Chi tiết tin tức

Tìm hiểu Pháp môn Tịnh độ (P.2)

23:28:00 - 19/04/2015
(PGNĐ) -  Giáo lý căn bản của Tịnh Độ tông chủ trương người tu theo Tịnh Độ (kể cả xuất gia và tại gia)  phải nhất tâm niệm Phật, quán tưởng Đức Phật A Di Đà và sự trang nghiêm thanh tịnh của cõi Cực Lạc  nơi Tây phương Tịnh độ, bằng tự lực của mình với niềm tin sâu sắc, ước nguyện thiết tha và hành trì miên mật (Tín, Nguyện, Hạnh)
Phần 2
GIÁO LÝ CỦA TỊNH ĐỘ TÔNG

 

A. Xuất xứ về giáo nghĩa căn bản của Tịnh Độ Tông.

Kinh Quán Vô Lượng Thọ còn được gọi là Thập Lục Quán Kinh là một trong ba bộ kinh quan trọng nhất của Tịnh Độ tông. Kinh miêu tả thế giới Cực lạc phương Tây của Phật A Di Đà và dạy 16 cách quán hành trì để sống thanh tịnh, giữ giới luật và niệm danh hiệu Phật A Di Đà, hành giả thoát khỏi các nghiệp bất thiện và được tái sinh nơi Tịnh độ Tây phương.
 
Kinh này nói rõ xuất xứ giáo pháp của Tịnh Độ tông đã được Đức Phật Thích Ca trình bày trước nguyện vọng của Hoàng hậu Vi Đề Hi trong ngục tối.  Hoàng hậu Vi Đề Hi là mẹ của vua A Xà Thế đã bị con mình bắt bỏ ngục vì bà đã cố gắng tìm cách cứu chồng là vua Tần Bà Sa La đã bị bỏ ngục trước đó. A Xà Thế mưu cướp ngôi vua nên đã bắt cha mình là vua Tần Bà Sa La bỏ ngục. Bà Vi Đề Hi tìm cách giúp chồng bằng cách hằng ngày đến thăm và dấu các thức ăn đưa vào ngục. Bị phát hiện, bà bi con hạ lệnh cho bỏ ngục. Bà cầu mong Đức Phật đến cứu giúp vượt qua nỗi khốn khổ này, và xin tái sinh nơi một cõi yên lành, chỉ có an lạc không có khổ đau. Đức Phật đã xuất hiện và dùng thần lực cho bà thấy rõ mọi thế giới tịnh độ, nơi chỉ có an lạc không có khổ đau. Cuối cùng bà chọn cõi thế giới Cực lạc của đức Phật A Di Đà. Đức Thế tôn đã dạy bà phương pháp niệm danh hiệu Phật để được vãng sinh về cõi ấy và dạy phương pháp thiền định gồm 16 phép quán tưởng. Tuỳ theo nghiệp lực của chúng sinh, các phép này có thể giúp tái sinh vào một trong chín cấp bậc của đài sen chín phẩm từ Hạ phẩm hạ sinh đến Thượng phẩm thượng sinh (Cửu phẩm Liên hoa). Muốn được tái sinh về cõi Cực lạc của Đức Phật A Di Đà, hành giả phải thực hành các quy định trong giáo lý Tịnh Độ tông là tu tam tịnh nghiệp. Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, Đức Thế Tôn có nói cho bà Vi Đề Hy rằng: “Nay ta sẽ vì bà mà nói rộng các pháp quán, cùng khiến đời vị lai tất cả hàng phàm phu, những người muốn tu tịnh nghiệp được vãng sinh Tây Phương Cực Lạc quốc. Này Vi Ðề Hi! Người muốn sang nước Cực lạc ấy nên tu ba phúc: Một là hiếu dưỡng cha mẹ, kính thờ bậc sư trưởng, có tâm nhân từ, chẳng giết hại và tu tập mười nghiệp lành. Hai là thọ trì Tam quy y, đầy đủ các cấm giới và chẳng phạm oai nghi. Ba là phát tâm Bồ đề, tin sâu nhân quả, đọc tụng kinh điển Ðại Thừa và khuyến tấn người khác tu hành niệm Phật. Ba sự như vậy gọi là tam tịnh nghiệp”. Đó là nội dung căn bản của giáo nghĩa tu Tịnh độ mà đức Phật giảng giải cho bà Vi Đề Hy và cũng là giáo nghĩa căn bản của pháp môn Tịnh độ sau này.
 
B. Nội dung căn bản của giáo lý Tịnh Độ tông.
 
Giáo lý của pháp môn Tịnh Độ đều có cơ sở từ kinh luận. Trong hệ thống kinh sách giáo lý Đại thừa có thể nói có rất nhiều bộ kinh đề cập đến pháp môn niệm Phật và cảnh giới Tịnh Độ. Chư Phật, chư Bồ Tát và chư vị cao Tăng tuyên dương pháp môn này đều nói rõ ưu điểm trên hai phương diện tự lực và tha lực. 
 
Tuy nhiên, từ trước đến nay trong hầu hết các sách nói về Tịnh Độ tông đều nhấn mạnh rằng Tịnh Độ tông lấy 3 bộ kinh và 1 bộ luận làm nền tảng (tức Tam kinh Nhất luận). Ba bộ kinh đó là kinh A Di Đà miêu tả thế giới Cực lạc đẹp đẽ trang nghiêm có Đức Phật A Di Đà đang thuyết pháp, Kinh Vô Lượng Thọ nói về tiền thân Đức Phật A Di Đà khi còn là Pháp Tạng Tỳ kheo đã phát 48 lời nguyện để cứu độ chúng sinh, kinh Quán Vô Lượng Thọ nói rõ phép quán tưởng niệm Phật và bộ luận Vãng sinh Tịnh độ của ngài Thế Thân giảng giải rõ về ý nghĩa của ba bộ kinh trên. Ngoài ra đôi khi còn nhắc đến Tịnh Độ tứ kinh, nghĩa là ngoài 3 bộ kinh kể trên, người ta còn bổ sung kinh Phổ Hiền Hạnh Nguyện và có khi bổ xung thêm cả kinh Đại Thế Chí Niệm Phật Viên thông là Tịnh Độ ngũ kinh
 
Có thể tóm tắt một cách đơn giản tinh thần nội dung giáo lý Tịnh Độ là: Con người hay nói rộng hơn là chúng sinh sống trên cõi Ta bà đầy ngũ trược ác thế này rất đau khổ. Hiểu cuộc đời này là khổ não, lẽ sống là vô thường, sinh tử luân hồi là quy luật, thì phải chọn cho mình một cuộc sống tốt hơn, không đau khổ, để được sống an lành và hạnh phúc và để được giải thoát khỏi mọi nỗi khổ niềm đau trên trần thế. Muốn thể phải tu nhân tích đức, phải có một pháp môn tu sao cho mọi chúng sinh với mọi căn cơ có thể hành trì để có thể tái sinh vào một cõi đầy niềm vui, không còn khổ não, đó là cõi Cực lạc. Vậy pháp môn đó là gì? Đức Phật thường nói có tới 84.000 pháp môn tu. Tùy theo căn cơ và hoàn cảnh của chúng sinh mà chọn pháp môn tu cho phù hợp. Pháp môn mà nhiều người tu (kể cả tại gia và xuất gia) là pháp môn Tịnh Độ hay còn gọi là pháp môn niệm Phật. Sở dĩ pháp môn Niệm Phật phổ biến và nhiều người tu vì nó không đòi hỏi trình độ và căn cơ người tu cao hay thấp, sang hay hèn, giầu hay nghèo và đặc biệt đó là một pháp môn dễ tu nhất. Với pháp môn Niệm Phật thì đi, đứng, nằm, ngồi hay làm chuyện gì mình cũng có thể niệm Phật được. Mục đích và hướng đến của người tu Tịnh Độ là chuyển hóa khổ đau thành an lạc thực sự và cầu được vãng sinh vào thế giới Cực lạc. Nhưng mục tiêu của người cầu vãng sinh Cực lạc không phải để hưởng sự an vui đó mà là để được giải thoát, giác ngộ, thành Phật. Nói cách khác, cảnh giới Cực lạc chỉ là môi trường hay phương tiện tốt nhất giúp cho mọi người được vãng sinh không còn thối chuyển trên con đường giác ngộ, hoặc không còn thối chuyển trên con đường đạt đến hạnh phúc thật sự. Muốn vãng sinh Cực Lạc phải có 3 điều kiện: Tín, Nguyện và Hạnh, đó là những yếu tố cần thiết, là tư lương của người hành giả tu theo Tịnh Độ cần phải có trên con đường tu tập. 
 
1.Tín (Xây dựng niềm tin): 
 
Đây là điều kiện đầu tiên để cho người tu Tịnh Độ vững bước trên con đường tu hành. Lòng tin là nền tảng để ước nguyện tu hành hướng về thế giới Cực lạc, niềm tin là nguồn gốc phát sinh mọi công đức. Hành giả Tịnh Độ phải có niềm tin rằng đức Phật A Di Đà và thế giới Cực lạc là có thật, rằng một khi mình tự tin rằng mình chuyên tâm tin tưởng, hành trì theo giáo lý của đức Phật và kiên trì niệm Phật quyết chí vãng sinh thì sẽ được vãng sinh. Niềm tin này đối với hành giả tu Tịnh Độ không bao giờ được thối chuyển. Đức Phật luôn nhấn mạnh rằng niềm tin này phải dựa trên nhận thức và lý trí. Tin có thế giới Cực lạc là dựa trên căn bản tin Pháp, tức là tin vào lời dạy của Phật. Tin những lời Phật dạy tức là tin vào giáo lý của Đức Phật nói về Vô thường, Khổ (trong Tứ  Diệu Đế), Vô ngã, tin vào luật Nhân quả, Nghiệp báo, Duyên sinh. Vì vậy người ta thường nói lòng tin là một trong những món tư lương để cho hành giả bước trên con đường tu theo Tịnh Độ. 
 
2. Nguyện (Ước mong): 
 
Có lòng tin chưa đủ, người tu Tịnh độ phải phát nguyện, phải có ước nguyện, có lòng mong muốn được vãng sinh về thế giới Cực lạc và mục tiêu là thành Phật hay đạt được sự giác ngộ trọn vẹn.  Biểu hiện của phát nguyện về Cực lạc phải được thể hiện trên mọi hành vi, lời nói và tâm ý của hành giả. Ước nguyện đó là rũ bỏ mọi phiền muộn, chấp trước để được tâm thanh tịnh, an lạc mới mong được vãng sinh về Tịnh độ, mong có khả năng để cứu độ chúng sinh. Phát nguyện vãng sinh Cực lạc tức là xác định điểm đến và lý tưởng của mình. Tâm nguyện như vậy mới tương ứng với tâm nguyện của Tịnh Độ, mới có cảm ứng với Phật và Thánh chúng ở nơi Cực lạc. Nếu có người niệm Phật A Di Đà mà không phát nguyện vãng sinh Cực lạc, mặc dù có phúc đức lớn do niệm Phật, người đó sẽ không được vãng sinh nước Cực lạc. Điều này có thể ví như một người đang làm một công việc mà không biết mình làm công việc này để làm gì, hay một người đang đi trên con đường mà không biết mình sẽ đi về đâu.  
 
3. Hạnh (Hành trì): 
 
Hạnh là sự thực hành phải cho kiên nhẫn và đúng pháp, nghĩa là chuyên niệm danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật không xen tạp và không tán loạn và cần nhất là phải hành theo đại nguyện của mình. Khi tâm nguyện hướng về Tịnh độ thì mọi hành động, ngôn ngữ đều được tu tập liên tục, nghĩa là việc hành trì theo phương pháp niệm Phật, quán tưởng đều phải hợp nhất giữa thân, khẩu và ý, không để cho các yếu tố khác chi phối, lôi kéo làm tâm bị tán loạn, ảnh hưởng đến trong khi niệm Phật. Mọi công đức, thiện pháp mà ta có đều hồi hướng về cõiTịnh Độ trang nghiêm, thanh tịnh. Như vậy, điều quan trọng trong sự thực hành niệm Phật A Di Đà để được vãng sinh đòi hỏi hành giả phải nhất tâm. Để có được kết quả là nhất tâm, hay một lòng không tạp loạn, hành giả phải tinh tấn nỗ lực niệm Phật và xem niệm Phật như là một sự nghiệp chính trong đời sống. Đó gọi là Niệm Phật nhất tâm bất loạn hay Niệm Phật tam muội. Nói cách khác, tâm của hành giả phải thường niệm A Di Đà một cách chí thiết và thể hiện tâm niệm này qua hành động, lời nói bằng cách ăn chay, bố thí, cúng dường Tam bảo, nói lời ái ngữ, không tà hạnh và sống đời sống có tiết độ.
 
Như vậy, theo pháp môn Tịnh Độ, tín, nguyện, hạnh (lòng tin sâu sắc, ước nguyện thiết tha và trì danh niệm Phât miên mật) là ba điều kiện không thể thiếu được, còn được gọi là tư lương của hành giả pháp môn Tịnh Độ. Riêng về niệm Phật cũng cần nói thêm rằng trong Đại Trí Độ luận có nói: “Niệm Phật tam muội có thể trừ các thứ phiền não và tội đời trước. Lại nữa, Niệm Phật tam muội có phước đức lớn hay độ chúng sinh…” 
 
Tóm lại giáo lý căn bản của Tịnh Độ tông chủ trương người tu theo Tịnh Độ (kể cả xuất gia và tại gia)  phải nhất tâm niệm Phật, quán tưởng Đức Phật A Di Đà và sự trang nghiêm thanh tịnh của cõi Cực Lạc  nơi Tây phương Tịnh độ, bằng tự lực của mình với niềm tin sâu sắc, ước nguyện thiết tha và hành trì miên mật (Tín, Nguyện, Hạnh), đồng thời hành giả phải nương nhờ Phật lực (tha lực) để được vãng sinh về Cực lạc trong trạng thái nhất tâm bất loạn. Về phần Hạnh tức phương pháp hành trì (trong Tín, Nguyện, Hạnh), không phải chỉ có chuyên trì niệm Phật, quán tưởng mà còn thọ trì Tam quy, Ngũ giới, hành Thập thiện, tạo công đức lớn, phát Bồ Đề tâm, nguyện thành Phật đạo, hóa độ chúng sinh. Chính trong kinh Quán Vô Lượng Thọ cũng đã có nói rõ điều này: “Hành giả muốn vãng sinh Tịnh độ phải hội đủ ba điều kiện: Một là hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ sư trưởng, từ tâm bất sát, tu mười nghiệp lành. Hai là thọ trì Tam quy, ngũ giới, không phạm oai nghi. Ba là phát Bồ đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng kinh điển Đại thừa, khuyên người khác cùng tu”. 
 
Chính vì ý nghĩa ấy, cho nên không thể hiểu đơn giản pháp môn Tịnh Độ chỉ là niệm Phật đạt đến nhất tâm bất loạn mà cần phải hội đủ ba tịnh nghiệp như kinhVô Lượng Thọ đã nói ở trên. 
 
C. Các bộ kinh chính của Tịnh Độ Tông. 
 
Giáo nghĩa của pháp môn Tịnh Độ nằm trong 3 bộ kinh chính gọi là Tịnh Độ tam kinh, bao gồm kinh Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà và kinh Quán Vô Lượng Thọ.Ngoài ra, sau này các hành giả Tịnh Độ còn cho rằng pháp môn Tịnh Độ có 5 bộ kinh gọi là Tịnh Độ ngũ kinh. Đó là gồm 3 bộ kinh nói trên và thêm 2 bộ kinh khác là kinh Phổ Hiền Hạnh Nguyện, nguyên là một phẩm trích từ kinh Hoa Nghiêmvà kinh Đại Thế Chí  Niệm Phật Viên Thông, nguyên là chương Niệm Phật Viên Thông của kinh Đại Phật Đỉnh Thủ Lăng Nghiêm.  Thực ra 2 bộ kinh đó là một phần của các bộ kinh lớn khác mà các hành giả Tịnh Độ ghép vào vì có nói đến phát Bồ Đề tâm là một phần trong ba tịnh nghiệp và có nói đến công đức niệm Phật. Vì vậy cho nên thường khi nói đến các kinh chính của pháp môn Tịnh Độ, các hành giả đều chỉ nói đến 3 bộ kinh chính. Sau này còn bổ sung thêm kinhNiệm Phật Ba La Mật và bộ luận Vãng Sinh Tịnh Độ (do Bồ tát Thế Thân biên soạn).Thực ra kinh Niệm Phật Ba La Mật mà Đức Phật tuyên dạy tại núi Kỳ Xà Quật gần thành Vương Xá, cần được xem như là bộ kinh chính của pháp môn Tịnh  độ vì đề cập nhiều nhất về phương pháp niệm Phật Ba La Mật. Nhưng không hiểu sao từ bao lâu nay, các hành giả về Tịnh Độ tông không thấy nhắc đến bộ kinh này và trong các đạo tràng tu Tịnh Độ cũng không mấy Phật tử biết đến bộ kinh này. Có thể do bộ kinh Niệm Phật Ba La Mật đề cập đến triết lý sâu sắc ở một trình độ cao mà các hành giả Tịnh Độ tông cho là không phù hợp với pháp môn dễ tu là Tịnh Độ tông. 
 
Phải nói rằng pháp môn Tịnh Độ đều dựa trên cơ sở từ những kinh và luận này. Đặc biệt trong giáo lý Đại thừa có nhiều bộ kinh nói  đến pháp môn niệm Phật và cảnh giới Tịnh độ. Chư Phật, chư Bồ tát và chư vị cao tăng tuyên dương pháp môn này đều nói rõ ưu điểm trên hai phương diện tự lực và tha lực. Tự lực là do hành giả phải quyết tâm tự mình thực hiện, ngoài ra hành giả còn nhở ở tha lực tức là còn nhờ vào các đức Phật và Thánh chúng. Ngoài các bộ kinh chính đã nói ở trên, có thể thống kê các bộ kinh sau đây nói đến pháp môn Tịnh Độ: đó là các bộ kinhThanh Tịnh Bình Đẳng Giác kinh, Đại Phật A Di Đà kinh, Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ kinh, Cổ Âm Thanh Tán Đà La Ni kinh v.v… 
 
Sau đây ta điểm qua nội dung của các bộ kinh chính của pháp môn Tịnh Độ: 
 
1. Kinh Vô lượng thọ: 
 
Kinh Vô lượng thọ còn được gọi kinh Đại thừa Vô Lượng Thọ. Tên chính của bộ kinh này là Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh. Đây là một trong các bộ kinh chính của pháp môn Tịnh Độ. Kinh này được Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Hòa thượng Thích Chân Thường, Hòa thượng Thích Đức Niệm và một số dịch giả khác dịch sang tiếng Việt từ bản Hán văn do Pháp sư Khương Tăng Khải và cư sĩ Hạ Liên Cư dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán[1]. 
 
Nội dung của kinh Vô Lượng Thọ nói về lịch sử của Đức Phật A Di Đà và 48 lời nguyện của Ngài để độ chúng sinh giải thoát. Kinh nói rằng ở vô lượng vô số kiếp về đời quá khứ lâu xa có đức Phật xuất thế hiệu là Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai. Khi đó có một nhà vua tên là Thế Nhiêu, sau khi nghe đức Phật thuyết pháp liền ngộ đạo, phát tâm xuất gia trở thành vị Tỳ kheo tên là Pháp Tạng. Ngài quyết tâm tu hành thành Phật và phát nguyện độ hết chúng sinh trong cõi Cực lạc của mình. Ngài lập 48 lời nguyện giúp chúng sinh giải thoát. 
 
Những nguyện quan trọng là nguyện thứ 18: “Khi con thành Phật, chúng sinh trong mười phương nghe danh hiệu con, hết lòng tin tưởng, nếu có điều lành nào, tâm tâm hồi hướng nguyện sinh về cõi nước con, cho đến mười niệm, nếu không được vãng sinh, thề không thành Chính đẳng, chính giác. Ngoại trừ những kẻ phạm tội ngũ nghịch, phỉ báng chính pháp”. Và nguyện thứ 19: “Khi con thành Phật, chúng sinh khắp mười phương nghe danh hiệu con, phát tâm Bồ đề, tu các công hạnh, hành sáu Ba la mật, kiên cố không lùi, lại đem các căn lành hồi hướng nguyện sinh về cõi nước con, một lòng nghĩ đến con ngày đêm không dứt, đến khi mạng chung, con cùng Thánh chúng Bồ Tát liền đến tiếp đón, khoảnh khắc sinh về cõi con được Bất thối chuyển. Nếu không được như nguyện, thề không thành Chính giác”. (Kinh Vô lượng thọ - Thích Đức Niệm và Minh Chánh dịch) 
 
Nội dung 48 lời nguyện của Đức Phật A Di Đà cho ta thấy con đường tu tập Tịnh Độ dựa vào nguyện lực của Đức Phật A Di Đà và nhất tâm niệm Phật là con đường tu dễ nhất, mọi căn cơ có thể tu chứng được, đó là lý do tại sao Tịnh Độ tông được truyền bá rộng rãi nhất. 
 
2.Kinh A Di Đà: 
 
Kinh A Di Đà là một bản kinh chính của pháp môn Tịnh Độ. Đây là một trong ba bộ kinh quan trọng nhất của Tịnh Độ tông, lưu hành rộng rãi tại Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Kinh này giới thiệu cõi nước Cực lạc của Đức Phật A Di Đà và  trình bày phương pháp nhất tâm niệm danh hiệu A Di Đà và sẽ được A Di Đà tiếp độ về cõi Cực lạc lúc lâm chung. Nguyên bản tiếng Phạn của kinh này vẫn còn tồn tại và người ta cũng còn tìm thấy những bản dịch Hán ngữ của hai dịch giả lừng danh là Ngài Cưu Ma La Thập và Pháp sư Huyền Trang. Kinh này được dịch sang tiếng Việt có nhiều bản, như bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Tịnh, của Thiền sư Nhất Hạnh, của Hòa thượng Thích Tuệ Nhuận, của Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới Vạn Phật Thánh Thành v.v… Kinh A Di Đà do đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng về y báo và chính báo[2] của đức Phật A Di Đà nơi thế giới Cực lạc ở phương Tây, cách cõi Ta bà này mười vạn ức cõi Phật nhằm ca tụng cõi Cực lạc. Kinh A Di Đà cũng chỉ rõ pháp môn niệm Phật để được vãng sinh về cõi Cực lạc của Đức Phật A Di Đà. Do kinh A Di Đà thuyết minh cảnh tướng trang nghiêm của cõi Tây Phương Cực lạc, nguyện lực độ sinh của Đức Phật A Di Đà, đặc biệt khuyên tu niệm Phật để được vãng sinh nên đây là bộ kinh ngắn gọn và hàm chứa giáo lý Tịnh Độ sâu xa mà các chùa, các tịnh xá đều đọc tụng hàng ngày. Theo lời Phật dạy trong kinh, nguyên nhân khiến chúng sinh cần nên phát nguyện sinh về Tịnh độ là do nơi đó có chư Phật, chư Bồ tát và các bậc thượng thiện nhân. Kinh A Di Đà có nói: “Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào mà được nghe nói Đức Phật A Di Đà rồi nhớ kỹ lấy danh hiệu của Ngài mà niệm trong một ngày, hai, ba, bốn, năm, sáu hoặc bảy ngày, một lòng tâm không tạp loạn, thì người ấy đến khi lâm chung, Đức Phật A Di Đà  cùng hàng Thánh chúng hiện thân trước người đó, người đó lúc chết không điên đảo, liền được vãng sinh về nước Cực lạc của Đức Phật A Di Đà”.   
 
Hơn nữa trong kinh còn nói rõ chúng sinh nào dù còn mang đầy nghiệp chướng phiền não, nhưng mỗi khi đã quyết chí tu hành được vãng sinh sẽ chứng được địa vị Bất thối chuyển, từ đó thẳng tiến tu hành đến quả vị Vô thượng Bồ đề. 
 
3. Kinh Quán Vô Lượng Thọ: 
 
Như trên đã nói, kinh Quán Vô Lượng Thọ cũng là một trong ba bộ kinh quan trọng nhất của Tịnh Độ tông. Kinh miêu tả thế giới phương Tây của Phật A Di Đà và dạy cách hành trì: sống thanh tịnh, giữ giới luật và niệm danh hiệu Phật A Di Đà, thì hành giả thoát khỏi các nghiệp bất thiện và được vãng sinh nơi Tịnh độ của đức Phật A Di Đà. Trong kinh này, ngoài việc giới thiệu và giảng giải cho bà Vi Đề Hy biết về tất cả các cõi tịnh độ, nơi chỉ có an lạc không có khổ đau.  Cuối cùng bà chọn cõi thế giới Cực lạc của Đức Phật A Di Đà. Trong kinh, đức Phật còn dạy cho bà và mọi chúng sinh 16 phép quán tưởng, và tuỳ theo nghiệp lực của chúng sinh, các phép này có thể giúp vãng sinh vào một trong chín cấp bậc của Tịnh độ, từ Hạ phẩm Hạ sinh lên đến Thượng phẩm Thượng sinh. 
 
Mười sáu phép quán tưởng đó là: 1. Quán tưởng mặt trời lặn, 2. Quán tưởng nước, 3. Quán tưởng đất, 4. Quán tưởng cây báu, 5. Quán tưởng nước cam lộ, 6. Quán tưởng tổng quát, 7. Quán tưởng toà sen, 8. Quán tưởng hình tượng của Tam thánh, 9. Quán tưởng sắc thân của Phật A Di Đà, 10. Quán tưởng sắc thân của Quán Thế Âm Bồ tát, 11. Quán tưởng sắc thân của Đại Thế Chí Bồ tát, 12. Quán tưởng vãng sinh trong hoa sen, 13. Quán tưởng hình tượng nhỏ của Tam thánh, 14. Quán tưởng ba phẩm ở Thượng sinh, 15. Quán tưởng ba phẩm ở Trung sinh, 16. Quán tưởng ba phẩm ở Hạ sinh. Các phép quán này giúp hành giả có thể thấy được A Di Đà và hai vị Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí ngay trong đời này và đó là dấu hiệu chắc chắn hành giả sẽ được vãng sinh về thế giới Tịnh độ. 
 
Tất cả mười sáu pháp quán làm nhân tố vãng sinh Cực Lạc, được Đức Phật trình bày một cách rõ ràng, đó đều là những pháp quán rất tinh vi và sâu thẳm. 
4. Kinh Niệm Phật Ba La Mật: 
 
Ngoài ba bộ kinh và một bộ luận trọng yếu của tông Tịnh độ do Bồ tát Thế Thân soạn thảo, thì kinh Niệm Phật Ba La Mật là bộ kinh nói rõ bản ý, chủ đích của tông Tịnh Độ, lý giải một cách rõ ràng, thấu đáo về mục đích và đường lối tu tập pháp môn niệm Phật cầu vãng sinh. Bản kinh đó do Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán vào đời Diêu Tần (384-417) và được Hòa thượng Thích Thiền Tâm dịch sang Việt ngữ. 
 
Có thể nói đây là bản kinh mang tính triết lý vô cùng quan trọng của Tịnh Độ tông, bản kinh này được Đức Phật thuyết giảng trước đại chúng gồm các vị Đại Bồ tát khắp mười phương, các tỳ kheo, chư thiên vương, lại có cả Quốc mẫu Vi Đề Hy Hoàng thái hậu, vua A Xà Thế…..tại núi Kỳ Xà Quật, gần thành Vương Xá. Nhưng đáng tiếc hiện nay tuyệt đại đa số hành giả truyền bá Tịnh Độ tông hoàn toàn không nói đến kinh Niêm Phật Ba La Mật, và hầu như các chùa, các đạo tràng A Đi Đà của pháp môn Tịnh Độ đều không tụng bản kinh này.
 
Trong phẩm thứ hai Mười tâm thù thắng của kinh Niệm Phật Ba La Mật (Bản dịch từ Hán sang Việt của Hòa thượng Thích Thiền Tâm) có nói: “Pháp môn niệm Phật chính là chuyển biến cái tâm thể của chúng sinh, bằng cách không để cho tâm thể ấy duyên với vọng niệm; với lục trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; với huyễn cảnh, với kiến chấp, với mong cầu, với thức phân biệt v.v.. Mà chỉ đem tâm thể ấy duyên mãi với danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật. Không bao lâu người niệm Phật tự nhiên đi vào chỗ vắng lặng, sáng suốt, an lạc, cảm ứng với nguyện lực của đức Phật A Di Đà, thấy mình sinh vào cõi nước Cực lạc, thân mình ngồi trên tòa sen báu, nghe Phật và Bồ tát nói pháp, hoặc thấy Phật lấy tay xoa đỉnh”. Điều này cũng tương tự như lời Đức Phật dạy trong kinh Quán Vô Lượng Thọrằng: “Chư Phật Như Lai là thân pháp giới, vào trong tâm tưởng chúng sinh, cho nên tâm các ngươi tưởng Phật thì tâm ấy là ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, tâm ấy làm Phật, tâm ấy là Phật. Biến Chánh Biến Tri của Phật từ nơi tâm tưởng mà sinh, vì thế các ngươi phải nhớ nghĩ và quán tưởng kỹ thân của Đức Phật kia”.
 
Trong kinh Niệm Phật Ba La Mật, Đức Phật cũng đã dạy: “Chư Phật đã dùng Phật nhãn quán sát khắp mười phương, thấy rõ nghiệp lực chúng sinh lành dữ không đồng đều, thấy thân tướng và cảnh giới của chúng sinh xấu tốt có sai biệt. Nhưng điểm sinh khởi chẳng rời sát na tâm sinh diệt. Muốn hàng phục và chuyển biến cái sát na tâm sinh diệt ấy, thì không có pháp nào hơn là pháp NIỆM PHẬT”. Và đức Phật cũng đã nói:  “Muốn niệm Phật đúng pháp và tự biết mình chắc chắn vãng sinh, thì người niệm Phật phải phát khởi mười thứ Tâm Thù Thắng đó là: 1.Tín tâm, 2. Thâm trọng tâm, 3. Hồi hướng phát nguyện tân, 4. Xả ly tâm, 5. An ổn tâm, 6. Đà La Ni tâm, 7. Hộ giới tâm, 8. Ba La Mật tâm, 9. Bình đẳng tâm, 10. Phổ Hiền tâm”. 
 
Vì vậy cần đặt đúng vị trí kinh Niệm Phật Ba La Mật là một trong những bản kinh chính và quan trọng của pháp môn Tịnh độ. 
 
5. Luận Vãng Sinh Tịnh Độ: 
 
Luận Vãng Sinh Tịnh Độ là bộ luận quan trọng trong pháp môn Tịnh Độ được chư cổ đức truyền bá tông Tịnh Độ xếp thành bộ luận căn bản để hoằng truyền pháp môn Tịnh độ. Bộ luận này do Luận sư Bồ tát Thế Thân (316-?) người Ấn biên soạn dựa vào ý kinh của bản kinh Vô Lượng Thọ, nên tên chính của bộ luận là Vô Lượng Thọ Kinh Luận, do đó bộ luận này thuộc về Tôn Kinh luận [3]tức là dựa vào ý kinh mà lập ra luận. Bộ luận này gồm hai phần kệ văn và luận văn. Kệ văn là những bài kệ được quy định chữ và vần điệu. Trọng tâm bộ luận này, cả kệ văn và luận văn đều dạy những cương lĩnh của môn tu Ngũ niệm, một phương thức tu hành cầu vãng sinh Tịnh độ. Vì thế, bộ luận này còn được gọi là luận Năm môn thực hành để được vãng sanh Tịnh Độ. 
 
Năm môn thực hành gọi là Ngũ niệm đó bao gồm. 
 
- Môn lễ bái : thân nghiệp chuyên lễ bái Phật A Di Đà. 
- Môn tán thán khẩu nghiệp chuyên chấp trì Thánh hiệu Phật A Di Đà, tán dương Phật A Di Đà. 
- Môn phát nguyện: một lòng nhớ nghĩ, phát nguyện khi lâm chung được sinh về thế giới Tịnh độ
- Môn quán sátchuyên quán sát chánh báo và y báo trang nghiêm của Đức Phật A Di Đà và thế giới Cực Lạc. 
- Môn hồi hướngcó bao nhiêu công đức thảy đều hồi hướng, cầu nguyện cho mình và tất cả chúng sinh sớm được vãng sinh. 
 
Ngoài ra, còn có hai bộ kinh cũng được xếp vào Pháp môn Tịnh Đô (gọi là Tịnh Độ Ngũ kinh). Đó là kinh Phổ Hiền Hạnh Nguyện và kinh Đại Thế Chí Niệm Phật Viên thông
 
Nhưng thật ra Phổ Hiền Hạnh Nguyện chỉ là một phẩm trong bộ kinh Hoa Nghiêm. Phẩm này nói lên 10 đại nguyện của Đại sĩ Phổ Hiền bao gồm 1. Lễ kính chư Phật, 2. Tán thán Như Lai, 3. Phổ hiến cúng dường, 4. Sám hối nghiệp chướng, 5. Tùy hỷ công đức, 6. Xin chuyển pháp luân, 7. Thị hiện Niết bàn, 8. Thường học theo Phật, 9. Hằng thuận chúng sinh, 10. Hồi hướng công đức.
 
Mười điều phát nguyện của Bồ tát Phổ Hiền rất quan trọng đối với người Phật tử nói chung, chứ thực ra không chỉ giành riêng cho pháp môn niệm Phật của Tịnh Độ tông. Do vậy, có thể nói Phổ Hiền Hạnh nguyện không nên xếp vào trong các kinh chính của pháp môn Tịnh Độ.
 
Kinh Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông nguyên là một chương trong bộ kinh Đại Phật đỉnh Thủ Lăng Nghiêm. Chương này nói về Ngài Đại Thế Chí đã đắc niệm Phật viên thông như thế nào. Đó là niệm Phật đạt tới mức vừa viên dung vừa thông đạt, tức niệm Phật đến viên mãn, đến thành tựu. Ý nghĩa của chương Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông là Ngài Đại Thế Chí hiện thân thuyết pháp, dạy hết thảy chúng sinh về pháp môn niệm Phật đạt đến viên thông. Đó là 4 phương pháp: 1. Trì danh niệm Phật, 2. Quán tượng niệm Phật, 3. Quán tưởng niệm Phật và 4. Thực tướng niệm Phật. 
 
Vì đó là một chương trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, nên việc đưa vào là một trong Tịnh Độ Ngũ kinh xem ra không hợp lý lắm. Vì vậy các hành giả Tịnh Độ tông ít nhắc đến kinh này là kinh chính của pháp môn Tịnh Độ.
 
D. Các xu hướng phát triển của giáo lý Tịnh Độ tông ở Việt Nam. 
 
1.Tịnh Độ tông trước thời Lý-Trần. 
 
Đây là thời kỳ thuộc thiên niên kỷ thứ Nhất sau Công nguyên, từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ X, trước sự kiện Khúc Thừa Hạo giành quyền tự chủ. Như ở trên đã trình bày, pháp môn Tịnh Độ đã vào Việt Nam cùng với thời kỳ đầu khi Phật giáo từ Ấn Độ và từ Trung Quốc sang Việt Nam. Khi đó ở Việt Nam đã có những tác phẩm Phật học như cuốn Cựu Tạp Thí Dụ kinh và Lục độ tập kinh đều do Tăng Hội, người Khương Cư, sinh ra và sống trên đất Giao Chỉ nước ta, biên tập vào khoảng thế kỷ thứ II và thứ III sau Công nguyên. 
 
Trong Cựu Tạp Thí Dụ kinh, lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo nước ta, danh hiệu đức Phật A Di Đà được nhắc đến. Ngoài ra, ta còn thấy trong Lục Độ Tập Kinh, pháp môn Niệm Phật được đề cập nhằm giúp cho các Phật tử thực hành theo Tịnh Độ. Theo Giáo sư Nguyễn Lang (tức Thiền sư Nhất Hạnh) viết trongViệt Nam Phật giáo sử luận (NXB Văn Học-2000) thì Lục Độ Tập Kinh là một tác phẩm rất đặc biệt do Tăng Hội biên soạn vào đầu thế kỷ thứ III, chắc chắn không phải là một tác phẩm dịch thuật từ Phạn ngữ mà là một tác phẩm sưu khảo biên tập trong đó có nhiều đoạn hoàn toàn do Tăng Hội viết. Trong Lục Độ Tập Kinh, cả thảy có 8 quyển nói về sáu độ (nên gọi là Lục Độ Tập Kinh tức là nói về sáu sự vượt qua bờ) gồm bố thí độ, trì giới độ, nhẫn nhục độ, tinh tấn độ, thiền định và trí tuệ[4]. 
 
Và như vậy ngay từ những thế kỷ đầu sau Công nguyên, pháp môn Niệm Phật đã được lưu hành trong quảng đại quần chúng Phật tử ở Việt Nam. Đó là thời kỳ đất nước ta chìm đắm trong sự lệ thuộc vào phương Bắc cùng với các cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (Năm 43 của thế kỷ thứ I SCN), của Bà Triệu (Năm 248). Nhưng tín ngưỡng Tịnh Độ với pháp môn Niệm Phật vẫn được duy trì, tuy không được phát triển mạnh mẽ, không thành tông phái riêng và cũng không được phong phú về mặt lý luận. Người Phật tử nặng về niệm Phật để cầu xin vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, chắc chưa thấu hiểu giáo lý sâu xa của pháp môn Niệm Phật. 
 
Trong thời kỳ Bắc thuộc lần thứ 2 (từ năm 43 đến 541) kết thúc bằng cuộc khởi nghĩa của Lý Bí lập nên nhà Tiền Lý (544-602), có sự lưu truyền kinh Vô Lượng Thọ trong quần chúng Phật tử. Đây là một bản kinh thuộc Tịnh Độ tông do nhà sư Đàm Hoằng (?-455), một vị tăng Trung Quốc chuyên hành trì pháp môn niệm Phật Tịnh độ với ước nguyện vãng sinh nơi Cực Lạc, đem vào nước ta vào khoảng giữa thế kỷ thứ V. Do lưu truyền kinh Vô Lượng Thọ, nên trình độ thâm nhập giáo lý đức Phật cũng như pháp môn Niệm Phật đã được phát triển rộng rãi hơn. 
 
Sang giai đoạn Bắc thuộc lần thứ 3, kéo dài từ năm 602 khi kết thúc Hậu Lý Nam Đế đến năm 905 khi Khúc Thừa Dụ giành quyền tự chủ, có một số sự kiện Phật giáo làm cho Phật giáo ở Việt Nam phát triển có đặc thù riêng. 
 
Các sự kiện đó là: 
 
Sự kiện thứ nhất là vào tháng 3 năm Canh Tý (580) có nhà sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi, người Ấn Độ từ Trung Hoa qua Việt Nam, trụ lại ở chùa Pháp Vân, hương Cổ Châu, Long Biên, nay thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Chùa Pháp Vân còn được gọi là Chùa Dâu, tên chữ là Diên Ứng tự. Đây là ngôi chùa được coi là có lịch sử hình thành sớm nhất Việt Nam mặc dù các dấu tích vật chất không còn, Chùa nằm ở vùng Dâu, thời thuộc Hán gọi là Luy Lâu là trung tâm của đất Giao chỉ và cũng là trung tâm Phật giáo thời cổ đại. Tỳ Ni Đa Lưu Chi đến đây lập nên thiền phái Phật giáo đầu tiên ở nước ta vào cuối thế kỷ thứ VI là Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Thiền phái này tồn tại đến đầu thế kỷ XIII được 19 thế hệ. 
 
Sự kiện thứ 2 là cuối thế kỷ thứ IX, vào năm 820, thiền sư Vô Ngôn Thông từ Trung Hoa sang Việt Nam ở lại chùa Kiến Sơ thuộc làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, Bắc Ninh, nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Từ đó một thiền phái khác được thành lập mang tên là thiền phái Vô Ngôn Thông còn gọi là thiền phái Quan Bích. Thiền phái này tồn tại được 17 thế hệ đến cuối thế kỷ thứ XIII thì dần dần được hợp nhất các thiền phái ở Việt Nam khi đó trở thành thiền phái Trúc Lâm.

 
Trong quãng thời gian này (từ thế kỷ thứ I sau Công nguyên đến thế kỷ thứ X), cụ thể là đến năm 905, Khúc Thừa Dụ lập nên thời kỳ tự chủ, thì Phật giáo phát triển nặng về Thiền tông, nhưng pháp môn Tịnh Độ cũng được duy trì hòa hợp dung thông với Thiền tông mà cụ thể là các thiền sư thuộc các thiền phái Tỳ Ni Đà Lưu Chi và thiền phái Vô Ngôn Thông vẫn thực hành pháp môn niệm Phật, trì tụng kinh A Di Đà  và kinh Vô Lượng Thọ nhưng Tịnh Độ vẫn chưa hình thành pháp môn riêng biệt.
 
2. Tịnh Độ tông dưới thời Lý-Trần: 
 
Từ sau sự kiện Khúc Thừa Du xây dựng chính quyền tự chủ năm 905, đặt nền móng cho Việt Nam giành độc lập, rồi đến thời kỳ Ngô Quyền xưng vương lập nên nhà Ngô (939-968), sau trận chiến thắng lịch sử trên sông Bạch Đằng trước quân Nam Hán, đến năm 968 Đinh Bộ Lĩnh xưng đế và đặt tên nước là Đại Cồ Việt thì nước ta trải qua các triều đại nhà Đinh (968-980), nhà Tiền Lê (980-1009) và nhà Lý (1009-1225) và nhà Trần (1226-1400). 
 
Trong suốt thời kỳ này, Phật giáo ở Việt Nam phát triển mà hưng thịnh nhất chủ yếu vào thời nhà Lý và nhà Trần. 
 
Cũng cần điểm qua sự phát triển của Phật giáo nói chung và của pháp môn Tịnh Độ nói riêng trong thời kỳ chuyển tiếp từ khi khôi phục quyền tự chủ đến đầu đời nhà Lý, tức là khoảng thời gian Nhà Ngô, Nhà Đinh và Tiền Lê. Ta biết trong thời kỳ, các vị vua như Đinh Tiên Hoàng và Lê Hoàn rất trân trọng Phật giáo đã coi các vị danh tăng như những cố vấn của triều đình, giúp Nhà nước lo việc đại sự. Ta có thể kể đến Pháp sư Ngô Chân Lưu tức Khuông Việt Đại sư (933 – 1011)[5] được vua Đinh Tiên Hoàng phong làm Tăng thống lãnh đạo Phật giáo cả nước. Năm 971 lại phong chức Khuông Việt Thái sư (Tể tướng) để giúp đỡ và phát triển đất nước Đại Cồ Việt. Nhà vua và quần thần của cả hai triều Đinh và Tiền Lê đều rất tôn trọng và cung kính các Đại sư khác như Pháp Thuận, Vạn Hạnh v.v… Phật giáo trong thời kỳ này đã chiếm được ưu thế trong xã hội bởi triết lý tích cực là thương cảm chúng sinh. Cho nên thời Đinh và Tiền Lê chọn Phật giáo là tư tưởng chính trị chính thống là hợp với lòng người, hợp với thời đại. Phật giáo đã cung cấp cho nhà Đinh và Tiền Lê tư tưởng trị nước (tư tưởng từ bi, bác ái, khoan dung) và cung cấp học thuyết trị vì thiên hạ cho bậc quân vương. Do đó Phật giáo trong thời kỳ này phát triển mạnh mẽ mà ta có thể thấy trong các trụ đá mà triều đình nhà Đinh cho khắc các kinh Tổng trì Đà La Ni và Kinh Chú Thủ Lăng nghiêm ở Hoa Lư, Ninh Bình. 
 
Sang đến thời kỳ Lý-Trần thì Phật giáo đã phát triển đến mức cực thịnh và đã trở thành Quốc đạo. Đây là thời kỳ vẻ vang, oanh liệt của dân tộc và của Phật giáo Việt Nam. Có thể  thấy các đặc điểm của Phật giáo nói chung và của pháp môn Tịnh Độ nói riêng trong thời kỳ này như sau: 
 
a.Tính nhập thế: 
 
Phật giáo thời kỳ này giữ vai trò là một cột trụ lớn của hệ tư tưởng và văn hóa Việt Nam. Phật giáo đời Lý-Trần và nhất là vào thời Trần mang tính nhập thế tích cực “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian pháp”. Đạo không tách rời đời và đời cũng không thiếu vắng đạo, cả hai đã trở thành một hợp thể linh động, sáng tạo và diệu dụng trong mọi hoàn cảnh. Đặc điểm và tính nhập thế của Phật giáo thời Lý-Trần thể hiện nhiều trong các tác phẩm văn học và Phật học. Bài kệ trong đoạn kết của Cư Trần Lạc Đạo Phú của Phật hoàngTrần Nhân tông thể hiện rất rõ điều đó:
 
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên 
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch 
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền     
Dịch:    
Sống đời vui đạo cứ tùy duyên, 
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền. 
Của báu trong nhà, tìm gì nữa 
Thấy cảnh vô tâm, chẳng hỏi thiền.
 
Tư tưởng nhập thế của Phật giáo thời Lý-Trần mà nổi bật nhất trong thời Trần có liên quan đến pháp môn Tịnh Độ đã để lại trong nhiều tác phẩm như Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông trong đó có bài Niệm Phật luận, bài Phổ Khuyến Phát Bồ Đề Tâm, bài Niệm Tụng Kệ v.v…cũng như các bài trong tác phẩm Thánh Đăng Lục, Thiền Uyển Tập Anh, Tam Tổ Thực Lục, Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục đều có đề cập đến tư tưởng niệm Phật độ sinh thuộc về pháp môn Tịnh Độ. 
 
b. Tính dung thông:
 
Thời kỳ này các thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông đều phát triển mạnh mẽ, lại thêm thiền phái Thảo Đường[6] được thành lập sau sự kiện vua Lý Thánh Tông đi chinh phạt Chiêm Thành vào năm 1069. Các thiền sư trong cả ba thiền phái này không những tinh thông cả Thiền tông mà còn hộ trì pháp môn Tịnh Độ và thâm hiểu sâu cả Mật tông. Đó là đặc điểm các tông phái Phật giáo thời Lý-Trần: có sự dung thông trong quá trình tu tập và hoằng dương Phật pháp. Có thể nói sự kiện nhà sư Thường Chiếu ( ?–1203), vị thiền sư­ họ Phạm thuộc­ thế hệ thứ 13  thiền phái Vô Ngôn Thông dời sang chùa Lục Tổ ở hư­ơng Dịch Bảng nay là chùa Cổ Pháp xã Đình Bảng, vốn là một tổ đình lớn của Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Ông sang đây mở trư­ờng dạy học để giáo hoá Phật pháp cho ta thấy xu h­ướng hoà nhập của các thiền phái đạo Phật ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện vào cuối thế kỷ XII và đầu thế kỷ thứ XIII đời nhà Trần. Rồi sự kiện thiền sư Trì Bát (1049 - 1117), đời thứ 12 thuộc thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã chịu ảnh hưởng của Tịnh Độ tông khi tin vào cõi Tây phương Cực lạc của đức Phật A Di Đà.
 
c. Tính thống nhất:
 
Phật giáo thời Trần đã có công đem lại cho nền Phật giáo một sự thống nhất cao đô. Ta biết rằng ở nước ta thời trước đã có thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, thiền phái Vô Ngôn Thông và thiền phái Thảo Đường. Bên cạnh đó các pháp môn Tịnh Độ tông và Mật tông vẫn hoằng truyền Phật pháp. Tuy nhiên chỉ có các thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông là phát triển mạnh. Trước khi Vua Trần Nhân tông lập nên Trúc Lâm Yên Tử, thì từ những năm đầu của thế kỷ thứ XIII đã có thiền sư­ Thư­ờng Chiếu là ngư­ời dày công xây dựng sự hoà nhập giữa ba dòng thiền chính của Phật giáo Việt Nam, khởi đầu cho sự hình thành thống nhất của Phật giáo Việt Nam đi đến một thiền phái thống nhất Trúc Lâm Yên Tử. Thiền sư Thường Chiếu là người đã khơi mào cho việc hòa nhập mà vị đệ tử xuất sắc của Ngài là nhà sư Hiện Quang (?-1221), chính là vị tổ khai sơn ra phái Yên Tử. Mãi đến khi Trần Nhân Tông xuất gia tại chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử năm 1229 thì Trần Nhân Tông được ghi nhận là người truyền thừa đời thứ 6 của phái Yên Tử và là vị tổ thứ nhất của Phật giáo Trúc Lâm. Từ đó trở đi Trúc Lâm Yên Tử trở thành nổi tiếng với công lao của 3 vị Tam tổ là Trúc Lâm Đầu Đà Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang trở thành Tam tổ sáng lập ra Giáo hội Phật giáo Trúc Lâm cho đến ngày nay. 
 
d. Về sự phát triển Tịnh Độ tông thời Lý-Trần. 
 
Từ giữa thế kỷ thứ XI trở đi, pháp môn Tịnh Độ được phổ biến rộng rãi, với sự hình thành của nhiều ngôi Tam bảo, và các đạo tràng ở khắp nơi.           
Thời Lý-Trần, Tịnh Độ tông đã được đề cao và phát triển bên cạnh Thiền tông. Ta có thể thấy vào năm 1057, vua Lý Thánh tông đã cho dựng một tượng A Di Đà bằng đá cao hai mét rưỡi tại núi Lạn Kha, huyện Tiên Du, Bắc Ninh, hiện vẫn còn ở chùa Phật Tích ngày nay. Sử liệu Phật giáo còn nói rằng pháp môn niệm Phật đã thâm nhập vào thiền phái Vô Ngôn Thông: Trong sách Thiền Uyển Tập Anh có nói đến việc Không Lộ (?-1444), vị thiền sư đời thứ 10 dòng Vô Ngôn Thông, đã dựng tượng A Di Đà ở chùa Quỳnh Lâm (thuộc xã Tràng An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Thiền Uyển Tập Anh cũng nói đến thiền sư Tịnh Lực (1112–1175) thuộc đời thứ 11 dòng Vô Ngôn Thông, một ngày đêm mười hai thời thực hành sám hối và thâm nhập được pháp môn Niệm Phật tam muội[7] và đã đắc pháp Niệm Phật tam muội. Sư là một người đã có công phu niệm Phật, đã từng dạy đệ tử “nếu muốn diệt trừ các ác nghiệp thì phải áp dụng phương pháp niệm tụng bằng cả tâm lẫn miệng”. Thiền sư Trì Bát (1049-1117) thuộc thế hệ thứ 12 của dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi “nhân tưởng niệm Phật A Di Đà ở thế giới Phương Tây Cực Lạc, nên đã phổ khuyến đạo tục, dựng một đạo tràng lớn”[8], đã tạo dựng tượng A Di Đà năm 1099 ở chùa Hoàng Kim, Quốc Oai, Hà Nội. Rõ ràng đó là sự kết hợp hòa quyện giữa Thiền tông và pháp môn Niệm Phật của Tịnh Độ tông trong thời kỳ này, và đó cũng chứng tỏ Tịnh Độ tông thời Trần cũng phát triển mạnh mẽ.
 
Cùng với tín ngưỡng A Di Đà, tín ngưỡng Quán Thế Âm, vị Bồ tát thân cận của Phật A Di Đà, ở thời này cũng trở nên phổ biến. Từ giai đoạn này trở về sau, trên phương diện tín ngưỡng, trào lưu Tịnh Độ đã thực sự có một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân ta. 
 
Qua tín ngưỡng của nhân dân thời bấy giờ, pháp môn Tịnh Độ đã đi vào quần chúng bằng con đường đề cao giáo pháp từ bi, cứu khổ, cứu nạn, bằng cách đưa lên hình ảnh thanh tịnh an lạc của cõi Tịnh Độ Tây phương Cực lạc, nơi mà Đức Phật A Di Đà cùng Thánh chúng sẵn sàng tiếp đón những người khi sống trên trần thế đã tu hành thập thiện nghiệp, tin sâu, nguyện thiết và niệm Phật cầu vãng sinh. Tịnh Độ tông còn đề cao hình ảnh vị Bồ tát đắc đạo nhưng vì thương xót chúng sinh khổ não nên ở lại trần thế cứu vớt họ. Đó là hình tượng vị Bồ tát Quán Thế Âm, tiêu biểu cho sức mạnh kỳ diệu, lòng từ bi và tình thương bao la. Chính mái chùa Một Cột ở Hà Nội, là nơi thờ Đức Quán Thế Âm đã được xây dựng vào năm 1049, thời vua Lý Thái Tông. Ta cũng thấy tác phẩm Khoá hư lụcdo Trần Thái Tông biên soạn nhằm giúp cho các Phật tử đọc tụng sáu thời trong một ngày đêm để giữ cho sáu căn[9] được thanh tịnh (trong Lục thời sám hối khoa nghi). Điều đó chứng tỏ Tịnh Độ tông chủ trương trì kinh, niệm Phật để giữ tâm được lặng lẽ thanh tịnh, để sám hối tội căn kiếp trước và để rửa sạch tội lỗi hàng ngày mắc phải. Đặc biệt, trong các tác phẩm của các nhà thiền học thời kỳ này, pháp môn Niệm Phật đã được đề cập đến như là một phương thức hành thiền được hướng dẫn từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, hợp với từng căn cơ đối tượng tham thiền học đạo.
 
3.Tịnh độ tông ở Việt Nam hiện nay.
 
Sau thời kỳ Phật giáo cực thịnh dưới các triều Lý Trần thì do ảnh hưởng mạnh của Nho học, nên Phật giáo Việt Nam cũng như Tịnh Độ tông trong thời Lê cho đến đầu thế kỷ XX không được phát triển mạnh. Tuy nhiên vào cuối thế kỷ XVI, nhiều tác phẩm về Tịnh Độ được viết, được dịch và chú giải nhằm cổ súy và truyền bá cho tư tưởng Tịnh Độ. Có thể kể như Thiền sư Viên Văn Chuyết Chuyết (1590-1644) viết tác phẩm Bồ đề yếu nghĩa, thuyết minh về Tự tính Di Đà; thiền sư Minh Châu Hương Hải (1628-1708) dịch A Di Đà kinh sớ sao của ngài Châu Hoằng; thiền sư Chân Nguyên (1647-1726) viết nhiều tác phẩm mang đặc điểm tư tưởng Tịnh Độ của Trung Hoa như Phật tâm luậnTịnh độ yếu nghĩa; thiền sư Tánh Thiên viết Phổ khuyến niệm Phật… 
 
Vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, do triều Nguyễn độc tôn Nho học nên mặc dù các chùa trong nước rất nhiều, nhưng đều hoạt động riêng rẽ, không có một tổ chức, hệ thống liên lạc chặt chẽ với nhau, sự giao lưu phát triển về Phật học cũng suy giảm. 
 
Trong suốt giai đoạn thuộc Pháp, Phật giáo Việt Nam có nhiều biến cố. Một mặt, thực dân Pháp trong quá trình đô hộ, chủ trương không cho đạo Phật phát triển, mặt khác đạo Thiên Chúa được Pháp ủng hộ nên rất phát triển ở Việt Nam. Do đó trào lưu Tịnh Độ nói riêng cũng như Phật giáo nói chung không những không được phát triển mà còn suy thoái. Sang đầu thế kỷ XX, vào năm 1920, phong trào Chấn hưng Phật giáo xuất hiện, bắt đầu bằng những bài viết của các tăng sĩ và cư sĩ đăng trên các báo. Dưới chế độ thuộc địa và bảo hộ của Pháp, các tổ chức Phật giáo chỉ được mang danh nghĩa là các Hội đoàn, không được coi là Giáo hội. Vì vậy, các tổ chức Phật giáo đầu tiên lần lượt xuất hiện như Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học thành lập năm 1930 tại Sài Gòn và xuất bản tờ tạp chí Từ Bi Âm, HộiAn Nam Phật học được thành lập năm 1932 tại Huế với tạp chí Viên Âm, HộiPhật giáo Bắc Kỳ được thành lập năm 1935 tại Hà Nội với tạp chí Đuốc Tuệ. Tiếp theo là xuất hiện thêm một số hội Phật giáo khác ở các tỉnh thành khác mà chủ yếu là ở miền Nam đồng thời nhiều tạp chí Phật học cũng được xuất bản nhưPháp ÂmQuan ÂmTam BảoTiếng Chuông SớmDuy TâmTiến Hóa. Một nhà xuất bản đã ra đời, đó là Phật học Tùng thư do cư sĩ  Đoàn Trung Còn thành lập năm 1932.  Nhiều kinh sách đã được xuất bản như sách Phật Giáo Sơ HọcPhật Giáo Vấn Đáp, Phật Giáo Giáo Khoa Thư, và những kinh bản bằng quốc ngữ nhưKim Cương, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm. Từ sau Cách mạng tháng Tám, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Phật giáo Việt Nam phát triển không đồng đều. Ở miền Bắc tuy đều có tổ chức Giáo hội Phật giáo ở các tỉnh, song do tình hình kháng chiến chống Pháp và chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, Phật giáo tuy có phát triển song không được mạnh, nhưng trong những ngôi chùa cũ, pháp môn Tịnh Đô vẫn được lưu truyền. Trong khi ở miền Nam, Phật giáo cũng phải trải qua nhiều biến cố, điển hình như sự kiện chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp phong trào Phật giáo năm 1963.  Nhưng sau sự kiện này, Phật giáo miền Nam càng phát triển. Nhiều ngôi chùa được xây dựng, nhiều đạo tràng được lập nên, đặc biệt có rất nhiều đạo tràng chuyên tu pháp môn Tịnh Độ niệm Phật A Di Đà. 
 
Sau năm 1975, Phật giáo Việt Nam đã được tổ chức thống nhất lại thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981, tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển rộng rãi. Đáng chú ý nhất là phong trào phát triển pháp môn Tịnh Đô, tụng kinh Tịnh Độ và niệm Phật cầu vãng sinh được lan tỏa khắp mọi nơi. Nhiều đạo tràng niệm Phật A Di Đà của Tịnh Độ tông xuất hiện bên cạnh những đạo tràng Dược sư, đạo tràng Pháp Hoa v.v…Điển hình nhất là từ năm 1984, ngôi chùa Hoằng Pháp ở Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu tổ chức những khóa tu Phật thất (bảy ngày liền) chuyên công phu niệm Phật A Di Đà theo pháp môn Tịnh Độ với mỗi khóa tu từ 3.000 đến 5.000 Phật tử ở khắp nơi trong nước về dự. Điển hình này đã được nhiều chùa trong nước áp dụng vì tu theo pháp môn Tịnh Độ niệm Phật thu hút được nhiều Phật tử. Nhiều trung tâm, đạo tràng được thành lập theo Tinh Độ vì đó là một pháp môn tu dễ dàng hơn, nhẹ nhàng hơn so với các pháp môn tu khác, do đó đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số Phật tử muốn qua tu hành niệm Phật để cầu được vãng sinh về Tây phương Cực lạc. 
 
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, do tác động qua lại giữa các pháp môn Tịnh Độ ở Úc Châu, ở Singapore, Malaysia và Đài Loan với Tịnh Độ tông Việt Nam, các đạo tràng Tịnh Độ, các đạo tràng A Di Đà ở Việt Nam càng phát triển mạnh. Nhiều Niệm Phật đường được xây dựng, nhiều Vãng sinh đường được lập nên tạo điều kiện cho các Phật tử mong ước được huân tu niệm Phật và vãng sinh Tây phương Cực Lạc.  Nhiều kinh sách, nhất là các sách về niệm Phật và truyền bá phương pháp hành trì niệm Phật của các vị Tổ Tịnh Độ tông được xuất bản một cách rộng rãi chứng tỏ Tịnh Độ tông không những trở thành một môn phái được phát triển rộng ở Việt Nam về mặt quy mô mà về mặt lý luận và phương pháp tu hành cũng được phát triển một cách hệ thống. Tuy nhiên, ta biết sự truyền thừa của pháp môn Tịnh Độ khác với Thiền tông. Ở Thiền tông luôn có sự truyền thừa từ đời này sang đời khác liên tục. Còn ở Tịnh Độ tông Trung Quốc, tùy theo công đức của từng vị Đại sư mà môn đồ suy tôn làm Tổ. Cho nên ở Trung Quốc kể từ cuối thế kỷ thứ IV đến đầu thế kỷ XX, Tịnh Độ tông Trung Quốc mới có 13 vị Tổ như đã nói ở phần trên. 
 
Ở Việt Nam, tuy pháp môn Tịnh Độ được lưu hành từ nhiều thế kỷ qua, nhưng về mặt tổ chức của pháp môn chưa hình thành một hệ thống rõ rệt, nghĩa là chưa có sự truyền thừa từ tổ nọ sang tổ kia như Thiền tông hoặc như Tịnh Độ tông ở Trung Quốc. Giữa thế kỷ thứ XX, một số vị có công truyền bá và xây dựng pháp môn Tịnh Độ phát triển cho tới nay là các Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh và Thích Thiền Tâm. Cả hai đại lão hòa thượng đều đã viên tịch. Gần đây một số đạo tràng niệm Phật A Di Đà theo truyền thống Tịnh Độ tông đã có những kiến nghị với Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam suy tôn các vị đại lão hòa thượng đó là những vị tổ của Tịnh Độ tông Việt Nam. 
 
Nhìn lại, chúng ta có thể thấy tín ngưỡng và pháp môn Niệm Phật A Di Đà cầu vãng sinh Cực lạc là một trong những khuynh hướng tín ngưỡng lớn, nếu không nói là chủ yếu, của Phật giáo nước ta hiện tại. Tuy nhiên, quan niệm Tịnh Độ của người phật tử Việt Nam mang những điểm đặc thù, dẫu có sự ảnh hưởng của Tịnh độ tông Trung Hoa, nhưng vẫn khác biệt so với Tịnh độ tông của Trung Hoa hay của Nhật Bản.
 
Còn nữa...
Phạm Đình Nhân (Phatgiao.org.vn)

[1] Ở Việt Nam còn có một vài bản dịch Kinh Vô Lượng Tho do chư tăng và cư sĩ dịch. 
[2] Chính báo và y báo: Thân tâm mình là quả báo chính thức tức Chính báo. Cảnh vật ngoài thân mà thân tâm mình nương tựa vào gọi là Y báo. [3] Tôn Kinh luận là chư Tổ dựa vào ý kinh tự lập ra luận. Thích Kinh Luận là các Tổ cứ y theo kinh văn giải thích thành luận. Bộ Luận Vãng Sanh Tịnh Ðộ này là Tôn Kinh Luận tức là dựa vào y kinh mà lập ra luận. 
[4] Sách Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang, NXB Văn học, 2000, trang 75. 
[5] Theo Lê Mạnh Thát, Khuông Việt Đại sư có thể là Khuông Việt Thái sư, một vị tể tướng khuông phò nước Việt, chứ chỉ là một vị đại sư bình thường như bao đại sư khác thì làm gì có thể khuông phò. 
[6] Thảo Đường, nguyên là một nhà sư Trung Quốc sang Chiêm Thành, bị bắt làm tù binh đưa về Viêt Nam. Được vua Lý Thánh Tông phát hiện tài năng Phật học và cho thành lập thiền phái Thảo Đường 
[7] Xem tiểu truyện Thiền sư Tịnh lực, trong Nghiên cứu về Thiền Uyển Tập Anh,Lê Mạnh Thát, Nxb. TPHCM, 1999, trang 223 
[8] Theo những dòng chữ khắc trên bệ tượng hình sư tử đội tòa sen ở chùa Một Mái, xã Hoàng Ngô, huyện Quốc Oai, Hà Nội 
[9] Sáu căn : Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin