Chi tiết tin tức

Sen hái đầu mùa

21:46:00 - 14/09/2018
(PGNĐ) -  Vua A Xà Thế hỏi Phật rằng giáo lý Ngài dạy có lợi ích gì mà nhiều người bỏ nhà cửa, bỏ công ăn việc làm, bỏ quan tước để cạo đầu theo Phật tu. Quý thầy phải suy nghĩ câu hỏi này.

Riêng tôi, nhớ mình xuất thân từ nông dân ở vùng quê nghèo, nhưng tôi được xuất gia, mặc áo Sa-môn và được bổ nhiệm làm lãnh đạo Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh. Nếu tôi không xuất gia, tôi chỉ là nông dân giống như anh chị em tôi, cháu tôi đều là nông dân. Trong gia đình, chỉ một mình tôi xuất gia, mặc áo Sa-môn, làm lãnh đạo và làm việc với các nhà lãnh đạo.

Vì vậy, quả vị Sa-môn rất quan trọng, chuyển đổi từ người tầm thường, bình thường trở thành người được quý trọng. Nếu các thầy được xuất gia, nhưng không thấy tư cách quan trọng này và không tiến tu lên thì phải bị rớt xuống.

sen 2.jpg

Trên bước đường tu, gặt hái được quả đầu mùa, tôi có soạn bài “Sen hái đầu mùa” là mùa an cư đầu tiên tôi nhận được quả sen đầu mùa.

Người thấy được, hiểu được quả này thì từ vương tôn công tử, quan quyền đã theo Phật làm Sa-môn. Nhận thấy thực tế như vậy, vua Ba Tư Nặc nói với Phật rằng trẫm thấy không ai hiểu Phật vì Phật đã làm được những việc không ai làm được, độ được người mà không ai độ được. Tại sao ông lại nói như thế.

Như quý vị biết thời Phật tại thế, Ấn Độ chỉ có 4 giai cấp, nhưng Đức Phật đã độ Sunita làm nghề hốt phân, thuộc giai cấp thứ 5, tức ngoại cấp thì đối với người ngoại cấp, ai muốn đánh, mắng hay giết họ cũng không phạm tội.

Phật đã độ ông này buông gánh phân xuống và bảo Xá Lợi Phất cạo tóc cho ông, bảo A Nan cho ông cái y. Phật bảo Xá Lợi Phất dạy ông bài pháp phải ráng tu là Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ-đề và Bát Chánh đạo. Đó là pháp căn bản của thầy tu.

Các thầy trong mùa an cư cố gắng học và thực tập những pháp này. Nếu coi đó là pháp thấp mà không tu, coi chừng mất gốc, không thể ở trong nhà đạo lâu dài được. Cần cố gắng thực tập những pháp này trong cuộc đời tu hành của mình để hái được quả Sa-môn từ Sơ quả đến Tứ quả.

Việc trước tiên làm sao chúng ta hái được quả đầu tiên. Vì mới xuất gia, thọ giới Cụ túc thì chỉ được hình thức Sa-môn, tuy cuộc sống đã được chuyển đổi tốt đẹp, nhưng chưa đủ, vì quả phúc này nhờ mặc áo Phật mới có. Phật tử kính trọng mình vì mặc áo Phật, như Sunita buông gánh phân đã đổi đời nhờ Phật cho áo. Chúng ta phải hiểu áo này của Phật, y này của Phật.

Phật giáo Bắc tông chia ra y 5 điều, 7 điều, 9 điều. Nam tông chỉ có 1 y. Người nào được thọ y thì được Phật che chở. Nhưng còn phần chúng ta phải tu để chứng quả. Thật vậy, nếu hình thức Sa-môn có, nhưng quả Sa-môn không có thì sớm muộn gì cũng không sống được trong  pháp Phật, vì biển cả không chứa thây ma.

Chúng ta đã được Phật trùm y, phải nỗ lực tu, tối thiểu chứng Sơ quả thì không lệ thuộc ăn, mặc, ngủ nghỉ. Chúng ta nghĩ đơn giản rằng ăn để sống, sống để tu. Thực tế cho thấy người xuất gia nhưng đặt nặng việc ăn mặc, một thời gian sau hoàn tục. Vị nào không lệ thuộc ăn mặc, ngủ nghỉ, thì tiến lên hái quả, được người kính trọng không phải vì chiếc áo tu, nhưng họ kính trọng con người thực của mình. Đó là quả đầu tiên mà Sa-môn hái được, không lệ thuộc ăn mặc, ngủ nghỉ. Trong khi người đời lệ thuộc nặng nề việc ăn mặc ngủ nghỉ, nên họ phải làm nhiều, nhưng rốt cuộc cũng chẳng được gì.

Chúng ta xuất gia làm Sa-môn tất yếu hiểu rõ lý này và các vương tôn công tử, quan quyền theo Phật cũng hiểu ý này. Vua Ba Tư Nặc cũng hiểu được phần nào nên than thở với Phật rằng trẫm làm vua đứng đầu muôn dân, vậy mà có người nghe nhưng cũng có nhiều người luôn chống lại trẫm.

Còn Đức Phật không lo cho ai, nhưng sao mọi người theo Phật, nghe lời Phật tuyệt đối. Rõ ràng thực tế cuộc sống này cho thấy vua lo cho dân, nhưng dân tìm mọi cách chống lại vua. Các quan thì chống đối lẫn nhau. Giới thương gia cũng tranh giành quyền lợi nên thẳng tay sát phạt nhau. Tất cả mọi người trên cuộc đời này từ khi sanh ra đến lìa đời phải gánh chịu vô số khổ đau. Chỉ có Phật và đệ tử Phật sống ung dung tự tại. Vua Ba Tư Nặc đã thấy được quả giải thoát của Phật và chư đệ tử Sa-môn tu theo Phật.

Trong khi chúng ta được khoác áo Sa-môn, chắc chắn phải thấy rõ hơn ai hết quả giải thoát mình đang hưởng, nên cố gắng giữ gìn trọn vẹn quả giải thoát này và giữ quả cao hơn là thấy thầy, thấy Tổ, thấy Phật thành tựu nhiều quả vị siêu xuất mà chúng ta cần noi theo, thực hiện cho được.

Trở lại quả đầu tiên, chúng ta thấy người bên ngoài vì miếng ăn mà tranh giành, hại nhau. Sa-môn hạn chế ăn thì quả đầu tiên mà tôi gặt hái được vào giai đoạn tôi làm thị giả Hòa thượng Thiện Hoa. Khi tôi bưng cháo lên Hòa thượng, ngài mở nắp cháo ra nhìn vào và ngài nhìn tôi, rồi nói “Cho con đó”. Tôi mừng vì muốn ăn mà được Hòa thượng cho. Tôi là nhà quê không đủ ăn, nên được ăn thì sướng. Chỉ có 1 tai nấm rơm mà Hòa thượng bảo nhà bếp nấu 6 bát cháo cho 6 Thượng tọa ăn. Điều này cho thấy người tu có cách sống đặc biệt như vậy. Và Hòa thượng cũng không ăn, đó là quả Sa-môn mà tôi thấy được, học được từ Hòa thượng, nên lúc đầu được ngài cho bát cháo thì mừng, nhưng khi tôi bưng cháo ra ngoài, gặp một thầy đồng khóa, đến mở nắp cháo rồi khen thơm quá. Nghèo thì dễ tham, nhưng tôi sực nhớ lời Phật dạy người tu không nên lệ thuộc ăn uống và tôi tập theo Hòa thượng Thiện Hoa không có tâm ham ăn, muốn ăn, đó chính là thể hiện pháp đoạn dục khử ái của người tu ở trường hợp này.

Tôi nghèo nên ham ăn, nhưng nhớ mình mặc áo Sa-môn, phải dẹp tánh không tốt, nên tôi cho thầy này bát cháo. Thầy này ăn xong rồi, nhưng vẫn nhớ cái tốt của tôi. Còn mình ăn rồi thì cũng hết.

Tu hơn nhau là có điều kiện làm thầy thương, bạn mến. Hòa thượng biết tôi cho thầy kia bát cháo, thì Hòa thượng tin tôi hơn, thương tôi hơn, có thể là ngài đã thử mình.

Như vậy, quả đầu tiên tôi hái được là khắc phục, không lệ thuộc ăn, mặc, ngủ nghỉ. Và được như vậy, sống chung với đại chúng, chúng ta không phạm lỗi lầm nào thì chúng ta không sợ gì.

Quả mà chúng ta tu là tự khắc phục mình. Các huynh đệ khác trong ba tháng an cư nại lý do này, lý do khác để đi ra ngoài, chẳng hạn như đi khám bệnh. Làm sao ba tháng tu, không bệnh là được xếp vào hạng tinh tấn. Bệnh thì không ngồi thiền, không tụng kinh, không đi quả đường là mất tuổi hạ. Bệnh phải nghỉ các thời khóa tu, đó chính là nghiệp của mình, hay cũng là tâm bệnh.

Sự thật hôm nay ta không khỏe, nhưng ta không nghĩ mình bệnh, không nghĩ mình không khỏe, mà ta nghĩ đến Phật sự, đến thời khóa tu, nên ta tụng kinh xong, hết bệnh. Tôi đã được kết quả này, muốn chia sẻ. Vì những người không bệnh, nhưng trong lòng đã bệnh sẽ thành bệnh thiệt.

Lý này thể hiện rõ nét trong câu chuyện y sư Kỳ Bà nói với vua A Xà Thế rằng vì ngài đã làm nhiều việc tội lỗi, nên trong lòng ngài luôn suy nghĩ, tính toán cách che giấu tội lỗi, nhưng làm sao che giấu tội được.

Vì vậy, A Xà Thế từ tâm đau khổ này tạo thành thân bệnh. Kỳ Bà nói bệnh của vua từ gốc là tâm bệnh, chỉ có Phật và giáo pháp của Phật chữa được thôi.

Câu chuyện này gợi cho tôi suy nghĩ về tâm bệnh chỉ chữa lành bằng giáo pháp của Phật và năng lượng siêu nhiên của Phật. Còn thầy thuốc phải bó tay, vì vậy Kỳ Bà danh sư chữa được tất cả bệnh tật, nhưng không chữa được bệnh của A Xà Thế.

Từ sự việc như vậy, ông bèn đưa A Xà Thế đến Phật. Vua mới hỏi Phật về giá trị của quả Sa-môn. Phật dạy rằng các vị Sa-môn tu trong giáo pháp Phật thì được Phật che chở và thực tập pháp Phật sẽ chữa lành tất cả bệnh; vì tâm bệnh chữa được thì thân bệnh sẽ khỏi. Người đi bác sĩ hoài, chắc gì khỏi bệnh. 

Giáo pháp Phật chữa được tâm bệnh, đầu tiên là bệnh tham ăn khắc phục trước. Và nhờ chữa khỏi bệnh tham ăn thì lòng không còn nghĩ tới ăn. Theo tôi, có ba thứ đói là đói bụng, đói con mắt và đói tâm. Đói bụng còn chữa được, nhưng đói con mắt, đói tâm là nghiệp thì khó chữa.

Người đời ăn nhiều đến dư thừa mỡ, phải đi cắt bỏ mỡ. Tôi nhờ học giáo lý Phật, thọ giới từ năm 20 tuổi đến nay 81 tuổi không tăng cân, tôi vẫn 55kg, vì tôi khắc phục được cái đói của tâm, nên không nghĩ tới ăn, không thấy đói.

Đói con mắt là nhìn thấy thức ăn rồi thèm ăn, muốn ăn. Ngoài đời, nhà hàng, quán ăn bày đủ thứ để hấp dẫn người ta, thúc giục họ ăn. Thiệt chưa đói, nhưng thấy muốn ăn, lần lần tạo ra nghiệp. Cơ thể bình thường, nhưng tạo nghiệp cho thân đòi hỏi, ăn đến bụng bự và cả cuộc đời làm lụng cực khổ để ăn.

Sa-môn một ngày ăn bữa trưa thôi, nhưng sơ hạ cho ăn sáng; tuy nhiên, phải tập khắc phục bớt ăn. Khi nào tôi hỏi nhà bếp buổi chiều có ít thầy ăn thì tôi mừng. Còn tham ăn, ngon thì ăn nhiều, không ngon thì ăn ít là thân xuất gia nhưng tâm không vào đạo. Đó là người đời phải tìm thức ăn ngon.

sen 3.jpg
Khất thực - Ảnh: Huyền Không Sơn Thượng

Chúng ta là Sa-môn, cơ thể cần phải ăn để sống và sống để tu. Tôi nhờ thực tập hạnh này, năm 1963 bị bỏ tù, tôi được tự tại hơn các thầy khác, vì không lệ thuộc ăn uống.

Món ăn chính của chúng ta là thiền thực và pháp thực. Một Sa-môn muốn hái được quả đầu tiên phải say mê đạo pháp. Thầy nào có được thành quả này dễ dàng tiến tu đạo hạnh. Làm sao ham tụng kinh, quên ăn, quên đói. Ham thiền, sống trong thiền, không thấy đói.

Hình thức bên ngoài giống nhau, nhưng tu hành, thực sự lập hạnh thì khác nhau. Thí dụ người trong lòng nghĩ đói, kiếm ăn và người trong lòng không đói, cũng không nghĩ kiếm ăn. Trên bước đường tu, đầu tiên phải xóa bỏ được nghiệp tham ăn. Điển hình là Phật cấp tốc dạy Sunita cắt bớt ăn và đắc quả La-hán sớm.

Thật vậy, được Phật hộ niệm, ông này nỗ lực tu, nên chỉ trong một thời gian ngắn, ông đắc La-hán. Việc này được người ta đồn khắp nơi rằng Phật độ ông hốt phân thành Sa-môn. Sunita nói rằng ông theo Phật, vì Phật thuộc dòng vua chúa đáng kính trọng, nhưng Phật đã xóa bỏ giai cấp, không chấp nhận sự phân chia 4 giai cấp mà hàng ngàn năm mọi người phải cúi đầu tuân thủ. Và nhất là Đức Phật đã độ ông, giúp ông thoát khỏi cuộc sống khổ đau của hàng ngoại cấp để trở thành tu sĩ giải thoát mà vua Ba Tư  Nặc cũng phải kính trọng.

Phật đã tuyên bố mọi người đều bình đẳng vì nước mắt cùng mặn, máu cùng đỏ. Và thể hiện tinh thần bình đẳng, Phật đã cho Sunita xuất gia, cho các Ni tu hành trong giáo pháp của Phật. Như vậy, sự bình đẳng nam nữ đã được Phật áp dụng từ ngàn năm trước.

Vua Ba Tư Nặc nghe tin Phật độ Sunita hốt phân, ông cảm thấy khó chịu, mới tìm Phật hỏi cho ra lẽ xem có thiệt Phật độ Sunita hốt phân thành Sa-môn hay không.

 Sunita đã đắc Thánh quả nên biết Ba Tư Nặc đến, ông liền ngồi trước tịnh xá. Nhìn thấy vị Tăng sáng rỡ có hào quang, vua Ba Tư Nặc xá vị này rồi hỏi trẫm nghe nói Phật độ người hốt phân cho xuất gia, có đúng vậy không.

Sau đó, vua liền vào thưa với Phật rằng ông gánh phân thuộc hàng ngoại cấp mà được tu trong giáo đoàn rồi. Nếu trẫm không kính trọng Sa-môn thì có tội, nhưng kính trọng ông ngoại cấp này, làm sao trẫm chịu nổi.

Phật hỏi vua có thấy vị Tăng ngồi thiền trước tịnh xá không. Vua đáp con thấy rồi, mặt vị này sáng rỡ như Phật. Điều này gợi cho chúng ta hiểu mình đi tu phải làm thế nào giống Phật.

Phật nói chính người gánh phân đã nỗ lực tinh tấn tu và đắc Thánh quả. Như vậy, người tu đúng Chánh pháp, ai cũng đắc Thánh quả, người đắc trước, người đắc sau. Và vua A Xà Thế đã nhận thấy cái quả của người tu; cũng vậy, các vương tôn công tử nhận thấy suốt cuộc đời họ phải chịu nhiều cực khổ nhưng cuối cùng cũng không được gì. Còn Sa-môn sống trong pháp Phật có vẻ nhàn hạ.

Được quả Sa-môn thứ nhất, tiến tu để gặt hái quả thứ hai. Phật nói với Ba Tư Nặc nhờ sống trong giáo pháp Phật, nhờ tuân thủ giới luật, Sa-môn không bị ăn uống, lợi danh, phú quý bức ngặt, nên không phạm 4 tội: sát, đạo, dâm, vọng thì không ai bắt bớ được, nên người tu được an vui, giải thoát, không bị ai quấy rầy.

Người đời bị nghiệp ăn, bị danh lợi lôi cuốn, tạo nhiều tội lỗi dẫn đến bị tù đày.

Sa-môn không phạm giới, không giữ tài sản, chỉ có ba y, nên họ không sợ mất mát, không sợ ai tranh giành. Thật vậy, trong số đệ tử Phật, có quan Tổng trấn phía Bắc thành Ca Tỳ La Vệ (Bạt Đề Ly) cho biết trước kia làm quan phải có lính canh bảo vệ, nhưng ông vẫn cảm thấy bất an. Bây giờ tu theo Phật, ngồi một mình cảm nhận hạnh phúc kỳ diệu, đó là quả Sa-môn đã hái được.

Một người khác nữa khi được bảy vương tử tặng tất cả đồ quý giá. Mới đầu, ông mừng, nhưng sau nghĩ lại, thấy châu báu đâm ra sợ người ta sẽ giết mình để đoạt lấy của báu. Ông cũng bỏ hết của báu này, cho người khác, rồi theo Phật tu, trở thành người trì luật đệ nhất. Đó chính là ngài Ưu Ba Ly đã giác ngộ rằng tiền của, danh vọng, quyền lợi làm chết người, vì những thứ này khiến người ta tranh giành, nói xấu nhau, cho đến sát hại nhau.

Chúng ta tu được Ly sanh hỷ lạc, tiến lên thực tập pháp Định sanh hỷ lạc, chuyện đời cắt hết, để tâm tập trung vào giáo pháp.

Riêng tôi hiểu giáo lý nhiều và hiểu sâu, nhờ có tập trung, có chánh niệm, luôn sống trong giáo pháp, nên dễ hiểu và thâm nhập tinh ba Phật dạy, là Định sanh hỷ lạc.

Người có chánh niệm quán sát cuộc đời rõ hơn, thì thập triền thập sử ràng buộc con người trong sinh tử luân hồi chính là cái gốc. Chúng ta cắt 10 sợi dây: tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ. 10 sợi dây thừng này gọi là thập triền, vì nó siết chặt con người trong khổ đau, kể cả ngoại đạo. Ngoại đạo bỏ tham, nhưng cái truyền thống của ngoại đạo là tà kiến thì họ không bỏ được.

Và tập trung được, chúng ta quan sát cuộc đời thấy biết rõ cái tham của chúng ta và nhờ chánh niệm, bỏ cái tham ăn uống, ngủ nghỉ, đồ sang trọng, cho đến tham lợi danh, cắt hết.

Có chánh niệm, chúng ta dễ dàng có chánh định và thường sống trong thiền định hơn là sống với bên ngoài, nên không bị tác động của vui buồn, vinh nhục chi phối.

Vì vậy, tôi thường nói chỉ cần Phật hiểu mình và mình hiểu mình, còn chúng ma, ngoại đạo không cần. Ta tu thế nào thì Phật biết, ta biết. Còn nhiều người cứ muốn người khác biết họ tu cao, học rộng.

Người tu thiệt thì không cần những thứ này. Ta nghĩ cuộc đời này là quán trọ, sau khi từ bỏ huyễn thân, biết chỗ trở về của mình, hoặc được gặp Phật là tốt nhất.

 

HT.Thích Trí Quảng

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin