Chi tiết tin tức

Tịnh Độ yếu nghĩa

21:38:00 - 21/12/2013
(PGNĐ) -  Ấn Quang Đại sư nói: “Nên biết pháp môn Tịnh Độ lấy ba pháp Tín –Nguyện - Hành làm tông chỉ. Hành giống như xe ngựa, Nguyện như người đánh xe, Tín như dẫn đường phía trước. Người dẫn đường và người đánh xe chính là thành tựu cho cỗ xe tiến về phía trước . Vì thế phải nên sớm tối hướng Phật phát nguyện , tu trì”. 

1.Tín nguyện trì danh.

Ấn Quang Đại sư nói: “Nên biết pháp môn Tịnh Độ lấy ba pháp Tín –Nguyện - Hành làm tông chỉ. Hành giống như xe ngựa, Nguyện như người đánh xe, Tín như dẫn đường phía trước. Người dẫn đường và người đánh xe chính là thành tựu cho cỗ xe tiến về phía trước . Vì thế phải nên sớm tối hướng Phật phát nguyện , tu trì”. Do đó có thể thấy thời khóa công phu sớm tối rất quan trọng , đểu cần phải hướng Phật phát nguyện cầu sinh Tịnh Độ. Điều quan trọng là phải khẩn thiết chí thành, phát tâm từng câu từng chữ từ tận đáy lòng mà phát ra , mới hợp với căn bản của việc phát nguyện. Điểu này có quan hệ hết sức trọng yếu, mong rằng các hành giả tịnh độ hãy nhiếp tâm chuyên chí Tinh Độ hướng về Tây phương.

Ngẫu Ích Đại sư nói: được vãng sinh hay không hoàn toàn do tín nguyện có hay không. Vãng sinh phẩm vị cao hay thấp, hoàn toàn do trì danh sâu hay cạn.

Vậy thế nào là tín?

- Tin nguyện lực của đức Phật A Di Đà

-Tin lời chỉ dạy của đức Phật Thích Ca Mâu Ni

-Tin lời tán thán của sáu phương chư Phật

-Tin mình niệm Phật nhất định vãng sinh.

Những điều này mà không tin thật không thể cứu được. Cho nên trước phải phát sinh lòng tin sâu sắc, chớ sinh nghi hoặc.

Thế nào là Nguyện?

Trong mọi thời gian đều phát khởi tâm chán lìa cõi Sa Bà sinh tử khổ đau, mong cầu cái vui giải thoát Bồ Đề nơi Cực Lạc. Phàm làm việc gì hoặc thiện hoặc ác : Thiện thì hồi hướng cầu sinh, ác thì sám hối cầu sinh, không có chí nguyện nào khác. Đó gọi là Thiết nguyện.

Tín nguyện đã đủ. Niệm Phật mới là chính hạnh cải ác làm lành…đều là Trợ hạnh.

Ấn Quang Đại Sư nói: Niệm Phật pháp môn chú trọng Tín Nguyện. Có Tín Nguyện, niệm Phật tuy chưa được nhất tâm cũng được vãng sinh. Niệm Phật được nhất tâm mà không có tín nguyện cũng không thể vãng sinh được. Người đời phần nhiều chú trọng nhất tâm, mà không chú trọng Tín Nguyện, đã mất đi Tông yếu, mà cũng không chắc được nhất tâm, e rằng khó được vãng sinh, vì hoàn toàn trái với chân tín thiết nguyện. Do vậy mà càng phải tăng cường tín nguyện .Do tin sâu nguyện thiết sẽ dễ dàng đạt được nhất tâm. Nếu do chưa đạt được nhất tâm, cũng chớ sinh tâm nghi ngờ không được vãng sinh , nếu không sẽ phá hoại tịnh niệm.

Do vậy phải thận trọng!

Chúng ta những kẻ Bạc địa phàm phu được nghe pháp môn Tinh độ, nên tin Sa Bà cực khổ, Tây Phương Cực Lạc, nên tin nhiều kiếp đến nay nghiệp chướng sâu nặng nếu chẳng nhờ vào Phật lực thì khó lòng thoát ra . Nên tin niệm Phật cầu sinh Tịnh Độ,

Quyết định ngay đời này được vãng sinh, nên tin niệm Phật nhất định được Phật từ bi nhiếp thụ . Do vậy một lòng kiên định ; nguyện lìa Sa Bà , như kẻ tử tù muốn ra khỏi ngục, tuyệt không có một chút lòng lưu luyến chấp trước ; nguyện sinh Tây phương như kẻ Tha phương tìm về cố hương, đâu có lần nữa qua ngày.

Theo đó tùy sức tùy phận chí tâm trì niệm Hồng danh “Nam Mô A Di Đà Phật” . Bất luận nói năng, im lặng, khi động , lúc tĩnh . Đi đứng nằm ngồi, qua lại đón tiếp, mặc áo ăn cơm … sao cho Phật chẳng rời tâm, tâm không rời Phật.

---- Khai Thị----

- Bồ tát Đại Thế Chí dạy: “ Nếu tâm chúng sinh nhớ Phật , niệm Phật, hiện tiền tương lai nhất định thấy Phật, cách Phật không xa”… “Chẳng nhờ phương tiện, tự được tâm khai”.

- Hám Sơn Đại sư dạy: Phật dạy phương pháp tu hành ra khỏi sinh tử , phương tiện có nhiều môn. Duy chỉ có pháp môn niệm Phật cầu sinh Tịnh Độ là thấy cốt yếu bậc nhất. Người tu Tịnh Độ chẳng nhất định cầu khai ngộ minh tâm kiến tính, chuyên nhất niệm Phật làm chính Hạnh. Lại lấy việc cúng dàng Tam Bảo, Bố thí, trì giới, làm các công đức phúc điền làm trợ hạnh trang nghiêm Phật Tịnh Độ. Khi trong lòng niệm Phật , tuy phát nguyện vãng sinh, điều cốt yếu phải biết đó là trước phải đoạn gốc rễ của sinh tử, mới nhanh chóng có hiệu quả. Gốc rễ của sinh tử đó là tâm tham trước sự hưởng thụ ngũ dục thế gian và sắc đẹp, tiếng dâm, vị ngon đầy miệng, hết thảy đều là gốc khổ, cùng hết thảy giận dữ, tức, hận, tâm chấp trước si ái, cùng với hết thảy pháp của ma ngoại đạo, lời dạy của Tà sư, đều dốc lòng đoạn trừ , chỉ tin sâu một môn niệm Phật, mỗi ngày tụng hai quyển kinh Phật thuyết A Di Đà niệm Phật vài ngàn câu.

Đại sư Ngẫu Ích dạy: Niệm Phật cầu sinh Tịnh Độ là pháp môn Viên nhiếp trăm nghìn pháp môn. Chẳng phải lấy một bỏ trăm , chỉ cần thâm nhập một môn tức là vào hết thảy môn . Niệm Phật là chính hạnh ngoài ra tu tập hết thảy Giới Định Tuệ …. Đều là trợ hạnh , chính trợ giúp nhau như thuận dòng xuôi gió , lại gia tăng chèo lái , nhanh chóng tới bờ. Phương pháp niệm Phật tuy nhiều , trì danh là dễ dàng nhất, phương pháp trì danh cũng nhiều, niệm Phật ký số lại càng thích hợp đem lại hiệu quả cao.

Pháp môn niệm Phật, không có gì đặc biệt. Chỉ quý ở chỗ tín nguyện sâu, hành trì đều đặn, ngay đây niệm đi, hoặc ngày đêm niệm 10 vạn câu, hoặc năm vạn, ba vạn lấy đó làm thường chuẩn chẳng được khuyết giảm.

Niệm được câu A Di Đà Phật một cách thuần thục thì giáo lý cao tột của 12 Bộ Kinh đều ở trong đó. Một nghìn bảy trăm công án những then chốt hướng thượng cũng ở trong đó. Ba nghìn uy nghi, tám muôn tế hạnh, ba tụ tịnh giới cũng ở trong đó.

- Chân chính niệm Phật buông xả thân tâm thế giới Đại bố thí.
- Chân chính niệm Phật, không còn khởi tham sân si tức là Đại trì giới.
- Chân chính niệm Phật, không chấp thị phi nhân ngã là Đại nhẫn nhục.
- Chân chính niệm Phật, không chút gián đoạn xen tạp là Đại tinh tiến.
- Chân chính niệm Phật, không chạy theo vọng tưởng phân biệt tức là Đại thiền định.
- Chân chính niệm Phật, chẳng bị người khác lay chuyển mê hoặc tức là Đại trí tuệ.

Hãy tự kiểm điểm xem: đối với thân tâm thế giới còn chưa buông bỏ được, niệm đầu Tham Sân Si còn tự do biện khởi, thị phi nhân ngã còn để trong lòng gián đoạn, xen tạp còn chưa đoạn trừ, chạy theo vọng tưởng còn chưa đình chế, thứ thứ đường rẽ còn bị lạc vào, thì chẳng gọi là Người chân chính niệm Phật được.

Muốn đạt được NHẤT TÂM BẤT LOẠN cũng không có thuật nào khác. Lúc đầu hạ thủ công phu niệm Phật cần dùng tràng hạt ghi nhớ rõ ràng, khắc định thời khóa không được thay đổi, không được thiếu khuyết, lâu ngày thuần thực, không niệm tự niệm. Sau đó ký số cũng được, không ký số cũng được. Nếu ngay lúc đầu chỉ muốn học nói cho hay, hiện tướng cho đẹp, đó chỉ là tự lừa mình lừa người. Đều do tin không sâu, hành không hết sức. Giả sử có giảng thông 12 Bộ kinh đi chăng nữa, thấu triệt 1700 công án cũng đều là việc bên này bờ sinh tử. Đến khi lâm chung, chẳng dùng vào việc gì được.

Thiện Đạo đại sư khuyến thế kệ:

Dần dần da gà tóc hạc
Bước đi gập ghềnh chậm chạp
Giả sử vàng ngọc đầy nhà
Đâu miễn suy tàn bệnh khổ
Dẫu được nghìn ban khoái lạc
Vô thường rồi cũng đến thôi
Duy có đường tắt tu hành
Chỉ niệm A Di Đà Phật

Triệt Ngộ Đại Sư thị chúng:

1.Thật vì sinh tử phát tâm Bồ Đề là con đường chung học đạo.
2.Lấy thâm tín thiết nguyện, chấp trì danh hiệu là Tịnh Độ chính tông.
3.Dùng nhiếp tâm chuyên chú mà niệm là phương tiện hạ thủ công phu.
4.Lấy triết phục phiền não hiện tiền, là nhiệm vụ tu hành thiết yếu.
5.Lấy kiên trì giới luật làm căn bản nhập đạo.
6.Lấy thứ thứ khổ hạnh, làm trợ duyên tu hành.
7.Lấy nhất tâm bất loạn, làm Tịnh hạnh quy túc.
8.Lấy thứ thứ thụy tướng làm chứng nghiệm vãng sinh.
9.Tám điều này đều phải giảng kỹ, người tu Tịnh Độ không thể không biết.

Ấn Quang Đại Sư khảo thị:

Bất luận là tại gia xuất gia đều nên trên kính dưới hòa. Nhẫn điều khó nhẫn, làm việc khó làm, thay người chịu nhọc, thành tựu cho người.

Tĩnh tọa nên nghĩ lỗi mình, luận bàn chớ luận lỗi người. Đi đứng nằm ngồi, mặc áo ăn cơm, từ sáng tới tối, từ tối đến sáng, một câu Phật hiệu không để gián đoạn. Hoặc niệm nhỏ tiếng, hoặc niệm thầm, ngoài niệm Phật ra, không khởi niệm nào khác. Hoặc nếu vọng niệm phát sinh, ngay đó lập tức tiêu diệt, nên sinh tâm hổ thẹn và tâm sám hối.

Dẫu có tu hành, phải biết công phu của mình còn rất cạn. Chẳng được tự khoe, tự mãn. Chỉ quản việc mình, chớ quản việc người, chỉ thấy điều tốt của người, chớ thấy điều không tốt của người. Xem tất cả mọi người đều là Bồ Tát, chỉ có một mình ta thực sự là Phàm phu. Quả như nương theo lời tôi nói mà tu hành, quyết định vãng sinh Thế Giới Cực Lạc Phương Tây.

Chớ làm các điều ác
Nên làm các điều lành
Giữ tâm ý trong sạch
Là lời chư Phật dạy

Nam Mô A Di Đà Phật! A Di Đà Phật!

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

 

chuabang.com

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin