Chi tiết tin tức Ghi nhận về hình tượng Dê trong Phật điển 14:22:00 - 25/02/2015
(PGNĐ) - Từ năm Ngựa (Giáp Ngọ-2014) đến năm Dê (Ất Mùi-2015) không phải là đi xuống mà là đi vòng, theo vòng xoay của thời gian vô tận. Nói chung tuy không bằng Ngựa nhưng Dê vẫn có những gắn bó, những đóng góp rất đặc thù trong đời sống xã hội của con người. Thế nên, kinh luận của Phật đã đề cập đến Dê - tuy không nhiều bằng Ngựa - cũng là điều bình thường.
Nhân dịp Xuân Ất Mùi (2015) chúng tôi xin bước đầu ghi nhận về hình tượng Dê trong Phật điển, qua hai phần: Hình tượng Dê trong một số từ ngữ - thuật ngữ Phật học, và hình tượng Dê nơi một số kinh trong bốn Bộ A-hàm.
Thái tử cưỡi dê đi học - phong cách Gardhara, thế kỷ II-III Tây lịch Hình tượng Dê trong một số từ ngữ - thuật ngữ Phật học 1- Dương xa (xe dê): Xe dê là một trong 4 thứ xe được nêu lên nơi Phẩm Thí dụ (Phẩm thứ 3) của kinh Pháp hoa theo bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập: 344-413 (ĐTK/ĐCTT, tập 9, No262, 7 quyển). 4 xe là: xe dê (Dương xa), xe hươu (Lộc xa), xe bò (Ngưu xa) và một xe lớn do bò trắng kéo (Nhất đại bạch ngưu xa). 4 xe, theo thứ lớp ấy là để dụ cho Thừa Thanh văn, Thừa Duyên giác, Thừa Bồ-tát và Nhất Phật thừa (Phật Quang ĐTĐ, tr.1700C). Xe dê: Là xe do dê kéo, dụ cho người của Thừa Thanh văn, tu hành 4 Đế để cầu xuất ly 3 cõi, chỉ muốn tự độ, không quan tâm đến người khác, như dê khi phóng nhanh hoàn toàn không quay đầu lại đối với cả đàn ở sau (Phật Quang ĐTĐ, tr.558A). Đây là đoạn kinh văn nói về 3 xe, 4 xe để ở bên ngoài cửa của ngôi nhà đang bị lửa thiêu đốt: “Đại trưởng giả thấy vậy nghĩ rằng, ngôi nhà này đang bị lửa dữ đốt cháy, ta với con ta không thoát gấp thì chắc chắn bị đốt. Ta phải lập chước phương tiện để làm cho các con khỏi bị tai họa. Là cha nên đại trưởng giả biết trước đây tâm lý các con mỗi đứa có một sở thích. Những đồ chơi quý, đẹp và lạ, ý chúng chắc chắn rất ham. Ông bảo, cha có những đồ chơi mà các con rất thích. Những đồ ấy hiếm có, khó được, các con không lấy thì sau tất hối tiếc. Những đồ ấy là các cỗ xe dê, các cỗ xe hươu, và các cỗ xe bò, hiện cha để cả ở ngoài cửa, các con có thể ra lấy mà chơi… Khi đại trưởng giả thấy các con ra được an toàn, ngồi cả nơi chỗ đất trống ở giữa ngã tư, không còn gì phải e ngại nữa, thì lòng ông khoan khoái, vui mừng rộn rã. Bấy giờ các con ông cùng thưa, đồ chơi cha hứa, xe dê xe hươu xe bò ở đâu xin cha cho liền đi. Khi ấy, đại trưởng giả cấp cho các con mỗi đứa một cỗ xe lớn như nhau… Cỗ xe ấy được kéo bằng con bò trắng…”(1). Hình ảnh xe dê còn được thấy nơi một số kinh thuộc Hệ Bản duyên viết về Lịch sử Đức Phật, ở đấy là xe dê thật chứ không phải chỉ là dụ như nơi kinh Pháp hoa. Xe dê ở đó là phương tiện quý giá do vua cha sắm cho Thái tử - Sau này là Đức Phật - lúc ấy khoảng 7, 8 tuổi, để đi đến lớp học hoặc đi dạo chơi nơi các thắng cảnh. Như nơi kinh Thái tử Thụy Ứng Bản Khởi quyển thượng viết: “Đến năm 7 tuổi, Thái tử cầu tìm học nơi sách, cỡi xe dê đi tới lớp học của thầy giáo” (ĐTK/ĐCTT, tập 3, No185, 2 quyển, cư sĩ Chi Khiêm Hán dịch, tr.474B). a) Kinh Quá khứ hiện tại nhân quả, quyển 1 thì nêu rõ: “Vua cha sắm đủ các thứ xe voi, xe ngựa, xe bò, xe dê cho Thái tử dùng vào việc đi dạo v.v… Sau đấy thì tâm niệm: Thái tử đã lớn, nên khiến học tập nơi các sách. Rồi cho người đi tìm thầy thuộc loại thông tuệ bậc nhất để dạy chữ cho Thái tử” (ĐTK/ĐCTT, tập 3, No189, 4 quyển. Đại sư Cầu Na Bạt Đà La Hán dịch, tr.627C). b) Kinh Phật bản hạnh tập, quyển thứ 11, Phẩm 11, đã cho biết: Sau khi tập hợp nhiều dê khỏe đẹp để tạo xe dê quý giá dành cho Thái tử du ngoạn nơi các viên lâm, vua cha liền triệu tập bá quan, để bàn việc tìm thầy dạy Thái tử học…” (ĐTK/ĐCTT, tập 3, No190, 60 quyển, Đại sư Xà Na Quật Đa Hán dịch, tr.703A). 2- Dương Tăng: Nói đủ là Á Dương Tăng, là một trong 4 loại Tăng theo sự nêu thuật của Luận đại trí độ (Tác giả là Bồ-tát Long Thọ. Hán dịch là Pháp sư Cưu Ma La Thập: ĐTK/ĐCTT, tập 25, No1509, 100 quyển). 4 loại Tăng gồm: Hữu tu tăng, còn gọi là Tàm quý tăng. Vô tu tăng còn gọi là Phá giới tăng. Á dương tăng, còn gọi là Ngu si tăng, Thật Tăng, còn gọi là Chân thật tăng. Và Á dương tăng được định nghĩa: Chỉ cho loại Tăng ngu tối, không trí, như loài dê câm (Á dương) (Phật Quang ĐTĐ, tr.1818A). Lại nơi từ Tăng-già (Phật Quang ĐTĐ, tr.5718B-5720C) cũng nêu dẫn Luận đại trí độ quyển 3 đã nói đến 4 loại Tăng như trên, và Á dương tăng được giải thích rõ thêm: Là chỉ cho loại tăng ngu muội, không phân biệt thiện ác, nói gọn là Dương tăng. Có khi cũng là từ của Tỳ-kheo tự khiêm. (Phật Quang ĐTĐ, tr.5720A). Nơi một bảng phân loại khác, căn cứ theo kinh Đại thừa đại tập Địa Tạng thập luân (ĐTK/ĐCTT, tập 13, No411, 10 quyển, Pháp sư Huyền Tráng Hán dịch (Và sách Đại thừa Pháp Uyển nghĩa lâm chương của Đại sư Khuy Cơ (ĐTK/ĐCTT, tập 45, No1861, 7 quyển) thì 4 loại Tăng gồm: Thắng nghĩa tăng, Thế tục tăng, Á dương tăng, Vô tàm quý tăng. Và Á dương tăng được định nghĩa cũng tương tự như trên. (Phật Quang ĐTĐ, tr.1818A). 3- Dương tâm: Nói đủ là Dị sanh đê dương tâm. Là tâm thứ nhất của 10 Trụ tâm (Theo Phẩm Trụ tâm của kinh Đại nhật). Dị sanh tức là phàm phu. Dị sanh đê dương tâm: Nghĩa là loại phàm phu ngu si vô trí, cũng như loài dê đực (Đê dương) chỉ biết nghĩ về dâm dục và ăn uống. Loại phàm phu không biết biện biệt về thiện ác, chỉ buông thả theo tham sân si, tham đắm 5 dục, chẳng tin quả báo của địa ngục, ngày đêm chỉ hành theo nghiệp ác, không có tâm hổ, thẹn, không quan tâm đến nhân luân. Hoặc khởi đoạn kiến, bác bỏ cho là không có nhân quả. Hoặc khởi thường kiến không tin luân hồi. Thân hoại mạng chung, tất đọa vào nẻo ác” (Phật Quang ĐTĐ, tr.5151C-5152A). 4- Dương minh (Tiếng dê kêu): Là một trong 10 thứ tên gọi địa ngục thuộc loại 8 địa ngục lạnh, theo kinh Trường A-Hàm (ĐTK/ĐCTT, tập 1, No1, 22 quyển, 30 kinh. Đại sư Phật Đà Da Xá và Trúc Phật Niệm Hán dịch). Kinh Trường A-hàm nơi quyển thứ 19, kinh số 30: Kinh Thế ký, Phẩm Địa ngục (Phẩm 4) đã nói đến 10 thứ địa ngục (Thuộc 8 địa ngục lạnh) là: Hậu vân, Vô vân, Ha ha, Nại hà, Dương minh, Tu càn đề, Ưu bát la, Câu vật đầu, Phân đà lợi, Bát đầu ma (Phật Quang ĐTĐ, tr.298B). 5- Dương mao trần: Dương mao trần, Phạn ngữ là Avi-Rajas, tức chỉ cho thứ vi trần như phần nhọn nơi đầu sợi lông dê (Dương mao): 7 cực vi trần (Đơn vị nhỏ nhất của sắc pháp) hợp làm một vi trần. 7 vi trần là một kim trần. 7 kim trần là một thủy trần. 7 thủy trần là một thố mao trần. 7 thố mao trần là một dương mao trần… (Phật Quang ĐTĐ, tr.2505A). 6- Dương giác: Phật học đại từ điển của Đinh Phúc Bảo (tr.967B) giải thích: Dương giác (Thí dụ), tức sừng của Linh dương (Một loài dê ở rừng, sừng dùng làm thuốc) để dụ cho phiền não. Kim cương rất cứng chắc, dụ cho Phật tánh. Sừng của Linh dương (Linh dương giác) có thể hủy hoại. Tức phiền não có thể hoại Phật tánh… Lục tổ, Kim cương kinh tự viết: Kim cương dụ cho Phật tánh. Sừng của Linh dương dụ cho phiền não. Kim cương tuy cứng chắc, nhưng sừng của Linh dương có thể làm vỡ nát (Năng toái). Phật tánh tuy bền chắc, nhưng phiền não có thể phá hoại (Năng loạn). Hình tượng Dê nơi một số kinh trong 4 bộ A-hàm(2) 1- Kinh Cứu La Đàn Đầu (Kinh số 23 thuộc Kinh Trường A-hàm) Bà-la-môn Cứu La Đàn Đầu chuẩn bị tổ chức đại lễ tế tự với nhiều bò và dê, nhưng sau khi diện kiến Đức Thế Tôn, thưa hỏi về thể thức tế tự, Đức Phật đã vì ông ta giảng nói về 3 loại tế tự, 16 tế cụ (Vật dụng dùng để tế tự), giảng rõ về công đức của sự quy y, giữ giới, tâm từ và xuất gia tu đạo, khiến Bà-la-môn Cứu La Đàn Đầu tỉnh ngộ, thả hết bò và dê, xin quy y Tam bảo. Đức Phật nhân đấy kể một chuyện tiền thân của Ngài… (Dẫn theo: Tổng quan bốn bộ A-hàm. Thích Nguyên Hùng biên soạn, NXB.Hồng Đức, 2012, tr.56). 2- Kinh Diêm Dụ (Kinh số 11, thuộc kinh Trung A-hàm) a) Người tạo nghiệp bất thiện mà không tu thân, không tu giới, không tu tâm, không tu tuệ thì chắc chắn bị đọa nơi địa ngục, giống như đem một lạng muối bỏ vào một chút nước, muối làm cho nước mặn không thể uống được. Hoặc như người chủ nuôi dê nghèo hèn không có thế lực, bị vua quan hay người có thế lực lớn chiếm đoạt dê, người chủ dê nghèo không thể đòi lại được, dù có lạy lục van xin… b) Người tạo nghiệp bất thiện mà biết ăn năn sám hối, rồi tu thân tu giới tu tâm tu tuệ, thì chỉ thọ chút ít quả khổ trong đời hiện tại. Như đem chút ít muối bỏ vào sông Hằng, không thể làm cho nước sông Hằng mặn đi không uống được. Hoặc như người chủ nuôi dê giàu có, có thế lực, người trộm dê nghèo hèn, tất bị chủ dê bắt trói, đoạt lại dê… (Dẫn theo: Tổng quan bốn bộ A-hàm, sđd, tr.86). 3- Kinh nói về Hai pháp thủ hộ thế gian (nơi phẩm Tàm quý, Phẩm 4 thuộc phần Phẩm Hai pháp của kinh Tăng nhất A-hàm) * Hai pháp thủ hộ thế gian: Đó là Tàm và Quý. Tàm là tự thấy xấu hổ với lỗi lầm của mình. Quý là thấy hổ thẹn với người khác… Đức Thế Tôn nhận định đây là “Hai pháp tinh diệu thủ hộ thế gian. Nếu không có hai pháp này thì thế gian sẽ không phân biệt có cha có mẹ có anh có em, vợ con, tri thức, tôn trưởng lớn nhỏ, sẽ cùng với lục súc bò, heo, gà, chó, ngựa, dê… cùng một loại (Dẫn theo: Tổng quan bốn bộ A-hàm, Sđd, tr.381). Luận A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa (Quyển 35, chương 1: Tạp uẩn. Phẩm 5: Bàn về không hổ thẹn. Phần 2: Thế nào là hổ (tàm)? Thế nào là thẹn (quý)? Cho đến nói rộng, đã luận về Hổ, Thẹn (Tàm, Quý) như sau: “Lại nữa, hai pháp như thế là đã giữ gìn thế gian, như Đức Thế Tôn nói: Có hai pháp trắng có khả năng giữ gìn thế gian, là hổ và thẹn. Nếu không có hai pháp này, tất sẽ không có nẻo thiện giải thoát. Nay muốn chỉ rõ tướng của hai pháp đó để mọi người siêng năng tu tập. Lại nữa, hai pháp như thế có khả năng, khiến có vô số thứ khác nhau giữa các hữu tình (chúng sanh), đó là cha mẹ, anh em, chị em, nam nữ, quyến thuộc, trên dưới lớn nhỏ. Vì nếu không có hai pháp này, thì con người khác nào như bò dê v.v… là không có sự khác nhau về trật tự cao thấp lớn nhỏ. Vì muốn chỉ rõ tướng của hai pháp đó, nên tạo ra phần luận này. Và hổ (tàm) đã được định nghĩa: * Hỏi: Thế nào là hổ? - Đáp: Là những sự có hổ, có đối tượng bị hổ, có hổ khác, có xấu hổ, có đối tượng bị xấu hổ, có xấu hổ khác, có cung kính, có tánh cung kính, có tự tại, có tánh tự tại. Đối với sự tự tại, có sợ hãi chuyển biến. Đó gọi là hổ. Sau đấy thì bàn về tự tánh, hành tướng và đối tượng duyên của hổ. Còn thẹn (quý) thì định nghĩa: *Hỏi: Thế nào là thẹn? - Đáp: Là những sự có thẹn, có đối tượng bị thẹn, có thẹn khác, có tủi thẹn, có đối tượng bị tủi thẹn, có tủi thẹn khác. Trong các tội, có sợ có hãi, thấy sợ hãi một cách sâu xa. Đó gọi là thẹn. Sau đấy thì bàn về tự tánh, hành tướng và đối tượng duyên của thẹn, cùng so sánh hổ với thẹn… (Luận A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa. Pháp sư Huyền Tráng Hán dịch, cư sĩ Nguyên Huệ Việt dịch, NXB.Hồng Đức, 2014, tập 2, tr.327, 329). Theo Luận A Tỳ Đạt Ma Câu Xá – Đại diện cho Hệ A Tỳ Đàm, thì Tàm Quý (Hổ Thẹn) là hai pháp trong 10 pháp Đại thiện địa (Tín, Bất phóng dật, Khinh an, Xả, Tàm, Quý, Không tham, Không sân, Bất hại, Cần). Còn theo Luận Đại thừa bách pháp minh môn - đại diện cho học phái Duy thức, thì tàm quý là hai tâm sở thiện trong 11 tâm sở thiện (Tín, Tàm, Quý, Không tham, Không sân, Không si, Tinh tấn, Khinh an, Bất phóng dật, Hành xả, Bất hại)(3). 4- Nói về người như Sư tử, người như Dê (Nơi Phẩm Thiện tri thức - Phẩm 6 thuộc phần Phẩm Hai pháp của kinh Tăng nhất A-hàm): - Người như Sư tử: Được cúng dường, không nhiễm trước, không có ý dục, không khởi các tưởng, không được cúng dường thì không khởi niệm loạn, không tâm tăng giảm. - Người như Dê: Được cúng dường thì khởi tâm nhiễm đắm, sanh tâm ái dục, không biết đạo xuất yếu, cống cao, không được cúng dường thì sanh tâm ganh tỵ, chê bai người được cúng (Dẫn theo: Tổng quan bốn bộ A-hàm, Sđd, tr.387). Trên đây mới chỉ là những ghi nhận bước đầu, chắc chắn là còn thiếu nhiều, nhưng với từng ấy cũng tạm đủ để có thể cho rằng, hình tượng Dê đã có mặt nơi Phật điển là đa dạng và sinh động. Nguyên Huệ _______________________ (1) Kinh Pháp hoa, Hòa thượng Trí Quang dịch, bản in 1994, tập 1, tr.206-208, 209. (2) Phần này, chúng tôi dựa theo những tóm tắt về nội dung các kinh thuộc 4 bộ A-hàm, trong Tổng quan bốn bộ A-hàm. Thích Nguyên Hùng biên soạn, NXB.Hồng Đức, 2012. (3) Xem thêm Bài viết của Nguyên Huệ (Đào Nguyên): Từ 75 pháp đến 100 pháp, Nguyệt san Giác Ngộ số 218, tháng 5-2014.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |