bằng ngôn thuyết, vì chẳng phải tính chất của lý tính. Các tổ sư thường điều động ngôn ngữ văn  tự, hành vi động tác, công năng biểu tượng, tính tương đối của của ngôn ngữ đột xuất, hành động biểu thị và hình tượng biểu thị mang tính tượng trưng để Tổng hợp thành phương pháp đặc sắc và phong phú củaThiền đốn ngộ.

Tiếp theo luận về Pháp niệm Phật. “Niệm” là chỉ tác dụng sự nhớ nghĩ đối tượng sở duyên của chủ thể. Niệm Phật là nhớ nghĩ đến Phật làm đối tượng nương tựa. Từ tâm niệm hướng ngoại nay chuyển thành quán niệm, khẩu niệm. Đó là bắt đầu từ pháp xưng niệm Pháp thân Phật trở thành quán thể tướng, công đức của Phật và xưng niệm danh hiệu Phật. Ở đây, gồm ba phương diện niệm Phật: Tâm niệm, khẩu niệm và quán niệm mà phân thành niệm pháp thân Phật, quán tưởng niệm Phật, và niệm danh  hiệu Phật. Niệm Pháp thân Phật tức niệm thật tướng, cho nên gọi là thật tướng niệm Phật. Một học giả Phật giáo Trung quốc là ngài Tông Mật đã từ pháp quán tưởng niệm Phật quán niệm tướng hảo của Phật phân thêm pháp quán tượng Niệm Phật, tức gồm quán niệm tượng Phật và tranh họa về Phật.

Đối tượng niệm Phật là Phật, Niệm Phật theo nguyên thủy Phật giáo là chú trọng quy kính, tán thán, tư niệm về phẩm hạnh của Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Đại thừa Phật giáo quan niệm mười phương ba đời có vô số lượng chư Phật, đối tượng Phật để niệm rất nhiều, phát huy phạm vi pháp niệm Phật.

Đại thừa Phật giáo thường niệm Phật A Súc, Phật Dược Sư, Phật Di Lặc, Phật A Di Đà và Đại Nhật Như Lai, thông thường lấy Phật A Di Đà làm tiêu biểu. Cho đến khi nói đến niệm Phật là nghĩ niệm Phật A Di Đà. Đây là hiện rõ sự thay đổi về đối tượng của pháp niệm Phật.

Kinh điển Phật giáo từ trước đến nay chú trọng niệm Phật làm phương pháp nội dung quán tưởng và thiền quán, cũng chủ trương thông qua phương pháp niệm Phật giúp tâm an định vắng lặng, từ đó mà trở thành phương pháp thiền quán, loại thiền định được gọi là “Niệm Phật tam muội”. Kinh Quán Vô Lượng Thọ có đoạn: “Quán thân Phật Vô Lượng Thọ quang minh, …Thân Phật tướng hảo và nhiều hóa thân phật không thể nói hết. Ngay khi quán tưởng tâm được sáng suốt, quán được như vậy, tức thấy mười phương tất cả chư Phật, thấy rõ chư Phật, gọi là niệm Phật Tam muội.[1]

Nhân vì tu pháp niệm Phật Tam muội, quán tưởng tướng hảo quang minh của vô lượng thọ Phật (A Di Đà Phật), cho nên từ trong thiền định thấy rõ mười phương tất cả chư Phật. Trong pháp niệm Phật tam muội có loại Bát chu tam muội. Hành pháp bát chu tam muội cần có thời gian nhất định (Như bảy ngày hoặc chín mươi ngày), trong lúc đi đứng chuyên tâm dụng công tu niệm, tâm chuyên  niệm danh hiệu Phật A Di Đà. Tu đạt pháp Tam muội này tức thấy chư Phật hiện tiền, cho nên gọi là Phật vị tam muội. Thuật ngữ trong Thiên thai tông là Thường hành tam muội. Trong Kinh “Văn Thù Thuyết Bát Nhã” dạy rằng, nhất tâm niệm Phật, chuyên tu một hạnh niệm Phật, gọi là “ Nhất hạnh Tam muội”

Các học giả Trung quốc rất chú trọng đối việc chỉnh lý phương pháp miệm Phật. Như: “Ngũ phương tiện niệm Phật môn” (Xem ĐCT q 47) năm phương pháp niệm Phật:

1-    Xưng danh vãng sanh niệm Phật Tam muội môn

2-    Quán tướng diệt tội niệm Phật Tam muội môn

3-    Chư cảnh duy tâm niệm Phật Tam muội môn

4-    Tâm cảnh câu li niệm Phật Tam muội môn

5-    Tánh khởi viên thông niệm Phật Tam muội môn

Đây là căn cứ đối tượng căn cơ khác nhau mà nói ra năm phương tiện Pháp môn niệm Phật.

Trong” Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh kinh sớ” (Xem ĐCT, q 35) của ngài Trừng Quán thuộc tông Hoa Nghiêm, cũng đề xuất năm pháp môn niệm Phật

1-    Duyên cảnh niệm Phật môn

2-    Nhiếp cảnh duy tâm niệm Phật môn

3-    Tâm cảnh câu miến (mẫn) niệm Phật môn

4-    Tâm cảnh vô ngại niệm Phật môn

5-    Trùng trùng vô tận niệm Phật môn

      Đây là từ mối quan hệ giữa tâm và cảnh, tức chủ thể và khách thể mà phân thành pháp môn niệm Phật.

Ngài Tông Mật trong “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm Biệt Hành Sớ Sao”, quyển 4 ( Xem Tục Tạng Kinh quyển 7), từ phương diện đối tượng niệm Phật mà Phân thành bốn pháp: Xưng danh niệm phật, quán tượng niệm Phật, quán tưởng niệm Phật và thật tướng niệm Phật.

Thiền sư Phi Tích kiêm tu Luật tông, Mật tông, Tịnh tông trong thời đại nhà Đường có trước: “Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận” (Xem ĐCT, q 47), lấy niệm Phật Tam Muội là vua đứng đầu trong các Thiền định. Ngài từ góc độ thời gian mà phân thành pháp niệm Phật vị lai; Niệm hiện tại Phật và xưng tụng ba đời, gọi là niệm “Ba đời chư Phật”. Ngoài ra có các học giả phân ra ba cách niệm Phật: Niệm tự Phật, niệm tha Phật, tự Phật và tha Phật đều niệm. Niệm tha Phật tức niệm Phật A Di Đà, niệm tự Phật tức là pháp quán tâm, tự tha đều niệm tức là quán Tâm, Phật, Chúng sanh cả ba đều không sai biệt. Trong Phật giáo sử Trung quốc, niệm Phật có nhiều phương pháp, trong đó có nhiều phương pháp do các học giả sáng tạo.

Sau khi pháp môn niệm Phật truyền vào Trung quốc, phương pháp lưu hành nhất là Quán tưởng niệm Phật và Thật tướng niệm Phật. Về sau do hai nhà Tịnh độ học giả Đàm Loan và Đạo Xước khởi xướng, tiếp theo là Thiện Đạo (TL 613-681) sáng lập Tịnh độ tông, lấy pháp xưng danh niệm Phật làm pháp môn chủ đạo tu trì, truyền bá sâu rộng khắp mọi nhà, mọi người. Sau đó, niệm Phật cầu sanh Tịnh độ trở nên lưu hành và chiếm ưu thế. Cho đến bất luận tu theo tông phái nào cũng áp dụng pháp môn niệm Phật, tức đều kết hợp pháp niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Đây là từ pháp niệm Phật của Phật giáo Ấn Độ đến Trung quốc phát triển rộng lớn.

Pháp trì danh niệm Phật thịnh hành ở Trung quốc là do ảnh hưởng tư tưởng “Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận” của ngài Long Thọ qua Phẩm: “Dị hành phẩm”. Trong phẩm nói về đạo Bồ tát “Nếu người siêng năng tu hành, lấy niềm tin làm phương tiện tu hành mau đạt quả vị Bất thối chuyển. Nếu Bồ tát muốn đời này mau đạt đến quả vị Bất thối chuyển, thành tựu vô thượng Bồ đề, nên niệm mười phương chư Phật, xưng danh hiệu Phật.”[2]

Bất thối chuyển là quả vị tu tập của Bồ tát. A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề là trí tuệ giác ngộ viên mãn của Phật. Đây là nói về vấn đề xưng danh niệm Phật là phương tiện dễ tu hành của Bồ tát mau đạt đến quả vị Phật. Tịnh độ tông Trung quốc ảnh hưởng tư tưởng đó và tiếp nhận giáo lý căn bản của Kinh điển Tịnh độ, chủ trương thuyết: “Niệm danh hiệu Phật cầu vãng sanh”. “Kinh Vô Lượng Thọ”quyển thượng, nguyện thứ mười tám có thuyết mười niệm[3].

“Kinh Quán Vô Lượng Thọ” cũng thuyết: “Xưng đủ mười niệm Nam Mô A Di Đà Phật”[4], tuyên dương mười niệm niệm Phật tức được vãng sanh Di Đà Tịnh Độ. Liên quan đến mười niệm vãng sanh, các học giả Phật giáo có giải thích không gióng nhau. Ngài Thiện Đạo giải thích mười niệm là mười thanh xưng danh Phật và cho rằng một đời vô số lần niệm Phật cho đến nhất thanh xưng danh hiệu Phật có thể được vãng sanh cõi Tịnh độ Phật Di Đà. Ngài thiện Đạo chủ trương “Niệm danh hiệu Phật cầu sanh Tịnh độ” đã trở thành tông chỉ căn bản của Tịnh độ tông. Xưng danh niệm Phật vãng sanh thành lập từ hai nguyên lý:

1-    Một là Công hiệu thần lực của danh hiệu Phật A Di Đà. Ba từ “A Di Đà” trong A Di Đà Phật là âm thanh nội tại của pháp giới Phật. Từ “ A” là biểu thị khai mở vũ trụ, âm căn bản của sự phát sanh sinh mạng. Từ “Di” là biểu thị ý nghĩa vô ngã của bình đẳng nhất tâm. Từ “ Di Đà” là thâu nhiếp cùng khắp tất cả pháp giới. Mỗi từ trong ba từ đó đều có đầy đủ ý nghĩa thần thánh. Danh hiệu Phật A Di Đà quy tụ trong pháp thân, báo thân và ứng thân của Phật A Di Đà, đầy đủ vô lượng công đức và trí tuệ. Bản nguyện của Phật A Di Đà là những chúng sanh phát nguyện xưng niệm danh hiệu Ngài sẽ được vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Danh hiệu của Phật A Di Đà trở thành pháp thân của Phật A Di Đà và dung chứa công đức và trí tuệ, cũng là môi giới giữa hai yếu tố phàm thánh tương giao cảm ứng. Chính trong danh hiệu đó thâu nhiếp hào quang phổ chiếu theo bản nguyện của Phật A Di Đà. Khi hành giả niệm Phật A Di Đà sẽ được Đức Phật A Di Đà hộ trì. Tín nguyện trì danh hiệu Phật có thể thâu nhiếp công đức của Phật vào công đức tự thân mình.

2-    Hai là tự tâm của mỗi chúng sanh vốn có phẩm đức của Phật A Di Đà, tâm tưởng Phật tức sanh Phật. “ Kinh Quán Vô Lượng Thọ” có dạy: Chư Phật Như Lai là thân pháp giới, biến nhập nhập trong tâm của tất cả chúng sanh, cho nên lúc tâm tưởng Phật thì tâm này duyên với ba mươi hai tướng  và tám mươi vẽ đẹp. Tâm này làm Phật, tâm này là Phật, trí tuệ cùng khắp chư Phật cũng từ tâm sanh.”[5]

Đó là nói Đức Phật A Di Đà là chân lý tối cao, biến khắp trong tâm niệm của cả chúng sanh, A Di Đà Phật và tâm chúng sanh tương thông tương dung, chúng sanh khẩu niệm A Di Đà Phật, tâm tưởng A Di Đà Phật, tự tâm có thể hiển hiện Đức Phật A Di Đà, cho đến mười phương chư Phật cũng hiện trong đó. Tâm làm Phật, tâm niệm duyên pháp giới Phật, đó là nguyên lý quan trọng của pháp môn niệm Phật.

  1.  Thiền tông và Niệm Phật

Từ thời đại Bồ Đề Đạt Ma đến Trung Hoa truyền bá pháp môn Thiền đến trước thời Huệ Năng sáng lập thiền tông, tư liệu lưu tồn lại không nhiều, trong số tư liệu còn lưu lại có đề cập đến phương pháp niệm Phật áp dụng pháp tu thiền chủ yếu là do tổ Đạo Tín chủ trương. Từ thời Huệ Năng cho đến ngũ gia Thiền tông không chú trọng phương pháp Niệm Phật Thiền, các thiền gia về sau tách rời tư tưởng đó. Nhưng đến thời thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ thuộc thời đại nhà Tống trở về sau, các thiền sư chuyển hướng tu trì pháp môn niệm Phật, từ đó định hình phương pháp Thiền Tịnh hợp nhất.

(1)           Đông Sơn Pháp Môn

      Từ thiền pháp của Bồ Đề Đạt Ma trãi qua thời kỳ của các thiền sư nối tiếp như Huệ Khả, Tăng Xán truyền pháp cho Thiền Sư Đạo Tín (TL 579-651), đến thời thiền sư Hoằng Nhẫn tại huyện Huỳnh Mai tỉnh Hồ Bắc khai sáng thiền pháp gọi là: “Đông Sơn Pháp Môn”, phương thức sinh hoạt và phương pháp của thiền Tăng phát sinh sự thay đổi rất nhiều. Đạo Tín trong tác Phẩm: “ Nhập Đạo An Tâm Yếu Phương Tiện Pháp Môn” có nói: “Pháp yếu của ta y cứ vào Pháp Chư Phật Tâm Đệ Nhất trong Kinh Lăng Già; Còn y Pháp Nhất Hạnh Tam Muội trong Kinh Văn Thù Thuyết Bát Nhã Kinh; tức tâm niệm Phật là Phật, vọng niệm là phàm phu.”[6] Đây chính là cương yếu của pháp thiền Đông Sơn. Pháp Nhất Hạnh Tam Muội trong Kinh: “Văn Thù Thuyết Bát Nhã Kinh” là một phương pháp tu trì chỉ chuyên nhất tâm niệm Phật Tam Muội. Thiền sư Đạo Tín đã đưa pháp: “Niệm Phật Tam Muội” vào phương pháp tu Thiền, nhất mạnh sự hợp nhất Niệm Phật- Thành Phật. Đạo Tín chủ trương mệnh đề: “Tâm niệm Phật là Phật, vọng niệm là phàm phu”. Phương pháp niệm Phật tâm ở đây chủ yếu chuyên tâm niệm danh hiệu một vị Phật: “Hệ tâm nhất Phật, chuyên xưng danh hiệu”[7], niệm như vậy để trừ đi hết thảy vọng niệm. Tâm chuyên niệm Phật, tâm niệm liên tục, trong tâm quán Phật. Trên thực tế, chủ trương đồng nhất niệm Phật và niệm tâm. Niệm Phật theo phương pháp của thiền sư Đạo Tín là xưng danh niệm Phật, quán tưởng, niệm tâm chính là quán tâm. Đây cũng là một phương diện lấy câu niệm Phật mong phát sanh vô lượng công đức, một phương diện khác quán tâm diệt trừ vọng niệm để đạt tâm địa thanh tịnh. Hai phương diện trên đồng bộ, thậm chí gọi là đồng nhất. Đây chính là “Tâm niệm Phật gọi là không có tướng niệm”[8], không khởi niệm phân biệt, không có tâm chấp trước là bản thể của tâm. Tâm niệm Phật đoạn trừ vọng tâm, phiền não, không bám víu vào đối tượng hình tướng. Kết quả sự tu tập ấy sẽ đạt đến tâm “Hốt nhiên thanh tịnh, vắng bặt tướng niệm”[9]. Vì rằng, Phật trong tâm niệm Phật là vô hình tướng, cái tâm niệm Phật cũng không có hình tướng. Trên cấp độ tu niệm ở trình độ cao mà nói, thật sự niệm Phật là không còn có tướng niệm, đến tâm niệm Phật cũng không sanh khởi, chỉ bảo trì tâm thanh tịnh vốn có mới là chân niệm Phật. Đây là phương pháp niệm Phật với tâm vô niệm, đó mới là nền tảng của pháp tu thiền giác ngộ thành Phật : “Thân tâm an trú, trong từng bước đi thường tại đạo tràng, hành động cử chỉ không rời tánh giác”[10].

       Tất cả hoạt động đều là đạo tràng thành Phật, đều thể hiện giác ngộ thành Phật. Cho nên nói: “Rời tâm không có Phật, rời Phật không có tâm”[11], tâm niệm Phât là Phật, chân thật niệm Phật hình tướng Phật và Tâm đều biến mất, Phật và tâm tương dung tương hợp, Phật chính là tâm, tâm chính là Phật. Đây chính là chân nghĩa “ Niệm Phật tức là niệm tâm, cầu tâm tức là cầu Phật”[12].

      Mệnh đề tổ Đạo Tín đưa ra: “Tâm niệm Phật là Phật, vọng niệm là phàm phu”, tức là đưa ra phép đối lập: Tâm niệm Phật và vọng niệm, Phật và phàm phu; tiếp theo mệnh đề lại đưa ra quan điểm tâm niệm Phật, dung thông tâm hiện thực của chúng sanh và tâm thanh tịnh vốn có xưa nay, từ đó mà luận từ pháp niệm Phật rốt ráo làm cầu nối cho sự chứng ngộ thành Phật.

Thần Tú một đại đệ tử của Hoằng Nhẫn cũng thực hành pháp niệm Phật và pháp quán tâm hợp nhất để chủ trương: “Chánh niệm niệm Phật”. Trong tác phẩm “Quán Tâm Luận”, Thần Tú đã nói: “Tu Pháp niệm Phật chính là tu chánh niệm, thông đạt nghĩa là chánh, không thông đạt nghĩa là tà. Chánh niệm tức vãng sanh Cực Lạc? Tà niệm làm sao mà vãng sanh được? Phật là giác, nhân vì quán sát thân tâm, không khởi niệm ác. Niệm tức là nhớ nghĩ, chuyên trì giới hạnh, tin tấn tu hành. Thông đạt giáo nghĩa của Phật gọi là chánh niệm. Nên biết niệm tại tâm, không tại lời nói…Khi xưng danh hiệu Phật, phải hành cái thể của pháp niệm Phật. Nếu tâm không thật tu, miệng tụng suông, công phu sai lạc, có lợi ích gì? Niệm từ tâm khởi, là cái cửa của sự tỉnh giác, thông qua khẩu niệm tức là cái tướng của âm thanh, chấp tướng cầu phước là không đúng vậy”[13]

Thần Tú cho là niệm Phật tại tâm không phải tại miệng, nên tu chánh niệm, bỏ đi tà niệm. Cái gọi là niệm Phật là “Quán niệm thân tâm, không khởi niệm ác”, “Chuyên trì giới hạnh, tin tấn tu hành”. Ở đây, quán tâm là gồm: niệm Phật và bỏ ác hành thiện,  bỏ vọng niệm hiển bày thanh tịnh để thống nhất lại. Thần Tú đã dùng pháp niệm Phật dung hợp với  thực tiển quán tâm của thiền. Ngoài ra có Thập Tuyên trong thiền môn của Hoằng Nhẫn đã sáng lập Nam Sơn Niệm Phật Thiền Môn, Trí Sân và Pháp Trì cũng là hành giả niệm Phật, kiên trì tu hành pháp niệm Phật.

(2)           Huệ Năng đến Ngũ Gia Thiền Tông và Niệm Phật

(Ngũ Gia Thiền Tông: Lâm Tế, Duy Ngưỡng, Tào Động, Vân Môn, Pháp Nhãn)

       Huệ Năng là nhân vật đầu tiên trong thiền tông Trung quốc đề xướng học thuyết: “Tâm tánh vốn tịnh, đốn ngộ thành Phật”, phù hợp với sự phổ biến rộng rãi phạm vi Thiền tông. “Đàn Kinh” thuộc bản Đôn hoàng có chép: “Thế nào là tọa thiền? Trong pháp môn này, tất cả không ngại, tất cả cảnh giới bên ngoài niệm không khởi là tọa, thấy tánh không loạn là thiền. Thế nào gọi là thiền định? Bên ngoài xa lìa tướng gọi là thiền, bên trong không loạn gọi là định”[14]. Cái gọi là Thiền định là đối cảnh mà xa rời mọi tướng trạng cảnh giới, bên trong thì giữ gìn tâm bình đẳng, không tán loạn. Thiền định không cố định vào hình thức tọa thiền truyền thống mà chú trọng và sự điều chỉnh tâm linh một cách siêu thoát. Cùng với sự tương quan này, Huệ Năng còn đưa pháp Nhất Hạnh Tam Muội để mở rộng, phát triển vào thực tế sinh hoạt một cách phóng khoáng, và lập luận rằng: “Pháp Nhất Hạnh Tam Muội là ở trong tất cả mọi thời, đi đứng nằm ngồi thường hành trực tâm vậy”[15]

Nhất Hạnh Tam Muội gồm hai phương diện lý và sự: Về sự hành Nhất Hạnh Tam Muội là niệm Phật tam muội. Về lý hành Nhất Hạnh Tam Muội là quán chân như, quán pháp giới là một thể vốn không sai biệt, tu trì định tâm. Như vậy, Huệ Năng chủ trướng tu thiền là quán chân như thật tướng, khiến tâm linh an định, thực hành xuyên suốt trong đi đứng nằm ngồi của sinh hoạt hằng ngày. Huệ Năng không giảng về niệm Phật, và xem pháp niệm Phật vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thuộc về pháp tu của kẻ “ Hạ căn”. “Đàn Kinh” thuộc Đôn Hoàng bản (35) có chép rằng đương thời có vị quan thứ sử là Vi Cừ tại Thiều Châu đến hỏi đạo ngài Huệ Năng, đoạn đối thoại như sau:

Viên quan thứ sử đến đảnh lễ Huệ Năng và hỏi: “Đệ tử thấy Tăng tục thường niệm Phật A Di Đà nguyện sanh Tây Phương, theo ngài có được vãng sanh hay không? Xin giải trừ lòng nghi vấn”. Đại sư đáp: “Thế Tôn tại thành xá vệ nói tiếp độ sanh Tây phương, Kinh chép rõ ràng, đến đó không xa. Chỉ vì người căn cơ thấp mà nói xa, nói gần chỉ đối với nhân duyên bậc trí. Người có hai hạng, pháp chỉ là một, mê ngộ sai khác thấy có chậm và nhanh. Người mê niệm Phật sanh về đó, người ngộ tự tịnh tâm mình, cho nên Phật dạy, khi tâm thanh tịnh thì cõi Phật tịnh. Người Phương Đông giữ tâm tịnh không mê lầm; nếu người Phương Tây tâm không tịnh có mê lầm, nguyện sanh Đông phương. Như vậy, hai hạng người đều cùng một chỗ! Tâm thanh tịnh thì Tây Phương không xa, tâm khởi niệm không thanh tịnh thì niệm Phật khó đến được. Bỏ mười điều ác thì đến mười phương, không làm tám điều tà thì vượt qua tám ngàn khổ nạn. Chỉ hành trực tâm đến đó nhanh như gảy móng tay. Đại quan tu mười điều thiện, cần gì mà nguyện sanh? Tâm không bỏ mười điều ác làm sao mà Phật đến tiếp dẫn. Nếu ngộ pháp vô sanh, thấy Tây phương trước mắt, không ngộ đại thừa đốn giáo thì niệm Phật vãng sanh khó lắm, làm sao mà đạt được”[16]

      Do đây mà nhận biết, Huệ Năng cho rằng: Tu tập pháp niệm Phật vãng sanh Tây phương cực lạc thuộc hạng “ Người mê”, “Người hạ căn”; chân chánh của “Người ngộ”, “Bậc thượng trí” là tự tịnh tại tâm. Then chốt sự tu trì là tịnh tâm mà không phải là pháp niệm Phật. Tâm bất tịnh niệm Phật làm sao mà vãng sanh Tây phương cực lạc, tâm tịnh thì thế giới cực lạc tây phương hiện tiền. Như thế, phương pháp tu tập và cảnh giới chứng đắc của hai pháp tự tịnh tâm và niệm Phật vãng sanh vốn hoàn toàn khác nhau.  Chủ trương pháp thiền của Huệ Năng và thiền sư Mã tổ đề cao “Bình thường tâm là đạo” và quan điểm “ Đạo bất dụng tu” (Đạo không thuộc tu, nhấn mạnh tư tưởng trực chỉ tâm tánh vốn thanh tịnh), đó là đòn đột pháp mạnh mẽ vào cách tu tập truyền thống như chủ trương niệm Phật, tụng kinh, ngồi thiền, trì giới quá đơn thuần, thậm chí hàm chứa ý phủ định. Về sau thiền sư Nghĩa Huyền thuộc phái Lâm Tế không chủ trương rõ ràng không xem kinh, không thực tập thiền. Sử chép: Lâm Tế Nghĩa Huyền và Vương Thường Thị đến Tăng đường, Vương hỏi:

 Trong thiền đường còn xem kinh hay sao?.

Sư bảo: “Không xem kinh”.

Hỏi tiếp: “Có ngồi thiền không?”.

 Sư bảo: “Không xem kinh và cũng không ngồi thiền”.

 Rốt cuộc tu như thế nào?”

Sư bảo: “Hết thảy giáo nghĩa chỉ mục đích thành phật, thành tổ!”[17]

Nghĩa Huyền cho rằng: “Phương pháp thành Phật và thành Tổ không phải là xem kinh, ngồi thiền. Có thể nói niệm Phật cũng ngoài tư duy của Nghĩa Huyền, đó không phải là phương pháp tu hành đề thành Phật và thành Tổ.

Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải chế định thanh quy thiền viện, đặc điểm quan trọng của thanh quy là không lập điện Phật, chỉ lập Pháp Đường, biểu thị thọ nhận pháp truyền của Phật  tổ, lấy tín chúng hiện tại và Phật pháp là quan trọng.

Nguyên bản “Bách Trượng Thanh Quy” của Hoài Hải bị thất truyền vào thời đại nhà Tống. Từ thời Dương Ức Bắc Tống  trở lại xem các bản thanh quy: “Cổ Thanh Quy Tự”  nhận xét “ Bách Trượng Thanh Quy” một phương diện xem  nhẹ hình thức tu trì niệm Phật, tụng Kinh; một phương diện khác cũng thực hành kết hợp việc tụng kinh và tham thiền, phương pháp tọa tiền và điều hòa thân tâm kết hợp, không bỏ pháp niệm Phật, tụng kinh và ngồi thiền.

Thời đại nhà Nguyên có biên tập lại thành tác phẩm: “Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy”, trong quyển thượng “Chương Trú Trì” có nói chi tiết về vấn đề “Tụng niệm”, phương thức niệm Phật, tụng kinh, nghi thức có quy định thời khóa cụ thể, nơi đạo tràng có bản đồ chỉ vị trí của người vào tu niệm. Trong quyển hạ “Đại chúng chương” có hai chi tiết về “Tọa thiền” và “Nghi thức tọa thiền”. Vấn đề thời gian tọa thiền, trình tự từng bước đều nói rõ ràng.[18]

Về sau có vị Tăng người Nhật là Vô Trước Đạo Trung thâu tập bản “Cổ Thanh Quy Bách Trượng”[19] đặt vào các nội quy liên quan về quy củ thiền lâm, hành sự, khởi nguyên của danh mục và chỉnh sửa thành “Thiền Lâm Tượng Khí Tiên”. Năm 1744 công nguyên có xuất hiện sách viết về nội dung: Phương pháp tụng niệm Thập Phật  trong Thiền tông. Thập Phật là thanh tịnh pháp thân Tỳ Lô Giá Na Phật, Viên Mãn Báo Thân Lô Xá Na Phật, Thiên Bách Ức Hóa Thân Thích Ca Mâu Ni Phật... Tụng niệm có hai loại: Một là Tam bát niệm tụng, bên trong lại phân thành Tam niệm tụng, tức là tụng niệm mỗi tháng  vào ngày mồng ba, mười ba và ngày hai ba. Bát tụng niệm, tức là mỗi tháng tụng niệm vào ngày mồng tám, ngày mười tám và ngày hai mươi tám.  Thứ hai là Tứ tiết tụng niệm, là Kiết hạ (Bắt đầu thời gian an cư), giải hạ (An cư kiết hạ kết thúc), cho đến các ngày lễ mùa đông là bốn lễ trong năm. Lịch tu niệm được thứ tự sắp xếp theo bảng thời khóa, quét dọn Thiền đường, việc hương đèn, báo chuông thức chúng, đại chúng theo thứ tự vân tập niệm danh hiệu Phật.[20] Do đây mà thấy, đến thời năm phái Thiền tông thịnh hành, pháp niệm Phật tu bị đã kích, nhưng vấn đề tụng kinh niệm Phật vẫn là một phương pháp tu trì của Thiền tông. Đến “Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy” trở thành sách trong thời đại nhà Nguyên đã phản ánh đầu thời đường, sau khi Diên Thọ thiền sư chủ trương Thiền Tịnh Song Tu, chốn thiền môn chuyển hướng xem trọng pháp niệm Phật. Từ thời Diên Thọ đến thời Vân Môn, Lâm Tế, Tào Động thì các thiền sư trứ danh chú trọng thực tiển tu trì của Pháp niệm Phật, có thể thấy rõ ràng hơn.

(3)           Trào Lưu Thiền Tịnh Song Tu từ thời Diên Thọ đến nay

      Cuối thời nhà Đường, đời thứ năm của phái Pháp Nhã có Thiền sư Diên Thọ (904-975) đã tập hợp các vị cao Tăng  học giả các tông Thiên Thai, Duy Thức, Hoa Nghiêm cùng ngồi lại giám định, biện giải, viết thành tác phẩm: “ Tông Cảnh Lục” thành một quyển, điều hòa giáo lý Thiền và nội giáo các tông phái phái, tức là tông chỉ nghĩa lý của các tông phái. Diên thọ có soạn “Vạn Thiện Đồng Quy” gồm sáu quyển, đề cao  tính nhất quán của Thiền Tịnh Song Tu. Đây là sự thành lập tông phái Phật giáo từ đời Tùy Đường trở về sau. Giáo lý các tông phái lần thứ nhất được tổng hợp, kiện toàn một cách có quy mô lớn, xuất hiện địa vị của Thiền tông và Tịnh độ, và phương hướng Thiền Tịnh Song Tu. Từ thời Tống trở về sau Niệm Phật Thiền hầu như bao quát các giới Thiền tông. Trải qua các Thiền sư trứ danh của thời Tống, Nguyên, Minh, Thanh cho đến Thiền sư Hư Vân, thiền sư Viên Anh thời đương đại đều phụng hành phương pháp Thiền Tịnh song tu. Thiền Tịnh song tu là một trong những phương pháp tu trì căn bản của Phật giáo bản địa Trung quốc từ thời Tống trở về sau. Thiền tông Trung Quốc lại một lần nữa phát sanh sự chuyển hướng.

      Trong “Vạn Thiện Đồng Quy”, Diên Thọ đã trích lời dạy của Tam tạng Từ Mẫn vào thời Đường như sau: “Tam Tạng Từ Mẫn dạy rằng: Thánh giáo đã thuyết, chánh thiền là chế tâm một chỗ, niệm niệm tương tục, rời xa hôn trầm, tâm giữ bình đẳng. Nếu bị mê ngũ quá nặng, tức khắc niệm Phật, tụng kinh, lễ sám. Hành đạo tụng kinh, nói Pháp giáo hóa chúng sanh, vạn hạnh lành không bỏ sót, sự nghiệp tu hành vốn có, hồi hướng vãng sanh Tây phương Tịnh độ”[21]

      Căn cứ ở đây, Diên Thọ chủ trương Thiền định và niệm Phật kết hợp, tu tập vạn hạnh, vãng sanh Tịnh độ. Tam tạng Từ Mẫn đã từng tham gia học đạo tại Ấn độ, trở về nước chủ trương tu học khác với pháp môn Tịnh độ ngài Thiện Đạo đang chủ trương. Ông phản đối thái độ các nhà Thiền xem Tịnh độ là “Phương tiện thuyết” hướng dẫn cho người mê tâm, dẹp bỏ thái độ cống cao của các thiền Tăng, chủ trương Thiền giáo hợp nhất, Tịnh giới kiêm hành, Thiền Tịnh song tu, đề cao niệm Phật vãng sanh, nhấn mạnh tu trì mọi hạnh hồi hướng sanh Tây Phương Tịnh độ. Diên Thọ kế thừa giáo nghĩa Huệ Nhật, nỗ lực hoằng dương Thiền Tịnh song tu. Sư bảo rằng: “Gióng như ngọc xanh bỏ vào trong nước đục, nước đục sẽ lắng trong, niệm Phật đối với tâm loạn, tâm loạn thành tâm Phật. Sau khi khế hợp, tâm và Phật đều tịnh lặng, cả hai đều mất, đó là định”[22] Nhận thức rằng, niệm Phật trợ giúp thiền định, niệm Phật là một phương pháp thiền định, cả hai hoàn toàn thống nhất. Sư còn trước tác kệ “Niệm Phật Tứ Khoa Luyến”, nội dung như sau:

“Có Thiền mà không Tịnh độ, mười người chín người lạc; Âm cảnh khi hiện tiền, tùy đó mà ra đi. Không Thiền có Tịnh độ, Vạn người tu vạn người qua; Khi gặp Phật Di Đà, lo gì không khai ngộ. Nếu Thiền có Tịnh độ, gióng như hổ thêm sừng, hiện đời làm thầy người, tương lai làm Phật tổ. Không Thiền không Tịnh độ, Giường sắt với trụ đồng, ngàn đời đến vạn kiếp, khó được nương thân người.”[23]

      Trong mối quan hệ giữ thiền và Tịnh, Diên Thọ cho rằng Thiền không có Tịnh độ, mười người có chín người lạc ma đạo. Không thiền có Tịnh độ thì vạn người tu không mất một người, được thoát li sanh tử; cũng có thể nói Tịnh độ so với Thiền là cao hơn. Phương pháp tu hành Tịnh độ là trở về nhà. Diên Thọ cho rằng nhấn mạnh Thiền Tịnh Song Tu là pháp tu tối cao, hiện đời là làm thầy trời người, tương lai thành  ngươi đạt lý tưởng tối cao.

Thiền môn xưa nói “Duy tâm Tịnh độ”, cho rằng: “Tịnh độ” là biểu hiện“Tịnh tâm”, rời tâm không có tồn tại “Tịnh độ” độc lập. Tịnh độ tông thì hoằng dương “Tịnh độ”, đây là lấy A Di Đà làm giáo chủ Tây phương cực lạc, là xa rời tâm người, thế giới đó xa rời xã hội thế tục. Diên Thọ tận lực điều hòa hai loại Tịnh độ. “Viên tu thật nghĩa” trong “Vạn Thiện Đồng Quy Tập”, từ lý và sự, quyền và thực, nhị đế với mười phương diện dung hợp các loại không cùng giáo nghĩa. Diên Thọ cho rằng: “ Duy tâm Tịnh độ”, ngoài tâm không có pháp là “Lý”; gửi thân tại thế giới Tây Phương là “Sự”, mà “Lý sự vô ngại”, nên “Duy tâm Tịnh độ” và “Tây phương Tịnh độ viên dung vô ngại”. Phật thuyết “ Nhị đế”, Tây phương Tịnh độ thuộc “Tục đế”, mà không tục và không chân, và cùng “Duy tâm Tịnh độ” là nhất quán. Diên Thọ điều hòa hai loại Tịnh độ mục đích khẳng định “Tây phương Tịnh độ”. Đưa lý niệm “Tây phương Tịnh độ” dung nhập vào lý luận Thiền tông và thực tiển. Lấy vãng sanh “Tây phương Tịnh độ” làm mục tiêu sau cùng của tu thiền và lý tưởng tối cao.

Tư tưởng Thiền Tịnh Song Tu của Diên Thọ đối với các phái thiền tông đều phát sanh ảnh hưởng sâu sắc. Người thuộc tông Vân Môn, có Thiên Y Nghĩa Hoài đề xướng Thiền Tịnh Kiêm Tu. Trong tông phái có Huệ Lâm thừa kế Nghĩa Hoài, Trường Lô Ứng Phu và cư sĩ Dương Kiệt đã chủ trương tham Thiền mà lại chuyên niệm Phật. Trong cửa thiền Ưng Phu, chư Tăng thường luận quan hệ giữa Thiền và Tịnh, có đoạn: Niệm Phật không ngại tham thiền, tham thiền không ngại niệm Phật, Pháp có hai môn, lý cùng một hướng. Bậc thượng trí thường hành nhị đế dung thông, bậc hạ trí lập thành nhị biên, cho nên không hòa hợp, hay khởi niệm phân tranh. Cho nên người tham thiền hủy báng niệm Phật, người niệm Phật báng người tham thiền, nhân vì chấp thật(Lý) hủy báng quyền(sự), chấp quyền hủy bang thật, cả hai hạng người này đều chưa thành tựu, cửa địa ngục trước mắt! Nên biết căn cơ sâu cạn, chọn pháp tu thích hợp. Gióng như người điền chủ làm sao mở kho, người mở kho biết thực hiện cách mở. Nếu như yêu cầu người chủ điền đi mở kho, như người què chân leo núi. Nếu yêu cầu người chủ thành người mở kho, gióng như lương dân là sai. Cuối cùng chẳng hợp lý, không bằng người điền chủ nên làm người điền chủ, người mở kho nên tự mở kho, bên nào cũng hợp lý, đều được vừa lòng. Cho nên niệm Phật và tham thiền mỗi tông đều có tông chỉ riêng, núi sông tuy khác, cùng đồng trăng mây, cái gọi là: Khắp nơi dương biếc tung vó ngựa, nhà nhà mọi nẽo thông Trường an.[24]

      “ Khai kho” là khai mở kho, ý nói là niệm Phật và tham thiền tuy hai phương pháp tu khác nhau, nhưng cả hai đều cùng mục đích. Phương pháp tu hành và căn cơ chúng sanh có quan hệ, bậc thượng trí kiêm tu Thiền Tịnh, bậc hạ trí có thể chọn một pháp tham thiền hay niệm Phật, tất cả trở về một nẻo, đều thành Phật. Đều có ý nói, có thể Thiền Tịnh song tu, lại có thể niệm Phật tham thiền, cuối cùng trở về một môn. Đây là căn cứ đối tượng chúng sanh khác nhau mà quyết định.

Sau thời đại nhà Tống, Phái Lâm Tế cũng có chủ trương Thiền Tịnh song tu, như thiền sư Tử Tâm Ngộ Thân đã đắc tông chỉ tham thiền cũng là nỗ lực khuyên tu niệm Phật. Sư bảo: “Viên Thanh Châu thả vào nước đục, nước đục trở nên trong xanh. Câu niệm Phật gieo vào tâm loạn, tâm loạn thành tâm Phật. Phật tức không loạn, ví như nước trong xanh.”

Công phu chỗ nào? Như Lương Cữu từng bảo: “Mấy độ bảo dông nghiêng mặt biển, chưa từng nghe đạo thuyền câu nghiêng”[25]

      Tư tưởng này cùng phương pháp của Diên Thọ là một, cũng là đề cao niệm Phật định tâm, dùng niệm Phật nhập vào thiền định, chủ trương niệm Phật thiền. Đến thời đại nhà Nguyên các thiền sư trứ danh phái lâm tế chủ trương Thiền Tịnh Song Tu càng thêm nhiều. Trung Phong Minh Bổn một mặt dùng thoại đầu tu thiền, mặt khác chủ trương Thiền Tịnh dung hợp, xác nhận rằng ngoài Tịnh độ không có thiền, Tịnh độ và Thiền là tâm, cả hai cùng một thể, danh tướng có khác nhau. Sư trước tác “ Quán Tâm A Di Đà Kệ”, khuyên người niệm Phật A Di Đà để cầu sự bình an. Nội dung bài kệ như sau:

“ Phật A Di Đà thân sắc vàng, tướng tốt trang nghiêm không gì bằng. Bạch hào uyển chuyển như năm núi Tu di. Mắt xanh như nước trong bốn biển. Trong hào quang hóa vô số Phật, hóa Bồ Tát cũng nhiều vô biên. Bốn mươi tám nguyện độ chúng sanh, chín phẩm sen vàng qua bờ giác.”[26]

Chủ trương niệm Phật A Di Đà để cầu vãng sanh Tây phương Tịnh độ. Thiền sư Trung Phong Minh Bổn, Pháp Từ, Thiên Như, Duy Tắc cũng kiêm luôn công việc hoằng dương giáo nghĩa Tịnh độ. Sư bảo: “ Vĩnh Minh ngộ đạo thiền chân truyền từ tổ Đạt Ma, mãn thân sanh thượng phẩm, lấy đó giải trừ chấp tình của các thiền sinh, vì thời mạt pháp mà khuyên tín tâm. Đó là người có công thâm sâu đối với các tông phái vậy.”[27] Đây là khẳng định điều then chốt của chủ trương Thiền Tịnh Song Tu của  thiền sư Diên Thọ. Sư còn chủ trương thuyết Thiền Tịnh Đồng Nhất. “Tham thiền vì thoát sanh tử, niệm Phật cũng vì thoát sanh tử. Thiền là trực chỉ nhân tâm, kiến tanh thành Phật. Niệm Phật đạt duy tâm Tịnh độ, thấy bản tánh Phật A Di Đà Như thế gọi “Bản Tánh Di Đà, Duy Tâm Tịnh độ” , như thế không gióng nhau hay sao?[28]

       Nhấn mạnh Thiền và Tịnh đều vì giải thoát sanh tử, mục đích hai pháp tu đều tương đồng: Niệm Phật là con đường tắt đạt Duy Tâm Tịnh Độ, thấy bản tánh Phật A Di Đà; cả hai phương pháp Thiền và Tịnh chỉ là một. Trong tác phẩm: “Tịnh Độ Hoặc Vấn” của thiền sư Duy Tắc, trong thiền tất yếu có niệm Phật và nói niệm Phật nên dùng pháp xưng danh là hơn hết. Sư Nói: “ Niệm Phật hoặc chuyên tâm duyên ba mươi hai tướng, chuyên chú tâm sẽ đắc định, mở mắt và nhắm mắt thường thấy Phật. Nếu xưng danh hiệu, chuyên niệm không tán tâm, cũng được thấy Phật. Ngay trong thời gian này phần nhiều dùng pháp xưng danh hiệu Phật là tốt hơn hết….. Xưng danh bất kể nhiều hay ít quan trọng là nhất tâm nhất ý, tâm và khẩu tương tục, như thế mới đạt nhất niệm diệt tám mươi ức tội kiếp sanh tử…..Mười niệm niệm Phật là mỗi buổi sáng hướng về Tây, đứng thẳng, chắp tay, xưng danh hiệu A Di Đà Phật, một hơi thở một niệm, như thế mười hơi thở là mười niệm, mười hơi thở liền nhau khiến tâm bất loạn, công phu tinh chuyên. Mười niệm Phật là mượn hơi thở buộc tâm, thực hành trọn đời không nên dừng nghỉ.[29] Cho rằng xưng danh niệm Phật cao hơn pháp quán tâm, là phương pháp hữu hiệu nhất diệt tội và được vãng sanh. Cuối đời Nguyên có Sở Thạch Phạm Kì thuộc tông Lâm Tế xứng hiệu là sư tử vương, tinh thông giáo nghĩa Hoa Nghiêm, tuyên dương Giáo Thiền Nhất Như: “Giáo là khẩu Phật, Thiền là tâm Phật, người chưa hiểu đạo nghe một lời, chỉ như người vừa mở miệng nói liền hướng đến lý mà thể nhập. Nếu ngồi không dùng miệng lưỡi phán xét thiên hạ, đó thuộc loại thiền gì, y cứ  Giáo nghĩa nào?”[30]

Sư soạn thơ ca về Tịnh độ: “Quê hương Tịnh độ tại hướng Tây. Chuyên tâm cất bước thẳng lối về. Không trung nhạc rước âm rền vang. Nước trong hoa nở ngát hương sen.  Có hàng cây báo trăm món ngọc. Chúng dân y phục hơn cảnh thiên. Di Đà từ bi nguyện tiếp độ. Không uổng năm mươi năm niệm chuyên cần…..”

“Một tấc thời gian một tấc vàng. Khuyên người tu niệm rán hồi tâm. Muôn phần lầu gác cảnh trang nghiêm. ..Lò hương trong đỉnh chưa tàn hết, Trên không Thánh chúng đã đến nghinh. Muôn cõi thế giới tuy thanh tịnh, chỉ có Di Đà nguyện lực sâu.” [31]

      Bài kệ tán dương cảnh trang nghiêm thù thắng cõi Tịnh độ và nguyện lực thâm sâu của Phật A Di Đà. Tào Động đời Tống có thiền sư Chân Hiệt Thanh Liễu và thiền sư Hoành Trí Chánh Giác- người sáng lập ra pháp Mặc Chiếu Thiền đều là cao đệ của Thiền Sư Đơn Hà, chủ trương rằng: “ Chỉ niệm Phật A Di Đà, cầu sanh Tây Phương Cực Lạc”[32] Lại nói: “ Con đường tắt chỉ có  pháp niệm Phật. Thành quả cao mà đễ thực hành là pháp niệm Phật. Nếu không niệm Phật mà cầu thoát li thì không có kết quả mong muốn, khuyên người thanh tịnh, nhất tâm niệm Phật, cầu nguyện vãng sanh, quyết không hư dối”[33]. Sư còn phê bình phương pháp Khán thoại đầu của Đại Huệ Tông Cảo: “Như hiện nay thông thường theo lời của thầy, lời tương tợ, nghiên cứu tức ngộ, hợp trên cửa miệng, rồi truyền tâm, chỉ là ấn bản của người xưa mà dựng lại, tham tới tham lui, chỉ đạt ngoài lớp da của Thiền. Đi đâu cũng tranh luận hơn thua với mọi người, vô minh ngập lòng”[34] Lại nói: “Ông hôm nay chỉ đem lời nói làm công án huyền diệu của ngươi xưa đặt tại da bụng, xem đó là cứu cánh của sự tu học, đó là đàm dãi của người, nay đem nuốt vào , làm ô nhiễm tâm mà thôi”[35]

        Chỉ trích pháp tham thoại đầu truyền thọ trên cửa miệng, cho là đại ngộ, thực tế chỉ là tà kiến, ô nhiễm tâm tánh. Đồng thời, Thanh Liễu lại chủ trương “ Đem bốn chữ A Di Đà Phật làm thoại đầu, tất cả mọi thời từ sáng sớm hành thập niệm Phật, tiếp giữ luôn chánh niệm”[36] Đó là lấy bốn chữ A Di Đà làm thoại đầu, lấy niệm Phật thay công án, chủ trương “ Khán thoại niệm Phật”, hình thành hình thức mới pháp khán thoại đầu, đó cũng là hình thái đặc thù Thiền Tịnh dung hợp.

Lại nữa, đầu đời nhà Minh có Vô Minh Huệ Kinh căn cứ chủ trương của các thiền gia:” Duy tâm tịnh độ, tự tánh Di Đà”, lại nói: “người niệm Phật, cần tịnh tâm, tịnh tâm niệm Phật, tịnh tâm nghe, tâm là Phật và Phật là tâm, thành Phật không ngoài định tâm thanh tịnh”[37].Lại nói: “Niệm tức Phật, Phật tức niệm”[38]. “Tâm niệm Phật tức Tịnh độ”[39] Sư nhấn mạnh rằng chúng sanh vốn đầy đủ Phật tánh: “ Chỉ có giác tánh hằng sáng soi, Vũ trụ bao la biến cùng khắp. Trăm ngàn vạn kiếp dầu quên đó, dài ngắn thời gian chẳng so lường. Giác tánh sáng ngời  ngoài sanh tử, đến đi vô ngại vốn thường còn. Đúng đúng sai sai đều như mộng, chân thật an lạc vốn thường còn”[40]

“ Linh quang” tức Phật tánh, thanh tịnh không ô nhiễm, huyền diệu thường phóng quang minh. Khuyên bảo chúng sanh nhận rõ Phật tánh chính là thành Phật. Huệ Kinh thường khuyên niệm Phật, cũng đề xướng Thiền khán thoại đầu, sư bảo: Người tu thiền, tâm nhãn chưa khai mở, nên nắm giữ thoại đầu”[41] Thiên môn của Nhất Như Đại Huệ biểu hiện xu thế tu học kết hợp giữa Tào Động và Lâm Tế”

      Đại Huệ cùng bốn cao Tăng cùng cuối thời Minh như: Châu Hoằng, Chân Khảm, Đức Thanh, Trí Húc tiến đến sự điều hòa lập trường các tông phái, họ chủ trương Thiền Tịnh Song Tu, dù trình độ khác nhau nhưng cùng hồi quy Tịnh độ. Trong bốn vị đại sư đó, có thiền sư Đức Thanh có công lớn trong việc khôi phục tổ đình Thiền tông ở Tào Khê nên được tôn xưng là Tào Khê Trung Ích Tổ Sư, đó là đang lúc Thiền tông còn thịnh hành. Đức Thanh cũng nỗ lực đề xướng Thiền tịnh hợp nhất. Sư nói: Phương pháp tham thoại đầu, điều thiết yếu là minh tâm…Thực hành niệm Phật và tham thiền là pháp môn rất thỏa đáng.”[42]

      Đối với pháp khán thoại đầu, sư nhấn mạnh: “ Người xưa bảo khán thoại đầu tham thiền là điều bất đắc dĩ. Công án tuy nhiều, nhưng chỉ có pháp miệm Phật là phổ biến chính đáng, là pháp môn dễ thành tựu nhất trong đời.”[43] Khởi xướng tu thiền gồm niệm Phật và thoại đầu, sư kiến giải như sau: “Ngồi thiền nhưng thiền không thuộc tại ngồi. Nếu xem ngồi mới thiền, vậy thì làm gì hết bốn oai nghi đi, đứng, nằm ngồi? Mặt khác không hiểu thiền và tâm là tên có sai khác, nếu hiểu thấu tâm thể vốn vắng lặng, vốn là không lay động, vậy sao còn chấp vào tu trong lúc đi và đứng? Buông lung không đạt bản tâm, nên ngồi cũng y theo pháp. Định cũng chẳng có thể nhập, nếu tâm nhập định cũng chẳng phải đại định. Điều đó có nghĩa: “ Phật thường trong đại định, an định trong mọi thời, làm sao có tướng xuất nhập?”.[44]

      “Na Già”, là chỉ cho Phật. Phật đi đứng nằm ngồi đều có chánh định, Căn cứ ở đây Na Già cũng gọi là “ Thường tại định”. Đây nói thiền là tâm, không câu nệ và hình thức ngồi. Lại nói đại định không thể nhập vì Phật vốn không có tướng xuất nhập mà thường tại định. “ Nay nói niệm Phật, tức là tự tánh Di Đà, cầu Tịnh độ tức là Duy Tâm Cực Lạc. Mọi người thực hành niệm Phật chuyên cần, mỗi tâm Di Đà hiện, từng bước đến Tây Phương, lại khỏi cần trông quốc độ bên ngoài xa mười ức Phật độ, có một cõi Tịnh độ khác để trở về hay sao?[45] Khuyên người niệm Phật để đạt ngộ tại tâm tánh, thành tựu  Duy tâm Tịnh độ, cũng là  chủ trương niệm Phật và Thiền hợp nhất.

Đương đại thiền sư Hư Vân Hòa Thượng (TL 1840-1959) kế thừa  tư tưởng  năm phái thiền, trường kì tham thiền, lâu ngày thể ngộ. Sư không chỉ tôn trọng giáo nghĩa năm phái Thiền mà còn chủ trương Thiền Tịnh song tu. Sư nói: Pháp môn tham thiền niệm Phật vốn là do Phật Thích Ca nói ra, đạo vốn không có hai, chẳng qua chúng sanh căn cơ không đồng, nên vì bệnh cho thuốc, phương tiện nói ra nhiều phương pháp để thâu nhiếp mọi người”[46] Lại nói: “Trong mọi động tịnh, chuyên tâm niệm Phật, rốt ráo ngồi thiền thiền thì đạt nhất tâm, tham cứu Niệm Phật là ai”. Như vậy là cả hai pháp, không là hoàn hảo hay sao?”

Trong quan niệm Thiền sư Hư Vân khởi xướng Thiền Tịnh Song Tu còn cho rằng: “Tham thiền niệm Phật, tụng chú và tất cả pháp môn đều phá trừ phiền não mê vọng của chúng sanh, hiển bày tâm tánh, không có cao thấp, căn cơ có nhanh chậm. Trong đó, pháp môn là phương tiện thỏa đáng nhất”[47].  Điều đó xuất hiện tư tưởng của thiền sư đương đại khẳng định cao độ tầm vóc pháp môn trì danh niệm Phật mang tinh hài hòa. Thiền sư Viên Anh (TL 1878-1953) với tông chỉ truyền bá song hành Giáo – Tông, chú trọng Thiền Tịnh, Tịnh độ tại tâm. Thiền Tịnh xuất hiện vì căn cơ chúng sanh mà khai mở pháp môn sai biệt, Thiền là đối với người căn cơ cao tu hành, niệm Phật không biệt hạng người ngu trí, già trẻ đều áp dụng được. Nhưng niệm Phật đạt đến mục đích sau cùng thì không khác Thiền. Viên Anh chủ trương Thiền Tịnh Song Tu. Khi tu Thiền duyên tâm đến Phật, tức an định tham cứu thoại đầu của Phật A Di Đà, thực tế là đưa thiền dung hợp vào Tịnh độ, lấy Quy Tâm Tịnh độ là căn bản của sự tu hành.

  1. Tiểu kết

      Tổng hợp sự trình bày nội dung ở trên, chúng ta có thể thấy mối quan hệ giữa Thiền tông và niệm Phật với những quan niệm như sau:

Từ Bồ Đề Đạt Ma đến Trung Hoa truyền pháp trở về sau, trước là kiêm tu niệm Phật, sau thời đại nhà Tùy thì tách rời Pháp niệm Phật, sau đó lại chuyển sang khởi xướng pháp niệm Phật. Có thể nói, trên phương diện quan hệ giữa Thiền và niệm Phật diễn tiến như hình chữ  “之”; biểu hiện thời gian chuyển biến từ Huệ Năng và Mã Tổ, đến Diên Thọ đã khởi lên tính tác dụng then chốt.

Thời Tống trở về sau, hình thức kết hợp Thiền tịnh, đại thể là gồm ba loại: Một là niệm Phật Thiền, đó là thực hành pháp thiền niệm Phật. Hai là khán thoại đầu niệm Phật, tức lấy bốn từ “ A Di Đà Phật” làm phương pháp tham thiền thoại đầu. Ba là dung hợp Thiền và Tịnh, đây là lấy Thiền làm pháp môn tu hành vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ; đồng thời nhấn mạnh quan niệm duy tâm Tịnh độ. Thiền Tịnh dung hợp là phương hướng sau cùng của Phật giáp Trung Hoa thời cổ đại, thể hiện quan niệm tự lực và tha lực, nội tại siêu việt và ngoại tại siêu việt, thế giới này và thế giới bên kia thống nhất. Cơ chế dung hợp Thiền Tịnh có ba điểm: Một là do căn cơ mà nói, đa số các bậc thiền sư đều cho rằng hai pháp môn Thiền Tịnh là thích ứng với phương thức tu hành cho tất cả chúng sanh có căn cơ trình độ bất đồng. Mỗi pháp môn đều thích ứng với đối tượng người tu hành, từ đây có thể nói hai pháp môn không có mâu thuẩn. Hai là do lý viên dung, tức là lý sự của Thiền và Tịnh với nhị đế tương thuận; suy nghiệm lý sự và nhị đế viên dung để luận chứng dung hợp vô ngại. Ba là phối hợp luận, như chủ trương niệm Phật lúc tán động, tham thiền lúc tọa thiền, như vậy là sự phối hợp bổ sung đưa đến hiệu quả cao cho sự phương thức tu hành./.

 

[1] ĐCT, q 12, tr 343

[2] ĐCT, q 26, tr 41

[3] ĐCT, q 12, tr 268

[4] ĐCT, q 12, tr 346

[5] ĐCT, q 12, tr 343

[6]“Lăng Già Sư Tư Kí”, q hạ; ĐCT, q 85, tr 1286

[7]“Văn Thù Thuyết Bát Nhã Kinh”, q hạ; ĐCT, q 8, tr 731

[8]“Nhập Đạo An Tâm Yếu Phương Tiện Pháp Môn”, dẫn: Lăng Già Sư Tư Kí; ĐCT, q 85, tr 1287

[9] “Nhập Đạo An Tâm Yếu Phương Tiện Pháp Môn”, dẫn: Lăng Già Sư Tư Kí; ĐCT, q 85, tr 1287

[10]“Nhập Đạo An Tâm Yếu Phương Tiện Pháp Môn”, dẫn: Lăng Già Sư Tư Kí; ĐCT, q 85, tr 1287

[11]“Nhập Đạo An Tâm Yếu Phương Tiện Pháp Môn”, dẫn: Lăng Già Sư Tư Kí; ĐCT, q 85, tr 1287

[12]“Nhập Đạo An Tâm Yếu Phương Tiện Pháp Môn”, dẫn: Lăng Già Sư Tư Kí; ĐCT, q 85, tr 1287

[13] ĐCT, q 85, tr 1273

[14] “Trung Quốc Phật Giáo Tư Tưởng Tư Liệu Tuyển Biên’, q 2, tr 10-11. NXB Trung Hoa, 06/1983

[15] Cùng bản trên, tr 9

[16] Cùng bản trên, tr 18

[17] Ngũ Đăng Hội Nguyên, q 11; tr 649 Lâm Tế Huyền Nghĩa Thiền Sư, NXB Trung Hoa, 10/1984

[18] “Cổ Thanh Quy” ĐCT q 48, tr 1121

[19] “Cổ Thanh Quy” Cùng bản trên

[20] Thiền Lâm Tượng Khí Tiên, q 6, tr 97

[21] “Vạn Thiện Đồng Quy, q thượng” ĐCT q 48 tr 963

[22] “Vạn Thiện Đồng Quy, q thượng” ĐCT q 48 tr 962

[23] “Tịnh Độ Chỉ Quy Tập, q thượng” ĐCT q1, tr 68

[24]“Tịnh Độ Giản Yếu Lục”, ĐTK q 1, tr 106-107

[25]“Tục Cổ Tôn Túc Ngữ Lục”, q 1; ĐTK q 1, tr 430

[26] “Huyễn Trù Thanh Quy”, TTK q 1, tr 415

[27] “Tịnh Độ Hoặc Vấn”, xem Tịnh Độ Thập Yếu, q 6, 376

[28]“Thiên Như Duy Tắc Thiền Sư Ngữ Lục”, q 2; TTK q 1, tr 415

[29] “Tịnh Độ Hoặc Vấn, xem Tịnh Độ Thập Yếu”, q 6, ĐTK, tr 383

[30] “Sở Thạch Phạm Kì Thiền Sư Ngữ Lục”, q 9; Đại Tạng Kinh, q 1, tr 79

[31]“Tịnh Độ Tư Lương Toàn Tập”, q 1, tr 213-214

[32] “Giới Sát Văn, xem Quy Nguyên Trực Chỉ Tập”, q thượng; Tục Tạng Kinh quyển 1, tr 136

[33] “Quy Nguyên Trực Chỉ Tập”, q thượng; Tục Tạng Kinh quyển 1, tr 125

[34] “Chân Hiết Thanh Liễu Thiền Sư Ngữ Lục”, q hạ; Tục Tạng Kinh q1, tr 319-320

[35] “Chân Hiết Thanh Liễu Thiền Sư Ngữ Lục”, q hạ; Tục Tạng Kinh q1, tr 325-326

[36] “Tịnh Độ Giản Yếu Lục”, Tục Tạng Kinh, q 1, tr 32

[37]“Niệm Phật Pháp Yếu”, Tục Tạng Kinh, q1 tr 32

[38]“Niệm Phật Pháp Yếu”, Tục Tạng Kinh, q1 tr 32

[39] “Niệm Phật Pháp Yếu”, Tục Tạng Kinh, q1 tr 32

[40] “Thị Kiến Dương Cư Sĩ Kệ”, Tục Tạng Kinh, q 1, tr 30

[41] “Vô Minh Huệ Kinh Thiền Sư Ngữ Lục”, q 1; Tục Tạng Kinh q 1, tr 3

[42] “Cảm Sơn Lão Nhân Mộng Du Tập”, q 5 Văn Lưu Tồn Tích; Tục Tạng Kinh, q 1, tr 134

[43] “Cảm Sơn Lão Nhân Mộng Du Tập”, q 2 Trịnh Côn Nham Trung Thừa; Tục Tạng Kinh q 2, tr 112

[44] “Cảm Sơn Lão Nhân Mộng Du Tập”, q 15, Hứa Giám Hồ Cẩm Y; Tục Tạng Kinh, q 1, tr 206

[45] “Cảm Sơn Lão Nhân Mộng Du Tập”, q 2, “Thị Ưu Bà Tắc Kết Lễ Niệm Phật”; Tục Tạng Kinh q 2, tr 117

[46]“Xuất Tịch Trung Quốc Phật Giáo Hiệp Hội Thành Lập Văn Nghĩa Cảm Tưởng”, “Đàm Vân Hòa Thượng Niên Pháp Vựng”; Đài Loan Đại Thừa Tinh Xá Ấn Hành 1990, tr 53

[47] Phúc Tinh Châu Trác Thành Cư Sĩ,”Đàm Vân Hòa Thượng Niên Pháp Vựng”, Đài Loan Đại Thừa Tinh Xá Ấn hành tr 680

Nguồn: daophatngaynay

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin