Chi tiết tin tức

Tái sinh vào cõi lành

17:02:00 - 15/03/2017
(PGNĐ) -  Nói đến tái sinh ắt phải nói đến nghiệp. Vì nghiệp có ảnh hưởng lớn đến tái sinh. Nghiệp là hành động có tác ý gồm ý nghĩ, lời nói và việc làm. Nó tạo ra nhân, nhân sanh ra quả, tạo thành một chuỗi mắt xích vô tận trong cuộc sống mỗi người.  

Có bốn loại nghiệp: Cực trọng nghiệp là những hành động to lớn trọng yếu như cứu người (nghiệp thiện) và giết người (nghiệp ác). Tập quán nghiệp hay Thường nghiệp là những hành động thiện ác xảy ra hàng ngày đã trở thành thói quen, thành bản chất. Tích lũy nghiệp là tất cả hành động lành dữ đã tạo ra ở các kiếp trước. Và cuối cùng là Cận tử nghiệp, những hành động lành dữ lúc sắp chết.
 

taisinh.jpg
Nói đến tái sinh ắt phải nói đến nghiệp. Vì nghiệp có ảnh hưởng lớn đến tái sinh - Tranh PGNN

Lúc còn sống, chúng ta thường xuyên tạo nghiệp (lành hay dữ), cái bóng của nghiệp rớt lại trong tàng thức, gọi là chủng tử. Tuy nhiên, nghiệp sanh ra nhân, nhân sanh ra quả, nếu nhân quả chưa báo hết trong thời hiện tại thì cái bóng của nghiệp trong tàng thức chính là cái quả còn sót lại đó. Và, sau khi chúng ta chết, tàng thức mang chủng tử đó đi tái sinh, khi gặp thuận duyên, nó sẽ sinh khởi hiện hành, tức là tái sinh con người mới, kiếp sống mới.

Trong bài “Nghiệp và tái sinh” (Giác Ngộ số 863 ra ngày 16-8-2016) tác giả có nói đến việc Đức Phật dùng ảnh dụ về việc tái sinh đại khái như sau: “Một đàn bò bị nhốt trong chuồng, cửa mở, con chạy ra trước tiên là con mạnh nhất, nếu không có con mạnh nhất thì con đầu đàn, nếu không có con đầu đàn thì con gần cửa nhất, nếu không có con gần cửa nhất thì cả đàn sẽ chen ra cùng một lúc”. Qua đó chúng ta thấy hình ảnh cái chuồng là tàng thức, đàn bò là quả (thức tái sinh), cửa chuồng mở là khi chúng ta chết, bò chạy ra là quả tái sinh. Khi chúng ta chết, những cái quả trong tàng thức sẽ dẫn chúng ta tái sinh. Nếu không có cái quả Cực trọng nghiệp (con bò mạnh nhất) dẫn đi thì cái quả Tập quán nghiệp (con đầu đàn) sẽ dẫn đi, nếu không có cái quả Tập quán nghiệp thì cái quả Cận tử nghiệp (con gần chuồng nhất) dẫn đi và nếu không có cả ba quả trên thì cái quả Tích lũy nghiệp (cả đàn bò cùng ra một lúc) sẽ dẫn đi.

Con người mới không khác con người cũ nhưng không phải con người cũ. Bởi vì, tuy nghiệp là chủ tâm, xuất phát từ ý nghĩ, thông qua lời nói, việc làm mới thành hành động. Nhưng, hành động được thực hiện hay không lại do những yếu tố khách quan quyết định. Thí dụ, anh A thấy anh B có nhiều cử chỉ, lời nói, thái độ khiêu khích, thách thức, anh A mới chửi, mới đánh anh B. Nếu không có những yếu tố khách quan của anh B tác động thì anh A sẽ không hành động tạo nghiệp. Do đó, nghiệp không có tự tướng, do duyên sinh cho nên con người tái sinh chỉ kết nối với kiếp sống trước qua cái quả (chứ không phải nghiệp) trong tàng thức. Đã là cái quả và do duyên sinh thì không thể nói cái nghiệp “của ta” và “ta” tái sinh. 

Cái gì thúc đẩy chúng ta tạo nghiệp? Đó là cái tâm, “Phi mao tùng thử đắc. Tố Phật dã do tha” (thành súc sinh hay thành Phật đều do đây). Từ xưa đến nay chúng ta thường đổ thừa số phận khi gặp thất bại, bất hạnh khổ đau trong cuộc sống. Đó là tri kiến sai lầm, là vọng tưởng. Chúng ta giàu sang, sung sướng hạnh phúc là do chúng ta tạo nhiều nghiệp thiện lành, ngược lại, nghèo hèn, khổ đau bất hạnh là do tạo nhiều nghiệp xấu ác. Như vậy, nếu chúng ta muốn thoát cuộc sống nghèo hèn, khổ đau bất hạnh ở hiện tại và tương lai thì phải chuyển nghiệp xấu ác sang thiện lành. Để chuyển nghiệp, trước tiên chúng ta phải tu tâm, đưa nó về trạng thái định, không còn tham-sân-si-mạn-nghi-ác kiến. Kế đến là tu thân, xa lìa dục lạc thế gian, buông bỏ chấp thủ cho thân lắng dịu, an tịnh. Sau cùng là tu giới, tức là chấp trì nghiêm cẩn năm giới cấm cơ bản của người Phật tử cho Từ bi, Trí huệ phát sinh, lánh xa việc xấu ác, gần gũi việc thiện lành.

Tuy nhiên, chúng ta không nên quá tin tưởng vào việc chuyển hết nghiệp vì phàm phu thì nghiệp xấu ác chỉ bớt đi chứ không bao giờ hết hẳn. Chúng ta cũng không nên vì vậy mà nản chí. Bớt được bao nhiêu đỡ bấy nhiêu. Thí dụ như lóng phèn lu nước đục, phần trên nước có trong, sử dụng được nhưng vẫn còn mang nhiều chất bẩn. 

Tóm lại, như khi viết văn, các nhà văn thường chuyển ý đoạn văn đầu sang đoạn văn sau trong một câu văn bằng dấu chấm phẩy. Để cho ý tứ câu văn liền mạch, đúng cú pháp, hoản hảo từ câu đầu đến câu sau, họ phải chọn từ ngữ kỹ lưỡng ngay từ câu đầu. Cuộc đời cũng như một câu văn, trong đó sự sống là đoạn văn đầu, cái chết là đoạn văn sau, ranh giới giữa sự sống và cái chết là dấu chấm phẩy, chứ không phải dấu chấm. Nghĩa là chết không phải chấm dứt sự sống mà là một sự chuyển tiếp từ kiếp trước sang kiếp sau, từ kiếp này sang kiếp khác mà thôi. Để cho sự chuyển tiếp đó được hoàn chỉnh và hoàn hảo chúng ta cũng nên bắt chước các nhà văn, chọn cho mình những điều tốt đẹp nhất ngay trong hiện tại. 

Trương Hoàng Minh

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin