Chi tiết tin tức

Lắng nghe là điều kiện của hạnh phúc

21:12:00 - 27/10/2015
(PGNĐ) -  Ai cũng biết lắng nghe rất là tốt, tốt cho người mà tốt cho mình, nhưng khi bắt tay vào thực hành lắng nghe thì cũng lắm gian nan. Bởi để thực sự lắng nghe được, cái tai phải đủ trống, cái đầu phải đủ sáng, và đặc biệt, cái bụng phải đủ rộng để dung chứa mọi điều.
Trong khi đó, cái tôi vốn to mà lại hẹp, nó sẽ che cái tai, cái đầu, cái bụng làm cho người nghe âm âm u u. Cái tôi vốn không chịu ngồi yên, nó hay nhào lên biểu tình đòi nói, thế là nghe được chốc lát rồi quay sang nói. Vì nói thì phục vụ cái tôi tốt hơn.

Thế là, tuy ai cũng muốn lắng nghe người khác, nhưng họ không biết bắt đầu từ đâu. Bí quyết  nằm ở hai chữ: cảm thông. Hai chữ này nằm trong “dòng họ” của các chữ Tâm Từ Bi.

1_X.jpg
Lắng nghe nhau - điều kiện của hạnh phúc - Ảnh minh họa

Lắng nghe với ai, cảm thông với ai? Chẳng lẽ suốt ngày tôi đi lắng nghe khắp thiên hạ, thì tôi sức cùng lực kiệt. Có ba nhóm người để bạn thực hành lắng nghe trước tiên, thường xuyên và lâu dài. Thứ nhất, đó là nhóm người trong gia đình, bao gồm người bạn đời, cha mẹ, con cái và những ai đang sống chung một mái nhà cùng mình, dù tạm thời hay dài lâu. Nhóm người này chia sẻ với bữa cơm, tấm áo, giấc ngủ, những khó khăn sâu sắc, chi tiết qua bao ngày tháng dài.

Tiếp theo, đó là nhóm người trong công việc, bao gồm sếp, nhân viên, đồng nghiệp của bạn. Họ chia sẻ với bạn việc kiếm tiền, vốn là điều cốt lõi để duy trì cuộc sống. “Không có tiền thì cạp đất mà ăn à”.

Và cuối cùng, đó là nhóm bạn bè đơn thuần, bao gồm nhiều đối tượng, nhưng nói chung được gom lại là “chiến hữu”. Những người này chia sẻ với bạn những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống mà bạn không biết tỏ cùng ai, đôi khi chỉ ngồi với họ bên tách cà-phê mà bạn đã thấy được an ủi, được tiếp thêm năng lượng.

Nếu bạn thực tập được sự cảm thông với ba nhóm người này một cách nhuần nhuyễn, thì với những đối tượng khác, lắng nghe họ là chuyện nhỏ. Bạn sẽ nói, ôi dễ ẹc, toàn người thân, tình nghĩa tràn đầy, lắng nghe họ có gì khó. Chưa chắc à. Đôi khi thân tình quá, cái tôi đâm ra lại có điều kiện được vỗ béo, nên càng không biết lắng nghe. Gia đình nào cũng có cãi vã, đổ vỡ, công ty nào cũng có cạnh tranh đấu đá, tình bằng hữu nào cũng không thiếu chuyện nói xấu và nghỉ chơi.

Câu hỏi tiếp theo sẽ là “Vì sao tôi phải lắng nghe người khác, mà người khác không chịu lắng nghe tôi? Tôi được lợi ích gì khi lắng nghe?”.

Những điều thực tế dường như dễ đi sâu vào lòng người, nên thôi, sẽ liệt kê cho bạn ba điểm lợi khi bạn biết lắng nghe người khác. Đó là bạn được yêu nhiều hơn, có uy tín hơn, cái đầu nhẹ hơn. Đời người còn mong gì hơn thế. Được yêu thì trái tim luôn khỏe mạnh, không lo bệnh tật. Có uy tín thì công việc cứ thế mà phát triển. Cái đầu nhẹ thì tinh thần phơi phới, minh mẫn.

Hôm trước, một người bạn đến nói với tôi “mình thấy cuộc đời này phù du vô thường quá, từ nay chỉ muốn ăn chay, tụng kinh, nghiên cứu Phật pháp, nhưng nói thiệt là cái này rộng lớn quá, mình không biết bắt đầu từ đâu”.

Nếu bạn đang tu tập và cảm thấy bối rối không biết bắt đầu từ đâu, thì hãy tập lắng nghe người khác trước. Hạnh lắng nghe là hạnh của Bồ-tát Quán Thế Âm, người có thể nghe thấu tiếng lòng của thế gian. Hạt giống Bồ-tát trong ta sẽ nảy mầm khi thực tập lắng nghe người khác.

Lyly Nguyễn

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin