Chi tiết tin tức

Kỳ bí Kinh Lá Thất Sơn

17:17:00 - 24/07/2013
(PGNĐ) -  Theo Hòa thượng Chau Ty, chuyện Kinh Lá có khả năng trừ ma, yếm quỷ, có thể là lời đồn… nhưng có một sự thật là Kinh Lá có giá trị tín ngưỡng rất đặc biệt trong lòng Phật tử. .. 





Thượng tọa Chau Ty giới thiệu về những quyển Kinh Lá còn lưu giữ tại chùa Svay-so.
Thượng tọa Chau Ty giới thiệu về những quyển Kinh Lá còn lưu giữ tại chùa Svay-so.

Sa-tra trong tiếng Khmer là tạng Kinh Phật được những bậc cao tăng tiền bối đạo hạnh cao thâm và tài hoa ở chùa Svay-so ở vùng Thất Sơn chế tác trên mặt lá của loài cây có tên slấc-krích với kỹ thuật bí truyền mà người Kinh vẫn quen gọi là Kinh Lá.

 

Kinh Lá không chỉ là tác phẩm giàu tính mỹ thuật, độc đáo, mà còn có giá trị tín ngưỡng đặc biệt trong đời sống tâm linh của cộng đồng Khmer vùng Thất Sơn (gồm hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, tỉnh An Giang).

Giá trị văn hóa – tâm linh

Kinh lá nằm rải rác tại các ngôi chùa Khmer, nhiều nhất vẫn là bộ kinh tại chùa Xà Tón ở thị trấn Tri Tôn. Bộ sách tuy không còn đầy đủ do thời gian và việc bảo quản không đảm bảo, thế nhưng vẫn thể hiện gần như trọn vẹn những giá trị văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Khmer An Giang.

Tại chùa Svay-so tọa lạc tại xã Núi Tô (huyện Tri Tôn), Hòa thượng Chau Ty, Trụ trì chùa cho biết “Chùa Svay-so chính là nơi phát tích của Kinh Lá. Căn cứ vào lưu truyền và tàng thư lưu lại trên các quyển Kinh lá tại chùa cũng như những ngôi chùa quanh vùng, phát tích của các bộ kinh lá tồn tại và phát triển tại chùa được chín đời trụ trì. Hiện tám tiền bối đã viên tịch, tôi là đời thứ tám”.

Theo Hòa thượng Chau Ty, chuyện Kinh Lá có khả năng trừ ma, yếm quỷ, có thể là lời đồn… nhưng có một sự thật là Kinh Lá có giá trị tín ngưỡng rất đặc biệt trong lòng Phật tử. “Những buổi đọc kinh, giảng đạo bằng Kinh Lá, chẳng những Phật tử nghe rất chăm chú và tin tưởng, mà ngay cả các sư sãi cũng thấy “thấm nhuần” lời Phật dạy hơn”, Hòa thượng chia sẻ.

Còn tại chùa Mỹ Á (xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên), Hòa thượng Chau Kắk Phó Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh An Giang cho biết thêm: “Kinh lá là tài sản tinh thần lớn nhất trong cộng đồng Phật giáo Nam tông dân tộc Khmer ở An Giang. Tất cả chùa Khmer trên địa bàn tỉnh đều có lưu giữ Kinh. Thế nhưng, do nhiều biến cố chiến tranh, công tác bảo quản nên chỉ còn chùa Sà-tón và Svay-so là còn nhiều hơn. Chùa Mỹ Á còn ba bộ tương đối đầy đủ.

Độc đáo một nét văn hóa tín ngưỡng

Kinh Lá được viết trên loại lá slấc-krích. Đây là loại lá giống lá dong, nhưng độ dày, sáng, lá dùng để viết là những cánh lá nhỏ (0,6 x 0,05 m) ghi những dòng chữ li ti, nhưng với cộng đồng người Khmer theo Phật giáo Nam tông lại có giá trị tín ngưỡng tinh thần rất lớn, có thể so sánh như người Phương Tây đối với quyển Kinh Thánh.

Thượng tọa Chau Ty, Sãi cả chùa Svay-so hiện là sư thầy duy nhất còn sống biết cách viết và chế tác Kinh Lá cho biết: Sa-tra trong tiếng Khmer có nghĩa là chữ viết bằng bút đak-cha, có ngòi bằng thép khắc lên lá có tên là slấc-krích. Đó là nghệ thuật của những nghệ thuật.

Để có được một trang Sa-tra là cả một kỳ công. Trước hết là kỹ thuật khai thác lá Slấc-krích. Đây là loài cây có hình dạng bên ngoài gần giống với cây thốt-nốt hay lá dong và chỉ sống trên núi cao hiểm trở ở Vương quốc Campuchia.

Để có được lá nguyên liệu, người ta phải mất rất nhiều công sức. Khi đọt non vừa nhú lên, dùng vải quấn tròn chung quanh và thường xuyên thăm chừng để quấn kín phần ra mới cho đến ngày thu hoạch. Công việc này phải được thực hiện thường xuyên và chỉ đến khi lá dài hơn 2 m mới thu hoạch bằng cách chặt khỏi thân cây đem về.

Kế đến là công đoạn phân loại và phân kích cỡ lá cho phù hợp với lá kinh, thông thường dài cỡ 60 cm, rộng chừng 6 cm. Sau khi phơi khô phải dùng bào cây bào phẳng mặt lá. Sau đó đem ngâm vào dung dịch bảo quản nhằm tăng thêm độ bền, không bị rách, hư. Để hoàn thành các công đoạn chuẩn bị này, có khi phải mất đến hàng tháng – Thượng tọa Chau Ty kể.

Do đặc điểm của lá chỉ mềm khi còn tươi, sẽ trở nên cứng sau vài giờ cắt khỏi thân, nên sau khi chặt về là phải tiến hành phân, chặt dứt điểm ngay. Sau nhiều công đoạn ngâm trong dung dịch bí truyền để ngăn ngừa côn trùng cắn phá sau này, người ta bắt đầu dùng bào mộc làm phẳng mặt lá trước khi viết. Đây là công việc khó nhất của nghệ thuật Sa-tra.

Đầu tiên phải tạo cây Đak-cha. Thoạt nhìn bên ngoài giống như cây bút, nhưng mũi của nó là đoạn thép nhỏ đầu được mài sắt nhọn như mũi kim. “Bàn viết” là thanh gỗ nhỏ vừa vặn với diện tích tấm lá, đặt trên đầu gối để có thể linh động theo sự nhịp nhàng của tay viết.

Mỗi lá kinh được bố trí viết từ 4-5 hàng, mỗi hàng từ 15 đến 20 chữ. Viết xong, lau sạch trước khi thoa lên trên lớp dung dịch hỗn hợp bao gồm than tán nhỏ, nước trái mặc-nưa để làm chữ hiện lên.

Kinh Lá có thể tồn tại hàng trăm năm. Nội dung trong Kinh Lá là những điều răn dạy, giáo lý nhà Phật dạy con người biết tu tâm, dưỡng tánh; sống hiền lành, thân thương; những câu chuyện ngụ ngôn dạy người đời lòng thương người, cách sống tốt.

Theo Sãi cả Chau Ty, nghệ thuật đóng quyển của Kinh Lá cũng rất đặc biệt. Nhất là dây kết nối các tờ Sa-tra thành quyển hoàn chỉnh. Theo hiện vật cổ còn lưu lại, để có được sợi dây, người ta phải luồn nhiều sợi tóc vào lỗ tròn (được khoan trước đó) trên mặt lá kinh, sau đó se, kết thành vòng tròn khép kín đến độ ngày nay vẫn không sao phát hiện được vị trí của mối nối. Do độc đáo và đẹp mắt nên nhiều chùa Khmer Nam bộ mỗi khi có dịp đến đều tìm cách “thỉnh” về thờ.

Cấp thiết bảo tồn Kinh Lá

Theo tích cổ tương truyền, Sa-tra xuất hiện ở vùng Thất Sơn cách đây trên 300 năm do một vị sãi cả chùa Svay-so chế tác để lưu truyền Kinh Phật trong thời kỳ chưa lưu hành giấy bút như ngày nay. Thường công việc này chỉ truyền thụ lại người có tâm đạo nhất trong những đệ tử và trong đó chỉ chọn người có hoa tay nhất được chọn.

Thế nhưng, nét đẹp của nghệ thuật truyền thống, tâm linh của đồng bào Khmer có nguy cơ thất truyền. “Tất cả chỉ còn là ký ức, tôi đã tặng cây Đék- cha cuối cùng cách đây hơn gần 20 năm rồi, và cũng từng ấy thời gian không viết Kinh Lá và cũng không truyền được nghề cho ai”. Mặt khác do không còn lá Slấc-krích, loại cây này theo Thượng tọa giờ đã tuyệt chủng, tìm loại lá khác chưa có nên việc truyền nghề cho hậu duệ gần như lực bất tòng tâm.

Theo Hòa thượng Chau Ty,chùa hiện còn giữ trên 100 bộ Kinh Lá có tuổi đời 60 đến 100 năm, phần lớn được viết theo lối chữ cổ. Chính điều này đã gây nhiều khó khăn trong công tác sắp xếp. Qua các lần tìm hiểu, được biết nhiều bộ kinh chưa hoàn chỉnh do thất lạc, một số khác thì thiếu logic về ngữ nghĩa.

Là một trong Tam bảo, nhưng với nguy cơ thất truyền và chưa tìm được cách thức bảo quản ổn định, Kinh Lá sẽ trở thành câu chuyện cổ tích ở ngay tại cội nguồn xuất phát: chùa Svay-so. Vấn đề càng nghiêm trọng hơn khi ngay cả chùa Xà Tón ở thị trấn Tri Tôn, nơi được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “ngôi chùa lưu giữ nhiều bộ Kinh Lá nhất Việt Nam” vào năm 2006, cũng đang có nhiều vấn đề về chất lượng và công tác quản lý.

 


Thượng tọa Chau Ty đau đáu với nguy cơ thất truyền Kinh Lá.

 
 

HẢI THƯ (Báo Nhân Dân)

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin