Chi tiết tin tức Ý nghĩa đời người 20:24:00 - 13/09/2019
(PGNĐ) - Mục đích của đời người là gì? Đây là câu hỏi rất phổ biến mà người ta thường hay hỏi. Có một số người đã trả lời câu hỏi này theo cách của họ, nhưng vẫn chưa làm thỏa mãn các bậc thức giả.
Thật không dễ gì đưa ra một câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề tưởng chừng bình thường nhưng rất phức tạp này. Lý do là bởi vì, có lẽ họ đã không thể nhìn sự vật một cách khách quan và đúng mức. Họ nhìn cuộc đời theo cái thấy, cái biết rất chủ quan của họ. Các bậc thầy tôn giáo, những triết gia vĩ đại, các nhà thơ nổi tiếng và những nhà tư tưởng lớn của nhân loại từ xưa đến nay đều thể hiện sự không thỏa mãn về cuộc đời. Họ không ngừng hỏi: “Tại sao chúng ta sinh ra trong thế giới đầy đau khổ này?”. Khi tìm hiểu tư tưởng, cái nhìn của họ về cuộc đời, ta thấy rằng không có ai trong số họ có thể vẽ bức tranh cuộc đời một cách rõ ràng và đầy đủ. Một số người cho rằng chúng ta là nạn nhân của thượng đế. Thượng đế làm cho chúng ta đau khổ để thử lòng trung thành của ta với ngài. Có người nói cuộc sống là tự nhiên. Có người nghĩ nếu chúng ta không sinh ra thì hay biết mấy. Mỗi người hiểu cuộc đời theo hoàn cảnh và kinh nghiệm của riêng họ, hoặc cạn cợt hoặc sâu sắc. Có người cho rằng cuộc đời không có mục đích gì cụ thể mà chúng ta sử dụng cuộc đời mình cho bất kỳ mục đích nào. Cũng có người cho rằng ta nên sử dụng cuộc đời mình để làm lợi ích thiết thực cho bản thân và cho người khác. Và đây có lẽ là cách sử dụng cuộc đời một cách thông minh nhất. Thật vậy, nếu chúng ta lạm dụng cuộc đời mình vào những việc như làm tổn thương hay xúc phạm nhân phẩm người khác, vi phạm pháp luật và các nguyên lý đạo đức, sống trôi theo bản năng dục vọng thì chúng ta không thể đạt được cái gì có giá trị cho cuộc đời mình. Ngược lại, nếu chúng ta hành động một cách thông minh bằng cách thực hành các nguyên lý đạo đức và phẩm chất tốt đẹp như nhẫn nhục, bao dung, thông cảm, nhân văn và từ bi cũng như phục vụ người khác và rèn luyện tâm trí mình cho sáng suốt và công bằng thì ta sẽ đạt được những giá trị cao thượng và ích lợi cho mọi người. Người nào có thể làm được những điều như trên thì chắc chắn rằng tâm hồn của họ sẽ trải nghiệm được cảm giác bình yên, hạnh phúc, tĩnh lặng và hài lòng. Cuộc sống do đó trở nên đáng sống cũng như có ý nghĩa và lợi ích hơn cho cộng đồng. Tình yêu chân chính thì không phân biệt, không chấp thủ và không điều kiện. Chúng ta nên thực hiện và chia sẻ tình yêu như thế với tất cả mọi người. Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu xem quan điểm của Phật giáo về giá trị con người như thế nào. Theo Phật giáo thì điều gì sẽ làm tăng phẩm chất và sự cao thượng của con người? Đó có lẽ là đạo đức, luân lý, tri thức và những giá trị thuộc về tinh thần và tâm linh mà chúng ta đề cao và lấy đó để làm thước đo giá trị của mỗi người trong mối quan hệ hàng ngày với nhau. Con người có lý trí nên biết phân biệt giữa đúng và sai, biết cái gì cao thượng, cái gì thấp hèn, cái gì đáng tự hào và cái gì đáng hổ thẹn. Và cũng chính nhờ biết những cái này mà con người khác với các loài động vật khác. Từ “manussa” trong tiếng Pali có ý nghĩa là “người có khả năng phát triển nhận thức”. Phát triển nhận thức nghĩa là biết phân biệt đạo đức và phi đạo đức, tốt và xấu, đúng và sai. Rõ ràng, những đặc điểm này là thuộc tính của con người, không phải của loài vật. Loài vật hành động theo bản năng. Chỉ có con người là phát triển nhận thức hay năng lực tư duy ở mức độ cao. Chỉ có con người mới có thể thành Phật. Dù có tôn giáo hay không, nếu hành động của con người được hướng dẫn bởi hai yếu tố quý báu mà nhờ đó con người xứng đáng là con người. Hai yếu tố đó, tiếng Pali là “hin” và “ottappa” và được dịch là “tàm” và “quý”, nghĩa là hổ thẹn và e sợ (khi làm việc xấu). Hai yếu tố này làm cho con người khác với các loài vật. Tuy nhiên, khi con người đánh mất đi hai yếu tố quan trọng này thì họ sẽ bị tác động mạnh mẽ bởi những tính xấu như tham, sân, si, thù hằn, ganh ghét, ích kỷ, vô luân… cũng như những thói hư tật xấu như rượu chè, bài bạc, hút chích. Họ không chỉ đánh mất đi sự cân bằng của cuộc sống cá nhân mà còn đánh mất đi phẩm chất làm người. Không có hổ thẹn và sự e sợ, con người chẳng khác nào các loài vật vậy. Con người phát triển rất nhanh trên nấc thang tiến hóa. Họ đạt được những thành tựu hết sức ấn tượng trong khoa học, tâm lý học và vật chất. Con người hiện nay cũng đang thực hành rất nhiều loại hình tôn giáo, tín ngưỡng, truyền thống, phong tục, từ thiện… Trong khi chúng ta rất tự hào mình là những người văn minh thì cũng có không ít người có cách hành xử còn thua các loài vật. Một người đáng được kính trọng là người biết tàm và quý, là người có lòng tốt, có từ bi và cảm thông, là người biết sợ khi làm hại người khác nhưng không bao giờ kể công khi giúp đỡ ai. Những người như thế rất đáng được yêu mến và tán dương. Chúng ta không được để cho những giá trị mang tính nhân văn bị xúc phạm mà cần phải phát triển chúng. Thông qua việc phục vụ cộng đồng, chúng ta có dịp phát triển các phẩm chất cao quý như hiểu biết, yêu thương, chân thật, giản dị, tử tế, nhu nhuyến, khiêm nhường. Và chúng ta có quyền tự hào khi làm được những điều đó. Có một số đặc tính thuộc về bản chất của con người cần được bảo vệ và nuôi dưỡng một cách cẩn thận để trở thành một người hữu ích. Nói một cách thẳng thắn, có ba đặc tính trong con người của chúng ta là thú tính, nhân tính và thiên tính (đức tính thánh thiện trong sáng của mỗi người, hay còn gọi là Phật tính). Những đặc tính này tác động đến cách hành xử của chúng ta ở những mức độ khác nhau. Nếu chúng ta buông lơi thú tính mà không kềm thúc chúng lại thì chúng ta sẽ trở thành cái của nợ đối với xã hội. Tôn giáo là công cụ quan trọng để giúp con người kềm thúc thú tính của mình. Tôn giáo với những lời dạy cao quý của những bậc thầy tâm linh vĩ đại có thể hướng dẫn con người hành xử đúng mực. Tôn giáo cũng là công cụ để tu tập, nuôi dưỡng và cải thiện nhiều khía cạnh ẩn sâu bên trong bản tính con người. Bằng sự thực tập kiên trì, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu tối cao của con người. Đó là thiên tính hay bản tính thánh thiện vốn có của tất cả chúng sinh. Và khi đã đạt được thiên tính rồi thì những cảm xúc tầm thường như tham, sân, si, thù hận, ghen tuông, đố kỵ và những thuộc tính xấu xa khác sẽ được loại trừ. Điều này làm cho con người trở nên cao thượng và xứng đáng hơn với sự kính trọng cao nhất của con người. Thiên tính dựa trên sự phát triển của lòng từ hay sự quan tâm đến hạnh phúc của người khác, lòng bi hay thương người đau khổ, lòng hỷ hay vui với sự phát triển của người khác và lòng xả hay không thiên vị đối với được mất, khen chê. Điều đáng nói là một số tôn giáo có sự hiểu sai lầm rằng con người có thể đạt được thiên tính bằng cách cầu nguyện hay sùng bái hoặc thực hiện một số nghi lễ nào đó. Không đơn giản như vậy. Chúng ta phải hoàn thành các trách nhiệm và bổn phận của con người, phải tu tập và phát triển bản chất cao thượng của con người mới có thể đạt được thiên tính. Một mặt chúng ta loại trừ tất cả những điều xấu ác, đồng thời thực hiện tất cả các điều thiện vì lợi ích và an vui cho hết thảy chúng sinh. Theo quan điểm của Phật giáo thì các tôn giáo là để hướng dẫn con người, chỉ cho con người con đường chân chính để sống trong bình yên và hạnh phúc. Tất cả các tôn giáo nên cung cấp cho các tín đồ những chỉ dẫn đúng đắn và thích hợp để họ có thể sống, ăn uống và làm việc trong sự tương kính và hiểu biết lẫn nhau. Các tôn giáo nên cộng tác với nhau để tất cả mọi người có thể sống với nhau một cách hòa đồng. Giữa các tôn giáo không nên có sự kỳ thị cao thấp, không thù hằn, ganh tỵ, không nên coi nhau như kẻ thù không đội trời chung. Với những gì đã đề cập, rõ ràng ý nghĩa của đời người không phải là duy trì thái độ ích kỷ chỉ biết có lợi ích và sung sướng cho bản thân mà là hành động vị tha giúp đỡ người khác. Những vĩ nhân và những người thông thái từ xưa đến nay đã tìm thấy sự mãn nguyện trong việc cứu giúp chúng sinh. Thông qua hành động cứu giúp người khác, những đức tính tốt đẹp vốn có trong mỗi người được khơi dậy và phát triển. Cho nên khi chúng ta phục vụ người khác cũng chính là phục vụ cho mình. Khi chúng ta giúp người khác thoát khỏi khổ đau thì chúng ta đồng thời cũng tìm được hạnh phúc và sự bình yên tĩnh lặng trong tâm hồn mình vậy. Dhammananda
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |