Chi tiết tin tức Rèn luyện ba ngàn oai nghi 19:36:00 - 27/08/2017
(PGNĐ) - Kinh Pháp hoa do Phật Thích Ca nói và Phật Oai Âm Vương, Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh, Phật Đại Thông Trí Thắng… cũng nói kinh Pháp hoa, tức ba đời chư Phật đều nói kinh Pháp hoa.
Trước khi nói kinh này, Phật nói kinh Vô lượng nghĩa và Ngài nhập Vô lượng nghĩa xứ tam muội, trời mưa hoa Mạn-đà-la, Mạn-thù-sa. Văn Thù Sư Lợi đã thấy hiện tượng này từ thời Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh, nên chắc rằng nay Phật Thích Ca cũng nói kinh Pháp hoa. Vì vậy, chúng ta thấy kinh Pháp hoa khác với các kinh khác là Phật giảng xong, A Nan hỏi tên kinh là gì và chúng ta phải thọ trì thế nào, tức tên kinh nói sau cùng. Nhưng kinh Pháp hoa nói tên kinh trước, gợi ý rằng ba đời chư Phật đã nói kinh này và Phật này nói, Phật khác không lặp lại.
Thời Phật Oai Âm Vương có vô số bài kệ kinh Pháp hoa và Phật Thích Ca đã học kinh Pháp hoa với Phật Oai Âm Vương là điều quan trọng chúng ta nên nhớ học kinh nhưng không chấp vào văn tự, mà phải suy nghĩ về ý nghĩa sâu sắc, suy nghĩ bằng tư duy để nhận thức và chúng ta đi sâu vào thiền định mới hiểu nghĩa chân thật của kinh. Trên bước đường tu, có vị chủ trương thọ trì bốn chữ Diệu pháp liên hoa, Phật giáo Tây Tạng dịch là Om Ma Ni Pad Me Hum, nghĩa là viên ngọc nằm trong hoa sen. Viên ngọc tiêu biểu cho trí tuệ, nên chỉ cần thọ trì bốn chữ này thôi. Ngài Nhật Liên chủ trương thọ trì 7 chữ Nam-mô Diệu pháp Liên hoa kinh và nếu đọc thêm kinh Pháp hoa thì chỉ đọc nửa phẩm Tùng địa dũng xuất, nửa phẩm Phân biệt công đức và một phẩm Như Lai thọ lượng là đủ. Vì ba đời chư Phật đều nói kinh Diệu pháp liên hoa, nên thọ trì Pháp hoa theo Bổn môn là thọ trì 7 chữ Nam-mô Diệu pháp Liên hoa kinh của ba đời các Đức Phật. Còn thọ trì toàn bộ kinh Pháp hoa là thọ trì Tích môn Pháp hoa của Phật Thích Ca. Đối với hành giả Pháp hoa, việc quan trọng là chúng ta suy nghĩ yếu nghĩa kinh và thực tập có kết quả, đó là thọ trì Pháp hoa của ba đời các Đức Phật, mới được Phật hộ niệm, Hộ pháp Long thiên giữ gìn và vượt qua tất cả các chướng ngại. Người Việt Nam thường nghĩ phải tụng đủ 28 phẩm kinh Pháp hoa, nhưng thực tế cho thấy nhiều người tụng như vậy cả đời mà họ chẳng được gì. Trường hợp Tề Thiên uống ống nhổ của Tổ Bồ Đề Đạt Ma nghĩa là ứng dụng được tinh ba của pháp Phật có kết quả tốt đẹp thực sự. Yếu lý này các giảng sư nên suy nghĩ khi ta chứng ngộ, dùng hiểu biết chứng ngộ ấy mà truyền đạo thì phải khác, không thể lặp y văn tự ngữ ngôn của người trước nói. Đọc kinh Pháp hoa, từ đầu đến phẩm cuối thứ 28, chúng ta cứ nghe nói đến kinh Pháp hoa, nhưng không thấy Pháp hoa đâu cả. Đến phẩm Hiện Bảo tháp thứ 11, Phật Đa Bảo nói rằng muốn nghe kinh Pháp hoa, nên tới đây để nghe. Như vậy, từ phẩm Tựa thứ nhất đến phẩm Pháp sư thứ 10 có phải là Pháp hoa hay không. Ngài Nhật Liên lý giải rằng kể từ khi Phật Đa Bảo xuất hiện và phân thân Phật trong mười phương tập trung lại, bấy giờ Phật mới nói kinh Pháp hoa, nhưng một lần nữa, chúng ta có nghe thấy cái gì là kinh Pháp hoa đâu, mà chỉ nghe tiếp phẩm 13 Khuyến trì và phẩm 14 An lạc hạnh, như vậy hai phẩm này có phải là kinh Pháp hoa không. Kinh Pháp hoa mà Phật muốn nói là mở được tháp Đa Bảo chỉ cho cốt lõi, tức lấy được viên ngọc quý trong chéo áo, hay viên ngọc trên đỉnh đầu. Trong kinh Pháp hoa có thí dụ về người say ngủ được bạn cài hạt châu vào chéo áo, hay thí dụ người đánh giặc có công được vua ban thưởng hạt châu trên đỉnh đầu của ông. Vì vậy, việc quan trọng là chúng ta tu thế nào để phát hiện được hạt châu trong chéo áo, hay hạt châu trên đỉnh đầu. Thân tứ đại ngũ uẩn này được ví là chiếc áo mình mặc, nhưng chết là cởi bỏ chiếc áo tứ đại này thì hoặc là trở về bản lai diện mục, hoặc là bị cuốn theo nghiệp lực của sinh tử trầm luân. Nghĩa là trong đãy da ô uế này có con người thực tiêu biểu bằng viên ngọc và cũng có ác ma; đó là điều anh em nên suy nghĩ. Ma ở trong thân này, Phật cũng ở trong thân này. Vì vậy, trên bước đường tu, chúng ta phải nhận ra đâu là Phật, đâu là ma. Nếu là ma bên trong thân, nó sẽ xúi thân này làm những việc tội lỗi, nên động lực bên trong rất quan trọng. Thầy Tỳ-kheo tu mà không khám phá được nguyên nhân bên trong thì tu hoài công, không được gì. Nhưng tìm được động lực bên trong để chuyển hóa nó trở thành tốt đẹp. Động lực bên trong anh em suy nghĩ sẽ thấy rõ như Phật dạy là lòng tham, bực tức và si mê. Chính ba tên giặc này thúc đẩy chúng ta làm tội lỗi. Trong ngũ ấm ma, ba ma này quan trọng nhất. Thân tứ đại là công cụ do ba ma này chỉ đạo và vô số ma khác thúc đẩy. Chúng ta tu gì. Tỳ-kheo là bố ma, tức phá ma. Chúng ta tu là phá ác hết, ngăn chặn hết ma, gọi là hàng phục chúng ma, ma nào khởi lên xúi bậy, chúng ta hàng phục nó liền. Như vậy, kinh Pháp hoa khởi tu là xây dựng mô hình đạo đức. Cho nên, trước khi nói kinh Pháp hoa,Phật nói kinh Vô lượng nghĩa có ba phẩm là đạo đức, trí tuệ và làm lợi ích cho chúng sanh. Điều này cho thấy thực nghĩa của Pháp hoa là thể hiện trọn vẹn ba điều này, vì tu bao nhiêu bộ kinh nhưng đạo đức không có, trí tuệ chưa sanh và không làm lợi ích cho ai thì không phải là Pháp hoa. Thể hiện yếu lý vừa nói, Tỳ-kheo khởi tu phải rèn luyện đạo đức trước. Tỳ-kheo luyện tập 4 oai nghi: đi, đứng, ngồi, nằm theo cung cách trang nghiêm. Nhờ vậy, thầy Tỳ-kheo tâm an lạc giải thoát, nên dáng đi nhẹ nhàng, thanh thoát. Người bực tức, buồn phiền sẽ hiện rõ trong dáng đi thấy đáng sợ. Hòa thượng Trí Thủ thường nói Tỳ-kheo đi từ xa trông thấy đẹp. Vị khác nói đi như mây bay, hay không thấy đi. Khi chúng ta nhẹ nhàng giải thoát không bị ma sai khiến, chúng ta vô tâm. Thật vậy, thầy Tỳ-kheo hay Thiền sư đi, chim vẫn đậu trên vai họ, vì tâm họ hoàn toàn thanh thản, vô sự. Dáng đi của Tỳ-kheo đẹp vô cùng, đến gần nhìn kỹ thấy đẹp hơn và sống chung, chúng ta học được nhiều điều tốt của họ. Vì vậy, kinh nói ai gần Tỳ-kheo như vậy cũng được an lạc. Gần Tỳ-kheo mà cảm thấy e sợ, thì ai dám gần. Riêng tôi, nói rằng ai gần người này, tâm cũng được an và thấy vô số chư Phật, mau đến Vô thượng Bồ-đề; vì tâm Tỳ-kheo an đến mức tác động cho người thân cận an theo, tạo điều kiện cho họ dễ dàng thăng hoa đời sống tâm linh. Trong kinh Hoa nghiêm, trước tiên, Thiện Tài học với Đức Vân Tỳ-kheo có đức hạnh thể hiện thành dáng đi nhẹ nhàng như mây bay, nên có tên là Đức Vân. Đức Vân đạt đến ba ngàn oai nghi. Lấy 4 oai nghi nhân cho 250 giới của Tỳ-kheo thành một ngàn oai nghi và kết hợp với ba nghiệp của thân, khẩu, ý, thành tựu ba ngàn oai nghi, đạt được quả vị A-la-hán. Oai nghi chưa có, chắc chắn bị ma chướng, không thể tiến tu đạo nghiệp. Vì vậy, anh em ráng giữ oai nghi là giữ giới chuyển thành đức. Khi thọ giới, giới sư nhắc rằng cần thực tập 250 giới cho tròn đến ba ngàn oai nghi. Tới đây, chúng ta mới bước qua giai đoạn hai là thính giáo tham Thiền, nghĩa là tu giới trước và tu huệ sau. Tu huệ trước nhưng không có giới, nguy hiểm, vì biết nhiều nhưng không có đức hạnh thì dễ dàng tạo tội, trở thành tăng thượng mạn. Bắt buộc có giới mới thính giáo, tham thiền. Thính giáo là học kinh, tham thiền là thực tập kinh và kết hợp hai phần này để sanh trí tuệ.
Muốn có kinh Pháp hoa phải trải qua ba giai đoạn. Một là phải có giới đức làm hàng rào an toàn cho giới thân huệ mạng của người tu. Thật vậy, các thầy tu cho đủ 250 giới ứng vô 4 oai nghi và kết hợp với thân khẩu ý để có đủ 3.000 oai nghi, thì ở đâu cũng rất yên ổn. Còn chưa yên ổn, vì là Tỳ-kheo phá giới thì làm gì cũng là ma sự. Giữ giới thanh tịnh, Phật mới hộ niệm và thọ ký cho ta, Bát bộ Thiên long mới giữ gìn ta. Có Phật hộ niệm, việc khó cũng làm được. Phật không hộ niệm, sử dụng khôn dại của con người thì một ăn hai thua. Tôi thấy người khôn hơn tôi, nhưng cuộc đời họ lao đao lận đận, cho đến thân tàn ma dại. Khôn dại của con người là sở trường của người đời, không phải là sở trường của Tỳ-kheo. Sở trường của Tỳ-kheo là giữ giới, là nhẫn nhịn, không phải tranh cãi, hơn thua. Kinh nói có tên Bà-la-môn nói lời độc ác với Ngài từ sáng tới chiều và còn thách thức Phật đọ sức với hắn, Phật chỉ mỉm cười. Tu hành, chúng ta nỗ lực phát huy sở trường, gặp việc đáng giận, đáng buồn, chúng ta không giận, không buồn và chúng ta đứng ngoài mọi việc tranh chấp. Chúng ta có sở trường của người tu, người đời có sở trường đấu tranh. Nếu lấy sở đoản của Tỳ-kheo mà đọ với người đời, làm sao hơn được họ. Họ lấy giáo lý đập Tỳ-kheo chết dễ như không, họ sẽ chỉ trích ta tu mà dữ, tu mà thích ăn thua đủ... Vì người đời tính toán đủ thứ, còn người tu thì Phật cấm hết, nhưng nếu ta làm là phạm tội, bị loại bỏ. Phải tu đủ ba ngàn oai nghi. Ba ngàn oai nghi không đếm hết, nhưng tu được một oai nghi nào thì người ta thấy được cái tốt của ta, nên họ muốn gần gũi để học với ta, thậm chí bênh vực ta. Kinh nghiệm tôi tu hơn 60 năm được bình yên nhờ tới đâu cũng được người ta thương, không phải tôi giỏi. Thương thì họ giúp, việc khó mấy cũng xong, còn ghét thì họ hại, khó trốn khỏi. Xây dựng ngôi chùa Phổ Quang này, phải nói nhờ trước kia ông Triết làm Bí thư Thành ủy thương Phật giáo. Không xây chùa được, nhưng cho xây nhà truyền thống là thương tìm cách giúp. Không thương, bị kiếm chuyện, việc nhỏ xíu cũng không được. Người thương quý thì cúng dường cả tỷ bạc, không thương, bát cơm cũng không cho, còn ghét thì tìm cách lấy, dù chỉ là bao cát. Muốn biết đạo đức tới đâu, hãy coi xung quanh người thương mình nhiều, hay người ghét nhiều. Các thầy sau này làm đạo, tới đâu có duyên là được người thương. Riêng tôi, lãnh đạo Phật giáo TP.HCM nhờ Tăng Ni, Phật tử và chính quyền thương, nên làm được việc ở thành phố này. Nếu bỏ tôi ở chỗ khác, không chắc làm được. Giai đoạn hai, thính giáo tham Thiền, Phật dạy quán nhân duyên. Quán xem từ đâu mình sanh lại đây và chết về đâu. Phật giáo Nguyên thủy luôn cân nhắc ý này. Nghiệp sanh lại thì gặp những điều không bao giờ muốn, cái không muốn luôn tới gọi là dẫn nghiệp phải thọ quả báo. Vì vậy, thính giáo tham Thiền là học kinh và vào Thiền quán sát nhận ra mình từ đâu sanh lại đây. Có vị nói rằng tự nhiên ai bắt họ bỏ vô nhà ngũ uẩn đen tối là đem linh hồn nhốt vô thân, nên phải khổ vì thân, đầu tiên phải ăn uống, ngủ nghỉ, tắm giặt… phiền phức quá. Người ở cõi Trời xuống có cảm giác này, vì ở trên Trời, họ đâu cần ăn. Mang vô thân tội lỗi nặng nề này thật là phiền quá, người tu thiệt có thính giáo tham Thiền nhận ra điều này. Điển hình là Thuận Trị hoàng đế được Ngọc Lâm khai ngộ, nói rằng ông ở Cực lạc sanh lại cõi này rồi lao vào chiến tranh bất tận, chém giết vô số người, tạo tội lỗi đáng sợ. Ông mới bỏ ngai vua, đi vào Ngũ Đài sơn tìm Bồ-tát Văn Thù để hỏi chuyện này. Khi được thầy khai ngộ, ông sáng ra là phải có Phật tri kiến mới khai được. Vì Thuận Trị hoàng đế từ Cực lạc sanh lại đây là ông đã có hạt giống trí tuệ của Cực lạc rồi, nên được Ngọc Lâm khai ngộ là ông nhận ra liền Cực lạc. Nói cách khác, ai có nhân duyên căn lành thì thầy khai ngộ dễ dàng. Chẳng hạn Huệ Khả gặp Tổ Đạt Ma mới khai ngộ được, vì Tổ đã ngồi quay mặt vô vách đến chín năm, nhưng sau đó chỉ độ được một người là Huệ Khả thôi. Trở lại kinh Pháp hoa, có hai thí dụ là ba xe, Nhà lửa và cùng tử. Chúng ta có căn lành thực sự, ở thế giới Phật nào đó, vì ham vui mà chạy vô đây, hay hứng lên phát nguyện sanh vô thế giới này, nhưng không gặp thầy khai ngộ sẽ mất kiếp luôn. Thật vậy, Đức Đạt Lai Lạt ma cũng nói rằng kiếp này ngài sanh lại đây, nhờ gặp Phật pháp và được thầy khai ngộ, nếu không thì mất kiếp. Phật tử là con Phật sanh lại đây, nên Phật cũng phải sanh lại để cứu độ, đó là 1.200 La-hán đã trồng căn lành với Phật. Tôi suy nghĩ tại sao Phật đến thôn Ưu Lầu Tần Loa chỉ trong một đêm mà Phật độ được 1.000 người. Theo tôi, điều này thể hiện ý nghĩa Tùng địa dũng xuất, hay cũng có nghĩa là chạy vào Nhà lửa. Một đêm Phật độ được 1.000 người, thì trong 80 năm trụ thế, Phật phải độ được nhiều người lắm, nhưng về sau, chúng ta thấy đâu có như vậy. Về sau còn có đủ thứ Tỳ-kheo, thậm chí có Tỳ-kheo mà Phật nói không nghe. Tôi nhớ câu chuyện Phật suốt ba năm ở ẩn trong rừng, không thuyết pháp, vì các Tỳ-kheo đâu nghe Phật. Phật sống với con khỉ già ngày ngày hái trái cây dâng Phật và một chú voi lấy nước uống cho Phật, lịch sử đã ghi rõ như vậy. Quán nhân duyên để thấy tại sao trước kia, Phật độ được nhiều người một cách dễ dàng, nhưng về sau không có ai được độ. Có thể khẳng định rằng tất cả những người đã được Phật độ khi Ngài còn tại thế là họ đã có nhân duyên mật thiết với Phật, nên Phật ra đời để dìu dắt họ ra khỏi Nhà lửa tam giới. Còn chúng ta ăn theo, sống cách Phật quá xa, nhưng hết lòng thực tập pháp Phật cũng nhận được sự gia hộ của Ngài, nên cảm thấy an lành trong Nhà lửa và cũng phát huy được phước đức, trí tuệ của mình. Nhưng căn bản, các anh em nhớ giữ ba ngàn oai nghi, chắc chắn được Phật hộ niệm, Hộ pháp giữ gìn và trí tuệ chúng ta khai mở theo thính giáo là đọc kinh văn tự và đọc kinh không văn tự bằng Thiền. Tôi được như ngày nay nhờ thính giáo tham Thiền. Thính giáo đọc từng chữ trong kinh, nhưng Thiền thì trí bừng sáng. Đọc kinh, chúng ta mới thấy được nhân duyên là thấy pháp và thấy pháp là Như Lai. Ý này qua kinh Hoa nghiêm, thấy nhân duyên là thấy thực pháp, nghĩa là phải tu từ ngũ ấm thế gian tiến lên chúng sanh thế gian và quốc độ. Rồi mới tiến lên con người được xuất gia làm Tỳ-kheo quán nhân duyên chứng Bích chi Phật, hành Bồ-tát đạo, cuối cùng chứng Như Lai thân, khi đó trí tuệ mới sanh, mới thấy pháp, nên pháp biến thành Pháp thân. Bấy giờ, trí và pháp kết hợp thành Tỳ Lô Giá Na Pháp thân. Như vậy, Tỳ-kheo phải qua quá trình tu cho đủ ba ngàn oai nghi, được Phật hộ niệm và Thiên long giữ gìn, từng bước thính giáo tham Thiền, chứng Duyên giác thân và hành Bồ-tát đạo, quán nhân duyên thì đến chỗ có duyên mới làm được. Đức Phật cũng vậy, Ngài tới làng nọ, dân chúng không nghe, còn chọc phá. A Nan nói vua Tần Bà Sa La còn kính trọng Phật, đám tiện dân này là gì. Phật nói họ không có duyên với Ngài, nên thanh thản bỏ đi. Anh em nên nhớ mình được người quý trọng, nhưng đến chỗ khác, coi chừng họ giết mình. Không phải chỗ nào cũng làm đạo được. Người xưa nói đi sông đi biển không chết mà chết lỗ chân trâu. Làm chuyện lớn được, nhưng việc nhỏ, bình thường không làm được, vì không có nhân duyên. Phải quán nhân duyên thấy rõ mới hành Bồ-tát đạo. Người làm được, mình bắt chước là chuốc lấy tai họa. Các thầy hoằng pháp nên nhớ ý này. Riêng tôi thuở còn là Sa-di, không thấy nhân duyên, lại háo thắng. Khi người ta đến Hòa thượng Thiện Hoa thỉnh giảng sư đi thuyết pháp ở Bà Rá. Các thầy lớn tuổi ngại vùng chiến tranh, sợ nguy hiểm, lấy cớ tuổi già, không đi. Hòa thượng hỏi tôi muốn đi không. Tôi đi liền, vì trẻ thì điếc không sợ súng, lên vùng đó chết chắc, nhưng may mắn không chết! Đó là một số kinh nghiệm hành đạo xin chia sẻ với anh em.
HT.Thích Trí Quảng
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |