Chi tiết tin tức Tinh thần Phật giáo Đại thừa 22:30:00 - 24/07/2020
(PGNĐ) - Thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy đánh dấu mốc từ khi Đức Phật thành đạo đến khi Đức Phật vào Niết-bàn. Và sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, Phật giáo được truyền bá theo hai con đường, một con đường truyền xuống phía Nam Ấn Độ gọi là Nam truyền Phật giáo và con đường truyền lên phía Bắc Ấn Độ gọi là Bắc truyền Phật giáo.
Trong Nam truyền Phật giáo, từ thời vua A Dục, người con của nhà vua này xuất gia làm Sa-môn đã truyền bá Phật giáo xuống đảo Tích Lan và ở đây đã ghi chép bộ kinh Pali trên lá bối còn lưu giữ đến ngày nay.
Và khi Phật giáo truyền lên phía Bắc cũng có kiết tập kinh điển, nhưng sự kiết tập quan trọng nhất là vào thời vua Ca Nị Sắc Ca. Từ đó, các bộ kinh điển Đại thừa ra đời gồm có Duy Ma, Thắng Man, Vô lượng thọ, Quán Vô lượng thọ tức kinh A Di Đà, Dược Sư, Đại Bảo tích, Pháp hoa, Bát-nhã, Hoa nghiêm và Niết-bàn.
Đại là lớn, là đông, là đại chúng. Đại thừa có nghĩa là mở rộng. Vì vậy, tinh thần Phật giáo Đại thừa thể hiện rõ nét rằng Phật giáo đến vùng nào thì nhẹ nhàng kết hợp với nền văn hóa, văn minh của nơi đó làm cho giáo pháp Phật được mở rộng thêm.
Trong khi Nam truyền Phật giáo phát triển ít và còn giữ lại hai hình thức của thời kỳ Phật còn tại thế là vấn y và khất thực. Ngày nay, Phật giáo Nam truyền có mặt ở các nước Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia và cũng được truyền bá sang một số nước Âu Mỹ.
Hình thức phục sức của tu sĩ Nam truyền Phật giáo vấn y theo kiểu Phật còn tại thế, vì y phục này là văn hóa của Ấn Độ. Và khi Phật giáo truyền bá đến các nước Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia thì cách ăn mặc ở các nước này cũng giống với Ấn Độ nên không có sự thay đổi về y phục của tu sĩ Nam truyền.
Thứ hai là các Tỳ-kheo phải đi khất thực, vì Phật tại thế, Ngài cấm Tỳ-kheo tham chính, sản xuất, buôn bán. Vì thế, hình thức khất thực được coi là pháp căn bản nhất của Phật giáo Nam truyền.
Thật vậy, Tỳ-kheo nghĩa thứ nhất là khất sĩ, lấy khất thực làm hạnh chính. Vì Tỳ-kheo không có vật dụng nào khác ngoài y bát thể hiện ý nghĩa xuất gia không được sở hữu bất cứ thứ gì và chỉ lấy ba pháp ấn là không, vô tác và vô nguyện làm chuẩn mực tu hành. Trước nhất, Tỳ-kheo luôn an trụ pháp không, từ tư tưởng là không cho đến mạng sống cũng không và nhìn cuộc đời là biển khổ. Vì vậy, người tu cần ra khỏi biển khổ cuộc đời càng sớm càng tốt gọi là xuất thế tục gia, không dính líu đến cuộc đời.
Đầu tiên bỏ nhà thế tục và tu hành để tâm không còn buồn giận lo sợ, đoạn sạch phiền não gọi là xuất phiền não gia, thì tâm hoàn toàn trống không mới trụ được pháp không để cuối cùng ra khỏi ba cõi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.
Dục giới có 6 cõi trời cũng còn ở trong 6 nẻo luân hồi, đó là cõi Tứ thiên vương thiên, Đao lợi thiên, Dạ ma thiên, Đâu suất đà thiên, Hóa lạc thiên và Tha hóa tự tại thiên.
Trời hay chư thiên có đời sống cao hơn loài người, nhưng họ còn dục, còn ham muốn, còn tình cảm. Chư thiên có nam, nữ nhưng không có dâm dục giống trần tục. Tuy nhiên họ còn có dục tâm nên họ còn hưởng thụ vui chơi, nhưng thân của họ vi tế hơn thân con người. Con người thuộc thai sanh là phải chui vô thai mẹ mới sanh ra được. Trong khi thân chư thiên là Hóa sanh, nên họ không bị khổ như thai sanh. Tùy theo phước tu được mà có Hóa thân tương ưng, vì vậy có phước mới làm chư thiên.
Nhưng Phật nói chư thiên hưởng hết phước cũng bị đọa xuống làm người. Quan sát loài người, Phật dạy rằng trong cõi người có ngũ thú tạp cư nghĩa là thế giới loài người có đủ năm loại người sinh sống là chư thiên, con người và những người thuộc ba đường ác của địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh sanh lại.
Nếu là chư thiên bị đọa xuống làm người thì cốt cách thần tiên còn nên họ là người thông minh, tánh thuần hậu, sức khỏe tốt, ngoại hình đẹp. Nếu chúng sanh của ba đường ác sanh lại làm người thì họ có ngoại hình khó coi, tánh hung dữ, hôi dơ, xấu xí, nghèo khổ, ngu dốt. Còn người sanh lại thì thuộc hạng trung bình.
Trở lại Tam pháp ấn của Tỳ-kheo theo Phật giáo Nam truyền, trụ pháp không thì dứt bỏ thú vui của loài người, của chư thiên và thú vui của 18 cõi trời Sắc cũng bỏ luôn để ra khỏi lục đạo tứ sanh, tức chấm dứt sanh tử luân hồi và chứng quả vị A-la-hán không tái sanh lại. Nam truyền Phật giáo vẫn giữ truyền thống này. Tuy nhiên, cũng có một số cải cách vì không phải ai cũng giữ trọn được pháp này. Thật vậy, giữ hình thức vấn y theo Phật thì được, hoặc giữ hạnh đầu-đà ngày ăn một bữa. Còn những điều khác như không giữ tiền, hay đi khất thực thì có vị cũng không tuân thủ. Thiết nghĩ đó là sự cải cách cho phù hợp để đời sống tu hành được thuận lợi.
Còn Phật giáo Bắc truyền khi tiến lên phía Bắc đã tiếp nhận những nền văn minh mới truyền sang. Thật vậy, từ thời Alexandre đại đế đã đem quân xâm chiếm Ấn Độ và văn minh của Hy Lạp, Ai Cập là hai nền văn minh lớn của Trung Đông cũng theo đó mà thâm nhập vào đất Ấn. Theo lịch sử, 5.000 năm trước Tây lịch, loài người đã có ba nền văn minh lớn là văn minh của Ai Cập, văn minh của Ấn Độ và văn minh của Trung Hoa.
Phật giáo Bắc truyền lên phía Bắc liền tiếp thu văn minh Ai Cập, Hy Lạp vì theo tinh thần Đại thừa hay đại chúng, những gì chúng ta chưa biết thì phải học, không chê bỏ những cái hay khác với mình. Thể hiện rõ nét tinh thần tiếp thu sâu sắc tinh ba của văn minh Ai Cập, nhất là về toán học và thiên văn học, chúng ta thấy kinh Hoa nghiêm thường đề cập đến hai lãnh vực này.
Khi Phật tại thế, những gì không biết thì hỏi Phật, nhưng Ngài ở Niết-bàn, chúng ta căn cứ vào lời Phật dạy. Phật nói rằng những gì Ngài nói ví như nắm lá trong tay, còn giới hạn. Những gì Phật biết như lá trong rừng, mà Phật không thể nói được vì mọi người không có khả năng tiếp thu, không thể sử dụng. Ý này Phật thường ví như người bị mũi tên độc, phải mau rút mũi tên độc và chữa sạch vết thương để cứu mạng sống. Bấy giờ mà nói về vũ trụ bao la hình thành như thế nào, con người từ đâu đến đây… quả là vô ích. Bao giờ mọi người có khả năng hiểu, Phật mới nói, ví như người mù được sáng mắt, mới có thể diễn tả màu sắc cho họ.
Vì vậy, trên con đường truyền bá Chánh pháp, căn cứ lời Phật dạy, Bắc truyền Phật giáo trước tiên tiếp thu văn minh Ai Cập và Hy Lạp tiêu biểu cho tinh ba của kiến thức nhân loại, sau đó truyền xuống Trung Á, Phật giáo lại tiếp thu luôn văn minh của Trung Hoa.
Nhưng phải khẳng định rằng kinh điển Đại thừa và kinh Nguyên thủy là một, không phải hai. Thật vậy, tuy cùng một việc, nhưng người thông minh hiểu khác, người chỉ hiểu theo ngôn ngữ, hay hiểu bề ngoài, không hiểu chiều sâu thì khác. Vì trình độ hiểu biết khác, năng lực khác mà có sự diễn dịch kinh điển khác nhau. Vì vậy, với sự kết hợp ba nền văn minh lớn của loài người lại có thêm tuệ giác vô thượng của Đức Phật và kinh nghiệm tu hành của chư vị Tổ sư đã tạo nên sự ra đời của kinh điển Đại thừa toát lên tính chất sâu sắc hơn, nên được nhiều người tiếp thu và được vua chúa Trung Hoa ủng hộ.
Khi Phật giáo Đại thừa truyền sang Trung Hoa, đến Mông Cổ, Tây Tạng, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam thì có phần khác hơn Phật giáo Nguyên thủy. Đó là Phật giáo Đại thừa chẳng những chấp nhận văn minh của nhân loại mà còn chấp nhận cả nền văn hóa bản địa ở nơi Phật giáo đặt chân đến. Sự tùy thuận này nhằm giúp cho sự tu hành của tu sĩ thích hợp với phong tục tập quán của từng quốc gia, từng vùng miền và tạo nên sự tồn tại vững bền của Phật giáo trong công cuộc hoằng dương Chánh pháp lan rộng khắp mọi nơi.
Thật vậy, khi Phật giáo truyền đến Trung Hoa, văn hóa nước này không chấp nhận thầy tu trẻ tuổi, khỏe mạnh đi khất thực, nên người ta không theo. Vì thế, các vị Tổ nhận thấy nước này có sẵn Khổng giáo chủ trương xây dựng đời sống theo Tam cương Ngũ thường và Lão giáo có thiên văn, địa lý, bói toán mà người dân Trung Hoa và vua chúa cũng tin theo.
Nếu đến đó mà nói theo Nguyên thủy là không có địa lý, thiên văn, bói toán thì ai chịu nghe theo.
Truyền bá đạo pháp phải tùy người, tùy chỗ mà hành xử cho thích hợp, nhưng Phật giáo vẫn có bản chất riêng. Bước đầu, Phật giáo chấp nhận tư tưởng của người, nhưng trí tuệ của tu sĩ Phật giáo hơn người và việc làm tốt hơn người thì họ cũng phải đồng thuận theo.
Tinh thần Phật giáo Đại thừa chủ trương tu sĩ phát huy hiểu biết càng nhiều càng tốt, cho đến hiểu biết hơn người, từ đó Phật giáo Đại thừa mới đủ năng lực hội nhập vào xã hội Trung Hoa, cũng như gắn bó mật thiết với xã hội Việt Nam qua thuyết Tam giáo đồng nguyên.
Thật vậy, khi Phật giáo mới du nhập vào Trung Hoa thì để tùy thuận mới nói rằng việc bói toán, cúng sao giải hạn của Lão giáo là nhất và Tam cương Ngũ thường của Khổng giáo cũng nhất. Nhưng lần hồi, người ta thấy các vị cao tăng hiểu biết hơn các ông đồ nho, hơn các ông đạo sĩ. Vì hiểu biết của họ có giới hạn trong lãnh vực của họ thôi và họ ôm chặt lấy hiểu biết hạn hẹp như vậy tất nhiên chẳng thể nào hơn nổi tu sĩ Phật giáo thông cả Lão giáo, Khổng giáo và Phật giáo. Vì vậy, người ta nhận xét rằng dân chúng bản địa trước sùng Nho, sau họ trọng Thích. Thực tế là các ông vua Trung Hoa, hoặc các vị vua thời Đinh-Lê-Lý-Trần nước ta theo đạo Phật vì thấy Phật giáo hay hơn Nho giáo, Lão giáo. Thể hiện tinh thần hòa hợp, Phật giáo Việt Nam tôn trọng đạo Khổng, đạo Lão, nhưng vị trí của đạo Phật vẫn cao hơn, cao hơn về hiểu biết vì Phật giáo đã tổng hợp được văn minh Ai Cập, Ấn Độ và Trung Hoa. Cho nên các vị cao tăng chú sớ kinh điển Đại thừa mang tính đại chúng phổ cập được nhiều thành phần xã hội.
Phật giáo Đại thừa với tinh thần mở rộng giáo pháp và hài hòa vào sinh hoạt đa dạng của xã hội, thì hình thức nào cũng được, không nhứt định phải là khất thực, vì khất thực chỉ là phương tiện để cảm hóa quần chúng.
Đức Phật là bậc Thầy tối cao của trời người, Ngài thừa phước đức, không cần phải đi xin ăn, rõ ràng Ngài đã vứt bỏ cuộc sống nhung lụa của vua chúa. Sở dĩ Đức Phật chọn việc khất thực vì Ngài muốn phá bỏ truyền thống phân chia giai cấp cổ hữu sai lầm từ ngàn đời của Ấn Độ, nên Ngài đưa ra thuyết bình đẳng và thể hiện chân lý bình đẳng bằng cách sống chung với giai cấp Sa-môn thấp nhất. Phật đã chứng minh được rằng dù Ngài mặc áo phấn tảo và đi khất thực, nhưng không ai dám xem thường Phật, vì Phật hơn tất cả mọi người ở trí tuệ vô thượng và đạo đức thánh thiện siêu tuyệt. Với hai khả năng tối ưu này, Phật mới cảm hóa mọi người một cách dễ dàng.
Theo dấu chân Phật, Đại thừa Phật giáo lấy trí tuệ và đạo đức là chính yếu, còn tu theo hình thức nào cũng được. Và đạo đức hơn người theo Đại thừa nghĩa là tu sĩ có cuộc sống mang lại lợi ích cho cuộc đời. Chính Đức Phật đã thể hiện yếu lý này, Ngài nói rằng Ngài ra đời vì lợi ích cho chư thiên và loài người, lợi ích cho số đông. Nếu quan sát thực tế xã hội, chúng ta thấy rõ người nghèo ở bất cứ quốc gia nào cũng chiếm số nhiều nhất. Vì vậy, Phật giáo Đại thừa tu theo yếu lý Phật dạy, chủ trương làm lợi ích cho nhiều người chính là mẫu người đạo đức thực sự.
Kinh Pháp hoa dạy rằng Đức Phật ở thế giới vĩnh hằng bất tử và Ngài hiện thân vào thế giới loài người ở vị trí cao sang nhất, nhưng Ngài từ bỏ vinh hoa phú quý mà chọn đời sống Sa-môn đi khất thực để gần gũi và dìu dắt những người nghèo khổ yếu thế giúp họ thoát khổ và có được cuộc sống thánh thiện.
Thực hiện tinh thần đồng sự nhiếp theo Phật, ngài Ma Ha Ca Diếp là đại đệ tử của Phật và xuất thân từ gia đình giàu có, đâu phải thiếu ăn thiếu mặc, nhưng ngài đã mặc áo vải bó thây ma và vào xóm nghèo khất thực để có cơ hội tiếp cận và lần lần cảm hóa những người ăn mày ngu dốt.
Còn ngài Tu Bồ Đề thì trái lại, ăn mặc sang trọng và cầm bình bát bằng vàng do vua cúng dường, chỉ khất thực ở khu giàu có và vào nhà vua chúa để giáo hóa. Cầm bát vàng mà lang thang vô xóm nghèo chắc chắn mất bát, thậm chí mất mạng.
Vì vậy, muốn giáo hóa tầng lớp nào phải ăn mặc và làm giống họ, không cần hình thức cố định. Chỉ cần có hiểu biết hơn người mà tùy theo yêu cầu và khả năng của người để hướng dẫn họ có cuộc sống phát triển. Vì thực hiện yếu nghĩa này, chúng ta thấy đệ tử Phật mỗi người có một hạnh khác nhau.
Khi Phật tại thế, đệ tử Phật còn đa hạnh, thì ngày nay mỗi tu sĩ có việc làm khác nhau là tất yếu, không được chê nhau. Tuy đệ tử Phật, mỗi người làm khác nhau, nhưng đều có mục tiêu giống nhau là làm lợi ích cho số đông. Nếu chưa làm được lợi ích thì cũng không làm hại cuộc đời. Đó là tính cách mở rộng của Phật giáo Đại thừa.
Sau khi Phật Niết-bàn, kinh điển được kiết tập có khác nhau. Tuy nhiên, dù cho rằng tạng kinh Pali đã ghi nguyên lời Phật dạy, nhưng cũng phải từ khoảng 300 năm đến 500 năm sau mới được ghi chép thành kinh. Còn trước đó, các thầy cố gắng học thuộc lòng lời Phật dạy để truyền miệng lại cho đệ tử, vì lúc đó chưa có chữ viết.
Nhưng thiết nghĩ một khi đã học, hiểu và áp dụng vào đời sống tu hành có được sở đắc do tu chứng thì chắc chắn gặt hái được sự hiểu biết cao hơn và đức hạnh cũng thăng tiến hơn. Không phải tu giậm chân tại chỗ.
Vì vậy, theo Phật giáo Đại thừa, phát triển đạo đức là làm lợi ích cho nhiều người và được người quý mến, đó là thiện. Làm những gì người không chấp nhận là ác.
Ngoài ra, sự hiểu biết của chúng ta cũng phát triển theo từng cấp bậc tu chứng. Ban đầu, thầy nói sao thì ta hiểu vậy là hiểu văn tự ngữ ngôn. Nhưng tu hành, chúng ta có suy nghĩ để từng bước phát huy trí tuệ cho đến có được trí tuệ vô thượng là thành tựu Phật quả.
Và tụng quyển 7 kinh Pháp hoa trải qua nhiều năm, tôi thấy hay quá, vì từng việc của Bồ-tát Diệu Âm, Quan Âm, Phổ Hiền ghi trong quyển này hiện rõ trong tâm tôi và tôi thực tập thấy quả đúng như Phật dạy.
Thật vậy, tụng kinh Pháp hoa tôi nhận ra Diệu Âm hành Bồ-tát đạo, ngài đã tu nhân hạnh gì để thành tựu tôn danh là Bồ-tát Diệu Âm, đó là điều quan trọng, không phải chỉ tụng kinh suông.
Diệu Âm tu hành bằng cách cúng dường âm nhạc dâng lên Phật. Thí dụ cho dễ hiểu Diệu Âm tụng kinh vang lên âm thanh vi diệu khiến người nghe mát lòng và phát tâm tu. Triển khai ý này, Phật giáo Đại thừa có những bài kệ, bài sám được tán tụng theo điệu nhạc để khơi dậy cho người nghe cảm nhận an lạc, muốn tu. Còn tụng kinh mà làm người bực bội là sai.
Hành Bồ-tát đạo phải nói sao cho người mát lòng êm tai, nói ngược lại thì ai nghe. Điển hình như Phật thấy người Bà-la-môn lạy sáu phương mỗi ngày để cầu làm ăn phát đạt, nhưng không hiểu tại sao phải lạy như vậy, vì họ chỉ biết lễ lạy theo phong tục tập quán Ấn Độ. Phật không bác bỏ cách lễ lạy này, nhưng Ngài nương theo đó để dạy thêm rằng khi lạy phương Đông phải nghĩ đến công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên để được họ phò hộ thì làm ăn mới khá. Nghe xong, ông này khen Phật dạy hay quá và hứa sẽ làm theo Phật.
Theo Phật, làm gì cũng phải suy nghĩ, có hiểu biết và phải hiểu ý nghĩa sâu xa. Đức Phật đã thực hiện lý này và Phật giáo Đại thừa theo đó mà phát triển chiều sâu mới có Bồ-tát Diệu Âm.
Kinh Pháp hoa nói Diệu Âm nhờ có âm thanh kỳ diệu, nên khi ngài xuất hiện đã làm cho chúng hội cảm thấy mát lòng. Đó là ý mà chúng ta phải học.
Diệu Âm tới Kỳ Xà Quật thì 84.000 hoa sen báu liền hiện ra để đối trị 84.000 phiền não trần lao. Vì ở Ta-bà, mỗi người đều có phiền não trần lao, cho nên Bồ-tát đến Ta-bà với thân đạo đức ví như hoa sen tỏa hương thơm làm dịu mát tâm hồn đại chúng.
Phật giáo Đại thừa triển khai tinh ba này qua kiến giải của Trí Giả đại sư rằng núi Kỳ Xà Quật là Linh Thứu sơn. Linh là chân linh, Thứu là vọng thức và sơn là thân tứ đại. Mang thân tứ đại thì vọng thức tràn đầy, còn chân linh thì sâu kín bên trong. Hành giả tới Ta-bà đối diện với 84.000 phiền não trần lao của mọi người, tốt nhất là đừng làm mất lòng người. Mỗi người có hoàn cảnh riêng, phải tùy theo đó mà nói những gì thích hợp với họ để họ dễ chấp nhận, không có một pháp cố định nào. Nói tóm gọn, không gì khác hơn là tới bằng 84.000 hoa sen làm người phát tâm và cũng làm cho hành giả tăng tấn đạo hạnh.
Đừng hiểu lượm hoa rơi ở Cực lạc là lượm hoa thật, hoa này là tinh ba của Phật dạy để vô thân tứ đại của mình, không phải cái đãy bên ngoài. Vì đem Phật pháp để vô tâm sẽ hiện hảo tướng và có hành động của Bồ-tát làm cho người phát tâm, đó là Phật sự. Thí dụ chúng ta đến vùng dân nghèo tặng quà rồi về khiến họ nhớ lòng tốt của mình, quý mình. Đó là học kinh Đại thừa, hiểu kinh Đại thừa và thực hành theo kinh Đại thừa. Điều này khác với việc cố giữ hình thức mà lại trở thành phản tác dụng. Thật vậy, Pôn Pốt giết tất cả các nhà sư, mà người tu cứ mặc áo sư thì làm cách nào sống được. Lúc đó, người bạn tôi là Hòa thượng Pháp sư Um Sum nổi tiếng ở Campuchia đã cởi áo sư, lấy bùn bôi lên mặt, giả làm nông dân nên ngài mới sống sót để sau này phục hồi Phật giáo Campuchia.
Tóm lại, Phật giáo Đại thừa chủ trương thực hành cốt lõi của Phật pháp là phát huy trí tuệ và làm việc lợi ích cho số đông, để Phật pháp được mở rộng, tạo thành thế giới an vui, hiểu biết, hòa bình, phát triển cho muôn loài mọi giới. HT.Thích Trí Quảng
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |