Chi tiết tin tức

Tinh thần gia phong của Phật giáo Trúc Lâm thời Trần

15:11:00 - 19/10/2014
(PGNĐ) -  Ở thời Trần kể từ sơ tổ Trúc Lâm trở đi cũng là một trong những biểu hiện sống động và giá trị cho tinh thần gia phong của Thiền phái Trúc Lâm đời Trần. Bởi những hoạt động này đến nay vẫn còn kế thừa và phát huy.
I. Đặt vấn đề
 
“Gia phong” là một thuật ngữ tương đối đặc biệt và phổ biến sâu rộng từ thời Ngũ đại thập quốc qua Tống, Nguyên, Minh của Thiền tông Phật giáo Trung Hoa cũng như các nước có ảnh hưởng Phật giáo Thiền Trung Hoa. Nó đặc biệt vì sự xuất hiện của nó cho biết một giai đoạn lịch sử cụ thể trong hành trình phát triển của Thiền tông.

Ở Việt Nam, thuật ngữ này dường như chỉ xuất hiện ở thời Trần, và được tìm thấy trong các tác phẩm thuộc dạng đối thoại Thiền, cụ thể là trong phần Niêm tụng kệ của Trần Thái Tông, phần Đối cơ của Tuệ Trung Thượng Sĩ , phần Bài giảng tại chùa Sùng Nghiêm của Trần Nhân Tông .
 
Vấn đề đặt ra là vì sao thuật ngữ này chỉ xuất hiện ở thời Trần trong khi Thiền phái Việt ít nhất đã chịu ảnh hưởng Thiền Trung Hoa từ đầu thế kỷ IX, cụ thể là sự truyền bá của Thiền sư Vô Ngôn Thông vào năm 820 cũng như sự hình thành và phát triển rực rỡ của Thiền phái Kiến Sơ cho đến hết thời Lý. Thứ hai, nội hàm của thuật ngữ gia phong trong Phật giáo Trúc Lâm thời Trần là gì. Và cuối cùng là gia phong của Phật giáo Trúc Lâm thời Trần có còn được tiếp nối trong tự thân Phật giáo Trúc Lâm nói riêng và Phật giáo Việt nói chung kể từ sau thời Trần? 
 
Bài viết xin ghi nhận vài điều xung quanh những câu hỏi trên.
 
II. Nguồn gốc và bối cảnh lịch sử
 
Theo ghi nhận trong Cảnh Đức truyền đăng lục, thuật ngữ Gia phong bắt đầu từ thời Thiền sư Hồng Nhân (828 -  901) đệ tử nối pháp của Thiền sư Linh Hựu tông Quy Ngưỡng thuộc đời thứ tư của Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng – đệ tử đắc pháp của Lục tổ Huệ Năng. Theo tác phẩm này thì Một lần nọ, Trưởng lão Phật Nhật đến thăm, Thiền sư Hồng Nhân liền hỏi: Phục thừa Trưởng lão riêng giáo hóa một phương. Lấy gì tiến cử kẻ du lãm đỉnh núi? Phật Nhật đáp: Trăng sáng treo từng không, băng sương không tự lạnh. Hỏi: Đó phải chăng là Gia phong của Trưởng lão? Đáp: Chót vót muôn lớp ải, trong đó ngậm trăng báu… .

Đoạn đối thoại này cho thấy, thuật ngữ Gia phong có từ thời Vãn Đường, tông Quy Ngưỡng đề cập đến trước và ý nghĩa cơ bản là phong giáo của từng Thiền sư, từng Tổ sư. Dẫu vậy, cùng với sự phát triển của Thiền tông, đặc biệt là sự xuất hiện của 5 phái Lâm Tế, Quy Ngưỡng, Vân Môn, Tào Động, Pháp Nhãn thì thuật ngữ Gia phong còn hàm tàng một nét nghĩa nữa là phong giáo của chi phái, hệ phái, thậm chí là tông phái. Vì vậy, cũng trong Cảnh Đức truyền đăng lục, bên cạnh thuật ngữ Gia phong, ta lại thấy có các thuật ngữ Gia khúc, Tông phong. 
 
Ví dụ Thiền sư Phong Huyệt Diên Chiểu (886 – 973) thượng đường, nói với đại chúng “Con mắt trí tuệ của người tham học khi lâm cơ thì phải đại dụng hiện tiền… Có người hỏi: Sư xướng Gia khúc của ai? Sư nói: Siêu nhiên khác hẳn thời Phật Uy Âm…” , hoặc như “Có vị tăng hỏi Thiền sư Quy Tĩnh Hưng Dương rằng: Sư xướng Gia khúc của ai. Tông phong nối pháp nhà nào?...”.

Có lẽ, chính vì sự tu tập và đạt ngộ của mỗi Thiền sư nói riêng, của Thiền tông nói chung vô cùng phóng khoáng, không gò bó trong một khuông pháp cố định, một giáo điển đặc thù như các tông phái Thiên Thai, Hoa Nghiêm, Duy Thức… của Phật giáo đương thời nên sự khác biệt được thể hiện vô cùng rõ rệt. Từ đó trong quá trình truyền bá, tiếp dẫn học trò, các Thiền sư dĩnh ngộ đã vô tình tạo nên một phong cách riêng biệt.

Với uy tín đặc biệt đó của mỗi Thiền sư cũng như sự thịnh hành, đông đúc của đồ chúng đã dẫn đến sự ra đời và hoằng truyền của các chi phái Thiền, đặc biệt là 5 chi phái trên. Điều này tuy đã tạo nên một sự phát triển mạnh mẽ của Thiền tông phương Nam, nhưng cũng đã nhen nhóm sự phân biệt giữa các chi phái ấy trong Thiền tông.

Một điều đáng quan tâm nữa là sự loạn lạc, chia rẽ của xã hội từ thời Vãn Đường trở đi, sự hình thành mười quốc gia nhỏ ở thời Ngũ đại thập quốc, dẫn đến sự ủng hộ riêng biệt của mỗi vị quốc chủ đối với một Thiền sư, một Tông phái nằm trên vùng lãnh thổ quản trị riêng… cũng là một trong những yếu tố góp phần hình thành nên phong trào phân biệt Gia phong, Gia khúc, Tông phong của Thiền tông đương thời.
Tháp Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh Ngọa Vân 
Sự lớn mạnh của phong trào phân biệt Gia phong, Gia khúc, Tông phong này không dừng lại ở việc hỏi đáp trong đối thoại Thiền như ghi nhận trong đăng sử trên, mà còn dẫn đến sự ra đời của hàng loạt tác phẩm chuyên biệt như Tông môn Thập quy luận của Pháp Nhãn Văn Ích, Ngũ gia tông phái (đã thất lạc) của Đạt Quan Đàm Dĩnh, Nhân Thiên nhãn mục (1188) của Hối Nham Trí Chiêu, Ngũ gia chính tông tán (1254) của Hy Tẩu Thiệu Đàm, Ngũ gia ngữ lục (1630) của Ngữ Phong Viên Tín và Quách Ngưng Chi… mà theo ghi nhận của Ibuki Atsushi trong Lịch sử Thiền tông Trung Quốc  thì vừa “Trình bày về nguồn gốc cũng như đặc tính các phái như Lâm Tế tứ liệu giản, Vân Môn tam cú, Động Sơn ngũ vị... Nhờ chúng người ta có thể hiểu rõ ràng hơn những phạm trù tư tưởng đặc biệt của từng hệ phái và theo đó hình thành được một phương pháp độc đáo để giảng dạy về giáo nghĩa của Thiền” , vừa được cố định hóa thành gia phong của mỗi nhà như Lâm Tế thống khoái, Quy Ngưỡng nghiêm cẩn, Vân Môn cao sảng cổ kính, Tào Động chi li nghiêm nhặt, Pháp Nhãn rõ ràng trong sáng.

Có thể nói, tôn chỉ, tên gọi đặc biệt và tư liệu chuyên biệt đã thể hiện trọn vẹn tính quan trọng của sự hình thành Ngũ gia trong Thiền tông Trung Hoa.
 
Việt Nam thời Trần, về phương diện Phật giáo, 3 phái Thiền: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường dường như đã kết thúc một giai đoạn phát triển mạnh mẽ của mình, và đã hóa thân vào trong một phái Thiền mới mà Thiền sư Hiện Quang trụ núi Yên Tử là nhân vật đại diện cho sự tóm thâu và chuyển hóa đó.

Thế rôi cuộc hội ngộ giữa vua Trần Thái Tông với Thiền sư Phù Vân – đệ tử nối pháp của Thiền sư Hiện Quang núi Yên Tử, cuộc hội ngộ giữa vua Trần Thái Tông với Thiền sư Thiên Phong mà theo Lược dẫn Thiền phái đồ được ghi trong Thượng sĩ ngũ lục là thuộc phái Lâm Tế Trung Quốc, việc các vua Trần nhường ngôi cho Thái tử khi đứa cháu trai đầu tiên ra đời và giành nhiều thời gian hơn cho việc học Phật, ngộ Thiền, đặc biệt nhất là việc xuất gia học Phật, ngộ Phật của vua Trần Nhân Tông trên núi Yên Tử… tất cả đều là những điều kiện quan trọng cho sự ra đời của một phái thiền thống nhất Phật giáo – Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Về phương diện xã hội, sự thay ngôi đổi vị từ nhà Lý sang nhà Trần, việc coi quốc gia xã tắc là của gia tộc họ Trần với những pháp chế riêng biệt như gọi vua là Quan gia, người họ Trần cưới nhau… cũng là những yếu tố quan trọng góp phần cho sự ra đời tinh thần Gia Phong trong Phật giáo Trúc Lâm thời Trần.
 
III.Tinh thần gia phong của Phật giáo Trúc Lâm thời Trần
 
Có thể nói, chính sự phóng khoáng, độc sáng… của Thiền học cũng như của dân tộc Việt, gia tộc nhà Trần, tinh thần gia phong của Phật giáo Trúc Lâm thời Trần đương nhiên cũng được biểu hiện với những nét đặc thù bên cạnh sự ảnh hưởng, kế thừa tinh thần gia phong của Phật giáo Thiền Trung Hoa. 
 
1. Biểu hiện qua hình thức đối thoại Thiền
 
Đối thoại Thiền là một hình thức hỏi đáp thiền học đặc biệt của Thiền tông Phật giáo. Thông qua cuộc đối đáp này, người Thầy có thể cởi bỏ được những vướng mắc, nghi tình trong lòng đệ tử, khơi phát được Phật tính bản nhiên, cũng như xác nhận được tiến trình tu học, đạt ngộ của họ… Nội dung của những cuộc đối đáp Thiền vô cùng phong phú đa dạng, có thể là Phật tính, là Pháp thân, là ý chỉ của tổ sư Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ sang Trung Hoa, là lẽ sống chết… Gia phong, Gia khúc, Tông phong cũng là một trong những nội dung đối đáp giữa thầy trò. 
 
Lần dở từng trang sử Thiền thời Lý – Thiền uyển tập anh, hình thức đối thoại thiền này hiện hữu khắp nơi, nhưng có thể nói, không một cuộc đối thoại nào đề cập đến Gia phong, Gia khúc hay Tông phong. Có lẽ xã hội thời Lý, Phật giáo thời Lý không có những điều kiện trên như Phật giáo thời Trần, xã hội thời Trần. Thế nhưng, những cuộc đối đáp Thiền của Phật giáo thời Trần đã xuất hiện tinh thần gia phong này như chúng tôi đã đề cập ở phần đầu bài viết. Bắt đầu là phần Niêm tụng kệ của Trần Thái Tông:

Nêu: Thế Tôn vừa lọt lòng mẹ, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, nói: Trên trời dưới đất ta là hơn cả. Niêm: Một làn mây trắng vắt ngang động, đã mấy đàn chim lạc tổ về. Tụng: Đạt Đa xưa giáng Tịnh vương cung, muốn độ quần sinh lộ thánh tung, bảy bước dạo quanh trời đất chỉ, đã bao phật tử mất Gia phong; Nêu: Văn Thù Bồ tát, thấy người con gái ngồi bên cạnh Phật nhập định. Văn Thù đuổi ra không được, Phật sai Võng Minh đuổi được. Niêm: Con nhà oan trái, làm hỏng Gia phong; Nêu: Sư hỏi Lâm Tế: Thế nào là vô vị chân nhân. Lâm Tế nói: Cục phân khô. Niêm: Bắn sẻ mất châu, ném chuột bẩn đồ. Tụng: Vô vị chân nhân một cục phân, Gia phong phật tử khiến đem chôn… . Phần Đối cơ của Tuệ Trung Thượng Sĩ thì:

Hỏi: Thế nào là Gia phong của Thượng sĩ?

Đáp: Nhàn ném trái rừng kêu vượn tiếp, lười câu cá suối khiến hạt tranh. Phần Bài giảng tại chùa Sùng Nghiêm của Trần Nhân Tông:

Hỏi: Thế nào là Gia phong của Phật quá khứ?

Đáp: Vườn rừng vắng vẻ không người quản, mận trắng đào hồng tự nở hoa.

Hỏi: Thế nào là Gia phong của Phật hiện tại?

Đáp: Bạch thủy gia phong mê yến sớm, đào thắm vườn tiên say gió xuân.

Hỏi: Thế nào là Gia phong của Phật vị lai?

Đáp: Bãi biển chờ triều, trời đợi nguyệt, thôn chài nghe sáo khách mong nhà.

Hỏi: Thế nào là Gia phong của Hòa thượng?

Đáp: Áo rách ôm mây mai húp cháo, bình xưa rót nguyệt tối chưng trà. Có thể nói, Gia phong trong những đối đáp Thiền này không chỉ thuộc bản thể, cụ thể là Phật tính, là bản lai diện mục của mỗi chúng sinh mà vua Trần Thái Tông chỉ dạy, mà còn thuộc phương diện diệu dụng, cụ thể là nếp nhà, phong giáo của chư Phật ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai như vua Trần Nhân Tông đáp lời, hoặc là nếp nhà, phong giáo của các Tổ sư mà Tuệ Trung Thượng sĩ và Hòa thượng Trần Nhân Tông là đại diện.

Đây là một sáng tạo đặc biệt của Phật giáo Thiền Trúc Lâm Yên Tử thời Trần - một Thiền phái dường như được thiết lập và hoằng truyền bởi những vị thuộc hoàng thân quốc thích nhà Trần.
 
2. Biểu hiện qua hoạt động của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử
 
Như chúng ta đều biết, bên cạnh việc xác lập một cách chính danh cho sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng thiết lập không ít phép tắc, luật lệ mang tính gia phong, tông phong nhằm tạo điều kiện cho mọi hoạt động đậm chất tôn giáo và dân tộc của bản phái trong đương thời cũng như sự tiếp nối, kế thừa ở hậu thế. 
 
Việc truyền thừa pháp vị. Theo ghi nhận trong Thanh Mai Viên Thông tháp bi thì sau khi Thiền sư Pháp Loa đạt ngộ Thiền chỉ vào năm Hưng Long thứ 12 (1304), “Ngày mùng một tháng giêng năm Hưng Long thứ 16 (1308), sư (Thiền sư Pháp Loa) nhận mệnh đến Cam Lộ đường chùa Siêu Loại làm lễ trụ trì và kế thừa pháp vị.

Sau khi đại nhạc tấu lên, danh hương đốt lên, Điều Ngự dẫn sư đến tổ đường lạy chư tổ. Buổi cháo sáng kết thúc, đại nhạc lại tấu, pháp cổ được đánh, đại chúng vân tập ở pháp đường. Xa giá vua Anh Tông đến chùa, ngôi chủ khách đã được đặt. Với tư cách là đại đàn việt của Phật pháp, vua Anh Tông  được ngồi vào vị trí khách chính, quan lại đứng hai bên. Điều Ngự lên tòa thuyết pháp.

Giảng xong, người bước xuống, dẫn sư lên pháp tòa. Điều Ngự chắp tay chào hỏi, sư đáp lễ, nhận y pháp đắp lên người, Điều Ngự ngồi vào ghế khúc lục nghe sư giảng pháp. Điều Ngự mệnh sư kế nhiệm trụ trì sơn môn Yên Tử, chùa Siêu Loại, nối dòng Trúc Lâm đời thứ hai. Lại trao cho sư trăm hòm kinh sử ngoại thư và hai mươi hòm Đại tạng tiểu thừa được viết bằng máu, để sư làm rộng cái học trong ngoài” . Việc trao truyền pháp vị này khá đặc biệt.

Vì bên cạnh việc trao ca sa và pháp kệ là kế thừa truyền thống Thiền tông, việc trao truyền cả kinh sử ngoại thư, đại tạng kinh tiểu thừa lại vừa thể hiện sự dung hợp giáo điển Đại thừa, Tiểu thừa, không phân biệt, không kỳ thị đối với cái học nội điển mà Thiền tông Trung Hoa hay các tông phái Phật giáo khác của Trung Hoa thường mắc phải, vừa bày tỏ sự dung nhiếp cả cái học thế tục vốn có trong truyền thống Phật giáo Ấn Độ  và truyền thống Phật giáo Việt  của Phật giáo Trúc Lâm.

Ngoài ra, việc vua Anh Tông cùng quần thần tham dự buổi truyền pháp vị này cũng xác lập tính chính danh và duy nhất của Thiền phái Trúc Lâm từ phương diện xã hội.

Cả hai dường như đều nhằm để xây dựng một gia phong riêng biệt cho Phật giáo Trúc Lâm mà trước đó Phật giáo Thiền thời Lý chưa có, rộng ra là Phật giáo Thiền các nước.
 
Việc cấp độ điệp cho tăng sĩ. Cũng theo ghi nhận của văn bia trên, sau khi tổ sư Pháp Loa nối thịnh dòng pháp, vua Anh Tông lệnh cho Trung thư thị lang Vương Công Trứ cấp cho sư độ điệp, nhằm độ Thường tùy tăng mà không theo luật thông thường rằng “Trường tuyển người làm Phật vốn cần chọn tinh, nơi tìm người làm Phật không cần tìm bên ngoài. Người làm tăng đã nối thịnh đại pháp, há lại câu nệ quy củ thông thường”.

Ngoài ra, vào năm Hưng Long thứ 18, tức hai năm sau đó, vua Anh Tông cũng lệnh cho sư thiết lập việc ba năm độ Thường tùy tăng một lần. Việc này vừa giúp xác lập đồ chúng đặc biệt cho thiền phái Trúc Lâm, đồng thời cũng xác lập tính chính danh của tu sĩ thuộc phương diện xã hội.

Đây cũng là một trong những biểu hiện cụ thể của tinh thần gia phong trong Phật giáo Trúc Lâm thời Trần dưới sự kết hợp của nhà nước và giáo hội. 
 
Ngoài ra, một vài hoạt động như truyền giới Tỳ kheo cùng lúc với giới Bồ tát, truyền giới bồ tát tại gia và xuất gia dưới dạng tâm giới và tướng giới, hoặc truyền giới bồ tát kết hợp với lễ quán đỉnh… thịnh hành ở thời Trần kể từ sơ tổ Trúc Lâm trở đi cũng là một trong những biểu hiện sống động và giá trị cho tinh thần gia phong của Thiền phái Trúc Lâm đời Trần. Bởi những hoạt động này đến nay vẫn còn kế thừa và phát huy.
Ảnh minh họa
IV. Sự tiếp nối tinh thần gia phong của Phật giáo Trúc Lâm – Lâm Tế
 
Một trong những biểu hiện cụ thể cho sự kế thừa, tiếp nối tinh thần gia phong của Phật giáo Trúc Lâm – Lâm Tế chính là việc soạn lục, tổng hợp lại hệ thống truyền thừa của Phật giáo Việt cho đến thời Tam tổ Trúc Lâm kể cả Giáo tông hay Thiền tông. Việc làm này không chỉ bổ sung những chỗ thiếu sót hoặc chưa thực hiện ở thời Tam tổ, mà còn tiếp tục phát huy tinh thần của các thiền phái thời Lý.

Nghĩa là coi trọng lịch sử Phật giáo dân tộc. Thiền sư Kim Sơn (1300 – 1370) đã sáng tác 3 tác phẩm: Thiền uyển tập anh, Thánh đăng lục, Cổ châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục. Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng (1647 – 1726), Tính Quảng Điều Điều (1694- 1768), Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803), An Thiền (1790 – 1860) đã cho ra đời những tác phẩm như Thiền tông bản hạnh, Tam tổ thực lục, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, Đại Nam thiền uyển truyền đăng tập lục… nhằm khẳng định lịch sử truyền thừa người Việt bên cạnh những tác phẩm mang tính thực hành như Kiến tính thành phật lục (Chân Nguyên), Phật tâm luận (Như Trừng Lân Giác 1690 – 1729), Tham thiền văn (Toàn Nhật 1757 – 1834)… 
 
Song, một điều đáng ghi nhận ở đây là ngoài việc soạn lục lai lịch hành trạng của các tổ sư theo lối cũ có thêm bớt theo nhìn nhận của từng cá nhân, các tác giả đã chú ý đến việc diễn Nôm những tác phẩm của thiền điển và giáo điển đáp ứng nhu cầu tu học thực hành trong thời kỳ giáo dục khoa cử như Giải Pháp Hoa kinh, Giải Kinh cang kinh nghĩa lý, Giải tâm kinh đại điển, Giải tâm kinh ngũ chỉ, Thiền sư An Thiền mà chúng tôi nhắc trên cũng có Kim cang giải nghĩa, Di đà kinh giải nghĩa, Pháp Hoa giải nghĩa, Bát nhã giải, Tôn sư phát sách đăng đàn thọ giới của Chân Nguyên, Sa di thập giới quốc âm, Ngũ giới quốc âm của Như Trừng, Oai nghi quốc ngữ của Như Thị (1680- 1740), Quy ước thiền đường của Như Sơn (1670 – 1730), Thiền tịch phú, Ngộ đạo nhân duyên của thiền sư Chân Nguyên, Thiếu thất phú của Bạch Liên, Tham thiền văn, Thiền cơ yếu ngữ văn của thiền sư Toàn Nhật... Những tác phẩm diễn Nôm giáo điển thiền điển lớn đã thịnh hành. 
 
Có thể nói, tinh thần gia phong của Phật giáo Thiền Trúc Lâm thời Trần tuy có thể chịu ảnh hưởng từ Thiền Trung Hoa nhưng cũng do bối cảnh lịch sử thời Trần làm nên. Hơn thế nữa, những biểu hiện cụ thể của tinh thần gia phong ấy thật độc đáo, tạo nên một nét riêng cho Phật giáo Trúc Lâm thời Trần và cũng được kế thừa, phát huy trong hệ thống Phật giáo Trúc Lâm – Lâm Tế sau thời Trần nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.

Ths.Mai Thị Thơm/Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 5 năm 2014

Chú thích: 
  Thuộc tác phẩm Khóa hư lục
  Thuộc tác phẩm Tuệ trung thượng sĩ ngữ lục
  Thuộc tác phẩm Tam tổ thực lục

  Bản dịch của Lý Việt Dũng, NXB Hồng Đức, tập 2, tr 38
  Bản dịch của Lý Việt Dũng, NXB Hồng Đức, tập 2, tr 205 - 206
  Bản dịch của Lý Việt Dũng, NXB Hồng Đức, tập 2, tr 220
  Bản dịch của Nguyễn Nam Trân, quangduc.com
  Tác phẩm trên, mục Khái niệm ngũ gia và vai trò của nó
  Tác phẩm trên, mục Ngũ gia và gia phong
  Trích dẫn từ Toàn tập Trần Thái Tông của Lê Mạnh Thát, NXB HCM, 2004
  Trích dẫn từ Toàn tập Trần Thái Tông của Lê Mạnh Thát, NXB HCM, 2004
  Trích dẫn từ Toàn tập Trần Thái Tông của Lê Mạnh Thát, NXB HCM, 2004
  Trích dẫn từ Tuệ trung thượng sĩ ngữ lục giảng giải của HT Thích Thanh Từ, Thiền viện Thường Chiếu, 1997
  Trích dẫn từ Toàn tập Trần Nhân Tông của Lê Mạnh Thát, NXB HCM, 2000
  Trích trong Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, thời Trần, tập 2, bia thứ 26
  Cái học ngũ minh
  Nho – Phật – Đạo… tịnh hành
 
Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin